Wednesday, March 6, 2013

Hãy Chọn Những Bạn Lành

Ở đời này tìm được một
người "bạn" đúng nghĩa
xem ra không phải dễ...
Thích Nữ Diệu Tịnh

Chúng bạn là những người có khả năng tạo nhiều ảnh hưởng đến với chúng ta. Những thất bại và thành công trong đời sống cũng một phần do sự ảnh hưởng của những người ta dành nhiều thời gian gần gũi. Thế nên, ta phải khéo chọn bạn lànhđể đời sống chúng ta được ngày một tốt đẹp hơn.

Chúng bạn có hai hạng: bạn tốt và bạn xấu. Bạn tốt là những người chia sẽ với ta niềm vui hoặc giúp đỡ và sát cánh với ta trong những lúc khó khăn. Còn bạn xấu là người khiến ta đi lầm đường lạc lối. Trong hai hạng này, chỉ có bạn tốt là người ta nên gần gũi. Tuy rằng chúng ta đều công nhận rằng kết bạn với người tốt là điều nên làm, nhưng trên thực tế thì không phải ai cũng có thểchọn bạn lành và xa bạn dữ.     

Ta nên áp dụng lời Đức Phật dạy về sự chọn lựa chúng bạn. Trong kinh Đức Phật dạy rằng làm bạn với người thiện là một trong bốn pháp đưa đến “hạnh phúc an lạc trong hiện tại, và hạnh phúc an lạc trong tương lai.” Qua sự dạy dỗ của Đức Phật Phật đối với cư sĩ Byagghapajja, Ngài dạy ta phải nên làm bạn với người thiện và nêu rõ những đức tánh của người thiện như sau:
Này Byagghapajja, thế nào là làm bạn với thiện? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có gia chủa hay con người gia chủ, những trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, vị ấy làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập với đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, vị ấy học tập với đầy đủ giới đức. Với những người đầyđủ bố thí, vị ấy học tập với đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ, vị ấy học tập với đầy đủ trí tuệ. Này Byagghapajja, đây gọi là làm bạn với thiện. (TCB 8:54)
Theo đoạn kinh trên, người thiện có bốn đức tánh: đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, và đầy đủ trí tuệ. Những ai có những đức tánh này là những người ta nên kết giao. Họ là những bạn tốt và đáng cho ta kính quý. Từ những người này, ta có thêm cơ hội học tập theo đức tánh của họ, và họ được gọi là những người bạn lành cho ta nương cậy. 
Khi giao lưu với những người lành thì hiển nhiên ta sẽ gặt được nhiều lợi ích trongđời. Lợi ích đầu tiên là ta sẽ được nuôi dưỡng bởi năng lực lành của chúng bạn. Họ đem đến cho ta sự an vui qua những hành động, lời nói, và lối suy nghĩ của họ. Sự biểu hiện lành thiện của họ sẽ là dấu ấn trong tâm ta về lối sống trong sáng, cao quý, và thành công. Sự ghi nhớ này tạo nên một lập trường tốt đẹpđể ta củng cố lấy ta trong việc tạo dựng hạnh phúc an vui. 
Ví dụ cụ thể là quen biết người bạn hay góp công xây dựng xã hội. Bạn dành thời gian cuối tuần dạy dỗ các em thiếu mái ấm tình thương hoặc các em từ những gia đình bất hạnh. Qua những lúc trò chuyện, bạn sẽ chia sẽ những niềm vui bạn nhận được từ công việc từ thiện xã hội. Tấm lòng lành của bạn có khả năng cảm hoá ta, và rồi ta tự nhủ lòng rằng phải làm những điều giúp ích cho xã hội. Đây gọi là ta hấp thụ năng lực lành của chúng bạn tốt để nuôi dưỡng chính mình.
Lợi ích thứ nhì của sự kết bạn với người lành là khi ta gần những người có lối sốngđáng kính quý thì ta có nhiều cơ hội để tu sửa chính mình. Đối với những người bạn có được thành công trong đời sống thì chính kinh nghiệm của họ là bài học vô giá cho ta tập tành theo cả đời. Họ là những tấm gương cho ta thấy khuyết điểm của bản thân, là người hướng dẫn sáng suốt chỉ cho ta điđúng đường khi lạc lõng, và là người có khả năng giúp ta ngăn chặn những thói xấu của mình. Đức Phật nêu rõ lợi ích của sự gần gũi bạn lành như sau:
Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng,
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉtốt hơn, không xấu. (PC 76)
Những người bạn có hướngđi cao cả này sẽ chiếu sáng lòng mình với sự sáng suốt của họ, và ta sẽ trưởng thành một cách lành thiện trong tình bạn quý giá.                                                                                                        
Trong khi bạn tốt đem lại sự tốt đẹp cho đời sống chúng ta thì những bạn xấu sẽ tạo thêm nhiều điều phiền phức. Như trên đã nói, bạn xấu là những ai mang đến cho mình nhiều nỗi bất an. Nhưng làm sao nhận diện được thế nào là “bạn xấu” trong khi những người bạn của mình đều cư xử với mình rất tốt.
Ta sẽ hiểu thêm về sự nhận diện kẻ xấu qua lời dạy của Đức Phật như sau:
Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi pháp là pháp, sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất. (TCB 1:10)
Ngài dạy rằng những ai cho rằng “phi pháp là pháp” thì sẽ gây nhiều bất lợi cho loài người và cả loài trời (thiên). Thế nào gọi“phi pháp cho là pháp?” Đây chỉ cho sự đảo lộn luân lý đạo đức: quấy mà ta cho là phải, ác mà ta cho là thiện. Thế thì ai lấy phi pháp làm pháp thì được liệt kê vào hạng người xấu. Chữ “Xấu” đây không chỉ áp dụng cho sự cư xử tệ hại, nhưng còn chỉ cho xu hướng gây nên nỗi bất an. Có nghĩa là người xấu thích muốn gây nên đau thương và luôn tìm niềm vui trong sự tổn thất, nỗi lo âu, hoặc niềm đau khổ nơi người khác. Những ai có xu hướng gây nên đau thương là những người xấu.
Ta sẽ phải lãnh lấy nhiều sự bất an khi gần gũi kẻ xấu. Nỗi bất an thứ nhất là người xấu có khả năng lây lan những tánh hư tật xấu cho ta. Vì họ không ưa học hành, họ sẽ khuyên ta bỏ học; vì họ chuyên kiếm tiền bất hợp pháp, họ sẽ lôi kéo ta vào con đường bất hợp pháp; vì họ thích tiêu thụ thức ăn hay những chất liệu có khả năng tàn hại sức khoẻ, họ sẽ mời gọi ta tập tành theo họ. Nỗi bất an thứ nhì của sự giao lưu với bạn xấu là ta sẽ lún sâu vào lỗi lầm. Những người xấu không phải lúc nào cũng là người hất hủi mình, mà có khi họ là những người có khả năng thỏa mãn những ham muốn hoặc cho ta nhiều cơ hội thao túng. Có nghĩa là họ có khả năng chiều theo và cũng cố những tánh xấu của mình, để mình không sao cải thiện nổi.         
Ví dụ như mình phải chịu nhiều áp lực của gia đình và mình thường đến với bạn bè đểchia sẻ nỗi buồn. Nhưng thay vì hướng dẫn mình làm những việc lành mạnh, họ lại bày cho mình uống rượu để giải khuây. Họ còn sẵn sàng say sưa cùng mình nhiều giờ. Nhìn bề ngoài thì đây là nghĩa cử thân tình, nhưng thật ra đây là điều gây hại. Họ đang tiêm nhiễm ta với tính khí nguy hiểm. Những ai mời gọi ta vào sự sai lầm đều là những người ta phải lánh xa. Kết giao với những người xấu ác chính là sự nguy hiểm cho đời mình. Ta phải khéo nhận diện ra tánh chất của những lời mời gọi ấy, từ chối những lời mời gọi của họ, và giữ vững lập trường cải thiện của mình.     
Nỗi bất an thứ ba là ta sẽ thất bại nhiều mặt trong đời sống, dù là trong học vấn, tình cảm, công việc, hay hạnh phúc gia đình. Người xưa thường dạy rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng,” và “vụ lộtrung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận”—có nghĩa là người đi trong sương tuy không ướt áo nhưng dần dần bị thấm lạnh (QSCS 15). Những lời dạy răn này rất thiết thực trong sựchọn lựa tình bạn. Tuy ta không có những tánh xấu ác, nhưng nếu những bạn thân tình của mình là những người không lành, thì lâu ngày ta sẽ tập tành theo họ, và rồi ta sẽ bị tiêm nhiễm bởi những tánh xấu của họ. Những người bạn xấu sẽ không có khả năng truyền trao kinh nghiệm sống để giúp ta vươn lên, hoặc chia sẻ cùng ta niềm an vui và hành phúc. Họ là những người khiến ta gặt hái đau khổ trong hiện tại và luôn cả trong tương lai. Do đây, lời Đức Phật dạy về sự nguy hại của sựkết giao với người xấu ác: “Ta không thấy một phần nào khác đưa đến bất lợi lớn như vậy, này các Tỷ-kheo, như làm bạn với ác. Làm bạn với ác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn” (TCB 1:10).
Chọn lựa chúng bạn lành làm chỗ thân thiết rất quan trọng đến niềm an vui và hạnh phúc của cả một đời. Nếu ta chọn những người hiền lành, đáng kính, và cao quý làm bạn, thì ta đang nuôi dưỡng mình trong năng lượng lành thiện và vun bồi niềm vui và hạnh phúc. Ngược lại, nếu ta lựa chọn những người có nhiều thói xấu ác thì ta đang lao mình vào con đường nguy hiểm. Ta phải ghi nhớ và làm theo lời Đức Phật dạy về việc kết bạn như sau:
Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân,
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân. (PC 78)
Kết bạn với những người lành là điều kiện thiết yếu dẫn đến hạnh phúc an vui trong hiện tại và trong tương lai. Ta chỉ nên chọn lấy những người lành làm bạn.
Thích Nữ Diệu Tịnh


Tài Liệu
Kinh Pháp Cú. Viên Chiếu dịch. Tập II. Thiền Thất Ngọc Chiếu ấn tống, CA.
Kinh Tăng Chi Bộ. Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch. Tải từ trang nhà phapthihoi.org.
Quy Sơn Cảnh Sách. Phật TổNgũ Kinh. Hoà Thượng Thích Hoàn Quan dịch.

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS