Pháp Sư Ðạo Chứng thuyết
giảng
Lý Thụy Linh, Lâm Gia
Văn, Trần Hoằng Học,
Lâm Thụy Trăn, Ngưỡng
Liên Cư Sĩ kính ghi
Lời tựa
Lúc còn đi học, học
trò thường gọi đùa đề thi cũ của các lớp lớn là ‘đề khảo cổ’. Học sinh nghiên cứu đề thi cũ có thể tìm những
điểm trọng yếu của bài thi để những lần thi cử hôm nay và sau này có thể đạt được
thành tích ưu tú. Tu hành cũng vậy, trên
đường tu tập mỗi ngày đều có đề thi, giờ nào cũng có sự khảo nghiệm. Hành giả nghiên cứu đề thi cũ của những đại đức
thuở xưa có thể biết được trọng điểm của sự tu hành, đề cao cảnh giác, đối với
sự khảo nghiệm của sanh mạng hiện thời và tương lai luôn có lợi ích.
Lý thuyết: Ghi nhớ rõ
ràng, nói một, hai, ba
Hiện thực: Máu thịt đầm
đìa, thử thách trăm bề.
Trong trường Y Khoa
[thầy giáo] dạy chúng ta phương pháp cấp cứu bịnh nhân từng bước: bước thứ nhất
làm sao, bước thứ nhì làm sao, bước thứ ba làm như thế nào. Lúc thi viết chỉ cần nhớ thuộc làu bài ghi
trong sách thì xong ngay; nhưng tình hình bịnh nhân trên thực tế hoàn toàn khác
với sách vở!
Thí dụ lúc trực nửa
đêm [trong bịnh viện] có người bị thương vì tai nạn xe cộ, nhìn thấy cả cái
chân bị xe cán, da thịt nhày nhụa, máu chảy đầm đìa, lại dính rất nhiều miểng
chai; người này biết đau, chảy máu, còn la hét om sòm; anh ta vừa la hét vừa
văng tục chửi bác sĩ. Chúng tôi hết lòng
muốn cứu anh ấy, không thể nhẹ tay và cũng không thể giận, càng không thể phiền
muộn, vẫn phải bình tĩnh sáng suốt làm theo lời dạy trong sách, từng bước, từng
bước chăm sóc vết thương. Lúc thi cử, viết
câu trả lời trên giấy thì nhanh hơn, lúc thực hành làm theo [sách giáo khoa] thật
sự không đơn giản, phải gắp từng miếng miểng chai cho sạch hết, phải ráp xương
cho ngay ngắn, phải may vết thương lại đàng hoàng; có khi phải đứng suốt đêm, đứng
đến sáng cũng làm chưa xong; phải nhịn đói, chịu mệt, thậm chí không thể đi nhà
vệ sinh, quá trình chịu đựng này so với lúc thi viết trong trường học khác xa một
trời một vực!
Nghiên cứu kinh điển:
từ văn giải nghĩa, khổ công trăm bề.
Tu hành: chết đi sống
lại, khảo nghiệm khó khăn.
Quá trình tu hành của
chúng ta cũng giống như vậy, đọc kinh, tụng niệm khóa lễ thường nhật đã rất cực
nhọc, noi theo kinh để thực hành càng khó hơn, thường thường đều thi không đậu,
bị té bể đầu chảy máu cũng phải tiếp tục làm theo. Nói chung, những gì trong quá khứ ví như đã
chết ngày hôm qua, những gì sau đó ví như sanh ra ngày hôm nay, ngay lúc tà tri
tà kiến trong tâm ‘chết’ đi thì chánh tri chánh kiến liền ‘sanh’ ra. Phiền não vọng tưởng tiêu diệt rồi thì pháp
thân huệ mạng liền sống lại.
Cảm tạ ân đức của sư
trưởng [dìu dắt] trên con đường Bồ Ðề.
Trong quá trình tu
hành tôi rất may mắn gặp được thầy tốt cũng giống như lúc lâm sàng gặp được
giáo sư tốt vậy; họ thường vận dụng cơ duyên để ra đề thi, giúp cho chúng tôi bồi
đắp thật lực, lúc gặp cảnh giới cũng dùng kinh nghiệm tu hành của họ và dùng những
lời khai thị thích hợp giúp chúng tôi vượt qua khó khăn.
Lão hòa thượng Thượng
Quảng Hạ Khâm.
Ðề thi không báo trước,
phái diễn kịch, thiên tài dạy học
(không thường chú tâm
vào Phật đạo, bảo đảm thi rớt te tua.)
Hai vị thầy thế độ cho
tôi là hai vị tỳ kheo ni đã từng theo học với lão hòa thượng Thượng Quảng Hạ
Khâm gần hai mươi năm. Họ thường nhắc lại
những bài thi và những lời khai thị của lão hòa thượng, không những ngài có
công phu tu hành cao thâm, nếu nói theo ngôn từ hiện thời thì ngài thật là một
thiên tài giáo dục. Ngài ra đề thi không
cần suy nghĩ, đều là lúc học sinh chưa chuẩn bị liền ra đề thi bất ngờ, nếu
không thường chú tâm vào Phật đạo nhất định sẽ thi rớt te tua... Nếu ngài cho biết trước đương nhiên bạn sẽ đề
cao cảnh giác, vấn đề là ngài không cho biết trước, đều là đột nhiên dùng cảnh
giới [ngay lúc đó] để khảo sát xem thật lực của bạn khi chưa chuẩn bị ra
sao. Tôi thường nghe ân sư kể lại quá
trình tu hành của họ nên rất cảm động, đề thi của tôi so với đề thi và cảnh giới
của họ thật đơn giản hơn nhiều.
Trong đời sống thực tế
có phát hiện ra là chúng ta đang thi bài ‘thị phi’ (đúng sai) không?
Nếu trong trường học
chúng ta đang thi đề ‘thị phi’ (trắc nghiệm đúng sai), trong đề thi thầy giáo sẽ
ghi: ‘Lúc qua ngã tư thấy đèn đỏ thì chạy qua, thấy đèn xanh thì dừng lại’; bạn
tự nhiên biết phải gạch chữ X (sai), biết thầy giáo đang thử xem bạn biết luật
lệ giao thông hay không? Nhưng trong đời
sống thường ngày, nếu có người cố ý uốn cong hoặc làm sai sự thật, chúng ta có
phát hiện đây là dịp cho bạn khảo đề ‘thị phi’ không? Chúng ta có thể bình tĩnh như lúc gạch trên
bài thi viết, trả lời rõ ràng, lập thành tích không? Nếu trong đời sống chúng ta không phát hiện rằng
mình đang bị khảo nghiệm, có thể chúng ta sẽ rất áo não âu sầu, chỗ nào cũng cảm
thấy không hợp lý, rất tức giận, nhẫn nại không được, như vậy là thi rớt rồi.
Trong ‘Tuyển Phật Trường’,
mỗi người nộp thành tích biểu của mình.
Các lần thi cử trong đời
chúng ta mỗi người tự trình bày thành tích của mình. Cùng một câu hỏi của thầy giáo, câu trả lời của
mỗi học sinh đều khác nhau, thành tích biểu của mỗi người sẽ khác nhau. Thí dụ bà má chồng mắng đám con dâu, sau khi
nghe xong mỗi đứa con dâu suy nghĩ khác nhau, vì thế mỗi người trả lời khác
nhau, lập thành tích khác nhau. Má chồng
có thành tích của má chồng, con dâu có thành tích của con dâu; nội dung của đề
thi không có gì là tốt hay xấu, nhưng tâm trạng của mỗi người chuẩn bị đi thi
không giống nhau, câu trả lời của mỗi người sẽ có trình độ khác nhau. Thế gian này là một ‘Tuyển Phật Trường’ (nơi
tuyển chọn người thành Phật), những chuyện lớn nhỏ thường ngày là những cuộc
thi lớn nhỏ để tuyển chọn, người nào trúng tuyển thì sẽ vãng sanh về Tây phương
thành Phật.
Bài thi buổi sáng tùy
cơ [duyên]
(là những chuyện làm
bình thường nhưng đều bất ngờ, vượt ra ngoài dự tính)
Ai siêng năng nhất ? (Vừa nói vài câu như vậy thì động tâm rồi. Ái chà! công phu còn non quá!) Ân sư kể lại rằng
mỗi ngày khoảng chừng sáu giờ sáng lão hòa thượng thường đi tới, đi lui trong
chùa, ngài âm thầm quan sát xem người nào lạy Phật và niệm Phật siêng năng, thức
dậy sớm nhất. Ngài bèn kêu người đó lại,
chưa nói năng gì hết liền mắng người đó một trận, thậm chí nói những chuyện rất
oan cho người đó. Tài nghệ ‘diễn kịch’ của
lão hòa thượng rất khéo léo, nếu người đệ tử nghe ‘mắng’ xong rồi động tâm và
phát giận lên, lão hòa thượng bèn lắc đầu, cười và nói:
‘Thầy tưởng con siêng
năng tu tập, vừa nói vài câu như vậy liền chịu không nổi. Ái chà! công phu còn non quá!’
Nếu không biết đây là
đề thi, tức là ‘không giác’! (không có học Phật!)
Nếu lão hòa thượng
không nói câu cuối này có lẽ người đệ tử bị mắng sẽ không biết đây là một sự khảo
nghiệm; vì không nhận ra đây là khảo nghiệm, không biết lão hòa thượng làm như
vậy vốn là để xem chúng ta trả lời như thế nào.
Không biết lão hòa thượng muốn xem chúng ta thể hội và thực hành Phật
pháp như thế nào, cố ý tạo ra những tình cảnh như vậy, vì đều không biết nên gọi
là ‘không giác’. Thường không có tâm tỉnh
giác tức là vô minh, hồ đồ. Phật là người
giác ngộ, chúng ta thường không tỉnh giác tức là không học Phật; A Di Ðà Phật
là ‘Vô Lượng Giác’, chúng ta thường không giác tức là không niệm Phật. Tuy sáng sớm đã thức dậy tụng niệm khóa lễ buổi
sáng, tụng hoài đi nữa cũng là ‘không giác’.
Như vậy thì uổng phí công phu, cũng như rất siêng học nhưng tới lúc đi
thi lại không đủ điểm!
Khi nghe kể chuyện phải
biết lấy ra mà áp dụng (tiêu quy tự tánh)
Có một cư sĩ nghe xong
rất hoan hỷ và nói: ‘Vậy thì tôi biết rồi!
Mỗi buổi sáng chồng tôi thức dậy liền tuỳ tiện mắng tôi, chửi đông chửi
tây, nói [những lời] rất oan ức cho tôi; tôi thường than trách không biết đời
trước thiếu ông ấy bao nhiêu ‘nợ chửi’?
Bây giờ tôi biết rồi, tôi cứ xem ông ấy là lão hòa thượng Quảng Khâm, buổi
sáng đi tuần, ra đề thi cho tôi, thế thì tôi rất thoải mái. [Lần nào] tôi cũng thi đậu hết, vui mừng lên
đường đi Tây phương’!
Vị cư sĩ này thiệt rất
có trí huệ, nghe kể chuyện xong liền có thể áp dụng cho mình, quay về với tự
tánh; tôi biết nói nhưng cũng không bằng bà biết nghe. Người biết dùng đề thi cũ nhất định sẽ có
thành tích ưu tú!
Ứng dụng đề mục trong
kinh Kim Cang: ‘Chấp tướng? Ðộng tâm?
Có lẽ mới sáng sớm
chúng ta đã đọc kinh Kim Cang: ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’, ‘không
chấp vào tướng, như như bất động’. Lời
trong kinh thì đọc theo như vậy nhưng nếu có người lộ vẻ hung dữ mắng chúng ta,
nội dung lời mắng rất oan ức, chúng ta liền tạm thời gác kinh Kim Cang qua một
bên, cho rằng cảnh giới [bị mắng] này là thiệt, bắt đầu đau lòng, cảm thấy oan ức,
quên ráo trọi ‘phàm những gì có tướng đều là hư vọng’, bắt đầu đi theo ‘tướng
hư vọng’ này, không những chấp tướng mà còn động tâm, không những động tâm mà
còn đau lòng, một tí gì cũng không biết ‘như như bất động’. Cho nên đọc kinh hết mấy chục năm nhưng vừa đụng
chuyện, vừa gặp đề thi thực dụng thì quên hết trơn. Nếu người ta nói mình học Phật là gạt người,
đều không thiệt tâm học, chúng ta nghe xong rất không phục. Thế nhưng vừa gặp đề thi thì tự khai ra hết,
biểu hiện những gì đức Phật dạy, một chút gì chúng ta cũng không học được. Cái gì gọi là ‘Nhẫn nhục ba la mật’ hãy gạt
qua một bên, để mình biện luận cho rõ trước, để mình khóc trước rồi tính sau!
Ba la mật (1) cái
gì?! Dính tay dính chân, tức mình quá chừng!
Có một vị cư sĩ rất
thú vị, anh ấy kể cho tôi nghe kinh nghiệm lần đầu tiên ăn mít [ướt] làm cho
tôi rất tức cười. Anh nói anh lên núi
làm việc, nghe người ta nói mít ngon lắm, một trái một ngàn đồng nên anh mua một
trái ăn thử. Anh nghe mít rất dính tay,
phải thoa dầu. Anh không biết phải thoa
dầu lên dao trước rồi dùng dao này cắt mít thì mủ không dính dao. Anh không biết nên lấy dao cắt mít liền, cắt
đến đâu dính đến đó, dính đầy tay đầy mình hết, rửa không ra. Anh ấy nói: ‘Dính tay dính chân, tức mình
quá! Nếu không tốn nhiều tiền để mua ăn
thử thì tôi liệng thùng rác cho rồi, khỏi tốn công!’ Anh cứ nghĩ rằng đến lúc ăn, thoa dầu lên mít
rồi mới ăn, rốt cuộc mít thoa dầu khó ăn quá.
Phải thoa dầu lên dao
chứ không phải thoa dầu lên mít!
Quá trình ăn mít rất
giống với quá trình tu hành của chúng ta, cốt ý thoa dầu lên dao là để cho dao
không dính [mủ mít]. Chúng ta không biết
phải thoa dầu lên dao tức là không biết ‘trí huệ là không chấp trước’. Mọi việc gì cũng chấp trước nên dính mủ đầy
tay, đầy chân, tức mình quá chừng, ‘ba la mật’ cái gì, thiệt là muốn liệng
đi! Việc thoa dầu để dao không dính mủ
này ví như dạy chúng ta trí huệ không chấp trước, mỗi cây dao đều cần như vậy
chứ không phải thoa dầu lên mít để ăn. Ý
này nghĩa là [ở bất cứ] nơi nào trong đời sống chúng ta đều phải có trí huệ, chứ
không phải đem trí huệ làm đồ trang sức.
Làm việc là đề thi mà
trong đó mượn cảnh giới để luyện tâm.
Ðề thi lúc bình thường
(có làm dáng bên ngoài không?)
Mỗi lần lão hòa thượng
ra đề thi đều là thiên biến vạn hóa, thầy tôi kể lại, lúc đó chùa Thừa Thiên
xây trên núi cao, công trình xây cất gặp rất nhiều khó khăn, mọi người phải chở
đất, khiêng gạch, thậm chí phải làm đến khi toàn thân ướt đẫm nước bùn. Lão hòa thượng khuyến khích đại chúng phải vừa
làm việc vừa niệm Phật, luyện tập niệm Phật trong động. Một hôm có rất nhiều pháp sư, đại đức đến viếng
thăm, lão hòa thượng kêu người đến công trường gọi thầy tôi về để thông dịch. Lúc thầy tôi vừa bước vào phòng phương trượng,
lão hòa thượng liền nói với các vị pháp sư:
“Quý vị xem kìa, cả
chùa Thừa Thiên chúng tôi chỉ có người này hay làm dáng bên ngoài nhất! Quý vị xem, cô ấy làm bùn dính cả người để
cho mọi người biết cô làm việc rất siêng năng, rất cực khổ!”
Mọi người nghe lão hòa
thượng nói như vậy, có thể nói ai cũng tin hết.
Có người trong nhóm pháp sư đến thăm nghe vậy liền nói với thầy tôi:
“A! Lão hòa thượng nói
cô đều làm dáng bên ngoài (làm việc chỉ chú trọng bề ngoài), như vậy không tốt
đâu!”
Thầy tôi nghe xong liền
quỳ xuống nói với mọi người:
“Dạ, đệ tử đều làm
dáng bên ngoài không hà, đệ tử sẽ sám hối, sửa đổi”.
Biết được: đây là lúc
thi cử! Dùng lý trí để trả lời.
Sau khi nghe thầy kể lại
tôi liền khóc, trong lòng rất cảm động.
Tôi tự phản tỉnh, nếu lão hòa thượng nói mình như vậy trước một đám đông
các vị trưởng lão pháp sư, tôi nghe rồi liền nghĩ là thật, sẽ cảm thấy rất đau
khổ. Nhưng thầy tôi có tính giác, lúc
nào cũng biết được đây là bài thi. Giống
như lúc thi trắc nghiệm, thầy rất bình tĩnh, y theo câu hỏi để trả lời, nộp bài
thi.
Nếu chúng ta không biết
đây là lúc thi cử thì vẫn y theo tập tục thói quen của mình, đem nộp bài thi viết
nghuệch ngoạc, bôi sửa tùm lum. Bài thi
này trong Tuyển Phật Trường sẽ được mấy điểm vậy?
Bị mắng không nhận chịu. Chưa đánh đã tự khai.
Trong tâm không tu [dưỡng],
đúng là chỉ làm dáng bề ngoài!
Chúng ta thử nghĩ xem
nếu giữa đám đông có người mắng chúng ta chỉ biết làm dáng bề ngoài, nghe xong
chúng ta liền không phục, đây cũng giống như chưa đánh đã tự khai, vì vừa sanh
tâm giận lên liền biểu hiện nội tâm không có quán chiếu. Người ta vừa nói một câu, mình liền sanh phiền
não thì chứng minh trong tâm chúng ta chẳng dụng công tu hành, những gì đã làm
chỉ là phô trương bên ngoài mà thôi.
Công việc vốn là cơ hội cho chúng ta mượn cảnh giới để luyện tâm, nếu
chúng ta không hiểu đạo lý này, không lợi dụng các cảnh giới trong công việc để
khuất phục phiền não tham, sân, si, mạn của mình, như vậy tất cả những công việc
đã làm đích thật chỉ là phô trương bên ngoài, không có công đức chân thật chi cả.
Ngài đánh giá đúng rồi! Ðúng là chỉ phô trương bên ngoài!
Bị phê bình, không vừa
ý! Lộ ra tâm niệm ẩn tàng.
--Xen tạp tâm mong cầu
khẳng định -- (nội tâm không thanh tịnh)
Nếu người ta phê bình
không tốt thì chúng ta không vui, như vậy nói rõ động cơ làm việc của chúng ta
vẫn còn xen lẫn những ý niệm muốn người khác khen thưởng, tán đồng, như vậy tức
là nội tâm không thanh tịnh. Nếu nội tâm
không thanh tịnh, không kể công việc quy mô bao lớn thì cũng là phô trương bên
ngoài mà thôi. Những gì lão hòa thượng
nói đều là lời cảnh tỉnh rất tốt, nhắc nhở chúng ta phải nghĩ xem mình có thật
sự làm công phu nội tâm hay không. Nếu
thật tâm tu hành, trong tâm có quán chiếu, thì sẽ không vì người khác nói mình
phô trương bên ngoài liền sanh phiền não.
Nếu nội tâm giận lên thì đích thật chỉ làm công tác phô trương bên
ngoài, người khác phê bình cũng rất chính xác.
Ðề thi lúc nửa đêm mệt
đừ.
Cho bài thi ‘không
đúng lúc gì hết!’ (Tức là ‘vừa đúng
lúc’.)
Lúc thân xác mệt đừ mà cứ cho thi ‘chọn đinh sắt’
Muốn chọn, không muốn
chọn, đều là việc của bạn!
Thầy tôi kể lại lúc
xây chùa Thừa Thiên, ai cũng góp sức [vào công tác này]. Một hôm, sau khi làm việc suốt ngày đến nửa
đêm ai cũng mệt đừ, lão hòa thượng lấy một hộp đinh đã phân loại xong, rồi đem
đinh trong đó [đổ ra và] trộn lẫn vào nhau, sau đó kêu mọi người đem đinh này
phân loại lớn nhỏ trở lại. Thầy tôi kể lại
lúc đó thầy khởi lên một tâm niệm:
‘Úi chà! Lão hòa thượng
ơi, tại sao ngài lại chọn ngay đúng lúc tụi con đang mệt đừ như vầy mà kêu
chúng con đi phân loại đinh?’
Lão hòa thượng nghiêm nét
mặt lại và nói: “Không lẽ lúc lâm chung còn để cho các cô lựa chọn thời giờ hay
sao?”.
Thầy tôi hiểu được ý của
lão hòa thượng, lập tức quỳ xuống và đáp: “Ðệ tử đi làm ngay bây giờ”.
Sau đó thầy rán chấn tỉnh
tinh thần, tự khích lệ mình rồi chọn đinh một phân, hai phân, và phân loại lớn
nhỏ ra. Làm đến quá khuya mới xong, rồi
đi trình với lão hòa thượng: “Ðệ tử đã phân loại xong”.
Lão hòa thượng nói:
“Muốn chọn là việc của cô; không muốn chọn cũng là việc của cô!”.
Khổ, đau, mệt, già … đều
phải chánh niệm phân minh (rõ ràng)
Lâm chung tức là ngày
[mà mình] già nhất, mệt nhất.
Lúc lâm chung chúng ta
không có biện pháp gì để lựa chọn thời điểm nào cho thoải mái, khoẻ khoắn một
chút, không kể 30 tuổi hoặc 80 tuổi mới chết, lúc đó đều là ngày [mà mình] già
nhất và mệt nhất. Vì vậy nên lúc bình
thường phải nỗ lực luyện tập, không kể đau khổ mệt nhọc như thế nào, đều phải
‘chánh niệm phân minh’ (rõ ràng).
Làm việc là mượn công
việc để luyện tâm, khuất phục vọng niệm, phiền não ngã chấp.
Chúng ta nên biết lão
hòa thượng cả đêm đều tĩnh tọa ngoài trời, bản thân ngài không cần phải xây
chùa chiền gì cả. Có thể nói ngài lấy việc
xây chùa làm công cụ dạy học, làm phương tiện để rèn luyện cho các đệ tử.
(Còn tiếp)
No comments :
Post a Comment