Chúng tôi nhận được
thư của vị nữ thính giả, hỏi về vấn đề có lẽ cũng là thắc mắc chung của một số
người, nên xin phép được nêu ra đây để chúng ta cùng nhau thảo luận. Thư có đoạn
như sau:
…”… gần sở tôi có một
ngôi chùa của người Việt Nam. Có những hôm bỗng nhiên nhớ mẹ, nhớ quê hương,
tôi muốn ghé qua chùa, vào thắp nén nhang, ngồi nhìn tượng Phật nhớ thời thơ ấu,
có quê, có đại gia đình, ông bà cha mẹ.
Nhưng tôi rất ngại vì
có một lần tôi đã tới vào buổi chiều, sau giờ tan sở. Hôm đó chùa cũng hơi đông,
hầu hết đều mặc áo thụng mầu xám, dường như có buổi lễ gì đó. Họ nhìn tôi với
ánh mắt hơi lạ. Rồi một cụ già đưa cho tôi một áo thụng và bảo tôi mặc rồi hãy
vào lễ Phật kẻo mặc đồ hở hang, phải tội, lễ xong trả lại vì áo đó của chung để
cho ai cần thì mượn.
Tôi rất ngạc nhiên và
cảm thấy bị xúc phạm, vì tôi mặc quần jean với áo cộc tay. Tuy tay áo cộc nhưng
tôi không nghĩ rằng như thế là hở hang.
Về nhà, tôi nói lại
cho mấy người bà con nghe thì họ cười ầm lên, chế giễu:
- Không phải sợ tội
đâu. Các cụ sợ cô giống câu ca dao:
“Ba cô đội gạo lên
chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa
cho Sư”, đó mà.
Xin chỉ dẫn giúp phải
mặc đồ như thế nào khi đi chùa thì mới hợp lệ.
Nguyễn Mai Quế
Thưa quý vị và cô Mai
Quế,
Trong giới tu pháp môn
Niệm Phật bên Nhật, có truyền tụng câu chuyện về anh chàng kia, mỗi khi tới
chùa là anh nằm lăn ra chánh điện một cách rất thoải mái. Có người trách anh rằng
nằm như thế mất trang nghiêm đi, thì anh bèn trợn mắt lên cự lại:
- Tôi về nhà cha mẹ
tôi mà, vì anh không nhận ra được đây là nhà cha mẹ, nên anh mới cư xử như đến
nhà người lạ.
Nơi kinh Lăng Nghiêm,
bồ tát Đại Thế Chí bạch Phật rằng:
- “ Mười phương Như
Lai tưởng nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh thì dù nhớ cũng chẳng
làm gì được; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con chẳng xa cách. Nếu
tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, thì hiện nay hay về sau nhất định thấy Phật,
cách Phật không xa, chẳng nhờ phương tiện, tâm tự khai ngộ, như người ướp hương
thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Nhân địa căn bản của
con là dùng tâm niệm Phật, đắc vô sanh nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn người niệm
Phật về cõi Tịnh Độ. Phật hỏi con về viên thông, con do Nhiếp Cả Lục Căn, Tịnh
Niệm Tương Tục vào Tam Ma Địa là hơn cả.”.
Bồ tát Đại Thế Chí là
biểu tượng của pháp môn tu Niệm Phật Tam Muội. Tam Muội hoặc Tam Ma Địa, Tam Ma
Đề, là phiên âm từ chữ Phạn Samadhi, nghĩa là thiền định. Pháp môn tu này do nhớ
Phật, niệm Phật tương tục mà Tâm khai ngộ, đắc vô sanh pháp nhẫn, nghĩa là trực
nhận được Bản Thể Tự Tánh vốn thường hằng khắp không gian và miên viễn khắp thời
gian, không sanh không diệt, cũng chính là Phật Tánh, cũng chính là Pháp Thân
Phật, cho nên còn gọi là Như Lai.
Nếu quý vị từng đi
chùa, tụng kinh, thì đã thấy ngay nơi phần đầu mỗi thời kinh, đều có tụng bài
Tán Phật, trong đó có câu:
Thiên nhân chi đạo sư
Tứ sanh chi từ phụ…
nghĩa là:
…”…Thày dạy khắp Trời,
người,
Cha lành chung bốn
loài…”…
Vì đức Phật là Thày,
là cha lành của tất cả các loài như thế, cho nên nếu có Phật tử nào coi đức Phật
là Thày, là cha mẹ, khi tới chùa cảm thấy thân thiết như về nhà cha mẹ thì thật
là điều đáng quý, quá quý, không nên để cho Phật tử cảm thấy xa cách với nhà Phật.
Nếu Phật tử mà xa cách với nhà Phật thì các Trưởng Tử Như Lai, tức là các vị tu
sĩ cũng không thể làm tròn được ý nguyện hoằng pháp lợi sanh, là lời nguyện khi
mới bước vào đường tu. Thuật ngữ của đạo Phật có từ “gieo duyên”, nghĩa là tạo
cơ hội cho người ta tiếp cận với các sinh hoạt của nhà Phật, thí dụ nghe một tiếng
niệm Phật, nhìn thấy cuốn kinh, tượng ảnh Phật, nhìn hình ảnh người tu hành
thanh tịnh, thăm viếng cảnh chùa, cũng là đã gieo vào tàng thức của người ta những
chủng tử có liên quan đến đạo Phật, sẽ trổ thành quả tu hành theo Phật pháp
trong tương lai.
Cho nên chúng ta cũng
cần quan tâm về cách ứng xử, sao cho mọi người đều thấy thân thiết với sự về
chùa, có cảm giác thoải mái như về nhà cha mẹ, lâu không về thì nhớ, mới đúng với
bản hoài của “mười phương Như Lai”
Như chúng ta đã biết,
đức Phật là một vị đạo sư chứ không phải là Thần Linh. Lại càng không thể nghĩ
rằng Phật là một vị Thần Linh sẽ thưởng cho người này được lên Trời và phạt người
kia phải xuống Địa Ngục. Quan điểm này đã được hòa thượng Narada Maha Thera
trình bày trong cuốn The Buddha and His Teachings. Chúng tôi xin gửi tới quý
thính giả bài pháp trích trong cuốn này, do cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch ra Việt
ngữ.
Hòa thượng dạy:
“Để minh định rõ ràng
mối tương quan của đức Phật đối với hàng môn đệ và để nhấn mạnh tầm quan trọng
của sự kiện tự mình nhận lãnh trọn vẹn trách nhiệm và tự mình nỗ lực kiên trì,
Đức Phật minh bạch dạy rằng:
“Các con phải tự mình
nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư.” Đức Phật chỉ vạch cho ta con đường và
phương pháp mà ta có thể nương theo đó để tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của
vòng sanh tử và thành tựu mục tiêu cứu cánh. Đi trên con đường và theo đúng
phương pháp cùng không, là phần của người đệ tử chân thành muốn thoát khỏi những
bất hạnh của đời sống.
“Ỷ lại nơi kẻ khác để
giải thoát cho mình là tiêu cực. Nhưng đảm đang lãnh lấy trách nhiệm, chỉ tùy
thuộc nơi mình để tự giải thoát, quả thật là tích cực.”
“Hãy tự xem con là hải
đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi
ai khác!”
Các lời lẽ có rất nhiều
ý nghĩa kia mà đức Phật đã dạy trong những ngày sau cùng của Ngài quả thật mạnh
mẽ, nổi bật và cảm kích. Điều này chứng tỏ rằng cố gắng cá nhân là yếu tố tối cần
để thành tựu mục tiêu. Tìm sự cứu rỗi nơi những nhân vật hảo tâm có quyền năng
cứu thế và khát khao ham muốn hạnh phúc ảo huyền xuyên qua những lời van vái
nguyện cầu vô hiệu quả và nghi thức cúng tế vô nghĩa lý, quả thật là thiển bạc
và vô ích.
Đức Phật là một người
như chúng ta. Ngài sanh ra là một người, sống như một người, và từ giã cõi đời
như một người. Mặc dầu là người, Ngài trở thành một người phi thường, một bậc
siêu nhân, do những cá tính đặc biệt duy nhất của Ngài.
Trong thời Ngài còn tại
thế, đức Phật chắc chắn được hàng tín đồ hết lòng tôn kính, nhưng không bao giờ
Ngài tự xưng là Thần Linh."
Như quý vị đã thấy,
chính đức Phật đã xác nhận rằng Ngài không phải là Thần Linh, không ban phúc
giáng họa cho ai. Ngài là Đạo Sư, chỉ cho chúng sinh con đường Giải Thoát, mọi
người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự mình làm thuyền bè, làm hải đảo cho
chính mình. Nếu theo lời Ngài dạy mà tự tu tự độ thì sẽ thành đạo quả, thành
người Giác Ngộ, thành Phật như Ngài. Muốn biết đường tu, tất nhiên là phải cần
đến đạo sư. Chùa chiền chính là nơi những người muốn tu tập tìm về nương tựa.
Thế nhưng bây giờ tại
một vài nơi, do vô tình mà người ta đang cản trở con đường của chúng sinh muốn
về nhà Phật. Một nơi kia, bà nữ tu sĩ có trách nhiệm dạy mấy cô thiếu nữ rằng:
- Các cô phải cột chặt
hai ông quần khi lên chánh điện, kẻo mà có gì ô uế rớt xuống thì cửa Địa Ngục mở
sẵn.
Mấy cô sợ quá thì thầm
với nhau “không đến chùa thì chẳng bị xuống địa ngục, đến chùa mà mặc skirt,
làm sao cột được đây”. Thế là từ đó họ đâm ra ngần ngại. Họ bảo nhau:
- Tôi sợ đến chùa thất
thố gì lại phải tội, chẳng thà không đến thì chẳng sao. Chỉ Tết nhất hay có đám
cầu siêu cầu an mới đến chùa mà thôi.
Than ôi! Một trường học
dạy người giác ngộ giải thoát, khai phóng tâm linh, lại đến nỗi trở thành địa
điểm mà dân chúng chỉ tới khi có tang ma thì đáng buồn biết bao.
Truyền thống đạo Phật
là mở rộng cửa chùa để cứu nhân độ thế. Kẻ lỡ độ đường, người đói khát đều được
nhà chùa cưu mang. Những người đó khi đến chùa, hẳn là không thể ăn mặc chỉnh tề,
quần manh áo rách cũng được nhà chùa mở lòng cứu giúp.
Có người nói rằng vì
trong chùa có những tu sĩ trẻ, người khác phái tới ăn mặc hở hang có thể làm
cho tâm người tu bị chao đảo.
Xin thưa rằng, nói như
thế là coi thường các pháp môn tu trì của nhà Phật rồi. Thực tế, nếu tu sĩ có
hành trì thiền quán, niệm Phật, trì chú, vân vân, thì sẽ tăng trưởng Định Lực,
tâm hồn không đến nỗi bị chao đảo khi nhìn thấy người khác phái đâu. Còn nếu
không hành trì, để tâm buông lung bay nhẩy, không có Định Lực, mà chỉ giữ Giới
qua sự đè nén thì khi gặp cảnh duyên, sẽ nảy sinh những tình huống bất ngờ, do
sức bật của sự đè nén tung lên.
Có câu chuyện huyền
thoại trong nhà Thiền, rằng tại một tu viện trong rừng kia, có hai thày trò.
Ông thày chủ trương cách ly người đệ tử với trần thế để khỏi bị ô nhiễm, nên từ
nhỏ đến lớn, ông không cho cậu đệ tử tới nơi phố xá, chợ búa.
Năm đó người đệ tử được
18 tuổi, đến tuổi trưởng thành, ông mới dắt học trò ra nơi thị tứ.
Trên đường, cậu học
trò nhìn cái gì cũng thấy lạ, từ con trâu đang cày ruộng, con bò kéo xe, con gà
vừa chạy vừa kêu quác quác, đều hỏi thầy để biết tên, ông thầy đều dạy cẩn thận.
Đến khi xuống chợ, cậu ta gặp một thiếu nữ, bèn hỏi:
- Bạch thày, đây là
con gì?
Thày dạy:
- Đấy là con cọp chợ,
nó dữ lắm, đừng tới gần.
Cậu học trò cứ lấm lét
nhìn hoài. Trên đường về, cậu đệ tử lặng lẽ âm thầm đi. Nhưng từ đó, cậu ta cứ
buồn buồn. Một hôm thày hỏi:
- Sao dạo này con rầu
rĩ vậy, con muốn gì?
Cậu đệ tử rụt rè:
- Bạch thầy, con muốn
gặp con cọp chợ.
Vậy câu chuyện nói lên
cái gì? Xin thưa rằng chỉ là một câu chuyện huyền thoại thôi, nhưng nó nói lên
rằng tu hành là phải chuyển hóa từ trong nội tâm. Nếu chỉ tìm cách tránh né tức
là một hình thức lấy đá đè cỏ. Cỏ vẫn còn sống và sẽ vươn lên rất mạnh khi nhắc
hòn đá ra. Người tu hành nào mà có tu tập theo lời dạy của chư Phật và chư Tổ
thì sẽ không có “cô yếm thắm” nào có thể bỏ bùa.
Sau đây, chúng tôi xin
kính gửi tới quý vị một câu chuyện Thiền, trích dịch từ cuốn Collection of
Stone and Sand, tác giả là thiền sư Muju ở thế kỷ 13, Paul Reps dịch sang tiếng
Anh. Câu chuyện như sau:
“Vào những kỳ đả thiền
thất do thiền sư Bankei chủ trì, có rất đông thiền sinh từ nhiều miền trên nước
Nhật về tham dự.
Tại một trong những kỳ
thiền thất như thế, có một đệ tử bị bắt về tội ăn cắp. Sự việc được trình lên
thiền sư Bankei với lời đề nghị kẻ phạm pháp phải bị tống xuất. Nhưng thiền sư
Bankei bỏ qua. Sau đó, người đệ tử lại tái phạm và bị bắt, và cũng như lần trước,
thiền sư Bankei lại bỏ qua.
Sự việc này chọc giận
đám đệ tử, khiến cho họ phải làm thỉnh nguyện thư, xin đuổi tên ăn cắp, nếu
không cả nhóm sẽ bỏ đi.
Sau khi đọc xong thỉnh
nguyện thư, thiền sư Bankei gọi tất cả học trò đến trước mặt mà bảo rằng:
- Quí vị là những sư
huynh sáng suốt nên quí vị biết phân biệt đúng và sai. Nếu muốn, quí vị có thể
đi nơi khác để tham thiền học đạo. Nhưng người sư đệ đáng thương này thì ngay đến
thế nào là đúng, là sai, cũng còn không biết. Nếu tôi không dạy hắn thì ai sẽ dạy?
Cho nên tôi sẽ cho hắn ở đây dù tất cả quí vị ra đi.
Trên gương mặt của người
sư đệ tội lỗi, nước mắt tuôn ra như thác đổ. Lòng ham muốn trộm cắp trong khoảnh
khắc tiêu tan hoàn toàn”.
Thưa quý thính giả,
Thiền sư Bankei là một
bậc thầy chân chính, xứng đáng là đạo sư của nhà Phật. Là bậc thày cao quý,
ngài đã hạ bàn tay nhân từ xuống để cứu vớt người lầm lạc, mở lối thoát cho người
đệ tử tội lỗi có cơ hội chuyển tâm.
Kinh Hoa Nghiêm nói:
Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật ba thời
Phải quán pháp giới
tính
Tất cả do tâm tạo.
Ba thời là quá khứ, hiện
tại và tương lai. “Tất cả do tâm tạo”, mà tâm thì vô thường, không cố định. Cho
nên đối với nhà Phật, dù người xấu tới đâu, hoặc ngay đến cả kẻ cướp, nếu chịu
buông dao xuống mà nhất tâm tu hành, thì cũng thành Phật.
Chỉ có tấm lòng rộng mở
mới chuyển hóa được con người. Nếu cửa chùa luôn rộng mở, không xét nét cách ăn
mặc và những chuyện lặt vặt, miễn sao tác phong người đến chùa cũng tương đương
với về nhà cha mẹ họ, thì họ nên được hoan nghênh để mọi người cảm thấy thoải
mái khi về chùa.
No comments :
Post a Comment