Từ vị trí đỉnh đồi chạm chân mây, không ít người phấn khích, một mình
cất lên tiếng hú sảng khoái để âm hưởng của mình từ trên cao dội xuống thung
lũng, từ vách đá này vang sang vách đá kia, và có thể làm lạnh cả vòm trời xanh
lơ trên đầu.
“Hữu thời trực thướng cô phong đảnhTrường khiếu nhất thanh hàn thái hư”
(Thiền sư Không Lộ)
Có khi lên tận đầu non quạnh
Cười tràn một chuỗi lạnh hư không.
Trên đồi cao, nhìn mây trắng bay. Mây dầy đặc nhưng không che hết bầu
trời xanh ngát. Mây chẳng qua chỉ che được trời khi nhìn lên từ nơi cạn thấp.
Một tâm thức tự do, từ đỉnh cao chót vót, thì không gì có thể ngăn trở,
vướng bận.
Tâm thức ấy, được khởi đầu bằng thái độ của con người trước niềm tin và
tri kiến. Vượt qua niềm tin, vượt qua tất cả những tri kiến, mới có thể chạm
đến chỗ vô cùng. Nhưng con người thường khi bị dẫn dắt bởi những kẻ quyền uy,
hoặc muốn được dẫn dắt bởi kẻ khác, không muốn tự mình tìm ra và chứng nghiệm
sự thực.
Những kẻ ù lỳ, lười biếng không bao giờ muốn trèo lên đỉnh núi cao.
Những tâm thức cạn cợt và luôn tùng phục thì không bao giờ có tư tưởng
độc lập, sáng tạo. Họ sẽ tiếp tục dẫm trên những lối đi đã mòn nhẵn dấu chân
người đi trước.
Nhưng cái vô tận thì không có con đường, không có vết tích.
Chỉ có Người, độc nhất Người, phủ nhận tất cả uy quyền, thẩm quyền của
vương quốc thổ ngơi và ngay cả vương quốc tâm linh, khích lệ những kẻ sùng bái
tôn thờ mình hãy vượt qua vầng hào quang chói sáng của chính bậc đạo sư, vượt
qua tất cả những vướng mắc của đức tin và kiến giải, để từ đó tri nghiệm và
chứng thực chân lý:
“Đừng tin vì nghe truyền khẩu;
đừng tin vì đó là truyền thống; đừng tin vì nghe đồn đãi; đừng tin vì điều đó được
ghi trong kinh điển; đừng tin vì lý luận, suy diễn; đừng tin vì đã tư duy trên
mọi lý lẽ; đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc; đừng tin vì vị ấy có
vẻ có uy quyền; đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.” (Kinh Kalama – Tăng Chi III. 65)
Không có nghĩa là “không tin gì cả,” mà là: đừng vội tin, đừng vội kết
luận, xác quyết bất cứ điều gì trước khi tự thân chứng nghiệm sự thực. Có nghĩa
là phải vượt khỏi những đấng uy quyền, vượt khỏi những bậc thầy, không dính
mắc, nô lệ vào bất cứ thần tượng, biểu tượng, ngẫu tượng, đối tượng… nào, dù là
nô lệ thân xác hay nô lệ tín lý, nô lệ tri thức.
Đoạn kinh dẫn trên trở thành chìa khóa của tư tưởng tự do, là bước đầu
cho tiến trình hướng về giải thoát, niết-bàn. Không có tư tưởng tự do (và tự do
tư tưởng), sẽ không bao giờ có giải thoát, niết-bàn. Lý này thật căn bản, ít ra
là trên trình tự của nhân quả: nhân tự do mới có thể dẫn đến quả giải thoát.
Thiền phái Lâm Tế đã dùng cách nói quyết liệt và ấn tượng hơn: “Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ,”
nghĩa là hãy vượt qua Phật, vượt qua Tổ. Nói thế nào thì cũng không ngoài tư
tưởng tự do, vượt thoát. Tất cả những giáo lý siêu đẳng thượng thừa nào khác từ
sau thời kỳ của Phật, cũng đều suy diễn từ đoạn kinh quan trọng trên.
Thật hạnh phúc có được một bậc thầy như Người: Đức Phật.
Người đã đến thế giới này để mở lối đi cho tất cả. Lối đi ấy ai cũng có
thể cất bước, chung bước, nhưng khi chạm đến ngút ngàn đỉnh cao thì không còn
con đường, và tất cả mọi thứ đều trở nên tịch mịch, cô liêu, sâu lắng. Những kẻ
đồng hành, đồng nguyện, đều tan biến. Không còn ai. Không còn Đức Phật, không còn
đạo sư, không còn thần tượng. Kẻ lên đường chỉ một mình, trên đỉnh cô phong hiu
hắt. Nghĩ gì, nói gì, đều trở thành vô nghĩa.
Có một nguồn hứng cảm vô tận cho những kẻ lữ hành đi qua cuộc đời bằng
tâm thức tự do. Nhờ đó, từ đỉnh cao hay vực sâu, từ biển lửa hay ngục tù, từ
nơi thôn dã hay chỗ phồn hoa, đều có thể cất lên được tiếng hét, hay chỉ một nụ
cười, hay chỉ là sự im lặng, làm rung chuyển cả ba ngàn thế giới.
No comments :
Post a Comment