Suy cho cùng, kiếp người hay cuộc tu chỉ
là những lần ghé lại đâu đó. Nói ở nghĩa nào thì người ta không ai có
thể chung thân với một thứ gì miên viễn. Mình không bỏ nó thì nó cũng xa
mình. Ta có thể mất nó, vì nhàm chán hay không còn cơ hội nắm níu. Và
cái mà ta yêu nhất cũng có nhiều kiểu bỏ ta ở lại mà đi. Hồi xưa bắt
chước theo kinh mà nói thì cái gì cũng là bè cỏ qua sông... Giờ có thêm
tí tuổi, nhiều lúc nằm ngẫm nghĩ một mình, thấy câu nói ví von đó hay
quá chừng, hay đáo để.
Kinh chép: Ngày xưa có ông đạo sĩ
Sumedha thừa sức chứng quả La-hán, nhưng ông không cam tâm giải thoát
gọn nhẹ, lặng lẽ và an nhàn như thế. Ông chỉ muốn thành một vị đại giác y
hệt Thế Tôn Nhiên Đăng để mà gồng gánh thiên hạ. Phật nhìn kỹ căn cơ
của ông không phải loại xoàng, bèn ừ cho một tiếng. Ông vui quá, trở
thành Bất Thối Bồ-tát, đời đời thủy chung với đại nguyện của mình. Kinh
nói Thế Tôn Cồ Đàm chính là kiếp cuối cùng của ông đạo sĩ Sumedha ngày
trước. Khổ tu chừng đó thời gian, thành Phật rồi chỉ sống thêm 45 năm
thì bỏ đời mà đi. Trước sau thọ lượng chỉ vừa vặn 80 năm ngắn ngủi. Với
Ngài vậy cũng là quá nhiều. Bởi nào ai biết Ngài từng có ý viên tịch từ
năm 35 tuổi, ngay sau khi thành Phật. Với những người nặng tình với Phật
thì thời gian 80 năm đó chẳng bõ bèn gì. Đến ngài Ānanda còn thấy Phật
đi quá sớm, tôn giả đã khóc thầy bằng nước mắt của một bậc thánh. Thôi
thì gì cũng một áng phù vân, khác nhau chăng là mây lành ngũ sắc hay mây
xám báo giông. Khoảng ba tháng sau ngày Phật tịch, hiểu ra chuyện đó,
tôn giả Ānanda không buồn nữa. Rồi thì đến phiên ngài cũng theo Phật mà
đi biệt!
Đó là chuyện của thánh hiền. Còn với
phàm tâm thì sao chứ? Lại cũng vẫn là chuyện được rồi mất. Mất có hai
cách: Một là không muốn giữ nữa nên buông; hai là bàn tay quá yếu không
đủ sức nắm níu nên đành để vuột mất. Cái quan trọng là người ta có thấy
được cái nguyên tắc khốc liệt của cuộc đời – là anh phải lần lượt bỏ lại
hết để mà đi tới hay không!?
Thằng bé phải buông hết những món đồ
chơi của trẻ con để trở thành người lớn. Đó cũng là một hành trình trong
đời. Rồi thì tầm nhìn của thiên hạ phải tiếp tục đổi khác để có thể yêu
lấy những người không phải thân thuộc huyết thống. Yêu được một người
dưng nào đó thì các cô cậu bắt đầu trưởng thành. Giai đoạn này lại cũng
chỉ là một chặng đường phải vượt qua. Rồi sẽ có một ngày, yêu hay không
chẳng còn là chuyện đáng nói nữa. Vấn đề lúc này chỉ đơn giản là có cần
thiết hay không mà thôi. Thích hay không chỉ là chuyện phụ. Bước tới
được giai đoạn này, hầu hết đều là những tay có hai màu tóc.
Đó là chuyện đời. Chuyện đạo ngẫm kỹ
hình như cũng đâu khác gì. Giai đoạn tu chứng nào cũng chỉ là một trạm
dừng qua đêm, mai sáng phải tiếp tục đi về phía trước, lên trên cao. Ai
nghỉ chân lâu quá, coi chừng cuộc đi đang nảy sinh vấn đề. Đã gọi là con
đường thì lúc nào cũng chỉ để đi, không phải để ở. Muốn lên đỉnh núi,
phải biết rời khỏi chân núi. Mọi thành tựu trên đường hành đạo đều chỉ
là những lữ quán, những bến đò, những sân ga, phi cảng.
Có những cuộc lên đường chất đầy những
kỷ niệm như xe bò chở đá. Có những cuộc lên đường nhẹ nhàng như mây
trắng đầu non. Hành giả trên đường tu phải là kẻ hành nhân một đời làm
những cuộc giã biệt. Nói thiệt, con đường nào cũng có những trở ngại,
nhưng ai dám bảo mình chưa từng lưu luyến một nơi chốn nào đó trên những
dặm trường đã một lần ghé qua. Rồi thì nói một cách đau lòng nhưng
không thể khác hơn, là ai cũng phải cắn răng mà băng mình đi về phía
trước, hướng tới những chiều cao mà mình chưa đến được. Nguyên tắc thì
nghe đơn giản vậy, nhưng thực tế không một hành giả nào đến đích mà chân
không rướm máu, chưa kể một trái tim rách bươm với những gai cỏ tàn độc
trên đường.
Không bỏ được cái thích, người ta làm
sao có được những thứ cần. Tôi được em, có nghĩa là tôi phải mất bản
thân tôi. Càng sống nhiều với những ràng buộc, tôi càng đánh mất những
cơ hội tự do. Chợt nhớ một câu danh ngôn dành cho mấy người mê mua sắm: “Khi anh mất tiền cho một thứ vô ích nào đó, có nghĩa là anh cũng đang làm mất số tiền để mua một món cần thiết nào đó!”.
Tiền bạc thì trên đời có nhiều người thừa sức hoang phí. Nhưng tuổi đời
thì không bao giờ được vậy. Ai cũng chỉ có nhiều lắm là trăm năm cho
một kiếp người. Còn ăn, hết nhịn. Vậy mà trớ trêu thay, thời gian lại là
thứ bị người ta tiêu hoang thường nhất.
Những dặm đường ngát hương hoa cỏ, những
không gian mây trắng trời xanh, những tuyết trắng, nắng vàng, rồi thì
áo hồng áo lục, chung tình hay phụ bạc, thề non hẹn biển gì rồi cũng một
cuộc biển dâu... Gì cũng phải bỏ lại hết để mà đi. Đi về đâu mới được
chứ? Ừ thì một cõi phù vân!
Onceland, mùa đại hạn tuổi 40
TOẠI KHANH
No comments :
Post a Comment