Hoàng Tuệ
Năm nay đến hè, lòng tôi man mác buồn, không phải nỗi buồn hoa phượng mà là nỗi buồn... rau muống! Nghe có vẻ lãng mạn, nhưng lại vô cùng thực tế, bởi vì toàn bộ các thành viên trong gia đình tôi đã thông qua "nghị quyết": Từ nay tẩy chay rau muống!
Hãi hùng quá, chị tôi bảo. Nghe người trồng rau đi mua thuốc về phun cho rau mà cứ như nghe người ta mua thuốc độc về để... bẫy chuột: “Cho viên độc” (người trồng rau nói). “Hôm nay chỉ còn độc nhì thôi, độc nhất hút hàng quá nên hết từ hôm qua rồi” (người bán thuốc trả lời). Mà thuốc...diệt chuột thật, vì trong thành phần của “viên độc” có hoá chất mà có thể là liều gây tử vong với chuột! Nhưng để có rau muống non mơn mởn, cọng dài trong thời gian ngắn, người ta đã thản nhiên sử dụng thứ thuốc độc ấy, cùng với thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng “một cách dồn dập, vô tội vạ”, bất chấp nó có ảnh hưởng tai hại như thế nào đến người tiêu dùng. “Ăn rau thế này chỉ có... chết. Sao người ta ngang nhiên giết người như vậy”- chị tôi bức xúc.
Rau muống càng xanh càng buồn
Cậu em bình tĩnh hơn, bảo: “Bây giờ chị mới hãi hùng chứ em hãi từ năm ngoái rồi, mà tuần nào cũng ăn rau muống, quen rồi thấy... bớt hãi!”. Cậu chìa cho cả nhà xem loạt bài báo từ tháng Tám năm ngoái, rành rành “kỹ nghệ trồng rau muống thời nay: “Lúc rau vừa cắt còn gốc thì phải tưới nhớt pha với nước rửa chén theo tỷ lệ 1.000 m2 thì cần từ 4 - 5 lít nhớt thải của xe máy và một ít nước rửa chén để hỗn hợp được tan đều trong nước. Công đoạn này dùng để xử lý các con rầy trên ruộng. Sau khi rau được khoảng 8-9 ngày trở đi thì dùng ngay các loại thuốc trừ sâu như: Fortazeb, Mexyl MZ... ngay cả những loại hóa chất không nhãn mác từ Trung Quốc nhập vào để trừ sâu, bệnh. Nếu vẫn không hết sâu, bệnh thì tiếp tục “tạt” thuốc nặng “đô” hơn. Gần ngày thu hoạch hoặc trước khi thu hoạch 1 ngày thì “tạt” thêm thuốc để làm đẹp với công dụng: trắng rau, đều cọng, đứng cây...” (báo Thể thao & Văn hóa 11/8/2009).
Nhưng chị tôi không quen được với rau muống ngâm thuốc trừ sâu, chị quyết định tẩy chay rau muống, mà chị là “tay hòm đi chợ” nên điều ấy đồng nghĩa với việc cả gia đình tôi nhịn rau muống luôn!
Không có rau muống, bữa cơm trong nhà thay bằng nhiều loại rau khác: mồng tơi, rau đay, cải bắp, cải bắp, cải làn bí, bầu.v.v... Vậy mà vẫn thấy “trống vắng chiều nay” vì thiếu mất...rau muống.
Với người Việt Nam, có lẽ không có thứ rau nào được ưa thích, được dùng nhiều như rau muống. Không có thứ rau nào có thể chế biến, sử dụng vào đủ loại món ăn, phong phú như rau muống. Để ăn sống, có rau muống chẻ. Bún chả, bún nem (chả giò), bát canh riêu cua ngày Hè mà thiếu đi những cọng rau muống chẻ trắng ngần, xoắn tròn như cái lò xo, đi cùng với kinh giới, húng thơm..., thì coi như miếng ngon bớt ngon một nửa. Để ăn tái, có nộm rau muống, món dân dã này có cái dai giòn của cọng rau chẻ đôi, chẻ tư, có cái bùi của lạc rang, cái ngậy của chút bì lợn thái mỏng, cái dậy mùi của húng Láng thái nhỏ và vị chua ngọt của nước mắm dấm pha thật khéo. Để ăn chín, rau muống có thể luộc, có thể xào - xào tỏi hoặc xào thịt bò đều ngon. Rau muống nấu canh chua khoai sọ, kèm thêm ít cọng rau rút tuyệt ngon - đó là món canh đặc Bắc. Ở miền Nam, rau muống để ăn lẩu, để nấu canh chua. Còn không, chỉ là bát canh suông, vài cọng muống vặn cho khéo, nồi nước sôi thái vài lát hành khô, thìa nước mắm là đã đủ để đưa cơm. Mấy hôm nóng nực thế này, có bát nước rau muống luộc dầm sấu thì thật không có thứ nước giải khát nào thanh mát dễ chịu hơn!
Rau muống chẳng có gì bỏ đi, nó tận hiến, ngọn non cho những mâm cơm, phần lá già cho lợn hay làm phân bón ruộng.
Cũng ít có thứ rau nào lại lành và nhiều công dụng đối với sức khỏe như rau muống. Theo y học hiện đại, trong 100g rau muống có 78,2g nước, 85mg can-xi, 31,5mg phốt-pho, 20g vi-ta-min C và một hàm lượng nhỏ prô-tê-in, sắt, vi-ta-min B2, ca-rô-ten, a-xít ni-cô-tíc, đặc biệt trong giống rau muống đỏ chứa một chất giống như insulin nên đối với người mắc bệnh đái tháo đường ăn thường xuyên rau muống đỏ là rất tốt... Còn theo đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm) đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị xâm nhập các chất độc của nấm độc, cá, thịt độc, khuẩn độc, hoặc độc chất do côn trùng, rắn, rết cắn...
Rau muống lại dễ trồng, trên cạn cũng sống, dưới nước cũng mọc, bốn mùa đều cho rau xanh. Nó không thể thiếu trong thực đơn của các quán cơm bình dân và cũng không vắng mặt trong “menu” của những nhà hàng đặc sản cơm Việt Nam cỡ Hoàng Yến ở Sài Gòn!
Và vượt lên tất cả những “vật chất đời thường” ấy, rau muống đã đi vào văn chương, đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Có người Việt nào lại không nhớ câu ca dao nằm lòng:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cá dầm tương
Không chỉ còn là một loài thuộc vật vô tri, rau muống trở thành mối dây bền chặt gắn con người Việt Nam với đất nước, với xứ sở. Tôi không thể quên được hình ảnh vợ chồng anh Chấn, một đồng nghiệp công tác lâu năm ở Tokyo, cẩn thận lặt từng cọng trong bó rau muống vừa được người quen gói ghém giấu trong va li mang từ Hà Nội sang (Nhật Bản không cho phép mang thực phẩm từ nước ngoài vào Nhật), chia ra từng gói nhỏ, gói bằng giấy báo cất trong tủ lạnh để ăn dần. Tôi cũng không thể quên được cảm giác xúc động khi bài thơ “con cóc” của một sinh viên Việt Nam được viết trong “nỗi nhớ rau muống” của bạn:
Thèm một bát cơm cà rau muống luộc,
Miếng lòng lợn mẹ nấu còn bốc hơi.
Thèm một cốc bia hơi cùng đĩa lạc,
Chạm cốc tràn vui uống cùng anh em.
Bạn viết : “Tuy các quán châu Á ở Đức vẫn có bán rau muống nhưng ăn không hề ngon như rau muống được trồng ở Việt Nam. Chúng vô vị, nhạt thếch, nhưng đó cũng chỉ là phần thứ yếu thôi, quan trọng nhất là chúng thiếu hương vị quê hương, cái hương vị mà ta chỉ cảm nhận khi ngồi ăn cùng gia đình trên những manh chiếu mỏng với những quả cà pháo mẹ muối cắn giòn tan”...
Và nếu như có một cuộc bầu... Quốc rau, tôi tin chắc là hầu hết người Việt Nam sẽ bầu cho rau muống!
Nhưng dù có yêu rau muống tới đâu cũng khó mà vượt qua được cảm giác e sợ đến hãi hùng. Tuần qua, người bạn tôi đưa con vào Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Thăm bạn trong sự hãi hùng trước cảnh người bệnh nằm la liệt ngoài hành lang, ngoài cầu thang phòng bệnh; trước cảnh khoa nhi bệnh viện giống như ở chùa vì tất cả trẻ con ở đây đầu đều trọc lóc vì hóa chất. Theo phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu, Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về ung thư gan và cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao nhất thế giới. Nếu hàng ngày cho vào người những ngọn rau “thuốc độc” như thế mà không mắc bệnh mới là lạ...
Thôi thì, trước khi nghe kết luận của các bộ, ban, ngành, mình phải tự bảo vệ mình trước đã...
Giờ đây tôi ở cảnh ngộ không xa quê như bạn du học sinh kia, nhưng vẫn cồn cào nỗi nhớ. Nỗi nhớ rau muống. Cứ đà này, đến thời cháu tôi, đọc câu ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà..., có lẽ nó sẽ thắc mắc: “Rau muống là rau gì bác ơi ?”.
Liệu có ngày buồn ấy không?
Theo: thethaovanhoa.vn
No comments :
Post a Comment