Trong kinh Tịnh Danh, đức Phật dạy có hai hạng người có sức mạnh nhất: đó là người
không có tội, và thứ hai là người có tội mà biết hối cải – một sự hối cải rốt
ráo phát xuất từ tâm can, quyết chí đổi bỏ điều ác thực hành điều thiện.
Nói rõ
hơn, con người mạnh nhất là người không còn sợ hãi bất cứ gì, hoàn toàn vô
úy. Chúng ta sở dĩ sợ hãi trước hết là vì mình có tội, sợ bị trừng phạt, sợ
mất danh dự nếu người ta biết được, sợ mất lợi lộc, sợ mất vây cánh. Thứ đến,
chúng ta sợ hãi vì mong an toàn, sợ những đổi thay, bất trắc. Sự an toàn ấy bao
gồm nhiều phương diện.
Một con người ngã chấp càng nặng nề thì những điều kiện
cho sự an toàn ấy càng phức tạp. Đối với một người biết đủ thì được túp lều
tranh che mưa nắng, có hai bữa cơm cháo hàng ngày, vài bộ đồ mặc, đã tạm gọi là
an toàn. Nhưng đối với nhiều người chừng ấy chưa đủ. Thức ăn phải là cao lương
mỹ vị, chỗ ở phải đầy đủ tiện nghi. Áo quần phải sang trọng hợp thời trang. Và
sống phải có danh vọng địa vị, có nhiều bạn bè quyến thuộc vây cánh "cuộc vui
đầy tháng, trận cười thâu đêm" mới có sinh thú. Đối với những người như vậy,
sự an toàn trở nên dễ dàng bị đe dọa. Càng nhiều hàng rào phòng thủ quanh bản
ngã, ta càng thấy cái ngã dễ bị thương tổn, dễ mất an toàn. Vì nó đã được đồng
hóa với nhà cửa, bạn bè, của cải tài vật, danh tiếng, với đủ thứ mà ta xem là
nhu cầu thiết yếu cho sự sống. Khi cái ngã đã được bành trướng ra vô tận qua
những nhu cầu phức tạp, thì sự an toàn trở nên vô cùng mong manh, và nỗi sợ hãi
càng âm thầm tăng trưởng theo nhịp độ nhu cầu. Cần tiền ta sẽ sợ mất tiền, cần
tình sợ mất tình, cần danh sợ mất danh, cần tiện nghi vật chất sợ mất tiện nghi
vật chất, cần uy tín sợ mất uy tín, cần bạn bè sợ mất bạn bè. Và bởi vì chúng ta
cần quá nhiều thứ trên đời, nên nỗi sợ hãi có thiên hình vạn trạng. Thông thường
chúng ta không hoàn toàn ý thức nỗi sợ hãi bất an của mình, không hoàn toàn ý
thức nhu cầu thầm kín của mình cho đến khi một trong những nhu cầu ấy bị trắc
trở. Nghĩa là chúng ta chỉ ý thức được nhu cầu mình ở mặt trái của nó:
cái thương nhớ ấy là khi mất rồi! Mất rồi mới biết à, té ra ta cần như vậy như
vậy. Thành ra, thiên đường thực sự không bao giờ ở tầm tay vói, mà chỉ ở một
khoảng cách vô cực như những vì sao. Emily Dickinson diễn tả ý đó trong những
vần thơ đẹp:
My rose
gays are for captives
Dim, long
expectant eyes
Fingers
denied
plucking
Patient
till paradise
(những
hoa hồng nhung của tôi chỉ dành cho những kẻ đang bị giam cầm đang ngước những
đôi mắt mỏi mòn chờ đợi - những ngón tay không bao giờ với tới, kiên nhẫn cho
đến ngày lên được thiên đàng)
Chúng ta
cũng thế, giống như những kẻ tù đày đang bị giam hãm chỉ biết ngước những đôi
mắt tuyệt vọng nhìn đóa hoa mình không bao giờ được hái. Có những nhu cầu thầm
kín mà ta chỉ ý thức được khi gặp điều trái lại làm cho ta bất mãn. Chẳng hạn,
thông thường có thể ta không biết mình có háo danh, ham tiếng khen hay không.
Nhưng khi bị chê ta mới biết té ra mình cũng thích được khen vì bị chê thì đau
khổ. Mọi nỗi sợ hãi khác đều chứng tỏ sự có mặt của nó bằng cách tương tự, nghĩa
là bằng mặt trái.
Cái ngã
càng lớn thì nhu cầu càng nhiều. Nhu cầu càng nhiều thì sợ hãi càng nhiều. Một
con người có nhiều sợ hãi, nhiều vòng đai phòng thủ không thể gọi là người hùng
mạnh.
Đức Bổn
sư chúng ta là người mạnh nhất trong những người mạnh, bởi vì Ngài đã triệt tiêu
bản ngã, bởi vì Ngài không còn một nhu cầu nào. Trong Kinh Sợ hãi khiếp
đảm (Trung Bộ I), Ngài đưa ra những lý do vì sao Ngài không còn sợ hãi, để
ai muốn đạt được đức tính vô úy, thì hãy sống như Ngài đã sống: thân nghiệp
thanh tịnh (nghĩa là không giết hại, trộm cắp, dâm dục), ngữ nghiệp thanh tịnh
(không nói dối, nói hai lưỡi, nói lời phù phiếm, lời độc ác), ý nghiệp thanh
tịnh (không tham, sân, si), mạng sống thanh tịnh (không tự nuôi sống bằng những
nghề nghiệp ác ôn), không có tham dục cường liệt, không lười biếng, không ngủ gà
ngủ gật, tâm không tán loạn (luôn luôn thiền định), thân không lăng xăng giao
động, không ham muốn lợi danh và tiếng khen, không khen mình chê người, không
nghi ngờ do dự, không ngu độn si ám... Ngược lại, Ngài sống điều độ, tỉnh giác,
tinh tấn, chánh niệm, ít nhu cầu, sáu căn luôn luôn an hòa tịch tịnh, có trí tuệ
sáng suốt. Nhờ vậy, với Ngài, không bao giờ có nỗi sợ hãi và bất thiện khởi lên
khi sống một mình trong những trú xứ xa vắng ở rừng núi hoang vu: Đức Phật quả
là Đấng Chiến Thắng (Jina) trong loài người, Con Người mạnh nhất.
(trích từ Bóng Nguyệt Lòng Sông, tác phẩm của NS Thích nữ Trí
Hải)
No comments :
Post a Comment