Ngựa đã gắn liền với lịch-sử của nhân-loại.
Ngày xưa, trong các cuộc khai thiên lập quốc cùng việc mở mang và bảo vệ bờ cõi, vân vân đều không thể thiếu bóng dáng của con ngựa mà người mình còn gọi là con tuấn mã.
Ngày nay, trong mọi lãnh vực như thể thao, giải trí, sản xuất và thậm chí trong y khoa chúng ta cũng không thể chối bỏ vai trò then chốt của con ngựa được, như việc điều chế huyết thanh sérum trị liệu từ máu ngựa để trị khẩn cấp cho người bị rắn cắn chẳng hạn..
Ngày xưa, trong các cuộc khai thiên lập quốc cùng việc mở mang và bảo vệ bờ cõi, vân vân đều không thể thiếu bóng dáng của con ngựa mà người mình còn gọi là con tuấn mã.
Ngày nay, trong mọi lãnh vực như thể thao, giải trí, sản xuất và thậm chí trong y khoa chúng ta cũng không thể chối bỏ vai trò then chốt của con ngựa được, như việc điều chế huyết thanh sérum trị liệu từ máu ngựa để trị khẩn cấp cho người bị rắn cắn chẳng hạn..
* * *
Trích nước tiểu ngựa cái mang thai để làm thuốc
Công ty Wyeth-Ayerst Hoa Kỳ dùng nước tiểu ngựa cái mang thai để sản xuất ra thuốc Premarin.
Đây là một dược phẩm rất phổ thông và được sử dụng như một hormone thay thế (Hormone Replacement Therapy HRT) cho các bà trong thời kỳ mãn kinh.
Hiện nay, Hoa Kỳ có vào khoảng 80.000 ngựa cái được sử dụng vào mục đích nói trên…
Ngựa được cho thụ tinh để mang thai, sau đó thì lại bị nhốt trong những chuồng rất chật hẹp, và một ống catheter bé nhỏ được đút thường trực vào bọng đái để dễ dàng hứng nước tiểu của ngựa.
Premarin đã đem lại cho công ty dược phẩm Wyeth-Ayerst lối 1 tỉ $/năm.
Ngựa trong văn chương
Trong văn chương bình dân Việt Nam cũng như trong nếp suy tư của người mình, thỉnh thoảng cũng có ý phảng phất đâu đó bóng dáng của con ngựa... Thí dụ như những câu nói có vẻ như dao to búa lớn mà chúng ta thường nghe hồi còn ở bên nhà: "Đồ đĩ ngựa / Đồ đầu trâu mặt ngựa / Đồ đâm thuê chém mướn / Đồ đá cá lăn dưa…"
Còn đàn bà con gái ra đường mà mắt cứ dòm ngang liếc dọc hay gặp đàn ông con trai mà mắt cứ chớp lia chớp lịa, thân ẹo qua ẹo lại, ngón tay bẻ trẹo tới trẹo lui, vân vân thì bị mắng: “Đồ ngựa / Đồ mống chuồn / Đồ không nên nết…”
Ôi, thật là tội nghiệp cho thân phận con ngựa biết bao, cái gì hư đốn xấu xa cũng đều trút lên đầu con ngựa hết!
Trong tình yêu cũng vậy, sau khi chán chường người đẹp, con ong đã tỏ đường đi lối về rồi thì chàng lặng lẽ quất ngựa truy phong không kèn không trống, đúng là người đẹp đã gặp phải đồ sở khanh Don Juan Mã Giám Sinh rồi còn gì!
Cũng có những mối tình nghèo hay những mối tình chung thủy, nàng ra công ra sức giúp chàng dùi mài kinh sử hầu đoạt bảng vàng hay thành công trong việc tạo dựng sự nghiệp để mong sau nầy được hưởng vinh hiển bên nhau: “Ngựa ô anh thắng kiệu vàng, anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh”
Bên cạnh đó, những mối tình không trọn vẹn hay có duyên mà không nợ hoặc vì người con gái phải sang ngang đi lấy chồng, vậy là anh đường anh tôi đường tôi tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi, vân vân thì thân phận người con gái được ví như: “Em có chồng rồi như ngựa có cương/ Ngựa em em đứng, đường trường anh đi”
Chỗ nào đông đúc xe cộ đầy người qua lại, thì nói theo cụ Nguyễn Du là "Ngựa xe như nước, áo quần như nêm". Câu nầy nó gợi chúng ta nhớ lại hình ảnh thân thương của Sài Gòn tửng nổi tiếng là hòn ngọc Viễn Đông năm nào!
Ngựa cũng có khi được dùng để chỉ cá-tính của con người nữa như là “anh hay chị đó nghĩ sao nói vậy hà, cứ thẳng thừng như ruột ngựa vậy…”
Ngựa cũng được sử dụng đặt tên cho những cảnh có núi non hùng vĩ hay cho những địa danh:
- Núi Bạch Mã hay dãy Bạch Mã, một dãy núi đẹp bên nhà, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Dãy núi này nằm trong vườn quốc gia Bạch Mã, quanh năm phủ mây trắng, cao 1.444m thuộc dãyTrường Sơn...
- Sông Mã hay Tất Mã, là sông rất lớn miền cực bắc Trung Phần, dài 400km, xuất phát từ vùng núi non phía nam Điện Biên chảy qua tỉnh Sầm Nứa (Lào) và Thanh Hóa (Việt Nam)...
- Núi Cổ Ngựa (Ninh Bình), vân vân và vân vân.
Hình ảnh Xuân.
Trong lịch sử cổ Hy Lạp có Ngựa Arion, là ngựa của thần Neptune...Ngựa nầy phi như gió và còn nói được cả tiếng người nữa.
Ngựa gỗ thành Troie (Cheval de Troie) là tên một con ngựa gỗ vĩ đại khổng lồ cao bằng nhà lầu ba tầng, có thể chứa đến hằng trăm binh sĩ ở trong bụng...Trong trận đánh, Hy Lạp thua bỏ chạy nhưng khôn ngoan có chủ đich bỏ lại con ngựa gỗ nói trên. Quân sĩ thành Troie tưởng bỡ là tịch thu được con ngựa coi như một chiến lợi phẩm và kéo nó vô trong thành. Nửa đêm, quân lính Hy Lạp núp trong bụng con ngựa liền tuột xuống phản công bất ngờ và chiếm lấy được thành Troie.
Ở đời, đôi khi những việc mình không hy vọng cũng như không mong đợi lại đến, làm mọi người đều ngạc nhiên thí dụ như trong một cuộc tranh cử có một vài ứng cử viên không nổi bật lắm nhưng cuối cùng vẫn đắc cử vẻ vang, trường hợp nầy người ta thường gọi là ngựa về ngược.
Ngựa hay và giỏi có đặc tính chạy đường trường không biết mệt nên được ví cho những trang anh hùng hào kiệt cứ mãi miệt mài đeo đuổi công danh sự nghiệp “Ngựa hay chẳng quản đường dài / Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng”…Nhưng hãy coi chừng, vì ngựa hay ngựa giỏi thường hay dở chứng, có thể làm cho chủ nhân của nó bị liệt bại cả một đời như trường hợp tài-tử đóng vai chánh trong phim Superman mà chúng ta đã biết qua.
Trong những truyện cổ tích lãng mạn ngày xưa cũng có ẩn hiện những chàng tráng sĩ cưỡi ngựa dưới dạng chàng kỵ mã vó câu muôn dặm, là hình ảnh mơ mộng của những nàng tiểu thơ khuê các cổng kín cao tường... Ngày nay, cũng có những chàng police cưỡi ngựa thường xuất hiện để biểu diễn trong những ngày lễ hội lớn của quốc gia với những màu sắc sặc sỡ thí dụ như ở bên nước Anh, hoặc để giữ gìn an ninh trật tự mà chúng ta thường thấy trong các vụ biểu tình…
Ngựa bước chậm còn gọi là đi nước kiệu, bước vừa gọi là đi nước trung, còn phi nhanh gọi là phi hay phóng nước đại.
Về thể thao, có môn nhào lộn thăng bằng trên ngựa gỗ là môn làm nhiều người đứng tim nhất mỗi khi lực sĩ lộn mèo trên không một cách rất tài tình và vô cùng khéo léo.
Ngựa có những đức tính tốt như biết chia sẻ cũng như biết đoàn kết: “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ / Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”
Các cụ ta ngày xưa thường hay suy ngẫm sự đời bằng câu: “Lộ dao tri mã lực, sự cửu kiến nhơn tâm”...Trong cảnh khó khăn nguy biến, mới dò được lòng dạ con người.
Vật đổi sao dời, lòng dạ con người cũng có thể đổi thay. Trong cơn biến loạn, cũng có nhiều người trở cờ quay mặt đi hay có hành động ác ý mà người đời còn gọi là đâm sau lưng người bạn chí thân cũng chỉ vì một chỗ đứng cho riêng mình…“Ngựa hươu thay đổi như chơi, giấu gươm đầu lưỡi, thọc dùi trong tay” (Cao Bá Nhạ)
Tạo ra lại được niềm hy vọng và lạc quan trong cuộc sống thì gọi “mã đáo thành công”
Cũng có trường hợp thấy có mà không, thấy không mà có như chuyện “tái ông thất mã"
Trẻ con mà có tính bốc đồng hay nóng giận bất tử thì bị phê bình là “ngựa non háu đá”
Sức mạnh của ngựa cũng được dùng để chỉ các loại máy nổ, máy xe hơi, xe càng nhiều mã-lực thì càng mạnh và càng vọt lẹ...
Tóc cột đuôi ngựa xinh ra phết
Còn nhớ vào những năm đầu của 60, nhiều cô thiếu nữ của Sài Gòn thời đó ưa thích cột tóc theo kiểu đuôi ngựa (queue de cheval) thấy cũng dễ thương ra phết và làm bao cậu thanh niên tú tài ngẩn ngơ ngồi làm thơ dệt mộng…
Và cũng đã có không ít những mối tình thành hình bắt đầu từ hình ảnh của mái tóc đuôi ngựa...
Ngựa sắt lúc đổi đời
Trước 75, nếu cần chở đào đi chơi thì cũng phải ráng tìm mượn cho được xe honda, tệ lắm cũng phải là chiếc mobylette hoặc vélo solex thì mới coi được, để chở em cho nó le, chớ em làm gì chịu thót lên ngồi phía sau con ngựa sắt quèn cà tàng của anh, quê chết đi được...
Còn nếu là dân thầy chú thì có ai dám đạp cái xe máy lọc cọc đi làm đâu, mất mặt bầu cua lắm đó chớ bộ!
Nhưng sau 75, lúc miền Nam vừa đổi chủ thì cả nước ai cũng đều hân hoan…cuỡi con ngựa sắt hết.
Hoan hô xe máy xe đạp.
Cả nước cùng đạp xe, vui tới bến!
Nó đã xóa bỏ được giai cấp, san bằng được mặc cảm (?), và bắt buộc ai ai cũng phải vận động đạp xe để được…khỏe!
Và con ngựa sắt đã trở nên là vật thật hữu dụng cho tất cả mọi người Việt Nam thời đó.
Còn những người chủ mới thì sao? Thì kênh kiệu ngồi chễm chệ trong những chiếc xe hơi bóng lộng, đó là những chiến lợi phẩm mà họ vừa tịch thu được hay vừa chiếm đoạt được của những người chủ cũ mà chúng ta ai ai cũng đã biết…
Ngày nay, ở Canada, cưỡi con ngựa sắt đi rong chơi trong những lúc trời đẹp hay nhàn rỗi, là một cái mode của rất nhiều người già trẻ bé lớn nam nữ...
Có đủ thứ loại ngựa sắt để phục vụ cho tất cả mọi thứ gu.
Nào là ngựa sắt con cho các em bé nhỏ, nào là cho các cô các cậu, nào là cho các ông các bà…
Và cũng có đủ loại ngựa sắt đặc biệt dùng để chạy trong rừng, để leo núi, để chạy đua, vân vân.
Trong các thành phố lớn trên thế giới đều có những trạm cho mướn con ngựa sắt.
“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”
Xưa:
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”
(Thăng long hoài cổ-Bà Huyện Thanh Quan)
Nay:
Ngựa gỗ xanh của người Nga
Người nước Nga cho rằng năm 2014 là năm ngựa gỗ xanh (the year of the blue horse) vì nó sẽ đem đến cho mọi người những điều may mắn trong cuộc sống.
Cây dái ngựa
Tên khoa học là Swietenia mahagoni.
Tìm thấy ở các vùng nhiệt đới như Carribean, Mexico, Cuba…
Cây rất cao, trái rất to có hình trứng dái của con ngựa, phần gỗ có màu đỏ hung và rất chắc.
Ngày xưa, tại Sài Gòn có một số con đường trồng cây dái ngựa để lấy bóng mát.
Hoan nghênh con ngựa sắt Amsterdam - Hoà Lan
Ở Hòa Lan, cưỡi con ngựa sắt là một phương tiện xê dịch rất phổ biến, được 33% dân chúng
sử dụng so với 19% sử dụng xe hơi…
Bất kể mọi người, nam hay nữ, già trẻ, học sinh, sinh viên dân lao động hay thầy cô chú gì cũng vậy, ai ai cũng đều…thích cưỡi nó cả.
Tại thủ đô Amsterdam (900.000 dân), có nhiều ông mặc áo veste và nhiều bà mặc jupe dài cưỡi con ngựa sắt đi làm tỉnh bơ.
Mỗi ngày có lối 490.000 người sử dụng xe đạp trên những tuyến đường dành riêng cho xe đạp, dài tổng cộng 450km.
Nạn kẹt xe máy hay con ngựa sắt là trở ngại chính tại thành phố nầy, nhưng ngược lại xăng dầu được tiết kiệm, không khí ít bị ô nhiễm vả dĩ nhiên tốt cho sức khỏe rồi còn gì.
Nếu các thành phố lớn trên thế giới noi theo gương nầy của Hòa Lan, thì sẽ vừa bớt được sự ô nhiễm, vừa tiết kiệm được $$$, mà cũng vừa vận động thể dục thể thao được nữa, thật là tiện lợi đủ mọi bề!
Hiện tại đã có 3 tầng xe đạp trên mặt đất.
Và họ đang dự định xây thêm một tầng nữa dưới hầm.
Khủng khiếp chưa!
Video: From the Netherlands to America (di chuyển bằng ngựa sắt tại Hòa Lan-13 phút)
https://www.youtube.com/watch?v=22XM8-YTC98&feature=endscreen
Ngựa sắt đua
Các bạn có biết không, giá một con ngựa sắt thứ xịn để cưỡi chạy đua cũng phải lối $10,000US.
Con ngựa nầy rất nhẹ chỉ có 8kg thôi, nhưng nó chắc vô cùng.
Và người ta có thể tháo guidon lẫn yên cùng với hai bánh ra, bỏ vào trong một cái túi da, kéo fermeture lại.
Thế là xong, xách đi đâu cũng được hết.
Gọn ơ!
Bộ ngựa gõ bên Việt Nam
Ở nông thôn lục tỉnh ngày trước, các nhà khá giả đều có bộ ngựa gõ.
Đây là một loại giường đặc biệt gồm có hai miếng ván gõ đen mun thật dầy được kê trên các chân ngựa bằng gỗ.
Mỗi khi nếu nhà có đông khách như có đám tiệc hoặc đám giỗ thì chủ nhà thường hay trải chiếu lên bộ ngựa gõ để dọn thêm một mâm nữa…cho nó thêm xôm tụ.
Đôi khi ngựa gõ là nơi các bà mê đậu chến kéo bài tứ sắc và sát phạt nhau suốt cả ngày…cho vui cửa vui nhà.
Vào những năm 68-70 tình hình chiến sự quá găng, tại một số tỉnh ở miền nam như Cần Thơ, tối tối thì thường hay bị mấy ổng pháo kích ầm ầm 5-6 quả 81 ly vô thành phố trúng ai nấy chịu.
Mỗi khi xảy ra pháo kích, thường là ban đêm, thì cả nhà ai nấy đều phải chui lẹ xuống núp dưới bộ ngựa gõ đã có tấn những bao cát xung quanh, miệng thì lâm râm niệm Phật...
Chờ đến khi nghe tiếng rống phản pháo của phi cơ AC47 hỏa long từ xa xa phía bên kia sông Hậu Giang thì mới hoàn hồn yên tâm mà chui ra.
Ngựa trong đời sống của chúng ta
Ngày xưa, ở miền Nam chúng ta có xe thổ mộ rất phổ thông, do một con ngựa kéo để làm phương tiện di chuyển trong thành phố.
Ở thành phố sương mù Đà Lạt, du khách có thể mướn xe ngựa kéo để đi du ngoạn trong thành phố hay có thể mướn con ngựa để cưỡi rong chơi trong rừng thông bạt ngàn hay thong dong trong những công viên đầy hoa thơm cỏ lạ…
Ở nông thôn Canada, ngựa được dùng để kéo xe đi chơi, để thi kéo gỗ, hoặc để cho người cưỡi, vân vân.
Còn ở các thành phố lớn nổi tiếng và có trường đua, ngựa được dùng để chạy đua hay giúp cho dân có máu đỏ đen…cá độ lẫn nhau.
Thịt ngựa
Thịt ngựa tại Canada cũng không được mấy ai chiếu cố cho lắm.
Chỉ có vào khoảng 5% dân chúng, thường là gốc Âu Châu mới dám ăn mà thôi.
Tuy đa số người mình đều có nghe nói đến, nhưng chắc không có mấy ai trong chúng ta có dịp thưởng thức món ăn độc đáo nầy.
Lý do có thể là do tập quán ăn uống của người Việt Nam.
Ngựa được xem là con vật quý, hữu dụng và rất gần gũi với con người, nên không ai nỡ ăn thịt chúng cho được…Đây cũng là ý nghĩ chung của phần lớn người Ca-na-điên, người Mỹ cũng như của không ít người Việt chúng ta đang sống tại hải ngoại.
Ngược lại, gần đây tại quê nhà phong trào ăn thịt ngựa lại vừa mới bắt đầu được nhen nhúm ra và có vẻ càng ngày càng bành trướng thêm lên mãi.
Các quán ăn quán nhậu bên nhà chắc chắn cũng sẽ quảng cáo rùm beng lên là ăn thịt ngựa sẽ bổ trên bổ dưới gì đó, vân vân và vân vân để chiêu dụ khách nình-ông.
Đặc tính chung của thịt ngựa là nó rất mềm, nhiều vitamines và chứa rất ít mỡ.
100gram thịt ngựa chứa:
- 4mg chất sắt Fe # 27% nhu cầu hằng ngày của chúng ta
- proteine
- niacine
- vitamine B12
- kẽm Zn
- 4,6gram mỡ
Về mặt ẩm thực, người ta khuyên các bà, các chị không nên ăn thịt ngựa, và món nầy chỉ dành riêng cho các ông, các anh xơi mà thôi (?).
Người gõ thắc mắc có đi hỏi nhiều người nhưng không ai dám cắt nghĩa hết!
Tác giả cũng từng thăm dò sở thích nầy ở các giới đồng hương Việt Nam.
Câu trả lời thường nghe là đa số bà con mình không thích món thịt ngựa cho lắm mặc dù chưa biết mặt mũi và mùi vị của nó ra làm sao cả!
Một số ít bạn bè, thường là phía đàn ông con trai, thì ok, họ nói nếu có dịp cũng dám làm thử một phen cho biết đá biết vàng với người ta.
Cũng có kẻ xấu miệng xấu mồm, không biết gì lý do gì, lại nói rằng các chị không nên đụng tới thịt ngựa vì đàn bà con gái mà ăn thịt ngựa thì coi kỳ cục lắm?
Thật ra trong thực tế chẳng cần phải mời mọc làm chi cho mất công, vì mỗi khi các bà các chị vừa mới nghe nói đến chữ ngựa là đã la oai oải lên rồi, còn đâu mà dám ăn nữa, vì ăn sợ tội chết đi.
Còn các cháu nhỏ bên nầy thì yek và nhăn mặt lắc đầu le lưỡi có vẻ kinh tởm dữ lắm!
Hải mã: cứu tinh của nình-ông?
Ở dưới biển, có một loại sinh vật nho nhỏ có hình dáng tương tợ như đầu con ngựa người ta gọi đây là những hải mã (sea horse, hippocampus).
Loại hải mã nầy rất được Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan chiếu cố mạnh mẽ để làm thuốc trợ dương và thuốc trị suyễn.
Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan là ba quốc gia có số xuất cảng hải mã khô nhiều nhất thế giới.
Được biết trong thế giới loài côn trùng, tàn nhẫn nhứt là có loại ngựa trời hay bọ ngựa (mante religieuse, mantis religiosa), vì sau khi làm tình xong thì nàng xơi tái chàng để lấy sức mà mang thai và sinh nở.
Coi chừng bị thượng mã phong
Chàng kỵ-mã gò lưng phi nước đại trong tiếng rộn ràng dồn dập của nhạc ngựa, cố trực chỉ đỉnh Vu Sơn, nhưng than ôi, tai nạn ở đâu thình lình giáng xuống khiến chàng té xuống chết một cách bất đắc kỳ tử không kịp…rên lên một tiếng, bỏ lại bên đường con tuấn mã vừa hoảng hốt và vừa ngỡ ngàng.
Đông y gọi là thượng mã phong hay phạm phòng (?)
Tây y cho đó là heart attack
Mỹ gọi là chết trên yên ngựa dying in the sadle
Tây thì văn chương hơn gọi là la mort damour
Nói chung, đây chỉ là hiện tượng đột tử, có người cho đó là một cái chết tốt belle mort vì chết mà không cảm thấy có sự đau đớn gì cả!
Có dư luận cho rằng hồi năm 1973, tài tử Lý Tiểu Long cũng chết theo kiểu nầy, không biết có đúng vậy không hay là anh ta thăng vì chơi quá liều ma túy chăng?
Hình như sau nầy các bác sĩ tiết lộ rằng anh ta chết vì xài thuốc quá liều và bị phản ứng nên thăng luôn cũng giống như trường hợp của Michael Jackson (thuốc Propofol) và Marilyn Monroe (thuốc ngủ Nembutal và Chloral hydrate) và còn nhiều nhiều nữa…
Thầy bà họ Lèo tiên đoán vận số năm Giáp Ngọ
Đối với các bạn trẻ đã lập gia đình, thì năm Giáp Ngọ 2014 là năm thật tốt để sanh con.
Sanh con gái hay con trai gì cũng đều tốt hết, khỏi phải lo.
Cháu được sanh ra mà lại được dính dáng với sao Ngựa Trời (Thiên Mã) thì tuyệt điệu.
Hay nếu có một trong những cách như Mã Lộc Tử Phủ, Mã Khốc Khách (Thiên Mã, Thiên Khốc, Điếu Khách), hoặc Mã Lộc Giao Trì thì cam đoan cuộc đời của cháu sẽ rạng rỡ, vinh hiển sướng gấp 100 lần hơn bố mẹ của chúng.
Năm Giáp Ngọ 2014, mặc dù là năm tuổi của một số người, nhưng xin các bạn đừng quá lo vì đây là một năm cực tốt về mọi mặt và các bạn muốn gì thì sẽ được nấy đó!
Còn nếu bạn muốn tìm ý-trung-nhân để sớm tối hủ hỉ với nhau, thì nên tham khảo thường xuyên mục Hộp thư tìm bạn bốn phương TB... Thể nào bạn cũng sẽ được toại nguyện.
Một thí dụ:
“Nữ, độc thân, ngoài 50 tuổi, dễ nhìn, duyên dáng, trình độ đại học. Người miền Nam, gốc Sài Gòn, cao 1mét 57, nặng 115 lbs. Thích âm nhạc, thể thao, du lịch yêu mái ấm gia đình, cuộc sống ổn định, ghét giả dối. Mong tìm bạn trai từ 55-60 tuổi (độc thân không vường bận), đồng cảm cùng sở thích, không tứ đổ tường… Phải thành thật, nghiêm túc, trọng đạo đức, thủy chung để chia sẽ vui buồn và tận hưởng quãng đời còn lại với nhau. Thư đầu xin nói rõ về mình, cho số phone và hình, email để liên lạc. Xin đừng đùa giỡn. Cám ơn! Hồi âm dù thư đến trễ”
http://thoibao.com/2013/09/20/hop-thu-tim-ban-20-thang-9-nam-2013/#sthash.b68gRM2v.dpuf
Riêng đối với các bạn tuổi Nhâm Ngọ (73 tuổi), thì năm nay sẽ là năm đại cát.
Mọi việc sẽ đều hanh thông…
Nếu đã lỡ làng duyên kiếp hay còn độc thân tại chỗ mà lòng vẫn còn thấy xuân lên phơi phới, thì năm nay sẽ là năm có thay đổi lớn và sẽ có… tin mừng đó.
Chúc các bạn trai gái già trẻ đều được như ý & như ý!
Trở về cát bụi
Sinh-lão-bệnh-tử là quy luật chung của tạo hoá, không ai thoát khỏi…
Kể cả loài ngựa!
No comments :
Post a Comment