
Bản Ghi Nhớ Tình Báo: THÍCH TRÍ QUANG và Mục Tiêu
Chính Trị Phật Giáo tại Nam Việt NamVĂN PHÒNG GIÁM ĐỐC TÌNH BÁO (Directorate of Intelligence)
Hồ Sơ Mật Viết ngày 20 tháng 4 năm 1966
Hồ sơ số No. 0806/66 Bản thứ 213
Giải Mật Ngày 15 tháng 1 năm 2004
Tên hồ sơ: CIA-RDP80B01676R000100050011-6.pdf
(Lời Người
Dịch: Hồ sơ này đã giải mật theo luật Hoa Kỳ -- tuy vẫn còn xóa
trắng 2 dòng ở trang 1, và xóa trắng hai trang 3 và 4 -- sẽ cho thấy cách nhìn
từ chính phủ Mỹ về tình hình Việt Nam trong thập niên 1960s . Hồ sơ này cho thấy đánh giá từ phía tình
báo Hoa Kỳ về Thầy Thích Trí Quang và hoạt động của Phật Giáo VN trong năm
1966, tức là ba năm sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Một
vài đánh giá trong bản văn này bây giờ đã thấy là không chính xác, khi Mỹ dựa
vào suy đoán để gán ghép một mục tiêu chính trị nào đó cho một hay nhiều vị sư.
Tuy nhiên, bản văn này cho thấy cái nhìn từ phía tình báo Hoa Kỳ đối với Phật
Giáo trong tình hình lúc đó đang gay gắt, và sẽ chiếu rọi thêm một phần vào lịch
sử phong trào Phật Giáo.
Điểm ghi nhận từ hồ sơ đánh giá này:
(1) Phật Giáo đứng về quyền lợi dân tộc, không hề bị chi phối
bởi người Cộng sản hay bởi người Mỹ;
(2) Thời kỳ Phật Giáo hồi phục gắn liền với phong trào kháng
Pháp;
(3) Người Pháp củng cố quyền lực cai trị phần lớn là nhờ các
giáo sĩ;
(4) Bản văn CIA này còn quá sơ sài, không nhìn đúng tình hình
chế độ của Tổng Thống Diệm đã gay gắt đàn áp tôn giáo, như đối với Đạo Cao Đài
[http://hoangnamgiao.blogspot.com/2013/02/ao-cao-ai-bi-nha-ngo-ap-ra-sao-tran-van.html]
hay đối với Phật Giáo Hòa Hảo [http://hoangnamgiao.blogspot.com/2013/02/phat-giao-hoa-hao-bi-nha-ngo-ap-ra-sao.html],
đó là chưa nói tới trường hợp Phật Giáo;
(5) Bản thân Thầy Thích Trí Quang không liên hệ gì tới CIA hay
Cộng sản, chỉ là một người chủ nghĩa dân tộc;
(6) Theo CIA đánh giá, Phật Giáo là cảm xúc sâu thẳm nhất của đa số
dân VN (xem đoạn văn 27), chính
phủ Phật Giáo nếu có sẽ có thể là kình địch mạnh nhất mà Việt Cộng có thể đối
diện (xem đoạn 30), và Phật Giáo
muốn thấy người Mỹ rời Việt Nam (xem đoạn 31).
Cần ghi nhận bối cảnh này:
- Tháng 3 năm
1966, Phật Tử biểu tình tại Đà Nẵng và Huế, tổng đình công, chiếm đài
Phát thanh ở Huế và Đà Nẵng.
- Ngày
17-3-1966, tại Sài Gòn đại sứ Hoa Kỳ tại VNCH, Cabot Lodge gặp Thầy Thích Trí Quang, trong khi
các tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ gặp Thầy Thích Tâm Châu.
- Ngày
19-3-1966, Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuyên bố
không chống đối chính phủ mà chỉ đòi hỏi bầu cử và thành lập chính phủ dân sự.
Biểu tình tiếp diễn.
- Ngày
5-4-1966, tướng Nguyễn Cao Kỳ đem theo hàng ngàn binh sĩ ra Đà Nẵng bằng
cầu không vận Mỹ, nhưng bị binh lính địa phương ngăn chặn, không cho ra khỏi sân
bay.
- Ngày
8-4-1966, chính phủ gửi tiếp hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra Đà Nẵng
nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối và yêu cầu chính phủ giải quyết tranh chấp bằng
thương lượng.
- Ngày
14-4-1966, trung tướng Nguyễn Văn Thiệu nhượng bộ, công bố sắc luật số
14/66, tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến để soạn thảo và biểu quyết hiến pháp
VNCH. Phật giáo tuyên bố tạm ngưng đấu tranh.
- Ngày
17-4-1966, Thầy Thích Trí Quang từ Sài Gòn ra Huế dàn xếp và kêu gọi
ngưng biểu tình.
- Và ngày
20-4-1966, hồ sơ tình báo này được soạn thảo..
Trong bản dịch này, chữ “Catholic” sẽ dịch là “Thiên chúa
giáo,” hiểu là thuộc hệ “Thiên chúa giáo La mã” của Vatican. Sau đây là bản
dịch toàn văn, thực hiện bởi Cư
Sĩ Nguyên Giác.)
Tóm
Lược:
Một chiến thắng chính trị Phật Giáo xuất phát từ khủng hoảng
chính trị hiện nay ở Nam Việt Nam sẽ dẫn tới một bước khựng lại tạm thời đối với
mục tiêu và các chương trình Hoa Kỳ, nhưng sẽ không có nghĩa là thảm họa hoàn
toàn. Những mục tiêu được nêu lên từ các vị lãnh đạo Phật Giáo nhấn mạnh tới
việc gìn giữ sự độc lập của Nam Việt Nam và sự tự do không bị Cộng Sản chế ngự.
(Người dịch: Tới đây là hai dòng trong
bản văn giải mật bị cơ quan giải mật xóa trắng.) Những người Phật Tử là
một yếu tố chính trị có sức mạnh mà bất kỳ chính phủ nào cũng phải thương lượng
nếu muốn đạt ổn định.
Các vị sư chính trị, như Thích Trí Quang, không nhất thiết lên
tiếng cho, hay đại diện cho, ước muốn chân thực của tất cả Phật Tử Nam Việt Nam,
nhưng họ có một tổ chức chính trị hiệu quả, dựa vào số đông quần chúng, hơn bất
kỳ ai khác không phải người Cộng sản. Hệ thống tổ chức Phật Giáo không phải là
Cộng sản, mặc dù các hoạt động của các vị lãnh đạo tổ chức này thường trợ giúp
cho chính nghĩa Cộng sản. Thái độ và các hành xử của những vị này, và sự tiếp
nhận của công chúng VN đối với ảnh hưởng chính trị của họ, đã bị điều kiện hóa
bởi các yếu tố tôn giáo, chính trị và xã hội xuyên qua lịch sử VN.
Nếu các Phật Tử thành công trong việc nắm chính quyền, Hoa Kỳ
sẽ bị trực diện với các vấn đề chính trị tế nhị. Tuy nhiên, về lâu dài, một
chính phủ do Phật Tử chiếm đa số có thể có hiệu quả ổn định tình hình VN.
Không có vẻ gì là một chính phủ Phật Giáo sẽ cố ý trao Nam VN
cho người Cộng sản. Mặc dù các Phật Tử mong muốn kết thúc sự hiện diện và ảnh
hưởng của Mỹ, các vị lãnh đạo Phật Giáo chính yếu công nhận rằng sự hỗ trợ kinh
tế và quân sự của Mỹ sẽ còn cần tới một thời gian nữa. Mặc dù họ có vẻ mong muốn
một Nam VN độc lập trong kiểm soát của Phật Giáo, họ có lẽ nhận ra rằng mục tiêu
này không có thể thành đạt nếu không có Mỹ ủng hộ để chống lại người Cộng
sản.
Một chính phủ do Phật Giáo kiểm soát sẽ bị nhìn với bất mãn và
nhiều ngờ vực từ các tổ chức tôn giáo khác và chính trị khác tại Nam VN, và một
số tổ chức này có thể sẽ tìm cách lật đổ chính phủ (của PG). Tuy nhiên, đối diện
với lựa chọn giữa người Phật Tử và Việt Cộng, hầu hết các tổ chức khác sẽ có thể
sẽ đi chung với PG, hy vọng điều tốt nhất nhưng chờ đợi điều tệ nhất.
Nếu PG nắm được quyền lực chính trị cũng sẽ gây căng thẳng lớn
trong quân lực Nam VN. Về ngắn hạn, sự đoàn kết và tính hiệu quả của quân đội sẽ
có lẽ bị thiệt hại. Tuy nhiên, có thể ít nhất là mức độ tiềm tàng ủng hộ PG
trong khắp quân đội Nam VN có thể dẫn tới sự đoàn kết tốt hơn và một ý nghĩa lớn
hơn về một căn cước giữa quân đội và quần chúng.
Sư Thích Trí Quang
- Nếu người PG thành công trong việc lật đổ chính phủ hiện nay ở Nam VN và dựng lên một chính phủ như họ muốn, kết quả sẽ là một chiến thắng cho Sư Thích Trí Quang, người sẽ trở thành, ít nhất tạm thời là, khuôn mặt chính trị quyền lực nhất tại Nam VN. Sư Thích Trí Quang là một người Việt Nam độc đáo, và rất phức tạp. Ông lộ vẻ mờ nhạt, tự đồng nhất “ý muốn quần chúng” với của riêng ông, và kỹ lưỡng chơi trò chính trị. Ông là người theo chủ nghĩa dân tộc tới mức không ưa ngoại quốc; ông là bậc thầy của nghệ thuật kích động và áp lực, và là chính khách hiệu quả nhất hiện hoạt động ở Nam VN. Không ai thực sự biết ông muốn gì cụ thể, và ông có lẽ không thể nói ra các mục tiêu tích cực của ông với bất kỳ mức độ chính xác nào.
(Tới đây, có 2 trang bị
xóa trắng, không bị giải mật.)
...cần tới sự hỗ trợ của Mỹ trong việc chiến đấu chống lại Việt
Cộng và đối với sự bất khả của việc thương thuyết với người Cộng sản cho tới khi
họ bị đánh bại, sẽ có rất ít ngờ vực rằng ông muốn thấy Mỹ rút khỏi Nam VN càng
sớm càng tốt. Ông có lẽ có khả năng tự làm đồng minh với người Cộng sản nếu ông
xem xét điều này là lợi thế để đạt các mục tiêu chính trị và tôn giáo của ông,
và ông tự tin tới mức nghĩ là ông có thể lôi kéo họ làm đồng minh khi họ trước
đó đã làm lợi cho mục tiêu của ông. Thường khi, ông như dường đã xem người Thiên
chúa giáo VN như là một hiểm họa lớn hơn đối với chủ nghĩa dân tộc và đối với
Phật Giáo, hơn là người Cộng sản.
Bối Cảnh Phong Trào Phật
Giáo
7. Sự phát triển lịch sử của Phật Giáo tại VN đã giúp tạo ra
quan điểm chính trị của Sư Thích Trí Quang, và ngay cả quan trọng hơn, đã cho
ông một quần chúng đón nhận rộng lớn. Phật Giáo vào VN từ Trung Quốc trong
thời kỳ TQ đô hộ, chiếm đóng VN hơn một ngàn năm theo Tây lịch. Cùng với Phật
Giáo, người TQ đã đưa những lý thuyết và khái niệm tôn giáo khác, kể cả Khổng
Giáo và Đạo Giáo, tất cả tích hợp tại VN với tín ngưỡng bái vật và thờ tổ tiên
vốn đã rộng lớn, đặc biệt là trong dân chúng miền quê.
8. Gần như tất cả người dân tộc Việt [người Kinh] đều theo Đại
Thừa PG, một nhánh Phật Giáo Bắc Truyền. Người sắc tộc Việt nguyên khởi cư ngụ ở
nơi bây giờ là Bắc VN, và đã tiến dần dần về nam qua nhiều thế kỷ để chinh phục
nơi bây giờ là Nam VN từ người sắc tộc Khmer, tức là sắc tộc của người Cam Bốt
hiện nay. Vẫn còn nhiều người thiểu số Khmer ở các tỉnh vùng đồng bằng Nam VN,
theo PG Theravada (Nam Tông hay Nam Truyền), một hình thức chính thống hơn được
truyền vào từ Ấn Độ và Tích Lan. Mặc dù cả 2 truyền thống PG Bắc Truyền và Nam
Truyền có một liên minh chính thức lỏng lẻo hiện nay, ảnh hưởng của lãnh đạo PG
Bắc Truyền hiện nay ở Nam VN ở các tỉnh cực nam của Nam VN vẫn tương đối hạn
chế.
Thiên chúa giáo và Người
Pháp
9. Phật Giáo có một chút ảnh hưởng chính trị tại VN cho tới
thời nhà Lý; triều nhà Lý kéo dài từ 1009-1224 đã chính thức ủng hộ Phật Giáo.
Thời kỳ này có sự hợp tác gần gũi giữa chính trị và tôn giáo, giữa các vị vua và
các vị sư, đó là cao điểm của PGVN, và tôn giáo này sau đó suy giảm cho tới
những năm gần đây. Tuy nhiên, thời vàng son này đã cho PGVN một hào quang dân
tộc truyền kỳ, cho tận tới bây giờ. Suy giảm thế lực của PG tăng nhanh hơn, khi
người Pháp vào. Sức mạnh chính trị áp đặt của người Pháp trong thế kỷ 19 theo
sau các đoàn truyền giáo Dòng Tên từ khoảng 2 thế kỷ trước đó. Các chức sắc nhà
thờ sau đó đã liên minh với những thành phần quyền lực. Có lúc, sự ủng hộ --
gồm cả các quân đánh thuê vũ trang (armed mercenaries) -- từ các chức sắc Công
Giáo người Pháp thực tế đã giúp dựng lên Nhà Nguyễn, mà hoàng đế cuối cùng của
dòng vua này là Bảo Đại đã bị truất phế năm 1954. Sự liên hệ của giới tu sĩ
người Pháp và giáo dân người Việt đã dẫn tới lời kêu gọi tăng hỗ trợ từ chính
phủ Pháp, và rồi dẫntới việc quân đội Pháp vào can thiệp, và tận cùng là tới sự
thiết lập quyền kiểm soát chính trị của người Pháp trên khắp Đông Dương.
10. Người Pháp đã cai trị Đông Dương phần lớn xuyên qua các
quan chức người Việt được lèo lái bởi các “cố vấn” người Pháp. Đa số những người
Việt này là Thiên chúa giáo, ít nhất theo danh nghĩa, một phần bởi vì đòi hỏi về
giáo dục cho giai cấp quan chức người Việt chủ yếu là từ các trường học dạy bằng
tiếng Pháp do nhà thờ CG kiểm soát. Người Pháp cũng thấy điều này thuận lợi,
nhằm duy trì sự kiểm soát của họ, để khuyến khích sự trung thành ở điạ phương và
khu vực, khích lệ sự chia rẽ chính trị (để dễ cai trị) và hệ thống trường đạo
giữa các thần dân Thiên chúa giáo của họ và các thần dân không-Công-giáo. Họ
cũng không làm bao nhiêu trong việc tăng thêm khuynh hướng vốn đã chia rẽ trong
Phật Giáo VN. Do vậy, một cách truyền thống, và cũng không sai bao nhiêu, những
người Việt không theo Thiên chúa giáo vẫn đồng nhất đạo Thiên chúa giáo với
người Châu Âu và với sự cai trị của ngoại quốc.
11. Trong thập niên 1920s, một thời kỳ của Phật Giáo hồi phục,
gần như trùng hợp với các phong trào chống Pháp tại Việt Nam, kể cả phong trào
Cộng sản. Sự hồi phục của Phật giáo phản ánh không chỉ là một chủ nghĩa dân tộc
bài ngoại, chủ nghĩa này vốn trong tự thân là một đặc tính của dân Việt, nhưng
cũng là những cảm xúc cay đắng của lịch sử đã ăn sâu giữa người Việt Thiên chúa
giáo và không theo Thiên chúa giáo. Tình hình thay thế chủ nghĩa thực dân của
Pháp ở Nam VN bởi chế độ Ngô Đình Diệm, cho dù ông Diệm là người chủ nghĩa dân
tộc chống Pháp, có khuynh hướng kéo dài quyền kiểm soát của giai cấp quan lại
Thiên chúa giáo vốn đã cường thịnh dưới thời Pháp. Mặc dù ông Diệm không chính
thức kỳ thị giữa tín đồ Thiên chúa giáo và Phật tử, và không đàn áp tôn giáo,
nguồn hỗ trợ chính của ông chủ yếu là Thiên chúa giáo, hoặc là những người có tổ
chức chính trị từ quê miền Trung của ông, hoặc là những người di cư chống Cộng
từ Bắc VN. Trong khi chính phủ ông Diệm ngày càng trở nên độc tài, bộ máy này
đã tạo nên một cơ chế kiểm soát chính trị ngày càng chặt chẽ do đa số là Thiên
chúa giáo thống trị, và nền tảng do vậy đã đặt ra một “nan đề tôn giáo” nơi đó
người Phật tử có thể nêu lên, và những chỉ trích và chống đối ông Diệm có thể
tập trung vào.
Phong Trào Phật Giáo Hiện
Nay
12. Số lượng Phật tử nhiệt tâm, tu hành tích cực tại Nam VN là
khoảng từ 2 tới 2.5 triệu người, trong phía Thiên chúa giáo là từ 1 tới 1.5
triệu người. Hầu hết người Việt khác ở miền Nam là tổng hợp nhiều khuynh hướng
tôn giáo khác, gắn bó với tín ngưỡng bái vật, thờ tổ tiên, và theo đạo lý Khổng
tử. Tuy nhiên, vì đại đa số người Việt không theo Thiên chúa giáo, phong trào
Phật giáo đã tự có bối cảnh chung để lên tiếng chống đối một Thiên chúa giáo
đầy quyền lực chính trị. Phật giáo cũng cung cấp một phương tiện để bày tỏ chủ
nghĩa dân tộc bởi những người Việt không theo Thiên chúa giáo, cũng như [cung
cấp] một điểm tập trung để đối kháng với một chính quyền cụ thể ở Sài Gòn.
13. Trước thời Thế Chiến II, người Phật tử đã có nhiều nỗ lực
để thiết lập các giáo hội khu vực hay toàn quốc. Trong thời hưng thịnh của các
chủ nghĩa dân tộc Châu Á sau thế chiến, Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập
năm 1951. Tổ chức này, một liên minh lỏng lẻo của các hội Phật giaó khu vực,
được thiết lập để trao đổi quan điểm và để khởi lên một vài cảm thức về thống
nhất giữa các trường phái Phật giáo. Tuy nhiên, một cách chủ yếu, Phật tử thuần
thành vẫn còn tập trung quanh các vị sư tại một ngôi chùa hay tông phái cụ thể,
hay là quanh các vị sư cao cấp ở những khu đô thị. Các chính sách và những hành
động của ông Diệm – và đặc biệt là những sự kiện của tháng 5-1963 ở Huế, lúc đó
đã đưa Sư Thích Trí Quang lên tầm vóc toàn quốc – đã là một tác nhân để thúc đẩy
Phật tử, và đặc biệt là các vị sư, vào môi trường chính trị. Sau những tháng
xung khắc với chính phủ ông Diệm, người Phật tử tới lúc đó đã hiển lộ ra những
tài năng chính trị và có khả năng tổ chức, sử dụng cơ chế Tổng hội Phật giáo
Việc nam cho các mục tiêu của họ.
14. Cuộc tranh đấu chống ông Diệm, cao điểm là việc quân đội
lật đổ nhà Ngô, đã cho người Phật tử một cảm thức mới về đoàn kết thống nhất và
cho các lãnh đạo của họ một ước muốn quyền lực. Một đại hội để thống nhất Phật
tử VN đã tổ chức cuối năm 1963 dẫn tới việc thành lập một tổ chức mới, Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), bao gồm tất cả các tông phái PG chính,
gồm cả PG Nam Tông (Theravada). GHPGVNTN có 2 cơ chế tổng quát: một Viện Tăng
Thống (VTT) trên danh nghĩa là cao nhất và quan tâm chính là về tinh thần, và
một Viện Hóa Đạo (VHĐ), tức là cơ chế hành pháp của Giaó hội, đặc biệt về các
vấn đề thế gian. Dưới quyền VHĐ, chủ tịch là Sư Thích Tâm Châu, là sáu tổng vụ
trông y hệt như các ban bộ trong một đảng chính trị muốn tìm quyền lực.
15. Cao nhất trong Giáo hội là Sư Thích Tịnh Khiết, một bậc đại
sư tuổi trên bát tuần và là lãnh đạo tinh thần của phong trào Phật giáo. Thực
tế, Sư này chỉ là mặt ngoài cho các vị sư trẻ hơn và xông xáo hơn, đặc biệt là
Sư Thích Trí Quang, người giữ chức Tổng Thư Ký Viện Tăng Thống. Từ lâu đã có
kình nhau giữa Sư Thích Trí Quang, đại diện các Phật tử xông xáo Miền Trung, và
Sư Thích Tâm Châu, người, có bản doanh ở Sài Gòn, có quyền lực từ ủng hộ của và
là phát ngôn nhân của Phật tử di cư từ Bắc vào. Sư Thích Tâm Châu, xấp xỉ cùng
tuổi với Sư Thích Trí Quang, được xem có lập trường trung dung hơn. Mặc dù có vẻ
như một số dị biệt chính sách hiển lộ giữa hai vị sư này, việc Phật tử tham gia
vào chính trị đã gần như luôn luôn cho thấy rằng Sư Thích Trí Quang nắm quyền
chỉ huy, và Sư Thích Tâm Châu hoặc là phải đi đồng bộ hoặc là nhượng bước. Sư
Thích Tâm Châu thường xuyên là một mục tiêu – trong khi Sư Thích Trí Quang không
bao giờ bị -- của những tấn công từ phía Việt Cộng và từ quy chụp rằng vị sư này
là một “búp bê của Mỹ.”
16. Trong nhiều vị sư chính trị khác ở Nam VN, người uy thế
nhất bây giờ là Sư Thích Thiện Minh, một sư cùng quan điểm năng động của Sư
Thích Trí Quang, và Sư Thích Hộ Giác, một nhà hùng biện thường đứng về phía Sư
Thích Tâm Châu và là một trong số ít các vị sư theo PG Nam Tông, từng tu học ở
Cam Bốt. Một vị sư nổi tiếng khác, Sư Thích Quảng Liên, tốt nghiệp đại học Yale,
trông có vẻ như thân cận, nhưng không hoàn toàn là, thuộc vòng trong cơ chế Phật
giáo. Nỗ lực của Sư Thích Quảng Liên muốn đẩy ra một phong trào hòa bình vào đầu
năm 1965, dù có quảng bá hay không bởi các sư thầm quyền, đã bị dẹp bỏ bởi cả
các sư thẩm quyền và chính phủ ông Quát vì cớ nghi ngờ rằng Phật tử có thể đang
bị Việt Cộng lợi dụng. Tuy nhiên, tuyên truyền Cộng sản vẫn liên tục chỉ trích
phong trào của Sư Thích Quảng Liên là không đi “đúng đường,” và ám chỉ rằng đó
là một hình thức cạm bẫy của Mỹ. Sư Thích Đức Nghiệp, một vị sư chống Cộng mạnh
mẽ, là người tích cực trong phong trào Phật giáo chống ông Diệm, nhưng đã ra
ngoại quốc rồi. Lập trường chống cộng mạnh mẽ của Sư Thích Đức Nghiệp đã vượt xa
khỏi các giới hạn mà các vị sư trong Giáo hội của ông sẵn sàng lựa chọn, và cũng
có vẻ như đã khởi lên ngờ vực của họ rằng Sư này muốn có ủng hộ từ phía Mỹ trong
việc tranh quyền Giáo hội.
Mục Tiêu Chính Trị Phật
Giáo
17. Người ta thường suy đoán rằng các định chế dân chủ mà các
lãnh đạo Phật Giáo nói là mục tiêu của họ thì với họ chỉ là phương tiện để đạt
tới một quốc gia có ảnh hưởng Phật Giáo, mặc dù không nhất thiết là một nhà nước
Phật Giáo. Theo các văn bản công bố và theo các cuộc nói chuyện riêng của họ với
các viên chức Mỹ, các Phật tử bây giờ muốn có một quốc hội đơn viện do dân bầu
lên. Mặc dù Sư Thích Trí Quang thường nói về nhu cầu cần có một chính phủ trung
ương mạnh, các Phật tử có vẻ như nói về một cơ chế chính phủ được lựa chọn bởi
và chịu trách nhiệm với Quốc hội này. Sư Thích Trí Quang cũng nói về một nghị
viện lâm thời, sẽ gồm các đại diện được cử lên bởi các hội đồng tỉnh và địa
phương được bầu hồi tháng 5-1965. Cơ quan lâm thời này sẽ soạn thảo một Hiến
pháp và hoặc là “phê chuẩn” chính phủ hiện nay đang chờ tuyển cử, hoặc là chọn
một vài chế độ lâm thời nào khác. Mục tiêu của thủ tục tiền bầu cử này được hiểu
là sẽ cho Nam VN một chính phủ “hợp pháp” càng sớm càng tốt.
18. Người Phật tử nói rằng họ có thể thắng đa số trong bầu cử
-- điều có thể xảy ra, nhưng chưa chứng minh thực tế -- nhưng rằng họ muốn có
một chính phủ quân bình gồm những người xuất sắc nhất có thể. Tuy nhiên, việc
kết hợp khả thể của một chính phủ lâm thời hay thường trực với đa số là Phật Tử
thì không thể tiên đoán chính xác. Có sự ngờ vực [chưa rõ] là [sẽ có] bất kỳ vị
sư uy quyền nào, đặc biệt là Sư Thích Trí Quang, sẽ muốn nhận bất kỳ vị trí hành
pháp có trách nhiệm nào. Một số vị, gồm cả Sư Thích Tâm Châu, có thể đồng ý làm
một thành viên của hoặc là một Quốc hội lâm thời hay thường trực; Sư Thích Trí
Quang, người có vẻ như ưa muốn khống chế từ hậu trường, gần như chắc chắn sẽ
không [muốn vào Quốc hội].
19. Ít nhất là trong một chính phủ lâm thời, không có vẻ gì là
người Phật tử sẽ mời một số khuôn mặt nổi tiếng, như Tướng Dương Văn Minh (đang
ở hải ngoại) về làm nguyên thủ quốc gia; họ cũng đã cho thấy rằng họ sẽ chấp
nhận một người Thiên chúa giáo không theo chế độ ông Diệm vào vị trí này. Họ có
thể mời một vài dân sự Phật tử làm Thủ Tướng, mặc dù Sư Thích Trí Quang đã cho
thấy rằng Sư sẽ chấp nhận một vài khuôn mặt không tôn giáo như Tướng hồi hưu
Trần Văn Đôn. Trong trường hợp của một Quốc hội lâm thời, người Phật tử sẽ hoặc
là đòi bầu cử sớm để chọn lên một Quốc Hội, hoặc là tìm cách chuyển một cơ quan
lâm thời, nếu có thể được, thành một Quốc hội thường trực.
20. Bầu cử tổ chức dưới sự bao bọc của Phật giáo sẽ có thể bị
dàn dựng để có một Quốc hội do Phật tử kiểm soát, nhưng một vài chính khách uy
thế không bị kiểm soát bởi Phật tử, như Bác sĩ Phan Quang Đán (LND: bản văn CIA viết nhầm là ‘Dr. Pham Quang
Dan’), có thể sẽ thắng cử. Với giả thiết rằng người Phật tử có thể, và sẽ
chọn, để thiết lập một chính phủ toàn là Phật tử, Thủ Tướng sẽ, không ngờ vực
gì, hẳn là một vài chính khách Phật tử dân sự, như Bùi Tường Huân, hiện là Viện
Trưởng Viện Đại Học Huế. Các chức bộ trưởng sẽ có thể là giới trí thức và cư sĩ
Phật tử trẻ, và có thể một vài sĩ quan quân đội thân Phật giáo. Việc dựng lên
chính phủ đó, tất nhiên, sẽ theo sau đó là thay đổi hàng loạt tỉnh trưởng, như
kiểu Việt Nam trước giờ.
Phản Ứng Thiên Chúa Giáo và Người Không Phải
Phật Tử
21. Một chính phủ do Phật tử kiểm soát sẽ bị nhìn với bất mãn
và lo ngại lớn từ các nhóm chính trị khác tại Nam VN. Người Thiên chúa giáo, đặc
biệt thành phần người Bắc di cư, sẽ rất là bất mãn. Một vài tổ chức Thiên chúa
giáo, như giáo dân của Linh Mục (LM) Hoàng Quỳnh và LM Nguyễn Quang Lãm, sẽ gần
như chắc chắn làm vài hình thức kích động, ít nhất là tại Sài Gòn, với hy vọng
lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, đối diện với lựa chọn giữa người Phật tử và Việt
Cộng, hầu hết người Thiên chúa giáo có lẽ rồi sẽ quyết định, với nhiều mức độ do
dự, rằng họ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc đồng hành với tân chính phủ,
hy vọng cho điều tốt nhất nhưng cũng mong đợi điều tệ nhất.
22. Các nhóm thiểu số khác, kể cả Cao Đài và Hòa Hảo, cũng sẽ
bất mãn, mặc dù có lẽ ít bạo động hơn người Thiên chúa giáo; những ‘dân Nam kỳ’
-- tức là những người sinh ở các tỉnh phía Nam, tức là nơi trước kia gọi là vùng
Cochinchina – cũng sẽ có thêm phần bất mãn chính phủ mới với cớ vùng miền, bởi
vì Sư Thích Trí Quang và các Phật tử thân tín của Sư này là từ các tỉnh miển
Trung. Những nơi các nhóm thiểu số này có thế lực, nhưng nhiều nơi ở vùng Đồng
Bằng Sông Cửu Long, có thể ở mức độ nhiều ít “ly khai” khỏi chính quyền trung
ương, mặc dù hậu quả chính trị sẽ kém nghiêm trọng so với việc Quân Đoàn I tách
rời.
23. Việc Phật tử nắm quyền lực chính trị sẽ gây căng thẳng sâu
thẳm trong quân đội Nam VN. Một số sĩ quan, đặc biệt là Thiên chúa giáo, có lẽ
sẽ nghĩ tới đảo chánh để quân đội nắm quyền trở lại. Nếu người Phật tử nhanh
chóng đưa các sĩ quan trung thành giữ các chức vụ cầm quân quan trọng, những
quân nhân trung kiên, cũng như cộng đồng Thiên chúa giáo, có thể tự thấy đối
diện với sự lựa chọn cay đắng giữa người Phật tử hay Việt Cộng, và rồi sẽ chọn
về phía người Phật tử. Về ngắn hạn, dưới nhà nước ảnh hưởng Phật tử, sự đoàn kết
và tính hiệu quả của cấp lãnh đạo quân đội Nam VN sẽ có thể thiệt hại. Sẽ khó
tiên đoán thiệt hại này kéo dài bao lâu, nhưng ít nhất có thể rằng mức độ ủng hộ
tiềm tàng đối với người Phật tử vẫn rộng rãi khắp quân đội, đặc biệt ở sĩ quan
cấp thấp và ở Quân Đoàn I, có thể sẽ dẫn tới đoàn kết quân đội rộng lớn hơn và
tới một ý nghĩa lớn hơn về căn cước giữa quân đội và quần chúng.
24. Một khi đã nắm quyền, không có lý do để tin rằng người Phật
tử sẽ thuần nhất một khối hơn là bất kỳ nhóm dân Việt nào khác. Đã có chia rẽ
thấy rõ trong hàng ngũ của họ. Sư Thích Tâm Châu và tín đồ hầu hết gốc Bắc của
vị Sư này đang thấy bất an về ưu thế của Sư Thích Trí Quang và thành phần miền
Trung ủng hộ Sư này. Nhiều Phật tử phía Nam -- chủ yếu là cư sĩ lãnh đaọ Mai Thọ
Truyền và người ủng hộ cư sĩ này, cũng như nhiều người trong Phật giáo Nam tông
– thì không thiện cảm với vận động áp lực hiện nay của Sư Thích Trí Quang. Mặc
dù những tiếng nói trung dung trong phong trào Phật giáo vẫn thường im lặng
trong thời tranh đấu, sự căng thẳng nội bộ và sự bất đồng ý tất sẽ tái xuất hiện
nếu người Phật tử nắm quyền.
25. Một chính phủ hình dung như trên sẽ có thể gặp khó khăn khi
thực hiện quyền lực trung ương trên cả nước. Nó sẽ bị vây bủa tứ phía bởi tranh
cãi, bởi do dự, và bởi sự viễn tưởng trong cơ chế quốc hội quyền lực, và bởi
những mưu đồ tranh quyền và chức ngay cả trong các phe Phật tử. Tốc độ và nhịp
điệu của nỗ lực chống nổi dậy sẽ hầu như bị hạn chế, ít nhất là tạm thời, do vậy
đặt gánh nặng kềm chế Việt Cộng hầu như toàn bộ vào quân Mỹ và đồng minh.
26. Tuy nhiên, phần nhiều những sự yếu kém của một chính phủ
Phật Giáo sẽ, trong các mức độ khác nhau, cũng là những yếu kém sẽ gây rối bất
kỳ tân chính phủ Nam VN nào. Với trường hợp sức mạnh quân sự của Mỹ và đồng minh
và các trợ giúp liên hệ có thể ngăn cản nhiều bước tiến của người Cộng sản trong
một thời kỳ chuyển tiếp chưa ổn định, một chính phủ có đa số Phật tử có thể có
một số ưu thế mà chưa chính phủ nào trước đó từng có. Một lý do lớn cho điều này
là, không kể tới người Cộng sản, người Phật tử hiện nay là tổ chức quần chúng
hiệu quả duy nhất tại Nam VN. Mặc dù người Thiên chúa giáo cũng tương tự như
thế, và có lẽ có kỷ luật hơn, cơ cấu chính trị Phật giáo có gốc rễ quần chúng
sâu hơn, đặc biệt ở miền Trung và các tỉnh ven biển phía bắc Sài Gòn, hơn bất kỳ
tổ chức chính trị nào. Mặc dù mức độ mà người Phật tử có thể vận dụng tín đồ để
hỗ trợ cho, chứ không phải chống đối với, một chính phủ vẫn còn cần phải chờ
xem, một chính phủ Phật giáo sẽ có một khối nền tảng quần chúng tiềm năng rộng
hơn và mạnh hơn bất kỳ tổ chức nào trước đó của họ.
27. Phật giáo, như là một khái niệm tôn giáo chính trị, đã
chứng tỏ rằng chính họ có khả năng đánh động những cảm xúc sâu thẳm trong những
khối đa số của dân tộc Việt. Một chính phủ Phật giáo khuynh hướng dân tộc nhạy
cảm có thể sẽ là điều mà tuyên truyền Cộng sản sẽ thấy khó tấn công. Người Cộng
sản cũng sẽ gặp gian nan khi tìm bất kỳ đồng minh nào trong những người đối lập
tự nhiên của một chính phủ Phật giáo so với người Thiên chúa giáo, những người
như dường kiên quyết chống Cộng.
Tình Hình Phật Giáo Chiếm Ưu Thế và Chính Sách Hoa
Kỳ
28. Sư Thích Trí
Quang, Sư Thích Tâm Châu và các vị sư chính trị khác, những người đã thảo luận
về mục tiêu Phật giáo với các viên chức Mỹ đều ám chỉ rằng riêng người Phật tử
có thể “hợp pháp hóa” vị trí Hoa Kỳ tại VN. Họ nói rằng họ muốn có sự hỗ trợ
tiếp tục từ Hoa Kỳ, rằng họ muốn với trợ giúp của Mỹ để cách mạng hóa xã hội, và
rằng họ nhận ra sự bất khả của việc hòa giải hay thương thuyết với Việt Cộng
trong hoàn cảnh hiện nay. Ít nhất bằng cách ám chỉ, họ nói rằng họ muốn thực
hiện cuộc chiến tranh. Sự chân thực của những lời này có lẽ còn cần chất vấn, và
cách [họ] trình bày các mục tiêu Phật giáo sẽ được thể hiện ra các chương trình
chính phủ cụ thể thì không có thể tiên đoán một cách tự tin được.
29. Tuy nhiên, có thể rằng trách nhiệm của quyền lực sẽ có tính
nghiêm túc đối với người Phật tử cũng như nhiều nhà cách mạng thành công khác.
Cách chống Cộng thông minh và phức tạp mà các lãnh đạo Phật giáo trình bày là
muốn thực hiện có thể được củng cố nếu, một khi tín đồ của họ nắm quyền, những
người Phật tử khám phá rằng các phần tử Việt Cộng (những người trước giờ thành
công trong việc xâm nhập phong trào tranh đấu Phật giáo) không sẵn lòng ngưng
kích động và hoạt động gây rối. Việc xâm nhập quá độ của Cộng sản trong nhiều
nhóm tranh đấu đã cho các phần tử chống Cộng lý do để quan ngại công khai.
30. Trong khi có thể tranh cãi rằng người Cộng sản có thể nằm
lặng lẽ để khích lệ khả năng của những cuộc thương thuyết thành công với một chế
độ Phật giáo, người Cộng sản sẽ không nhất thiết lý luận và hành động kiểu này.
Hậu quả chung của những hoạt động gây rối tiếp diễn của họ, và có thể ngay cả
phong trào tranh đấu hiện nay, có thể làm khởi lên trong những người Phật tử một
ý thức ưu tiên về nhu cầu chống lại hiểm họa Cộng sản. Nếu người Phật tử toàn
lực gắn bó vào cuộc chiến chống Cộng, họ có thể sẽ là một kình địch chính trị
mạnh mẽ hơn bất kỳ kình địch nào mà Việt Cộng từng đối diện.
31. Có một câu hỏi nhỏ rằng người Phật tử, một cách cảm xúc,
không ưa mức độ can thiệp của Mỹ hiện nay trong vấn đề Việt Nam và sự hiện diện
rộng lớn, lộ liễu của quân sự Mỹ , với những hiệu ứng bên lề là tất phải xảy ra.
Không ngờ vực gì rằng người Phật tử rất muốn thấy người Mỹ rời VN, một mục tiêu
chắc chắn không phù hợp với mục tiêu Hoa Kỳ. Vẫn còn cần phải chờ xem rằng có
phải hay không, rằng người Phật tử sẽ có thể tìm cách buộc Mỹ rút quân sớm trong
tình hình tất sẽ dẫn tới chiến thắng của người Cộng sản. Có một vài nguy hiểm
rằng, ngay cả nếu điều này không phải ý định trực tiếp của họ, sự thiển cận của
họ có thể thúc đẩy họ hành động trong những cách sẽ gây rủi ro dẫn tới hậu quả
đó.
32. Về mặt quân bình, như dường không có vẻ gì một chính phủ
Phật giáo sẽ cố ý giao nộp Nam VN vào tay chế độ CS ở Hà Nội. Sư Thích Trí Quang
có thể ước muốn có một Nam VN độc lập nhưng dưới quyền kiểm soát của Phật tử và
không nằm trong quyền lực chính trị của CS. Sư có thể nhận thức rằng những mục
tiêu này không có thể đạt được nếu không có hỗ trợ và viện trợ từ Mỹ, nhưng định
kiến kèm với sự thông minh của Sư này và với những mục tiêu trực tiếp có thể dẫn
Sư này vào những chuỗi hành động và liên minh mà Sư không có thể đảo ngược
nổi.
33. Một chính phủ Phật giáo, đặc biệt khi một chính phủ lên nắm
quyền với những điều kiện làm mất mặt quân đội Nam VN, sẽ gần như chắc chắn thử
nghiệm một phương pháp khác với cuộc chiến và các chương trình hòa bình liên hệ.
Hành động và chính sách của một chính phủ như thế sẽ sớm làm sáng tỏ xem Sư
Thích Trí Quang có phải là một người đứng giữa thân Cộng hay không, như một số
nhà quan sát Mỹ và Việt Nam quy chụp, hay có phải là một người chủ nghĩa dân tộc
chống Cộng như Sư này tự nói hay không. Trong bất kỳ sự kiện nào, sẽ tất yếu có
một vài thời kỳ gián đoạn, trong thời kỳ đó quân Mỹ và đồng minh sẽ phải gánh
chịu nhiều phần gánh nặng kềm chế tình hình Việt Cộng tiến quân và nỗ lực hưởng
lợi khi có sự gián đoạn một quyền lực trung ương.
34. Tuy nhiên, về lâu dài, một chính phủ Phật giáo có thể chứng
tỏ là có gốc rễ sâu thẳm trong truyền thống Việt Nam hơn bất kỳ chính phủ nào
trước đó. Quan hệ của chính quyền đó với Mỹ sẽ là khó khăn và mong manh, đặc
biệt bởi vì chính phủ Phật giáo sẽ có tính dân tộc nhạy cảm, và sẽ có một kiểu
hoạt động khác so với những chính phủ tiền nhiệm thân Tây phương hơn. Một chính
phủ có Phật tử chiếm đa số có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn với sự trong sáng của các
khái niệm cách mạng hơn là với các chi tiết thực dụng của guồng máy chính trị
hay với những vấn đề cụ thể như lạm phát cần có những giải pháp cụ thể. Tuy
nhiên, một chính phủ mà trong đó Phật tử có tiếng nói ưu thế có thể dẫn tới một
điểm tập trung để chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hiển lộ, mà, một cách thực tế, có
thể cho toàn bộ cơ cấu dân tộc phi Cộng sản một nền tảng mạnh hơn là nền tảng
hiện nay đang có.
HẾT
Nguyên bản phóng ảnh
của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA):
THICH TRI QUANG AND BUDDHIST POLITICAL OBJECTIVES IN SOUTH VIETNAM
của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA):
THICH TRI QUANG AND BUDDHIST POLITICAL OBJECTIVES IN SOUTH VIETNAM
Source : http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-86_4-18300_5-50_6-3_17-138_14-1_15-1/thich-tri-quang-va-muc-tieu-chinh-tri-phat-giao-tai-nam-viet-nam.html
No comments :
Post a Comment