Những ngày cuối năm dương lịch, cũng nhằm vào dịp lễ Giáng
sinh, thiên hạ thật rộn ràng, nô nức. Các thương xá và siêu thị tràn ngập khách
hàng. Hoa trái, bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng và đủ loại hàng hóa
tranh nhau khoe sắc, khoe hương, khoe mỹ vị. Thiệp Giáng sinh và năm mới bán đắt
hơn hết, dù rằng thiệp điện tử (e-card) khá phổ biến hiện nay đã làm giảm đi một
số lượng lớn thiệp giấy và phong bì. Giấy gói quà, nơ xanh nơ đỏ, cũng là những
thứ mà ai cũng cần đến trong mùa lễ cuối năm, đầu năm.
Tại sao phải mua sắm và tặng quà nhiều đến thế? Có những
gia đình mở quà tặng từ nửa đêm 24, hoặc rạng ngày 25/12 cho đến bảy, tám giờ,
thậm chí đến giờ ăn trưa của ngày Giáng sinh mới hết quà! Quà chất một núi, dưới
gốc cây thông trang trí đèn hoa rực rỡ; không đủ chỗ, phải để tràn lan hoặc sắp
thành từng lớp dọc theo tường. Để biểu lộ tình cảm và ân nghĩa gia đình, ông-bà,
cha-mẹ, anh-chị-em, tình cảm đôi lứa, tình đồng nghiệp, đồng đạo, đồng môn, đồng
hương, hàng xóm láng giềng, ông đưa thư, người hốt rác, người giữ trẻ, người dọn
vệ sinh văn phòng… mỗi người phải tốn biết bao là quà cáp và thiệp chúc, giấy
gói, thời gian suy tính ngẫm nghĩ (xem ai là người đáng tặng quà, ai là người đã
tặng quà mình năm trước, ai có thể là người sẽ tặng quà mình năm nay), đắn đo
ghi chú (người này thích hợp món quà nào, tốn bao nhiêu tiền cho quà tặng người
này, người kia),
rồi thời gian mua sắm, gói quà, xếp hàng bưu điện để gửi, lái xe đến tận nhà hay
sở làm để trao… Công ty UPS dự đoán năm nay sẽ nhận chuyển trên 70 triệu gói
hàng. Đó chỉ là quà hàng qua một công ty trong nước Mỹ, chưa kể nhiều công ty
chuyển hàng khác, và nhất là bưu điện, của Mỹ và của các nước khác, hẳn nhiên là
nhiều gấp năm cho đến gấp mười lần hơn. Và đã có một số trường hợp giá trị món
quà không bằng phí tổn gửi đi. Ôi chao! Chỉ là tặng quà nhau thôi mà thật là tốn
kém thời gian, tiền bạc và tâm trí.
Trong ý nghĩa biểu lộ tình thương và niềm tri ân giữa người
với người, giữa cá nhân với gia đình và xã hội, sự trao tặng quà quả là một mỹ
tục quý hóa. Nhưng khi sự trao tặng đi đến chỗ tính toán, đổi chác, so đo, có
qua có lại mới toại lòng nhau, thì mỹ tục sẽ trở thành hũ tục mà nếu hời hợt vô
tình, sẽ không sao nhận biết. Đừng bao giờ cho rằng sự việc gì xảy ra ở xứ sở
văn minh đều là văn minh. Văn minh, nếu được xem như là cao điểm thành tựu của
con người và xã hội trong dòng văn hóa của họ, thì văn minh đó, trong thế giới
hiện đại, phải là nền văn minh tình người. Chỗ cao tột của con người vạn đại
chính là thương yêu và mang
lại hạnh phúc cho nhau, không kể màu da, tôn giáo, chủng tộc, xứ sở.
Có những quà tặng thừa thãi, bồi đắp thêm cho những vật
dụng đã có rồi. Có những quà tặng không biết phải đặt ở đâu vì trong nhà không
còn chỗ chứa hay trang trí. Có những quà tặng không biết sẽ dùng vào việc gì và
lúc nào sẽ dùng đến. Có những quà tặng áo quần nhận rồi cứ để nguyên trong hộp
vì không còn chỗ để treo trong tủ áo.
Trong khi đó, có những người, những gia đình, những làng
xã, những đất nước nghèo đói hãy còn thiếu ăn, thiếu mặc, không đủ ấm mùa đông,
không đủ mát mùa hè, không có trường để học, không có sách vở báo chí, không có
tiện nghi gia dụng… không có tất cả những gì mà những người sung túc dư dả hả hê
‘bóc và lột’ từng gói giấy màu trang trọng lịch sự để đón nhận những món quà bất
ngờ.
Như thế, 3 tỉ người (nếu không dám chắc là 5 tỉ) tạm ngưng
không tặng quà cho nhau (vào cuối năm, đầu năm, Tết tây và Tết ta) mà dành tiền
tặng quà hay lì xì đó để tặng cho người đói nghèo, thì ít ra có thể cứu sống 100
triệu người trong ba tháng, thậm chí trong vòng một năm, hai năm, ba năm! Con số
phỏng chừng này là dựa vào lời kêu gọi của một tổ chức từ thiện xã hội: “chỉ cần
một đô la của bạn thôi, có thể cứu đói cho một trẻ em ở châu Phi trong một
tuần!”
Nhưng điều “nếu” này, chắc chắn là không thực hiện được.
Người ta có nhiều lý do để làm ngơ trước những điều cần làm và những điều không
xảy ra trước mắt. Ý của thượng đế đã an bài như thế. Nghiệp riêng và nghiệp
chung của con người và đất nước này, đất nước kia, là như thế.
Kỹ thuật điện tử hiện đại có thể nối kết con người trên thế
giới gần lại với nhau, thấy rõ nhau hơn. Người bên Âu thấy người bên Á; kẻ bên Á
biết người bên Phi… Nhưng ở những bộ lạc hoặc làng xã hoang sơ, nghèo đói, lấy
phương tiện gì để mà nối kết với thế giới bên ngoài? Mà thấy biết nhau nhưng
không hiểu và không thương nhau thì thấy biết để làm gì! Những kẻ đói nghèo có
cần thấy biết sự ăn sung mặc sướng, thừa mứa phủ phê của những người giàu có
chăng?
Đặt vấn đề như vậy vào những ngày đầu năm có lẽ sẽ làm mất
hứng và giảm đi ý vị xuân của nhiều người, trong đó có người viết, người đọc.
Nhưng xét cho cùng, lòng thương cảm hay nỗi xót xa đối với con người và cuộc đời
cũng là một trong muôn ngàn hương vị mùa xuân.
Trước vẻ phong quang xán lạn của đất trời, khi cỏ cây đâm
chồi nẩy lộc, khi nắng ấm chan hòa reo vui trên những ngả đường thôn quê và phố
thị, khi lòng người hân hoan tở mở như sẵn sàng tiếp nhận sinh quang của hy vọng
và tin yêu trong mùa mới, thì việc trải lòng mình ra đối với những nỗi đời bất
hạnh, nghèo khó, tủi nhục, bất an, tù hãm… cũng là một món quà cao đẹp của mùa
xuân. Món quà ấy, ai cũng có sẵn, có thể mang ra bất cứ lúc nào. Món quà ấy
không cần phải gói, mà cần phải mở; không cần gửi đi, mà chỉ cần khơi dậy; không
cần trao đổi, chỉ cần trang trải; không cần tính toán, chỉ cần cảm thông; không
cần đối diện, chỉ cần thương yêu. Món quà ấy cũng không cần phải dùng đến phương
tiện truyền thông kỹ thuật hiện đại, vì nó nối kết con người trên hành tinh này
bằng sợi dây thiêng liêng của lòng thương yêu không bến hạn.
Mỗi người chúng ta, luôn sẵn sàng một món quà như thế: luôn
tin yêu và hy vọng, ước mong người nghèo đói có đủ cơm ăn áo mặc, kẻ tù đày được
trả tự do, trẻ em khắp nơi đều được đến trường, người già neo đơn được chăm sóc
chu đáo, kẻ bệnh tật được thuốc chữa thầy hay, người không bức hiếp người, xã
hội công bằng, đất nước phồn vinh no ấm.
Luôn tin yêu và hy vọng như thế thì khi việc đến, mỗi người
tự biết phải làm gì. Băng giá hay ấm cúng chỉ là do đóng hay mở. Đóng lại là mùa
đông, mở ra là mùa xuân. Hương vị xuân, theo ý nghĩa đó, không phải chỉ lan tỏa
theo thời tiết, mà hiển hiện trong từng phút giây thực tại.
Ở một không gian nhỏ, nơi bàn viết có cửa sổ mở ra hiên sau
với những nhánh phong lan phơi mình trong nắng sớm, lòng không tân toan vướng
bận. Chỉ thương một nỗi nhân sinh khổ lụy vô thường.
No comments :
Post a Comment