Saturday, June 19, 2010

PG với việc thành lập, phát triển Thăng Long và nước Đại Việt thời Lý


Thích Huệ Thông 

Bước sang thời Lý và cả thời Trần, Phật giáo đã được khẳng định vị thế của một tôn giáo chính thống, bởi các vị vua nhà Lý đều là những Phật tử thuần thành, thâm tín Phật pháp, có học thức và tri kiến Phật pháp; và bởi những ảnh hưởng lớn lao từ nền giáo dục đạo đức và tinh thần nhập thế khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian rất hiệu quả
Nhìn lại lịch sử chúng ta sẽ thấy, dưới các triều đại từ Đinh Lê đến Lý Trần các vị cao Tăng đạo hạnh của Phật giáo đã tham gia triều chính, đảm nhận vai trò quân sư, cố vấn cho vận mệnh quốc gia, vì các ngài nhận thấy sự có mặt kịp thời của mình là cần thiết để hóa giải nỗi đau triền miên của một dân tộc nhỏ bé vốn đã từng và đang bị ngoại bang xâm lấn.

Vào thời nhà Đinh, năm 971, sau khi lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng đã có những quy định cụ thể cho các cấp bậc Tăng đạo. Sư Ngô Chân Lưu đã được vua phong chức Tăng thống, đứng đầu Phật giáo thời bấy giờ và được ban hiệu là Khuông Việt Thái Sư. Việc nhà vua ban tước hiệu “Thái Sư” cho một vị thiền sư, cũng đồng với nghĩa, triều đại nhà Đinh đã chính thức công nhận nhân sự của Phật giáo trực tiếp tham gia chính sự trong vai trò chỉ đạo tâm linh, điều này đã được thể hiện qua nền “đức trị” với các chính sách sáng suốt và từ bi nhân đạo rất hợp lòng dân.

Đến thời Lê, vua Lê Đại Hành đã cho mời hai thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh làm cố vấn chính trị. Đặc biệt, thiền sư Vạn Hạnh được vua Lê Đại Hành đích thân xin ý kiến về cuộc kháng chiến chống quân Tống vào năm 980…

Bước sang thời Lý và cả thời Trần, Phật giáo đã được khẳng định vị thế của một tôn giáo chính thống, bởi các vị vua nhà Lý đều là những Phật tử thuần thành, thâm tín Phật pháp, có học thức và tri kiến Phật pháp; và bởi những ảnh hưởng lớn lao từ nền giáo dục đạo đức và tinh thần nhập thế khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian rất hiệu quả.

Khởi sự hình thành triều đại nhà Hậu Lý và Vai trò của Phật giáo trong việc dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, tức Thăng Long - Hà Nội ngày nay

Nói đến vai trò của Phật giáo đối với việc thành lập, phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt thời nhà Lý, trước hết chúng tôi xin trình bày vắn tắt khởi sự hình thành triều đại nhà Hậu Lý và việc dời đô từ kinh thành Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, tức Thăng Long - Hà Nội ngày nay. Vì đây là cột mốc thời gian rất quan trọng đánh dấu sự khởi đầu 1000 năm Phật giáo đồng hành, đóng góp tích cực hiệu quả cho dân tộc. Đồng thời cũng nói lên vai trò chủ đạo của Phật giáo trong việc sát cánh với triều đình nhà Hậu Lý lèo lái con thuyền dân tộc, góp phần làm cho đất nước Đại Việt ngày càng phồn vinh và thạnh trị…

Nói về việc dời đô, trước đó thiền sư Vạn Hạnh đã sớm nhận thấy kinh thành Hoa Lư tọa lạc ở một vùng núi non hiểm trở chật hẹp cùng nhiều yếu tố không còn hợp thời, còn thành Đại La lại là một vùng đồng bằng thoáng rộng với nhiều địa thế thuận lợi có thể xây dựng phát triển trở thành một kinh đô quy mô; một trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, thương mại mang tầm vóc và diện mạo mới của nước Đại Việt.

Điều này đã được thể hiện khá rõ trong chiếu dời đô (Thiên đô chiếu): “Đây là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Do vậy khi Lý Công Uẩn lên ngôi, thiền sư Vạn Hạnh đã cố vấn cho nhà vua quyết định dời đô từ kinh thành Hoa Lư về thành Đại La vào tháng 7 năm Thuận Thiên thứ nhất 1010, ngay sau đó đổi tên Đại La thành Thăng Long và đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt thành Đại Việt.

Việc làm táo bạo này của vua Lý Thái Tổ đã chứng tỏ bản lĩnh của một đấng minh quân sáng suốt. Điều đáng chú ý là đại sự cực kỳ hệ trọng của cả một dân tộc lại được thực hiện bởi ý tưởng của một Tăng sĩ. Chính ý tưởng dời đô của thiền sư Vạn Hạnh đã thể hiện một tầm nhìn sâu xa và đầy trách nhiệm của một bậc quân sư trí tuệ đầy tâm huyết với vận mạng dân tộc. Đây là việc làm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định vị thế của một quốc gia độc lập.

Vua Lý Thái Tổ xuất thân từ chốn thiền môn, các vua nhà Lý sau này đều là những Phật tử thuần thành, thâm tín Phật pháp

Như chúng ta đã biết, ngay từ khi vừa mới lên ba, vua Lý Thái Tổ đã được mẹ đem vào chùa Cổ Pháp, thiền sư trụ trì Lý Khánh Văn đã nhận ông làm con nuôi và đặt tên cho ông là Lý Công Uẩn. Các vị vua nhà Hậu Lý đều rất tôn sùng đạo Phật, nhất là vua Lý Thái Tổ, sau khi dành được quyền lực từ triều đại Tiền Lê, vào tháng 10 âm lịch năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua xưng vương hiệu là Lý Thái Tổ, khởi đầu vương triều nhà Hậu Lý.

Điều đáng nói, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các vương triều nhà Lý đã giữ vững được ngai vàng lâu dài đến 216 năm (1009 – 1225) trải qua 9 đời vua, điều mà các vương triều trước đó không thể nào thực hiện nổi, nếu cố gắng lắm cũng chỉ giữ được vài chục năm.

Một điều đáng ghi nhận nữa là, các vị vua nhà Lý không chỉ giữ yên giang sơn xã tắc mà còn khiến cho quân xâm lược phải khiếp sợ hùng uy của quân dân Đại Việt.

Cùng với việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La là hàng loạt công trình kiến trúc xây dựng chùa chiền, đúc chuông, thỉnh kinh và độ Tăng xuất gia tu học theo Phật pháp. Nhà vua xuống chiếu phát tiền kho xây dựng rất nhiều chùa…

Năm 1018, mùa hạ, tháng 6, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin thỉnh Tam Tạng kinh… Năm 1019, xuống chiếu độ dân trong nước làm Tăng… Năm 1021, làm nhà Bát giác thờ kinh… Năm 1024, mùa thu, tháng 9, làm chùa Chân Giáo ở trong thành để nhà vua tiện ngự đọc tụng kinh kệ”.

Về các sự kiện này, sử gia Lê Văn Hưu đã ghi trong Đại Việt Sử Ký: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng hơn nghìn người ở kinh sư” và “Về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê…”.

Trên đây là một số sự kiện thể hiện sự sùng mộ Phật pháp và đạo đức sâu dày của vua Lý Thái Tổ. Các đời vua kế tiếp như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông… vẫn tiếp tục các Phật sự như xây chùa độ Tăng, đúc chuông tạc tượng, ghi chép kinh sách và khuyến khích nhân chúng tu hành theo Phật pháp.

Vào thời kỳ này Phật giáo trở thành quốc giáo, đạo Phật phát triển mạnh mẽ rộng khắp trong đời sống nhân gian, đến nỗi sử gia Lê Văn Hưu đã phải thốt lên: “Trong nước chỗ nào cũng có chùa chiền, nhân dân quá nửa là sư sãi”…

Lịch sử ghi lại rằng, dưới thời nhà Lý, các vị vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông thay nhau kế tục nghiệp đế vương, cả ba vị vua này đều rất kính Phật và yêu dân, điều đó đã được thể hiện khá cụ thể trong tư tưởng, đường lối của nền “đức trị”.

Do đó từ việc nhiếp chính điều hành đất nước, đến việc đánh dẹp các cát cứ trong nước, đập tan các đoàn quân xâm lược phương Bắc, sự nghiệp giữ nước, xây dựng phát triển đất nước đều thành tựu viên mãn, nhờ vậy nước Đại Việt ngày càng phồn vinh thạnh trị.

Vài nét về những đóng góp tiêu biểu của Phật giáo thời nhà Lý đối với văn học và kiến trúc

Vào thời nhà Lý, nền văn học dân tộc xuất hiện ba áng thơ văn rất cô đọng nhưng gói gọn khí phách quật cường hào hùng của cả dân tộc, điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lịch sử văn học nước nhà. Đó là tờ “Chiếu dời đô”, bài văn “Lộ Bố” và bài hịch “Nam quốc sơn hà”.

Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cũng được xếp vào một trong ngũ tác gia tầm cở đương thời với bài kệ “Sắc không” mang tư tưởng Phật giáo rất nổi tiếng.

Đặc biệt nền văn học Phật giáo thời Lý cũng đã xuất hiện một lực lượng tác gia lỗi lạc, đa phần là các vị thiền sư uyên bác, như Thiền sư Mãn Giác, Thiền sư Viên Chiếu, Thiền sư Viên Thông, Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Quảng Nghiêm, Thiền sư Bảo Giác, Thiền sư Ngộ Ấn…

Vào thời kỳ này, một tác phẩm Phật giáo rất có giá trị là Thiền Uyển Tập Anh được ra đời, trong đó ghi lại hành trạng của 68 vị Thiền sư lỗi lạc, được xem là nguồn tư liệu quý hiếm rất quan trọng mà giới học Phật cũng như các nhà nghiên cứu Phật giáo quan tâm.

Các thiền sư vào thời nhà Lý đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn học cổ Việt Nam. Dù hầu hết các sáng tác của các vị thiền sư đều mang ý nghĩa khai sáng con đường giải thoát giác ngộ cho nhân thế, nhưng vẫn bao hàm yếu tố xã hội tích cực và rất có giá trị văn học.

Bên cạnh đó, từ những thời pháp thoại, những bài giảng về “phát bồ đề tâm” trong đó nhấn mạnh đến cơ sở để người học Phật phát tâm tu hành là “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” (trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường)… vô hình chung những áng văn thuần túy Phật pháp này đã khơi dậy truyền thống yêu nước sâu rộng trong đời sống nhân dân và hiển nhiên nó đã hình thành một nguồn văn học yêu nước rất tự nhiên trong văn học nước nhà vào thời kỳ này.

Trong sách Việt Nam Cổ Văn Học Sử của Nguyễn Đổng Chi đã ghi lại rằng: “Trong thế kỷ 10, cửa chùa đã đóng một vai trò rất quan trọng về văn học. Cũng vì thế mà đạo Phật ở Việt Nam từ đó càng lắm tín đồ và được chính phủ nể vì”.

Các vua Lý không những sùng mộ đạo Phật mà còn thâm hiểu Phật pháp, tin sâu nhân quả, nên việc trị quốc an dân đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của Phật giáo. Vào đời Lý, có nhiều công trình xây dựng Phật giáo có giá trị nghệ thuật cao, chẳng hạn như tượng Đức Phật được tạc bằng đá hoa cương xanh ngồi thiền định trên tòa sen, cao 1m87, kể cả bệ là 2m77, tượng Phật này được đặt tại chùa Phật Tích, được xem là kỷ lục về tạc tượng đương thời.

Thời nhà Lý có tượng Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên ở chùa Sùng Khánh dựng năm 1057 gồm 12 tầng, chuông Qui Điền đúc năm 1101 và vạc (đỉnh) Phổ Minh là những công trình mỹ thuật tuyệt vời, được xem là quốc bảo với danh hiệu “An Nam Tứ Đại Khí”.

Ngoài ra còn có một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng nữa, đó là chùa Diên Hựu được xây dựng vào năm 1049, chùa này còn có tên là chùa Một Cột (chùa Nhất Trụ, Liên Hoa Đài)… Ngày nay Văn Miếu Quốc Tử Giám và chùa Một Cột được xem là những biểu tượng văn hóa và tâm linh rất sâu sắc của thủ đô Hà Nội…

Những ảnh hưởng rất quan trọng của Phật giáo đối với việc trị quốc an dân dưới thời nhà Lý

Một khi nói đến vai trò của Phật giáo đối với việc thành lập, phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt dưới thời Lý Trần và những thời đại về sau, tức là chúng ta đang nói đến những ảnh hưởng rất to lớn và vô cùng quan trọng của đạo Phật đối với nền chính trị của đất nước trong giai đoạn lịch sử này.

Nhìn lại lịch sử dân tộc chúng ta đều nhận thấy rất rõ giai đoạn thời Lý – Trần là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của đạo Phật. Đồng thời đây cũng là giai đoạn nước Đại Việt có bước phát triển vượt bật về kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa xã hội so với hàng ngàn năm trước đó.

Đặc biệt vương triều nhà Lý rất quan tâm tới phát triển văn hóa, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc nhằm ổn định an ninh trật tự xã hội. Dưới triều nhà Lý cũng như nhà Trần, đạo Phật, Nho giáo và Lão giáo đều cùng tồn tại và phát triển nhưng không hề xảy ra xung đột tôn giáo.

Tuy nhiên, đạo Phật được các vua Lý và vua Trần sùng bái từ đó đưa ra những chính sách ưu ái tạo điều kiện cho đạo Phật phát triển mạnh mẽ. Dưới thời Lý – Trần, Phật giáo trở thành tư tưởng chính thống của quốc gia, nền chính trị dưới thời Lý và Trần chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng hướng thiện xuất phát từ đức hạnh từ bi trên tinh thần trí tuệ, giải thoát cứu vớt con người ra khỏi khổ đau từ giáo lý của đạo Phật.

Dưới triều Lý, từ vua quan đến thần quân đều tôn sùng đạo Phật. Trong bộ máy chính quyền trung ương của triều Lý thời bấy giờ có một ngạch quan dành riêng cho những người tu hành gọi là hệ thống Tăng quan. Đứng đầu hệ thống Tăng quan là vị Tăng Thống.

Tăng Thống là một chức sắc của đạo Phật, là người đứng đầu Tăng Ni cả nước. Cấp dưới Tăng Thống là Tăng Lục, ngoài ra còn có Tăng Ty giác nghĩa, Tăng đạo chánh, phó Tăng đạo chánh…

Tăng quan cũng đầy đủ chín cấp bậc phẩm hàm (cửu phẩm) như bên quan văn và quan võ. Khi đất nước lâm nguy hay có biến cố, các bậc Tăng quan được nhà vua trực tiếp mời đến để thỉnh thị những cao kiến, hoặc cùng bàn bạc với nhà vua những đối sách giữ gìn giang sơn xã tắc.

Vào thời Lý, thiền sư Đa Bảo, Viên Thông, Nguyễn Thường... nhiều lần được vua Lý Thái Tổ thỉnh vào cung để luận bàn việc nước. Một số nhà sư đóng góp công lao to lớn với đất nước được triều đình phong làm Quốc sư như Quốc sư Viên Thông, Quốc sư Thông Biện... các Tăng quan đạo đức và uyên bác đều là những cố vấn chính trị đặc biệt của nhà vua.

Đường lối chính trị thiên về “đức trị” dưới triều Lý đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền luật pháp mang nặng tính chất đạo đức, chứa đựng tinh thần nhân ái, khoan dung mang dấu ấn tư tưởng" từ bi hỉ xả" của đạo Phật. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chép: “Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót sai trung thư sửa định luật lệnh”.

Như chúng ta đã biết, luật pháp dưới thời phong kiến chủ yếu là công cụ để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đạo Phật, luật pháp triều Lý lại chứa đựng những nhân tố đạo đức rất tiến bộ, nổi bật lên là tinh thần khoan dung đối với người có tội, yêu thương chia sẻ cảm thông đối với nhân dân; bảo vệ, chăm lo tới cuộc sống của dân.

Từ đó chúng ta thấy cái tâm yêu dân như con của các vua Lý cũng chính là cái đạo trị nước của triều đình nhà Lý. Qua đó chúng ta có thể xác định tư tưởng từ bi của đạo Phật vào thời Lý đã thật sự hòa quyện với đạo đức truyền thống mang đậm tính chất nhân ái của dân tộc Việt.

Lòng nhân ái, thương người của các vua Lý không chỉ đối với nhân dân Đại Việt mà còn cả với những tù binh Chiêm và Tống. Việc triều Lý đối xử khoan hồng độ lượng với những tù binh nhà Tống và Chiêm Thành bị bắt trong chiến tranh, chính là xuất phát từ tư tưởng vị tha nhân ái và cái tâm đạo đức của người cầm quyền.

Và điều chắc chắn rằng, nền “đức trị” ấy đã được hòa quyện nhuần nhuyễn giữa truyền thống đạo đức của người Việt và tư tưởng từ bi cứu khổ, giác ngộ giải thoát, phổ độ chúng sanh của đạo Phật.

Tóm lược vai trò của Phật giáo đối với việc thành lập, phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt thời nhà Lý

Nói đến vai trò của Phật giáo đối với việc thành lập, phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt dưới thời nhà Lý, tức là chúng ta nói đến sự hình thành và phát triển của một nền văn hóa Việt Nam hoàn toàn độc lập và tự chủ, được các thiền sư xây dựng trên nền tảng trí tuệ tâm linh, sáng suốt nhân quả và tường tận muôn duyên, thể hiện qua ý tưởng dung hòa giữa văn hóa đạo đức truyền thống dân tộc và văn hóa tâm linh đặc thù Phật giáo một cách nhuần nhuyễn sâu sắc, tạo ảnh hưởng tích cực đến sự thái bình thạnh trị của đất nước.

Nhìn lại lịch sử thời Lý Trần và nhất là thời đại ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận ra vai trò quan trọng và đóng góp vô cùng hiệu quả của Phật giáo trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Trước tiên chúng ta nói đến vai trò của Phật giáo trong việc dời đô, về đại sự quốc gia này, từ lâu thiền sư Vạn Hạnh đã có chủ ý dời đô từ Hoa lư về Đại La để đất nước có điều kiện thuận lợi hơn trong việc bảo vệ nền độc lập chủ quyền dân tộc, phát triển đất nước Đại Việt và tính kế trường tồn cho các thế hệ mai sau chứ không riêng gì chỉ cho nhà Lý và điều đó đã được khẳng định một cách thuyết phục trong suốt một ngàn năm qua.

Điều may mắn cho dân tộc Việt Nam, là vua Lý Thái Tổ vốn xuất thân từ chốn thiền môn, lại là đệ tử thuần thành của thiền sư Vạn Hạnh. Chính vì vậy mà chỉ sau một năm nhiếp chính, nhà vua đã không ngần ngại thực hiện ý tưởng trọng đại này.

Về phương diện chính trị, các thiền sư đã gầy dựng nên cả một triều đại thuần thiện thuần từ, lấy ánh sáng tuệ giác của đạo Phật quán chiếu hiện tượng thế gian kết hợp với đạo đức và tâm từ bi làm nền tảng cho chính trị, từ đó hình thành nền “đức trị”, nhờ đó mà triều đình nhà Lý đã đưa ra những chính sách hợp lòng dân, đem lại hạnh phúc ấm no cho dân chúng, đất nước thái bình an lạc.

Chúng ta cũng cần lưu ý, Thiền sư Vạn Hạnh và Thiền sư Đỗ Pháp Thuận là hai nhà sư đã có công rất lớn trong việc hình thành nên triều đại nhà Lý, chính hai vị thiền sư lỗi lạc này đã đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua và đây là một vị minh quân đã làm rạng rỡ thêm những trang sử vàng son của dân tộc.

Nhờ thấm nhuần nền tảng đạo đức, trí tuệ, từ bi và đạo lý nhân quả của Phật giáo, nhất là dựa vào niềm tin chuyển hóa, nên các hình phạt và tù ngục trong triều đại này dần dần được thay thế bởi các chính sách giáo dục đạo đức và cảm hóa có hiệu quả.

Nền chính trị và luật pháp được xây dựng trên cơ sở giáo dục đạo đức, cảm hóa con người, ươm mầm từ bi sâu rộng trong đời sống nhân gian, điều này không những không làm cho dân chúng đói nghèo, xã hội rối ren, mà ngược lại phương cách giáo dục phẩm hạnh nhân cách kết hợp với nền “đức trị” hợp lý đã làm cho đất nước thái bình, muôn dân no ấm.

Có thể nói đây là một dấu ấn sinh động mà Phật giáo đã để lại trong lòng dân tộc trong vai trò nhập thế độ sanh của mình.

Về phương diện văn học, các thiền sư là những tác gia then chốt xây dựng nên nền văn học nước nhà thời bấy giờ, các tác phẩm của các thiền sư đã đóng góp rất lớn vào việc khơi nguồn đạo đức, xây dựng đời sống tâm linh bền vững trên dòng chảy thế sự thông qua các chủ đề Phật giáo.

Về kiến trúc mỹ thuật, hầu hết các công trình lớn mang tầm cở quốc gia, ngoài hệ thống chùa chiền, bảo tháp, thì các cung điện, hoàng thành… đều là những công trình kiến trúc mỹ thuật mang đậm chất Phật giáo.

Thiền sư Vạn Hạnh đã tham mưu cho triều đình kết hợp phong thủy địa lý với văn hóa tư tưởng Phật giáo trong việc xây dựng kinh thành Thăng Long, chúng ta sẽ thấy ở đó là những ngôi chùa được xây dựng đều khắp kinh thành cũng như ngay trong nội cung để các vua Lý nghiên cứu giáo lý, tĩnh tâm tham thiền, những công trình kiến trúc đặc biệt này hiển nhiên được hình thành từ suy tư trăn trở của thiền sư Vạn Hạnh đối với vận mệnh lâu dài và bền vững của dân tộc.

Về phương diện giáo dục, các thiền sư thời nhà Lý rất coi trọng vấn đề giáo dục phẩm chất đạo đức cho con người, các ngài không chỉ mở trường dạy cho Tăng chúng mà còn dạy cho quần chúng Phật tử, không chỉ dạy cho tín đồ Phật giáo mà còn dạy cho những người theo đạo Nho, đạo Lão.

Thiền sư Vạn Hạnh đã đào tạo nên Lý Công Uẩn tại chùa Lục Tổ, thiền sư Trí ở núi Cao Dã đã đào tạo nên Tô Hiến Thành, Ngô Hòa Nghĩa, đây là những bậc anh tài kiệt xuất trong lịch sử dân tộc…

Các thiền sư thời nhà Lý am tường cả tam giáo lẫn các môn khoa học xã hội, trên nền tảng suốt thông bởi nguồn tuệ giác, các ngài đã uyển chuyển vận dụng kiến thức Nho giáo và khoa học xã hội vào các chính sách trị quốc an dân, nhờ đó đã rất thành công trong vai trò quân sư, cố vấn.

Vào thời Lý, sự gần gũi và gắn kết giữa vua với quần thần, giữa vua quan với dân chúng, giữa đồng bào trong làng xóm thôn ấp đều hết lòng yêu thương bảo bọc cho nhau, điều đó đã nói lên mức độ ảnh hưởng nền đạo đức và văn hóa tâm linh của Phật giáo rất là to lớn và sâu rộng.

Học giả Hoàng Xuân Hãn đã ghi nhận điều này trong cuốn Lý Thường Kiệt rằng: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là ảnh hưởng của đạo Phật”.

Còn thiền sư Pháp Thuận, một trong hai vị Tăng sĩ kiến tạo nên triều đại nhà Lý đã tóm lược nền đạo đức truyền thống dân tộc hòa quyện với văn hóa tâm linh của Phật giáo, đưa đất nước Đại Việt vượt lên tầm cao mới, với bốn câu thơ súc tích như sau:

“Vận nước như dây quấn
Trời Nam ôm thái bình
Đạo đức ngự cung điện
Muôn xứ hết đao binh”.

Khái quát sơ lược điều này để tất cả chúng ta một lần nữa khẳng định rằng sự hiện diện các nhà sư trong bộ máy chính quyền trung ương dưới triều đại nhà Lý là tinh thần nhập thế cao cả và đầy trách nhiệm của đạo Phật đối với dân tộc.

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS