Tâm lý học thường kết luận rằng “Suy
tư của bản thể là nguyên nhân khởi đầu của một hành động”, nên ai cũng có năng
lực và hành động riêng của mình. Đứng về mặt thế gian đây là một phương thức để
con người học hỏi, mổ xẻ, phân tích, khi họ đã gặp, đang gặp phải những hiện
tượng, kết quả của bản thân, hoặc những cá nhân trong xã hội cần đến sự cố vấn,
giải quyết về mặt tinh thần ở đời sống. Dòng suy tư là biển cả có tính chất
biến thái, đa dạng, trước sau không đồng thể, ngược lại quan niệm về tâm lý của
con người hoàn toàn dựa trên những hành động kinh nghiệm góp nhặt từ muôn thuở,
rồi con người lại dùng trí phân biệt để kết luận “ thương-ghét hoặc đúng-sai “.
Nhưng suy tư vẫn là một dòng tư tưởng tiếp diễn không ngừng trong dòng sanh
diệt, kẻ đang suy tư mang tâm hồn đẹp đẽ, hành động và khung cảnh trong tầm mắt
khối óc của người nầy đẹp đẽ, nếu gặp một dòng suy tư điên đảo thì hành động và
cảnh vật của người nầy đều nằm trong điên đảo. Sự kết tụ bằng yếu tố tâm và
sinh qua ngưỡng cửa nhận thức đã trở thành một định nghiệp, có khả năng lôi kéo
con người trôi lăn trong vòng sanh tử. Suy tư là một kết hợp của niệm khởi, và
niệm khởi nầy khi được chúng ta nuôi dưỡng thì nó chính là một hạt giống đã
gieo vào trong dòng đời sanh diệt, đã sanh diệt thì đẹp xấu, cao thấp, từ cõi
thấp như địa ngục đến cõi trời vô sắc giới cũng chỉ là giả tuớng do nhân duyên
kết tụ, khác biệt là niệm ác chúng sanh đọa vào đường dữ, niệm thiện chúng sanh
được thác sanh vào cõi lành, phước báo hoặc ác báo tùy ở nơi nhân người tạo
tác.
Trên
phương diện khách quan, nhân loại cho rằng con người được hình thành do tinh
cha huyết mẹ, khác biệt về hình tướng, đời sống, tánh tình của con người, thì
không ai dám quả quyết là nguyên nhân nguồn gốc từ đâu để có? Thế giới văn
minh, khoa học tiến bộ, cũng không giải thích được tại sao có sự dị biệt nầy,
nên con người đành chấp nhận đời sống cá nhân, gia đình như một dòng định mệnh
đã được ban bố và sắp đặt sẵn bởi đấng tối cao vô hình. Thật ra đấng tối cao
nầy chính là “ Ta “ , vì “ ta ” hôm nay là nhân vun trồng từ tiền kiếp. “ Ta “
tương lai tức nhân vun trồng của đời nay. Lời Phật dạy ở Pháp Cú Kinh rằng:
“Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị. Dục tri lai sinh quả, kim sinh
tác giả thị.” Muốn biết “ Ta “ trong tiền kiếp đã gieo nhân gì, thì hãy nhìn
cái quả hiện tại, và muốn biết “ Ta “ đời sau như thế nào hãy nhìn vào cái mình
đang vun trồng ngày hôm nay. Lời nói hơn hai ngàn năm trăm năm nhưng vẫn tồn
tại, không bị mai một bởi thời gian, không gian. Suy gẫm câu nầy chúng ta không
còn gì để thắc mắc về sự không công bằng của đời sống mình và nhân loại. Cội
nguồn sanh tử hay nguồn gốc của vạn pháp do bởi tâm niệm của chúng sanh mà kết
cấu, bởi thế kẻ làm người ắt phải biết mình đã vun trồng hạnh nhân thừa trong
tiền kiếp. Người tu Thập thiện tạo hạnh Thiên thừa đến khi mạng chung thọ sanh
ở các cõi trời, kẻ không tu hành sống theo tập khí thói quen kết cấu từ muôn
thuở, thói quen nầy sẽ sống dậy và biến thành hành động tạo nghiệp, tùy vào nghiệp
thiện hay ác để thọ sanh trong kiếp vị lai. Kẻ thượng ác đi vào đường địa ngục,
kẻ trung ác đi vào đường ngạ quỷ, kẻ hạ ác làm thân súc sanh. Bởi tâm niệm mà
chúng ta phải mãi trôi lăn trong vòng lục đạo sanh tử, cứ hụp lặn trong biển
đời đau khổ, ta đang ở trong gia đình quý phái sang trọng, không có nghĩa không
có ngày tàn tạ, tàn tạ không phải chỉ sanh, già, bệnh, chết, mà ngay khi đang
sống trong nhung lụa thì ngày mai ta cũng có thể trở thành một người nhà tan
cửa nát, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Vật chất phương tiện như cơ khí,
điện tử, y khoa, kể cả hãnh diện lớn lao của nhân loại như thành quả vượt khỏi
không gian tìm kiếm thế giới bên ngoài, những công cụ giết người như máy bay,
bom đạn, v..v.. tất cả cũng từ tâm chúng ta khởi niệm rồi hành động bước theo,
và kết quả là những gì chúng ta muốn có. Nếu ý niệm khởi dậy ở người đạo đức
kết quả sẽ đem đến sự an lạc cho nhân loại, nếu ý niệm kết từ một tâm địa độc
ác, kết quả sẽ là niềm thương đau cho thế giới loài người, điều nầy đã chứng
minh được một cách rất cụ thể qua lịch sử thăng trầm chuyển biến của nhân loại.
Một thế giới muôn màu muôn sắc của
khổ đau, nên chư vị Bồ tát đã hoá thân đến, kẻ thì dùng trí, kẻ thì dùng đức,
kẻ đang thuyết pháp giảng kinh để hoá độ. Quý Ngài không che hình dấu tướng
nhưng chúng ta không thấy được, bởi sáu căn của chúng ta đang bị tâm không thật
sai khiến, tâm nầy là một linh hồn đã trôi lăn triền miên trong đau khổ sanh
tử, một đời sanh ra là một đời chồng chất thêm tham, sân, chấp ngã. Kinh Thập
Thiện, Phật dạy rằng: “ Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai “, chỉ
một khởi niệm sân mà kết quả là muôn ngàn chướng ngại nẩy sanh, huống hồ chúng
ta đã bao nhiêu đời nổi trôi trong lục đạo, niệm sân đã chồng chất còn hơn số
cát sông Hằng. Vấp ngã quá nhiều nhưng chúng ta vẫn sống trong hoài nghi chấp
ngã, chết cũng mang theo chấp ngã hoài nghi, đời nầy qua kiếp nọ, loại độc nầy
đã tích tụ trở thành một khối vô minh che đậy cái thật có của chúng ta, chúng
ta không phân biệt được thực hư, mình không biết mình là ai, sống trong cái giả
tướng, giả tánh, tham sân chấp ngã nên chùa chiền, thánh tăng, chư vị Bồ tát có
hiện hữu thì chúng ta cũng không thấy và biết được. Chuyển hóa là do tâm niệm
của chúng sanh, các Ngài khai thị chúng ta, dùng Pháp, dùng phương tiện, chỉ
chúng ta con đường trí tuệ nhưng chúng ta không chịu quay lại thì dù Pháp Phật
có nhiệm mầu, Bồ tát, Thánh tăng đang ở bên ta cũng đành chịu.
Khi
niệm dấy khởi mà chúng ta không nhìn lại để biết nó là hư vọng, chắc chắn rằng
chúng ta sẽ bước vào con đường tạo nghiệp, còn niệm tức còn pháp, vô niệm tức
pháp không sanh, đây cũng là then chốt để Thượng tọa Minh được khai ngộ khi cầu
Pháp với Lục Tổ, câu nói thật đơn giản “ Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái
gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh? “, Thượng tọa Minh đã bừng tỉnh ,
nhận ra được tâm chân thật hằng tri hằng giác mà bao ngày bị vùi chôn bởi những
vọng niệm sanh diệt. Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng dạy rằng người tu là phải
quay lại nhìn mình, câu nầy ai cũng biết nhưng kẻ thật sự quay lại nhìn mình
lại có mấy ai. Người xưa cũng đã nói: “ Các nhân tư tảo môn tiền tuyết, bất
quán tha nhân ốc thượng sương.” Tuyết ngập đầy nhà mình không lo quét dọn, cứ
lo chỉ trích nhà thiên hạ phủ sương. Tạo hóa cho mình đôi mắt, nhưng điều đáng
buồn là khi nhìn mặt mình thì phải trông cậy đến tấm gương, đôi mắt xác thịt
hòa lẫn với tham dục hư dối ở nơi ta, nên cuộc đời tu hành thường gặp phải gian
truân. Quay lại nhìn mình tu hành thì chúng ta phải sử dụng đôi mắt trí tuệ,
chỉ có mắt trí tuệ mới thấy và nhận được ta. Ví như một kẻ đang du hành mà
đường đi không biết, lạc đường chẳng hay thì ngày nào mới quay trở lại. Cuộc
hành trình điều đầu tiên là phải xác định mục tiêu mình muốn đến, nếu chưa biết
đường đi phải kiếm bản đồ, đây là một tiến trình nhìn lại mình để thấy và biết
về mình, mình đang ở đâu, đang muốn về đâu, phương tiện nào sẽ phụ trợ thích
hợp cho chuyến hành trình mình muốn. Phật nói đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, vì
Ngài biết được căn cơ của chúng sanh khác biệt, kẻ thấp người cao, kẻ trí người
mê, các Pháp Ngài nói tuy nhiều nhưng chung quy chỉ là một, đó là phương tiện
để đưa chúng ta tìm lại cái chơn tâm hằng hữu ở nơi ta. Pháp Phật, ý Tổ, lời
Thầy, nhưng điểm then chốt vẫn ở nơi mình, chỉ có mình mới có đủ tư cách quyết
định quá khứ, hiện tại, tương lai của mình. Ngài Nam Sơn dạy rằng khi “Ba
nghiệp khởi lên do tâm hư vọng sai khiến, trước lấy giới luật bắt, kế lấy thiên
định mà trói, rốt sau lấy trí huệ mà sát, thứ lớp như vậy mới được”. Điều chủ
chính của chúng ta trước tiên phải thấy được ta đang bị ba nghiệp bủa vây, sau
đó mới tùy duyên tìm kiếm phương tiện thích hợp cho mình. Tịnh độ, Thiền tông,
Mật tông, phương cách nào chăng nữa cũng phải đến chỗ vô niệm mới diệt được mầm
mống sanh diệt của vạn pháp.
Tôi được phước báu nhân duyên nghe
và đọc được một số kinh sách giảng giải của Hòa Thượng Trúc Lâm, gần một năm
trước mới được phúc duyên học phương cách ngồi thiền tại Ni viện Quang Chiếu.
Bước đầu học và hành thiền thật lắm gay go, như mắt đau, nước bọt chảy, đáng
buồn hơn nữa là niệm vẫn khởi, tâm vẫn đảo điên, lắm lúc chỉ ngồi chưa đầy mười
lăm phút mà tưởng như một ngày đã trôi qua. Tôi thắc mắc tại sao loạn tưởng cứ
mãi dấy lên trong khi hành thiền, đến một chiều kia sau giờ làm việc về nhà,
tôi đã tụng một biến kinh, điều khác biệt là chiều nay tôi tụng kinh không phân
tâm như những lần trước, khi tụng đến câu “Tội từ tâm khởi đem tâm sám. Tâm
tịnh tội liền tiêu. Tội tiêu Tâm tịnh mới thật là chơn sám. Nam mô cầu sám hối
Bồ Tát Ma Ha Tát”. Những câu sám nguyện nầy đã là một cơ duyên cho tôi bừng
tỉnh, tôi thấy được tội lỗi từ tâm, do ở tâm mình, muốn diệt trừ cũng phài bắt
đầu từ tâm, và cũng có nghĩa là tâm tịnh tội liền tiêu. Nhịp cầu nầy đã cho tôi
cảm nhận về thiền sâu thêm một bước nữa. Tôi hiểu rằng Tịnh độ, Thiền tông hay
bất cứ một pháp môn nào mà Phật đã dạy vốn là một, vì tất cả đều tiến đến một
cứu cánh là tâm tịnh, niệm không khởi tội lỗi và nghiệp chướng tự nó tiêu trừ,
vì không sanh thì có đâu để diệt. Những ngày hành thiền kế đến tôi hoàn toàn
theo lời dạy của Hòa Thượng và quý Cô ở Quang Chiếu, đừng ngăn chận vọng niệm
mà chỉ quán rằng niệm khởi là hư dối, là sanh diệt không thật, từ đây khi hành
thiền tôi thấy thoải mái an ổn hơn, thời gian tọa thiền không còn dài lê thê
như trước nữa. Tôi nhận ra tôi là chủ nhà và niệm là mấy tên trộm đã vào nhà
hoặc đang rình rập, kẻ có ý đồ đang bủa vây hoặc rình rập gia sản quý báu của
mình, nhưng mình thấy và biết được âm mưu và hành động của họ, tất nhiên họ
phải chùn chân, tránh né. Càng hành thiền tôi lại càng thấy được tôi, không còn
là một chủ nhà bình thường, mà là quốc vương của một nước, quốc độ của tôi tuy
vẫn còn trong cảnh đao binh, loạn lạc, nhưng tôi luôn có một niềm tin, khi đã
thấy được xứ sở mình không yên ổn, và cũng đã biết ở đâu có loạn lạc, ai bạn ai
thù, không còn lẫn lộn như xưa nữa. Chắc chắn sự an lạc chỉ là thời gian ngắn
hoặc dài ở ngay hiện tại, bằng không đây cũng là một hạt nhân thanh tịnh cho
đời vị lai. Nhất định rằng như Pháp Phật, ý Tổ, lời Thầy đã dạy: “Tâm tịnh thì
quốc độ tịnh”.
Nguyen Hoa – Nguyen Minh
No comments :
Post a Comment