Khách thập phương viếng thăm cảnh chùa đôi khi bắt gặp câu “Nói năng như Chánh pháp”
được thể hiện đâu đó trong khung cảnh trang nghiêm thanh nhã
của chốn thiền môn. Đó là câu nói khá quen thuộc của nhà Phật, cốt
yếu khuyên nhắc những người con Phật, đặc biệt là người xuất gia, cần
phải lưu tâm gìn giữ và vận dụng lời nói của mình sao cho phù hợp với
Chánh pháp hay thể hiện lời nói đúng như lời Phật dạy. Nghĩa là những
lời nói ra phải bảo đảm mang lại lợi ích cho mình và lợi lạc cho người
khác.
Trong phương pháp giáo dục của Ngài, Đức Phật quan tâm huấn luyện
các học trò mình rất kỹ, cốt yếu tập cho họ có được một nền tảng đạo đức
trong sáng, thể hiện trong đời sống cá nhân cũng như trong quan hệ ứng
xử với mọi người. Cụ thể là việc rèn luyện thân, miệng, ý trở nên đoan
chánh ngay thẳng, không rơi vào khiếm khuyết hư hỏng. Tất cả mọi hành
vi thiện hay ác, tốt hay xấu của con người đều xuất phát từ ba cửa ngõ
là thân, miệng, ý. Do đó, nếu một người mà thân, miệng, ý không được uốn
nắn cho ngay thẳng thì mọi hành vi của người ấy sẽ rơi vào khiếm khuyết
xấu ác, đưa đến hại mình hại người. Trái lại, người nào có thân tu tập,
có lời tu tập, có tâm tu tập thì mọi hành động của người ấy sẽ trở nên
hiền thiện tốt đẹp, đưa đến lợi mình lợi người. Vậy thế nào là lời nói
đưa đến lợi mình lợi người hay “nói năng như Chánh pháp”?
Trước hết, người con Phật phải biết giữ gìn lời ăn tiếng nói của
mình, không để cho miệng lưỡi rơi vào những lời nói sai trái xấu ác gây
tổn hại cho tự thân và phương hại đến người khác như nói láo, nói hai
lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm vô ích. Thay vào đó, vị ấy chỉ
nên nói những điều chân thật, đúng đắn; những điều đưa đến đoàn kết, hòa
hợp; những điều tao nhã, hiền hòa; những điều có ý nghĩa, lợi lạc. Đức
Phật nhắc nhở các học trò mình:
“Vị Thánh đệ tử từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo; nói những lời
chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không phản lại
đời. Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ
này, không đến nói chỗ kia để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều
gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những
người kia. Vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ
hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong
hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy từ bỏ nói lời độc ác,
tránh xa nói lời độc ác, vị ấy nói những lời nhẹ nhàng, thuận tai, dễ
thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều
người, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy từ bỏ nói lời phù phiếm,
tránh xa nói lời phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói
những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về
Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có
mạch lạc, hệ thống, có ích lợi”.
Như vậy, nói năng như Chánh pháp hay thể hiện lời nói đúng như
lời Phật dạy trước hết là tập dứt bỏ nói dối, chỉ chuyên tâm nói đúng
sự thật; dứt bỏ nói lời gây chia rẽ người này người khác, chỉ nói những
lời đưa đến hòa hợp; dứt bỏ nói những lời thô ác, chỉ nói những lời nhẹ
nhàng hiền hòa; dứt bỏ nói những điều phù phiếm vô ích, chỉ nói những
điều có ý nghĩa, khiến tâm tư được tịnh lạc. Theo lời Phật, người nào
thể hiện lời nói của mình theo cách trên tức là có khẩu hành thanh
tịnh, biết nghĩ đến lợi ích của mình và lợi lạc cho người khác1.
Một phương diện quan trọng khác liên quan đến việc thể hiện lời
nói phù hợp với Chánh pháp hay đúng với tinh thần lời Phật dạy, đó là
người Phật tử cần phải cân nhắc lời nói của mình, xem điều mình nói ra
có đúng thời hay không, có chân thật hay không, có nhu nhuyến hay không,
có lợi ích hay không và có từ tâm hay không. Nếu lời nói ra hội đủ năm
đức tính trên thì được xem là “nói năng như Chánh pháp” hay thực tập
“khẩu hành thanh tịnh” đưa đến tự lợi và lợi tha. Nói cách khác, Đức
Phật khuyên chúng ta nên nói đúng thời, nói lời chân thật, nói lời nhu
thuận, nói lời có lợi ích và nói với lòng từ bi thương quý mọi người.
Ngài nhắc nhở các đệ tử:
“Chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Thầy có thể dùng khi
nói với các người khác: đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn
thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm
hay với sân tâm. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy có
thể nói đúng thời hay phi thời. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác,
các Thầy có thể nói lời chơn thực hay nói lời không chơn thực. Chư
Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy có thể nói lời nhu nhuyến
hay nói lời thô bạo. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy
có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Chư Tỷ- kheo, khi nói
với các người khác, các Thầy có thể nói với từ tâm hay với sân tâm. Chư
Tỷ-kheo, ở tại đây, các Thầy cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ
tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời
ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm
không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với
từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới
với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân”. Chư
Tỷ-kheo, như vậy các Thầy cần phải học tập”2.
Đúng thời tức là lời nói ra phải đúng lúc, hợp thời, đúng đối tượng,
khiến cho người nghe có thể tiếp thu lời nói một cách có hiệu quả. Một
người đang ăn hay đang mải mê làm công việc mà nói cho người ta nghe về
điều gì đó thì không đúng lúc và lời nói sẽ không có hiệu quả. Hãy để
cho người ta rảnh tay đã rồi mới nói thì lời nói mới có tác dụng tốt
đẹp. Tương tự, một người đang học cấp một mà nói những vấn đề thuộc
trình độ cấp ba thì cũng không đúng lúc và lời nói cũng không có hiệu
quả.
Chân thật tức là lời nói ra phải chân chánh đúng đắn, xuất phát từ
tâm chân trực, thẳng thắn, không thiên vị, không vụ lợi. Kinh Phật gọi
là “nói như hoa”, nghĩa là lời nói đúng sự thật, thấy thì nói
có thấy, không thấy thì nói không thấy; biết thì nói có biết, không biết
thì nói không biết; nghe thì nói có nghe, không nghe thì nói không nghe3…
Nhu nhuyến tức là lời nói ra phải nhẹ nhàng, từ tốn, hiền hòa, thuận
tai, dễ nghe, khiến người khác hoan hỷ, hài lòng, phát khởi lòng tin
hướng về thiện pháp. Kinh Phật gọi là “nói như mật” hay nói lời từ tốn, tức là “lời nói không hại, khiến tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người thích ý”4, hay “mặt đối mặt với ai, không nói lời mất lòng; chỉ nói từ từ, không có vội vàng”5.
Có lợi ích nghĩa là lời nói ra phải bảo đảm đưa đến lợi lạc cho người
nghe, khiến cho người nghe phát khởi tín tâm, tăng trưởng điều
lành, giảm thiểu điều ác, tăng trưởng giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải
thoát và giải thoát tri kiến đức. Để làm được điều này, người con Phật
phải biết tránh đề cập các vấn đề thuộc lãnh vực dục vọng thế gian, chỉ
tập trung thảo luận hay làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến Phật
pháp, khiến cho người nghe tăng trưởng tín tâm mà chuyên tâm thực hành
lời Phật dạy6.
Có từ tâm nghĩa là lời nói ra phải xuất phát từ động cơ thương quý
người khác, mong muốn cho người nghe được lợi ích an lạc, không phải vì
ghét bỏ hay do sân hận bực phiền mà “trút lên đầu người ta” những lời
báng bổ. Đức Phật khuyên các học trò mình nuôi dưỡng thái độ tôn trọng
và thương quý người khác bằng cách thực thi thân hành từ ái, khẩu hành
từ ái, ý hành từ ái đối với hết thảy mọi người, cả trước mặt lẫn sau
lưng7. Khẩu hành từ ái tức là những lời nói ra có từ tâm,
xuất phát từ lòng thương quý người khác, mong muốn cho người khác được
tiến bộ lợi lạc trong thiện pháp.
Để hỗ trợ cho việc thực thi lời nói có hiệu quả tốt đẹp, nghĩa là
đúng thời, chân thật, nhu nhuyến, có lợi ích và có từ tâm, Đức Phật
khuyên mỗi người chúng ta cần phải biết nuôi dưỡng tâm ý trong sáng,
không biến nhiễm, có lòng lân mẫn đối với người khác, có nội tâm an
tịnh, không hận, không sân, tuyệt không nói lời ác. Bởi mỗi lời nói
hay việc làm là hiện thân của ý tưởng hay hệ quả sự vận hành của tâm
thức. Vì vậy, nếu một người có tâm ý trong sạch, an tịnh, không cấu uế,
không giận dữ bực phiền, có lòng thương quý người khác thì tự nhiên sẽ
có lời nói chân chánh, hiền thiện, lợi mình lợi người. Tâm trong sáng
hiền thiện thì lời nói trong sạch hiền hòa.
Nhìn chung, “nói năng như Chánh pháp” hay thực thi lời nói phù
hợp với Chánh pháp, đúng như lời Phật dạy, là một pháp môn tu tập hết
sức căn bản và quan trọng của người con Phật. Tu tập lời nói thuộc về
phạm trù đạo đức, giúp cho cá nhân cơ hội thực tập và hoàn thiện nhân
cách của chính mình, đồng thời khiến cho cuộc sống trở nên hiền thiện
tốt đẹp, đưa đến hạnh phúc an lạc cho nhiều người. Do tầm quan trọng
của nó trong cuộc sống, đạo Phật xem lời nói là một phương tiện hữu
hiệu, cần được sử dụng đúng đắn và thích đáng để thiết lập hạnh
phúc cho mình và tạo an lạc cho người khác. Nói như thế nào để không
gây tổn hại cho mình và không phương hại đến người khác, để mang lại lợi
ích cho mình và lợi lạc cho người khác. Người con Phật luôn tự dặn lòng
mình như thế và tìm thấy các chỉ dẫn căn bản cho việc thực thi lời nói
của mình thông qua những lời dạy hiền thiện của Đức Bổn sư.
1. Kinh Những người ở Veludvàra, Tương Ưng Bộ. 2. Kinh Ví dụ cái chưa, Trung Bộ. 3. Kinh Nói như hoa, Tăng Chi Bộ. 4. Kinh Nói như hoa, Tăng Chi Bộ. 5. Kinh Vô tránh phân biệt, Trung Bộ. 6. Kinh Những đề tài câu chuyện, Tăng Chi Bộ. 7. Tiểu kinh Tùy phiền não, kinh Kosambiya, Trung Bộ. Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 153 | VĨNH TRƯNG thuvienhoasen.org
No comments :
Post a Comment