Sunday, June 22, 2014

Mưa Hoa Khắp Trời?

Trần Khải

Nếu bạn đã từng đọc tuyện võ hiệp Kim Dung, tất sẽ thấy nhà nước Trung Quốc đang đánh một chiêu thức kinh dị nhất trong võ học Thiếu Lâm: Mãn Thiên Hoa Vũ... Tức là Mưa Hoa Khắp Trời. Nghĩa là, nhìn đâu cũng thấy quyền tung ra, cước phóng tới. Nghĩa là, đấm đá liên tục, đấm đá khắp chỗ... Muốn đỡ rất là khó.

Cụ thể, Mãn Thiên Hoa Vũ có nghĩa là đánh tới tấp, đánh chết bỏ... Đó là màn đang diễn ra ở Biển Đông: giàn khoan cắm tới liên tục.

Thế là dân Việt Nam nổi giận: chỉ mới một giàn khoan, đã rủ nhau biểu tình phản đối.

Thế là, chính phủ Việt Nam tối tăm mặt mũi: chỉ mới một giàn khoan, đã loạn chiêu tới mức dàn dựng biểu tình có bảo kê, cho đập phá hàng trăm cơ xưởng Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh... để có cớ cấm biểu tình. Vì không lẽ, không có cớ mà lại cấm dân biểu tình chống giàn khoan?

Và bây giờ thì, đúng là mưa hoa khắp trời... mà toàn là hoa độc. Bản tin VOA hôm Thứ Sáu 20-6-2014 viết:

“Trung Quốc đưa 4 giàn khoan vào Biển Đông trong lúc tranh cãi căng thẳng giữa Bắc Kinh với Hà Nội về giàn khoan 981 ngoài bờ biển Việt Nam đang dâng cao.

Trang mạng của Cục Hải sự Trung Quốc hôm nay cho biết trước ngày 12/8, giàn khoan Nam Hải số 2 và số 5 sẽ được đặt tại vị trí giữa miền Nam Trung Quốc và quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát, giàn khoan Nam Hải số 4 sẽ được kéo đến hoạt động gần bờ biển Trung Quốc.

Giàn khoan thứ tư mang tên Nam Hải số 9, nửa chìm nửa nổi, dài 600 mét nặng trên 21 tấn, sẽ có mặt tại cửa vịnh Bắc Bộ hôm nay 20/6...”(hết trích)

Cùng ngày Thứ Sáu 20-6-2014, bản tin RFI viết:

“Chưa tới hai tháng sau khi đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đẩy nhanh việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông, với việc đưa thêm 3 giàn khoan đến khu vực này, ngoài giàn khoan Nam Hải 9 sẽ đến gần sát vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm nay, 20/06/2014.

Theo hãng tin Reuters, Cục an toàn hàng hải Trung Quốc vừa cho biết rằng hai giàn khoan Nam Hải 2 và Nam Hải 5 sẽ được đặt ở vùng biển nằm giữa Trung Quốc và quần đảo Đông Sa (Pratas), mà Đài Loan hiện đang chiếm đóng. Còn giàn khoan Nam Hải 4 thì được đặt gần bờ biển Trung Quốc hơn. Cả ba giàn khoan này sẽ được hạ đặt vào trước ngày 12/08.

Riêng giàn khoan Nam Hải 9 hôm nay theo dự kiến sẽ đến một vị trí nằm sát vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo lời bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, giàn khoan này sẽ được đặt ở khu vực ngoài khơi đảo Hải Nam của Trung Quốc, nhưng bà không nói rõ là nằm cách bờ bao nhiêu hải lý...”(hết trích)

Như thế, có nên kiện hay không? Vì đỡ chiêu thức Mưa Hoa Khắp Trời này không dễ tí nào. Đơn thân giữa chợ là côn đồ đánh cho vùi dập nhé.

Trong bài viết tựa đề “Từ “4 tốt” đến “4 không được”...” đăng ở VietStudies, tác giả Nguyễn Trung (cựu đại sứ Việt Nam ở Thái Lân) nêu lên một ý kiến:

“...Có thể nhận định, trong các đối sách đối với Việt Nam, Trung Quốc sẽ ra sức khai thác tình hình nội bộ có nhiều vấn đề khó khăn của nước ta và cái thế đối ngoại chung chiêng (có người gọi đấy là cái thế “đi dây”) của Việt Nam; đồng thời sẽ tìm moi cách tác động vào nền kinh tế nước ta đang có nhiều vấn đề lệ thuộc đáng kể vào Trung Quốc. Trong tình huống nhất định, không loại trừ những biện pháp quân sự ở các mức độ khác nhau – kể cả chiến tranh ở từng cấp độ (ví dụ như kiểu chiến tranh 17-02-1979 hay ở quy mô đánh chiếm 7 đảo và bãi đá của ta ở Trường Sa 14-03-1988, vân…vân…). Cần giả định mọi tình huống có thể xảy ra như vậy để chủ động đối phó, bởi vì trong quan hệ với Việt Nam đã xảy ra không dưới một lần Trung Quốc hành xử theo quan điểm “mục tiêu biện minh cho biện pháp”, nghĩa là không có đất cho các phạm trù thuộc về đạo đức hoặc sự gắn bó của các mối quan hệ hay ý thức hệ nào đó...

...Cái yếu nhất của ta trước thách thức từ phía Trung Quốc không phải là sự thua kém về lực lượng vật chất và nước nhỏ, mà trước hết ở chỗ làm thế nào thu phục được lòng dân và giang san về một mối, làm thế nào để sớm trở thành một đất nước của trí tuệ, của tự do và dân chủ, để từ đó đất nước xây dựng nên được một chế độ chính trị đối với từng người dân đồng nghĩa với tổ quốc. Nói nhà nước của dân – do dân – vì dân là nói với nội dung như thế. Nghĩa là để có một chế độ chính trị có khả năng tạo ra một Việt Nam phát triển với tính cách là cái nôi của hòa bình và hợp tác trong khu vực. Muốn hòa bình hữu nghị lâu dài và trở thành láng giềng được nể trọng cạnh Trung Quốc nhất thiết Việt Nam phải sống như thế, phải lựa chọn và đi con đường trở thành một nước phát triển như thế. Đương nhiên, đây là cái đích chiến lược đường dài, nhưng phải bắt đầu từ từng bước đi rất cụ thể của hôm nay. Mỗi người Việt chúng ta cần nhận ra và bắt đầu ngay từ hôm nay sống để phấn đấu cho cái đích này. Mở đầu là một cuộc vận động sâu rộng trong cả nước cho cái đích này và đòi hỏi tiến hành cải cách triệt để thể chế chính trị hiện hành, mọi hoạt động nhất quán trước sau nhằm vào cái đích chiến lược này...

...Kẻ lấn chiếm đã vào đến trong nhà, mời nó ra nó không ra, nếu ta chần chừ không đâm đơn kiện, khác gì ta khuyến khích nó lấn chiếm tiếp?”(hết trích)

Cụ thể, tác giả Nguyễn Trung nói rõ đối sách:

- về chiến lược đường dài, Hà Nội phải chuyển đổi thể chế chính trị để thành đất nước của “trí tuệ, tự do và dân chủ”... Lời mắng lịch sự như thế nhắm vào Ba Đình là nặng lắm;

- về đối sách khẩn cấp, VN phảỉ kiện TQ... vì nếu không, sẽ khuyến khích thêm mặt trận ào ạt giàn khoan...

Nhưng trước giờ đã có mật ước gì giữa Hà Nội và Bắc Kinh chăng?

Vì sau khi Dương Khiết Trì về lại Bắc Kinh, báo The Diplomat kể rằng, báo Tàu nói rằng Việt Nam là “đứa con lêu lổng phảỉ về nhà.”

Bản tiếng Tàu nói rằng “Trung Quốc dụng tâm lương khổ, phụng khuyến Việt Nam lãng tử hồi đầu”... Có nghĩa là: Trung Quốc cố gắng hết lòng khuyên nhủ Việt Nam: “đứa con hoang đàng lêu lổng hãy quay đầu lại”...

Bản tin trên The Diplomat viết có tưạ đề là “Chinese Media: In Vietnam, Yang Calls 'Prodigal Son' to Return Home” (Truyền Thông Trung Quốc: Tại Việt Nam, Dương Khiết Trì kêu gọi đưa con hoang đàng hãy về lại nhà)...

Nhưng có vẻ như rất nhiều quan chức không muốn kiện TQ.

Điển hình như tác giả Đỗ Thanh Hải viết bài bằng Anh ngữ đăng ở nhiều báo quốc tế, tựa đề “outh China Sea in Chinas Grand Strategy” và bản Việt dịch tựa đề “Biển Đông trên bàn cờ lớn của Trung Quốc” ghi nhận, trích:

“...Các quốc gia yêu sách ở Biển Đông có ít “lá bài” để đáp trả Trung Quốc. Pháp lý là lựa chọn tốt cho Philippines, nhưng không phải cho Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Năm 2013, 28.1 % xuất khẩu của Việt Nam, phần lớn là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu, là từ Trung Quốc. Nguy cơ từ các đòn trả đũa kinh tế và triển vọng mịt mờ của các con đường pháp lý làm cho lựa chọn này không hấp dẫn trong ngắn hạn. Trong khi đó, ở Việt Nam, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã biến thành bạo động gây lo ngại cho giới đầu tư nước ngoài. Chủ nghĩa dân tộc thực sự là một hòn than hồng rất dễ gây bỏng tay.

Cả Hà Nội và Manila đều cố gắng kêu gọi sự hỗ trợ của ASEAN. Nhưng họ đều vấp phải khó khăn trong việc tìm kiếm sự nhất trí trong ASEAN để nêu đích danh và phê phán hành vi của Trung Quốc. Khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, ngày 10/5/2014, ASEAN ra một tuyên bố riêng rẽ về Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố này né tránh việc lên án hành vi đơn phương của Trung Quốc.

Lo ngại về khả năng leo thang thành xung đột vũ trang, cả Việt Nam và Philippine đều tránh triển khai tàu chiến đến điểm nóng. Ở sự vụ giàn khoan, dù Việt Nam tuyên bố sẵn sàng sử dụng “mọi biện pháp cần thiết”, các nhà lãnh đạo Hà Nội cũng nói rõ Việt Nam sẽ không nổ súng trước. Rõ ràng, rất khó để biện minh cho việc nổ súng trước trong luật pháp quốc tế. Nếu họ nổ súng, Mỹ cũng không cứu họ. Nếu một cuộc xung đột vũ trang xảy ra, Việt Nam rõ ràng yếu thế trước hỏa lực từ không quân và hải quân của Trung Quốc. Như vậy, do không có bất kỳ sự hỗ trợ chiến lược nào đáng kể, Việt Nam buộc phải chọn giải pháp an toàn. Tại Đối thoại Shrangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam đã chọn “tông” phát biểu vừa phải, giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng giàn khoan trong khi nhấn mạnh mối quan hệ tổng thể tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc để kêu gọi Trung Quốc lùi bước.”(hết trích)

Nhưng tác giả Đỗ Thanh Hải là ai? Trang web tòa đại sứ VN tại Úc ghi rằng:

“Anh Đỗ Thanh Hải, Nghiên cứu viên, Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viên Ngoại Giao, Hà Nội. Anh Hải sẽ thực hiện luận án Tiến sỹ về An ninh và ổn định cho Biển Đông tại trường Đại học Quốc gia Australia...”

Như thế là rõ, tuy viết với tư cách cá nhân, nhưng quan điểm “không nên kiện TQ” của tác giả Đỗ Thanh Haỉ nếu không là quan điểm chính thức, cũng hẳn là quan điểm bán chính thức của Hà Nội, hay ít nhất của đa số cán bộ.

Lúc đó chỉ mới một giàn khoan vào Biển Đông. Bây giờ là 4 giàn khoan rồi, chưa biết Hà Nội có đổi lập trường về kiện tụng hay không.

Độc chiêu thiệt sự khó đỡ: mưa hoa khắp trời đấy.

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS