Monday, December 30, 2013

Thiên Thu Trong Khoảnh Khắc

Thiền Sư Nhất Hạnh

Nương tựa hơi thở

Một hơi thở vào có thể dài từ bốn tới mười giây, một hơi thở ra có thể tương tự hoặc dài hơn. Thường thì hơi thở ra dài hơn. Khi thở vào, bụng ta phồng lên; khi thở ra, bụng ta xẹp xuống. Nếu muốn kéo dài hơi thở ra, ta có thể ép bụng xẹp thêm nữa và như vậy ta có thể thở ra thêm vài giây nữa. Khi ép bụng để thở ra thêm ba bốn giây nữa thì phần thán khí trong phổi mình được thải ra thêm. Khi thả cho hai lá phổi hít vào là ta cho vào phổi thêm không khí trong lành. Nếu biết cách kéo dài hơi thở ra để đưa không khí trong phổi ra ngoài nhiều hơn thì còn tốt hơn nữa. Khi chú ý tới sự phồng xẹp của bụng trong lúc thở thì đó là ta thở bụng. Khi thở bụng, hơi thở vào và hơi thở ra có thể dài hơn. Rất dễ chịu, nhất là khi phòng thoáng khí, hay là khi ta thực tập ngoài trời. Càng có nhiều không khí trong lành càng có tác dụng tốt cho sức khỏe của ta.
Thực tập thở bụng là đi theo sự phồng xẹp của bụng: khi bụng phồng lên, ta cùng phồng với nó; khi bụng xẹp xuống, ta cùng xẹp với nó và ta nói: “xẹp thêm một chút nữa!”. Như vậy ta đẩy thêm thán khí trong phổi ra ngoài. Đến khi thả ra thì không khí tự động được hít vào. Nếu thấy dễ chịu trong khi thở vào, ta có thể cho không khí vào thêm một hoặc hai giây nữa. Nhưng nên chú ý tới phần thở ra nhiều hơn. Thở ra thêm được vài ba giây bao giờ cũng tốt cả.
Ta có thể quay về nương tựa nơi hơi thở. Ta thường hay nói nương tựa vào Tam Bảo, ít khi nói nương tựa vào hơi thở, hay vào bước chân. Nhưng nếu hơi thở có chánh niệm, nếu bước chân có chánh niệm, thì trong khi nương tựa vào hơi thở hay vào bước chân thì ta cũng nương tựa vào Tam Bảo. Vì bản chất của Tam Bảo là niệm, định và tuệ. Vậy nương vào hơi thở cũng chính là nương vào Tam Bảo. Nói “nương vào hơi thở” tuy không dùng danh từ Tam Bảo, nhưng bản chất của Tam Bảo có mặt trong hơi thở của ta. Trong khi ngồi, trong khi đi, ta hãy thở như thế nào để có hạnh phúc và an lạc ngay trong khi thở vào và thở ra. Ta không cần đi tìm hạnh phúc ở nơi khác, lúc khác. Ta tìm hạnh phúc ngay trong hơi thở vào và hơi thở ra.


Tịnh độ trong hơi thở

Tu Tịnh độ ta cũng có thể làm như vậy. Đừng đi tìm Tịnh độ ở một không gian hay một thời gian khác. Ta nên tìm Tịnh độ ngay trong hơi thở vào và hơi thở ra của ta. Tìm được Tịnh độ, có hạnh phúc ngay trong hơi thở vào và hơi thở ra là ta đã thành công, ta không còn lo lắng cho tương lai nữa. Có Tịnh độ rồi, có hạnh phúc rồi, tại sao ta phải nghĩ tới tương lai nữa? “Thở vào, tôi ý thức là bụng tôi đang phồng lên; thở ra, tôi ý thức là bụng tôi đang xẹp xuống. Thở ra, tôi xẹp cái bụng thêm một chút nữa để cho hơi thở ra của tôi đi ra thêm”. Trong khi thở như vậy, ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc. “Thở vào, tôi tìm hạnh phúc ngay trong hơi thở vào của tôi. Tôi biết rằng nếu tôi không tìm được hạnh phúc ngay trong hơi thở vào thì tôi sẽ không tìm được hạnh phúc ở một chỗ nào khác”. Phải tự thách thức mình như vậy!
Trong một bài pháp thoại trước, tôi có nói rằng: Tịnh độ là bây giờ hay là không bao giờ cả! (The Kingdom is now or never!) Bây giờ là gì? Bây giờ là lúc ta đang thở vào. Ta phải tìm cho ra Tịnh độ, phải tìm cho ra hạnh phúc trong hơi thở vào. Phải tự thách đố mình. “Hạnh phúc là bây giờ hay không bao giờ hết” là khẩu hiệu của Làng Mai (happiness is now or never). Theo giáo lý của Làng Mai thì ta chỉ có giây phút hiện tại thôi (The present moment is the only moment). Nếu trượt thì còn gì nữa! Ta nói ta có ước hẹn với sự sống, và cái ước hẹn đó được chỉ định là ở giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Điều này cũng dễ hiểu thôi, tại vì sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Đánh mất giây phút hiện tại là đánh mất ước hẹn với sự sống, nên ta phải đúng hẹn. Thở vào chính là lúc để ta trở về với giây phút hiện tại, chính là lúc để ta tiếp xúc với sự sống. Hơi thở vào rất mầu nhiệm. Hơi thở vào chứa đựng niết bàn, chứa đựng Tịnh độ, chứa đựng hạnh phúc và tự do. Chúng ta đừng nên đi tìm những thứ đó ở nơi khác và ở lúc khác. Đó là một sự thách đố. Nếu thở vào mà thấy được Tịnh độ, thấy được hạnh phúc, thấy được tự do, thì… hết hơi thở vào, ta chết cũng được! Ta đã thành công rồi! Tại sao phải đòi thêm mấy chục năm nữa?
Kiếp người trong hơi thở
Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có một đoạn đức Thế Tôn hỏi các thầy: “Mạng sống của con người được bao lâu?” Một thầy trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, có thể nói là 100 năm”.
Đức Thế Tôn mỉm cười. Ngài hỏi thầy khác. Thầy trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, vài chục năm”.
Đức Thế Tôn cũng mỉm cười. Ngài lại hỏi thầy khác, thầy này trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, một tuần lễ”.
Đức Thế Tôn vẫn mỉm cười. Bụt lại hỏi, một thầy nữa trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, một ngày một đêm”.
Ngài cũng chỉ mỉm cười. Nhìn một thầy ngồi gần, Bụt hỏi, thầy này trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, mạng sống của con người chỉ trong một hơi thở!” Đức Thế Tôn gật đầu.
Trong Quy Sơn Cảnh Sách có câu: Chuyển tức tức thị lai sanh, nghĩa là khi đổi một hơi thở vào thành một hơi thở ra là ta đã sanh ra đời khác rồi, tức là đời sống của ta bị giới hạn trong một hơi thở. Vậy thì phải làm sao để trong hơi thở vào, ra, ta có hạnh phúc, có an lạc và có sự thỏa mãn. Được vậy là ta thành công. Đây là một thách thức rất lớn. Nếu trong hơi thở vào mà không có hạnh phúc thì sức mấy mà anh có hạnh phúc trong tương lai. Muốn có hạnh phúc, anh phải có một cái thấy (vision) rất sâu. Đó là cái thấy của kinh Hoa Nghiêm: một giây phút chứa đựng cả thiên thu. Không những đức Thế Tôn nói như vậy mà chính những thi sĩ lớn cũng nói như vậy. Thiền sư Khánh Hỷ, đức Tăng Thống của Phật giáo Đại Việt vào thế kỷ thứ XI có nói:
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Nghĩa là tất cả trời đất có thể đặt gọn trên một sợi tóc, và cả mặt trời mặt trăng có thể nhét vào trong một hạt cải. Cái vô cùng lớn nằm trong cái vô cùng nhỏ, và cái thiên thu nằm trong cái khoảnh khắc. Nếu sống với cái thấy của kinh Hoa Nghiêm, khi tiếp xúc với khoảnh khắc thì đồng thời ta cũng tiếp xúc với thiên thu. Ta không thiếu cái gì cả. Và như vậy hơi thở vào là một sự thách thức đối với ta. Có hạnh phúc hay không là tùy ở hơi thở vào đó. Thực tập thiền đi cũng vậy. Mỗi bước chân là một thách thức. Ai cũng bước một bước. Nhưng có người thì bước trong cõi Tịnh độ, còn có người thì bước trong cõi trầm luân. Tùy theo cái thấy của ta mà thôi. Bước như thế nào để có thể đi vào Tịnh độ, để có an lạc và hạnh phúc liền trong bước đó. Ta phải đầu tư hết con người của ta vào trong bước chân đó. Bước chân đó phải có niệm, có định và có tuệ. Ta biết một bước chân chứa đựng tất cả những bước chân: đi được một bước thành công là tất cả những bước chân khác cũng thành công. Mà suốt cả một trăm năm có mấy ai đi được một bước như vậy? Đi được một bước như vậy rồi thì ta cần gì một trăm năm nữa?

Thiên đường và địa ngục
Trong truyền thống Do-Thái và Ki-Tô giáo, quan niệm về thời gian và không gian khác với quan niệm về thời gian và không gian trong đạo Bụt. Trong tín ngưỡng phổ thông của Cơ Đốc giáo, có một cõi đời do Thượng Đế tạo dựng, và chúng ta chỉ có một đời để sống trên cõi đời này thôi. Khi chết, chúng ta lên thiên đường hoặc xuống địa ngục. Thiên đường, địa ngục ở hai bên (xem hình.1). Khi xuất hiện ở cõi đời thì anh chỉ có cơ hội sống một kiếp thôi. Tùy theo cách anh sống ở kiếp đó mà sau đó anh đi lên thiên đường hoặc đi xuống địa ngục, lên là lên luôn, xuống là xuống luôn - vĩnh viễn. Anh không có cơ hội trở về cõi đời này nữa. Đó là vũ trụ quan của người Cơ Đốc.
(xem hình 1)


Nhưng nhiều khi cuộc đời ngắn ngủi quá, chưa được một trăm năm, mới chỉ được ba bốn chục năm mà ta đã chết rồi, thành ra ta cảm thấy rất cấn cái, chật vật, không thoải mái. Theo ý của Chúa, chúng ta chỉ có chừng đó thời gian thôi. Thành cái thấy của Ki-Tô giáo đối với cuộc đời trên trái đất này cho chúng ta một cảm giác thôi thúc, phải làm gấp, phải nhanh lên, không nên làm biếng.
Đạo Phật có dạy về luân hồi, nghĩa là chết rồi thì sanh trở lại và sanh ra rất nhiều kiếp (xem hình.2).

Thành ra người Phật tử cứ… tà tà. Kiếp này không thành công thì kiếp sau, có gì mà phải vội vàng! Với cái thấy đó, ta cho phép mình làm biếng. Nhưng coi chừng! Nếu kiếp sau, tuy được sanh lại trên cõi đời này nhưng nếu không được làm người mà phải làm con chim, con cá, con cóc, con thỏ, thì ta đâu được gặp thầy, đâu được theo tăng thân tu học. Vì vậy nên ta cũng phải cảnh giác, không thể nào làm biếng được đâu! Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục. Nghĩa là một lần mất thân người muôn kiếp khó trở lại. Đó cũng là tiếng chuông chánh niệm. Thành ra ta đừng coi thường! Tuy sẽ sanh lại rất nhiều lần nhưng chắc gì anh được làm người trở lại. Vì vậy anh cần phải đề cao cảnh giác.

Lá nuôi cây, cây nuôi lá

Thầy thị giả mới nhặt chiếc lá sồi này ở ngoài sân. Chiếc lá này sanh ra vào mùa xuân và đến khoảng tháng mười một năm nay thì nó rụng. Nó tồn tại vào khoảng tám tháng. Chúng ta người nào cũng có ngày sanh và ngày diệt. Chúng ta không khác gì chiếc lá. Chiếc lá này đã có cơ hội của nó rồi. Tám tháng của đời nó đã đi qua. Đứng về phương diện của người Phật tử, chúng ta thấy chiếc lá có thể bắt đầu trở lại được. Chúng ta cứ để chiếc lá này mục đi, thành đất. Và cây có thể lấy chất liệu bổ dưỡng đó để làm ra những chiếc lá mới. Vậy thì chiếc lá này có thể luân hồi để thành những chiếc lá khác. Nhưng nó có thể không luân hồi thành một chiếc lá mà luân hồi thành cành cây; nó có thể không luân hồi vào cây này mà luân hồi vào một cây khác. Như vậy, không có gì bảo đảm cả. Nghĩa là nó sẽ tiếp tục. Tám tháng là một cơ hội. Trong tám tháng đó, chiếc lá này có thể đã làm ăn rất hay. Chúng ta có thể thấy nó mới sinh ra, xanh mơn mởn và đùa giỡn trong ánh nắng mặt trời tháng tư, tháng năm. Chiếc lá này đã chứng kiến trời xanh mây trắng, đã thu nhiếp ánh sáng mặt trời, đã chế tác nhựa nguyên thành nhựa luyện, đã nuôi cây và nuôi cành. Chiếc lá này đã làm việc rất nhiều. Không phải chỉ có cây mới nuôi lá, mà lá trong suốt đời của nó cũng đã chế tác nhựa luyện để nuôi cây. Vì vậy nên nhìn vào lá là thấy cây và nhìn vào cây là thấy lá. Nhìn vào xác lá, chúng ta đừng tưởng tất cả chiếc lá đang nằm trong cái xác này. Không! Chiếc lá này hiện vẫn đang nằm trong cây, vì suốt cuộc đời nó đã nuôi cây. Mỗi ngày, chiếc lá này hấp thụ những chất khí trong không gian, hấp thụ ánh nắng của mặt trời, tinh luyện ra nhựa luyện để gởi trở lại nuôi cây, nuôi cành và nuôi rễ. Vì vậy nói cuộc đời tám tháng của chiếc lá nằm trong cái xác lá này là không đúng. Đây chỉ là một phần nhỏ của chiếc lá. Chiếc lá hiện còn sinh động rất nhiều ở trong cây và đến tháng tư sang năm nó sẽ biểu hiện trở lại.
Như ông nội của mình, đừng nói ông nội mình đang nằm trong lòng đất! Ông nội đang có mặt trong mỗi tế bào của cơ thể mình. Mỗi khi mình thở vào thanh thản, nhẹ nhàng, ông nội mình cũng đang được thở vào thanh thản, nhẹ nhàng. Ít hay nhiều, mình phải thấy được ông nội qua từng hơi thở. Cũng vậy, đừng thấy chiếc lá đã sống được tám tháng trên cây, hiện đang nằm dưới hình thức một tờ lá chết. Không! Chiếc lá đó không chỉ nằm ở đây: nó nằm ở mọi nơi, ở trong cây và ngoài cây. Chúng ta đã đi thiền hành qua những hàng sồi trong mùa xuân, trong mùa hè. Chúng ta đã hít thở không khí trong lành của chiếc lá tỏa ra. Chiếc lá có mặt trong mỗi người chúng ta. Ta phải thấy chiếc lá này ở trong ta, không phải chỉ ở ngoài ta mà thôi. Quý vị đã tới Làng Mai. Quý vị đã hít thở và đã có những chiếc lá mùa xuân, mùa hè trong quý vị. Những chiếc lá đó đã chế tác dưỡng khí cho quý vị thở. Vì vậy nên chúng ta đừng dại dột nghĩ chiếc lá chỉ nằm trong cái xác lá này. Chiếc lá có mặt trong cây, trong quý vị và nó đang tiếp tục luân hồi.

Tịnh độ trong ta bà

Quan niệm về thời gian trong đạo Phật rất khác với quan niệm về thời gian trong đạo Chúa. Trong tín ngưỡng bình dân của đạo Phật thì có cõi ta bà, nhưng ngoài cõi ta bà còn có những cõi khác nữa. Trong đạo Phật có “tam thiên đại thiên thế giới”. Trong kinh, Bụt nói rằng: “Quý vị hãy nhìn sông Hằng xem! Sông Hằng có biết bao nhiêu là cát. Giả dụ mỗi hạt cát là một tam thiên đại thiên thế giới và sự thật là có bao nhiêu cát thì có bấy nhiêu tam thiên đại thiên thế giới”. Cái thấy của đạo Phật về vũ trụ so với cái thấy đạo Chúa lớn hơn nhiều. Trong Thánh kinh, vũ trụ, trước hết là trái đất này. Trái đất là sân khấu của lịch sử: lịch sử bắt đầu ở đó và chấm dứt tại đó. Ban đầu, Thượng Đế tạo dựng ra với mục đích nào đó, và con người phải vâng theo ý của Chúa thì mới thành công. Khoa học vẫn còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm thời gian đó. Khoa học đã cố gắng đi tìm cái khởi thỉ của vũ trụ, và do đó mới có thuyết Big Bang. Nhưng trong đạo Phật thì không có khởi thỉ (vô thỉ) và không có chung cuộc (vô chung).
Trong đạo Phật có cõi ta bà, có những cõi trời và những cõi khổ đau (xem hình.2). Có nhiều thứ địa ngục chứ không phải chỉ có một. Có địa ngục này dễ thở hơn địa ngục khác. Từ trái đất chúng ta lại sinh ra lại trong trái đất và tùy theo nghiệp lành hay nghiệp dữ mà chúng ta được sinh lên cõi trời hay phải xuống địa ngục. Ở cõi trời cũng vô thường. Nếu thực tập năm giới một cách vững chãi, quý vị được sinh lên cõi thiên. Sau khi hưởng hết phước báu, quý vị trở xuống lại. Nếu quý vị làm ăn không đàng hoàng thì phải xuống địa ngục. Sau khi trả quả báo ở địa ngục xong thì quý vị được lên trở lại. Rất vui. Trong đạo Phật có nhiều cõi trời và nhiều loại địa ngục. Chúng ta thấy trong vũ trụ quan của đạo Phật, con người thoải mái hơn, đứng về phương diện không gian cũng như đứng về phương diện thời gian. Không có giới hạn về không gian và thời gian, ta gọi là vô thỉ vô chung.
Theo kinh điển đạo Phật, trái đất này là nơi đức Thích Ca chọn để làm Phật độ của ngài. Đọc trong kinh điển, ta được biết một kiếp ở cõi ta bà chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Tịnh độ của Bụt A Di Đà. Qua đó ta thấy quan niệm thời gian tương đối rất rõ ràng ở trong đạo Bụt. Cũng trong khoảng thời gian đó mà người này thấy rất dài và người kia thấy rất ngắn. Ví dụ khi ngồi thiền 45 phút: có người thấy thời gian dài quá, sao chưa có tiếng chuông? Có người thấy thở chưa đã mà đã có tiếng chuông rồi! Tùy theo nhận thức của mỗi người mà thời gian 45 phút đó trở nên lâu hay mau. Có phải vậy không? Những người ở tù thấy một ngày trong tù bằng một ngàn năm ở ngoài. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Thời gian là một cái gì tương đối. Thời gian là sản phẩm của trí óc. Nó dài hay ngắn tùy theo cái nhìn của mình. Một kiếp ở cõi ta bà chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Tịnh độ; một kiếp ở cõi Tịnh độ này có thể chỉ ngắn bằng một ngày một đêm của cõi Tịnh độ khác.

Thời gian và không gian

Đến Làng Mai, quý vị thấy một ngày ở Làng Mai cũng khác với một ngày ở thành phố quý vị đang sống. Có một lần tôi đi trên một chiếc xe du lịch (limousine) thuê được ở thành phố, cùng đi với các vị khác để viếng động Ajanta. Đó là một dãy núi mà người xưa đã đục để làm thành nhiều tu viện từ thế kỷ thứ II tới thế kỷ thứ IX. Người ta đục núi ra và trong đó có Phật điện, thiền đường, tăng xá, v.v… đủ hết. Trong khi làm việc, để có đủ ánh sáng, người ta đã dùng những tấm kiếng để đưa ánh sáng vào trong. Trong động có những tượng Phật và những tác phẩm nghệ thuật khác rất đẹp. Tôi đã từng nằm trên những cái giường bằng đá trong những cái liêu của các thầy để có cảm tưởng mình sống vào thế kỷ thứ II, thứ III Tây lịch. Cái giường bằng đá đó cũng do con người đục núi làm ra. Trên đường đi Aurangabad, trời rất nắng. Cố nhiên, khi đi xe du lịch là mình muốn tới nơi sớm chừng nào hay chừng đó. Đi tới một chỗ đó thì mình gặp một chiếc xe bò. Chiếc xe bò đi cà rịch cà tang, cà rịch cà tang, rất chậm. Con đường rất khúc khuỷu. Con bò kéo chiếc xe không vội vã gì hết. Người đánh xe cũng vậy. Anh ta ở trần. Anh ta ngồi rất thoải mái trên chiếc xe bò. Anh ta che đầu bằng một nhành cây. Anh ta đi nhưng không có ý muốn tới sớm như người lái xe du lịch. Người lái xe du lịch từ thành phố tới, và cố nhiên muốn đưa khách tới nơi tham quan càng sớm chừng nào càng tốt chừng đó, để lấy tiền và về đi làm chuyến khác. Vì vậy nên trong người lái xe có cái thao thức muốn đi mau để tới sớm. Nhìn ra, tôi thấy chiếc xe bò do một con bò kéo và có một người ngồi ở trần, đang che nắng bằng một nhành cây đầy lá. Điều này chứng tỏ là con bò không có niềm thao thức muốn đi cho mau tới mà người ngồi đánh xe bò cũng vậy. Tôi thấy rõ ràng có hai thời gian, hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Người đánh xe và con bò, cả hai hoàn toàn không hối hả. Trong khi đó, người lái xe du lịch rất hối hả muốn tới. Chúng ta thấy rất rõ hai hình ảnh đó đại diện cho hai cái thấy về thời gian. Thời gian khác thì không gian cũng khác. Người lái xe du lịch và anh nông dân đang ngồi trên chiếc xe bò, hai người đang sống trong hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Những ước mơ, những tính toán, không gian với thời gian, hoàn toàn khác nhau. Và người này không muốn trở thành người kia, người kia không muốn trở thành người này. Ai hạnh phúc hơn ai? Chưa biết!

Vũ trụ trong hạt bụi

Vòng tròn tượng trưng cho một thế giới hay một đơn vị thời gian. Thế giới đó nằm trong một thế giới khác lớn hơn, cũng như nước Pháp nằm trong Âu châu; Âu châu ôm lấy nước Pháp, nhưng Âu châu nằm trên quả địa cầu; quả địa cầu nằm trong Thái dương hệ; Thái dương hệ nằm trong dải ngân hà. Cái này ôm lấy cái khác, và cái khác được ôm lấy bằng cái khác nữa. Trong cái thấy của đạo Bụt, không những cái lớn ôm lấy cái nhỏ mà cái nhỏ cũng ôm lấy cái lớn. Như chiếc lá sồi này, và cây sồi ngoài kia, nếu quý vị nói chiếc lá này nằm ngoài cây sồi là không đúng. Chúng ta đã quán chiếu để thấy trong suốt tám tháng trời chiếc lá đã làm việc: nó đã cười, đã reo, đã đi qua bao nhiêu mưa nắng. Chiếc lá đã tinh chế biết bao nhiêu nhựa luyện để nuôi thân cây, nuôi những chiếc lá anh, lá chị, lá em, và hiện giờ nó vẫn còn đang có mặt trong cây sồi ngoài kia. Nếu quý vị nghĩ nó chỉ có mặt trong cái xác lá này thôi là quý vị lầm. Cũng như quý vị tưởng ông nội của quý vị đang nằm trong lòng đất là quý vị lầm. Ông nội của quý vị đang nằm trong quý vị, ông đang thở, đang mỉm cười với quý vị. Chiếc lá này đang chứa đựng cả cái cây. Quý vị đang chứa đựng tất cả tổ tiên. Tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh đều đang có mặt trong quý vị. Cái một chứa đựng cái tất cả. Đó là cái thấy của kinh Hoa Nghiêm. Ta phải thấy được cái một trong cái tất cả và cái tất cả trong cái một; ta phải thấy được thiên thu trong khoảnh khắc, lúc đó ta mới có tự do. Ta phải thấy khi ta thở là thở cho tất cả tổ tiên. Và nếu trong một hơi thở, ta có thảnh thơi, có tự do và hạnh phúc thì tất cả tổ tiên ta đều được thừa hưởng. Một hơi thở rất quan trọng. Đó là một hành động giải phóng. Giải phóng cho tất cả các tổ tiên trong bao nhiêu kiếp nếu hơi thở đó đem lại cho ta niệm, định và tuệ. Tuệ là cái thấy. Thấy cái gì? Thấy được cái một chứa đựng cái tất cả, thấy một khoảnh khắc chứa đựng cả thiên thu. Nên công phu của quý vị là phải nắm lấy từng hơi thở và từng bước chân. Quý vị phải thành công được trong hơi thở đó, trong bước chân đó, chứ đừng nói “vô lượng kiếp”. Không cần đến vô lượng kiếp.
Trong đạo Phật thường nói bản môn nằm trong tích môn. Nếu tiếp xúc được với một giây phút của tích môn cho thật sâu sắc là ta tiếp xúc được với bản môn. Nếu tiếp xúc được với cái khoảnh khắc cho sâu sắc là ta chạm được cái thiên thu ở trong đó rồi. Vậy thì vòng tròn nhỏ - tượng trưng cho đơn vị không gian và thời gian nhỏ nhất - được ôm lấy bởi vòng tròn lớn - tượng trưng cho không gian và thời gian lớn hơn (hình.3).
Đó là một chiều. Chiều thứ hai là tuy là đơn vị nhỏ nhất nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng tất cả ở trong nó. “Trong hạt bụi có vô số Bụt, mỗi vị an trú chúng hội mình. Đức tin của con vẫn tràn đầy trong mỗi hạt bụi của Pháp giới”. Khoa học bây giờ bắt đầu thấy được điều đó: một hạt bụi chứa đựng tất cả những hạt bụi. Ý niệm về một, về nhiều, về lớn, về nhỏ, bắt đầu tan biến. Tu học là để giác ngộ. Giác ngộ để có hạnh phúc.

Niết bàn trong sinh tử
Có một lúc nào đó, tự nhiên chúng ta thấy mình đang đi trên con đường thời gian. (Xem hình 4)
Chúng ta thấy chúng ta tới từ vô thỉ. Trong đạo Phật, không bao giờ có cái bắt đầu. Điểm bắt đầu của cái này là sự chấm dứt của cái khác. Bắt đầu của năm 2008 là sự chấm dứt của năm 2007, vì vậy cho nên năm 2008 chỉ là sự tiếp nối của năm 2007 mà thôi. Thành ra cái chúng ta gọi là bắt đầu không phải là bắt đầu mà chỉ là sự tiếp nối. Sự bắt đầu của năm 2007 chẳng qua là sự chấm dứt của năm 2006! Vì vậy cho nên không có cái bắt đầu. Khoa học bây giờ nên đi theo chiều hướng đó để tiếp tục khám phá, chứ đi tìm cái bắt đầu là vẫn còn bị kẹt. Vì ý niệm bắt đầu là một sáng tạo phẩm của trí óc (mental construction). Trong đạo Phật có vô minh, có luân hồi, nên người Phật tử tu là để chấm dứt luân hồi, đạt tới niết bàn. Ví dụ mình tu tới giao điểm A (Hình 4) là chấm dứt được luân hồi. Luân hồi hình như có điểm chấm dứt. Chấm dứt luân hồi tức bắt đầu niết bàn. Niết bàn hình như có điểm khởi đầu. Và đó là ý niệm về đắc mà Tát Bà Đa bộ sáng tạo. Đắc là cái gì mình chưa có mà bây giờ mình có, như danh từ đắc đạo.
Từ vô thỉ tới bây giờ chúng ta có sinh tử (samsara). Tới điểm A, chúng ta chứng đắc niết bàn (xem hình 4). Sinh tử chấm dứt ở A và niết bàn cũng bắt đầu từ A, giống như là sinh tử không có bắt đầu nhưng lại có chung cuộc; niết bàn giống như là có bắt đầu nhưng lại không có chung cuộc. Nhìn thì thấy như vậy. Trên quan điểm giải thoát, sinh tử từ vô thỉ tới. Khi chúng ta đắc thì sinh tử chấm dứt. Niết bàn là vô chung, nhưng lại có điểm khởi thỉ, là giao điểm đắc đạo (A). Đó là một sản phẩm của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ, trong đó có ý niệm về đắcthất. Hễ được niết bàn là mất sinh tử. Đó là quan niệm lịch sử về vô thỉ, vô chung. Nhưng trong đạo Phật có những tông phái chủ trương niết bàn và sinh tử đều là những hoa đốm giữa hư không. Ví dụ có một người đấm mình một cái. Tá hỏa tam tinh, tự nhiên mình thấy 36 ngọn đèn. 36 ngọn đèn đó có thiệt hay là sản phẩm của một cú đấm? Trong kinh có nói niết bàn hay sinh tử đều là sản phẩm của cú đấm (Niết bàn sinh tử thị không hoa). Niết bàn và sinh tử đều là những tạo tác của tâm ý mà thôi. Có vị thiền sinh hỏi: “Bạch thầy, con đi tìm niết bàn ở đâu?” Thiền sư nói: “Con đi tìm niết bàn ngay trong sinh tử chứ còn ở đâu nữa!” Trong sinh tử có niết bàn. Đó là cái thấy bất nhị.
Thời gian 45 phút quý vị ngồi thiền cũng vậy. Có người nói sao 45 phút lâu quá vậy! Có người nói sao mới ngồi xuống là hết giờ liền! 45 phút đó lâu hay mau là tạo tác của tâm ý quý vị, là tùy quý vị có pháp lạc hay không trong khi ngồi thiền. Niết bàn, sinh tử chẳng qua là những ý niệm, cho nên mới có danh từ chân như. Chân như là nó như vậy! Chúng ta có thể diễn tả thực tại là niết bàn, hay là sinh tử cũng được. Rất mầu nhiệm. (Xem hình 5)

Đại dụng
Vì vậy cho nên quan niệm về thời gian và không gian trong đạo Phật hoàn toàn khác so với trong lịch sử. Sinh ra trong truyền thống Phật giáo, quý vị được thừa hưởng quan niệm về không gian và thời gian rất đặc biệt. Nó thênh thang, không có ngằn mé. Quý vị sẽ có rất nhiều tự do nếu quý vị muốn, cái đó gọi là đại dụng. Khi có cái thấy đó rồi thì muốn cái gì là được cái đó. Nếu quý vị muốn là ánh sáng thì quý vị là ánh sáng, bây giờ và ở đây. Nếu quý vị muốn là ông nội thì quý vị là ông nội liền bây giờ; nếu quý vị muốn là Phật thì là Phật ngay bây giờ; nếu quý vị muốn ở trong lâu đài của đức Di Lặc thì quý vị ở trong lâu đài của đức Di Lặc ngay bây giờ. Không cần đi tìm kiếm. Vì đã thấy được cái một ở trong cái tất cả. Trong hơi thở vào, quý vị có thể tiếp xúc được với tất cả. Trong từng bước chân, quý vị có thể thể hiện được thần thông.
Bất khả đắc
Trong kinh Hoa Nghiêm có phẩm Dạ Ma Thiên. Đức Thế Tôn lên cõi trời Dạ Ma. Hàng chục ngàn thính chúng được ngồi với đức Thế Tôn hạnh phúc quá chừng. Có một ông ở cõi Diêm Phù vừa lên cõi Dạ Ma, thấy Bụt, ông ngạc nhiên nói: “Lạ quá! Tôi vừa mới thấy đức Thế Tôn ở dưới Diêm Phù mà lên đây cũng thấy Ngài nữa. Ngài lên hồi nào vậy?” Các vị trời trả lời: “Ngài ở đây lâu rồi!” Lạ quá! Đức Thế Tôn có mặt đồng thời trong hai cõi: ngài vừa có mặt ở dưới Diêm Phù, ngài vừa có mặt ở cõi Dạ Ma. Đó là cái thấy của kinh Hoa Nghiêm. Anh không chỉ ngồi ở đây đâu. Anh tưởng là anh đang ở đây nhưng kỳ thực anh cũng đang đồng thời có mặt ở bên kia. Anh tưởng chiếc lá này đang ở trong thiền đường? Không đúng. Chiếc lá này đang ở trong cây, trong chúng ta, tại vì chúng ta đã hít dưỡng khí của nó thải ra. Chiếc lá này đang ở trong không gian vô cùng và thời gian vô tận. Anh đi tìm chiếc lá này không được đâu. Sức mấy mà anh nắm bắt được chiếc lá này, bất khả đắc. Sức mấy mà anh nắm bắt được Bụt, nắm bắt được chính anh. Anh là bất khả đắc. Đó là cái thấy của kinh Hoa Nghiêm.
Nhìn cho kỹ, niết bàn không phải bắt đầu từ giao điểm A. Nhìn cho kỹ, sinh tử không phải chấm dứt tại giao điểm A. Niết bàn chính là sinh tử, sinh tử chính là niết bàn. Vì vậy cho nên chỉ có một dòng chảy từ vô thỉ tới vô chung, gọi là chân như. (Xem hình 5)
Anh gọi nó là niết bàn cũng không được, sinh tử cũng không được. Cái niết bàn anh đang đi tìm, anh đi tìm ở đâu? Nó đâu có ở ngoài. Nó ở chính trong anh. Cũng như có người đi tìm không gian. Mình đang ở trong không gian rồi mà còn đi tìm không gian làm gì nữa? Giống như con cá đi tìm nước. Nó đang bơi lội trong nước mà đi tìm nước làm gì nữa? Niết bàn cũng vậy. Chúng ta đang bơi lội trong niết bàn mà còn đi tìm niết bàn! Cái mà chúng ta gọi là thiên quốc, cái mà chúng ta gọi là Tịnh độ, cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc, nó nằm ngay trong hơi thở vào của anh, nó nằm ngay trong hơi thở ra của chị. Anh, chị, đừng có đi tìm xa, chúng ta có đủ hết tất cả rồi. Chúng ta đã là cái mà chúng ta muốn trở thành (You are already what you want to become).

Món quà cho đời
Hơi thở vào là cơ hội của quý vị. Bước chân là cơ hội của quý vị. Quý vị còn đi tìm cái gì nữa? Thành công hay thất bại là ở hơi thở vào đó, là ở bước chân đó. Thở như thế nào mà trong khi thở, quý vị cảm thấy có tự do, an lạc và hạnh phúc. Đi như thế nào mà trong khi đi, quý vị cảm thấy có tự do, an lạc và hạnh phúc. Cái chúng ta đi tìm nằm ngay ở đây (This is it). Thấy được điều đó rồi, chúng ta có rất nhiều tự do. Anh đang tập sự xuất gia (aspirant). Chị đang tập sự xuất gia. Anh và chị đang chờ đợi ngày được xuất gia, để được gọi là sa di, là sa di ni. Nhưng chúng ta đâu cần phải đợi tới ngày ấy. Khi đang tập sự, chúng ta cũng có thể chứng đắc được với hơi thở vào và hơi thở ra. Làm thầy tu, ta có cơ hội làm chuyện thở vào, thở ra và ta có sự thích thú được tiếp tục làm chuyện đó. Và một khi mình làm được chuyện đó thì mình cũng làm được cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên, cho Bụt, cho thầy và cho cả thế giới. Sự giải phóng của một con người là món quà lớn nhất mà người đó có thể hiến tặng cho cuộc đời. Sự thành công đó, ta phải đạt cho được trong hơi thở vào và hơi thở ra của mình. Đó là một sự thách đố. Anh làm chuyện đó không phải cho riêng anh. Anh thở vào không phải cho riêng anh. Anh thở vào cho cả thế giới, cho cả vũ trụ. Chiếc lá này đã làm được chuyện đó, tại sao anh không làm được như vậy? Tại sao anh lo lắng, anh sầu khổ, anh sợ hãi? Anh đang làm người. Anh có cơ hội ngồi xuống. Anh có cơ hội thở vào. Anh có cơ hội đi từng bước chân. Tại sao anh không thành công? Anh còn đi kiếm cái gì nữa?
(Phiên tả pháp thoại của Thầy Làng Mai ngày 17-01-2008)

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS