Nói đến mùa thu, người ta nghĩ ngay đến
lá vàng. Trên cây là những tán lá vàng rợp. Dưới đất là những thảm lá
vàng, trải lấp cả lối đi. Trời dìu dịu, không có nắng chói chang. Gió se
lạnh, lùa qua hàng cây bên đường. Tâm và cảnh dường như có sự giao cảm
tương ứng nào đó, gợi lên một nỗi buồn man man, vời vợi. Đẹp, mùa thu
thật đẹp.
Phân tích chi ly thì cũng khó mà nói
được vẻ đẹp của mùa thu nằm ở đâu. Không lẽ chỉ vì lá vàng, lá cam, lá
đỏ? Thế thì ở đô thị nhà cửa san sát, xe cộ nườm nượp, lề đường thiếu
bóng cây, thì có lá vàng đâu mà mơ mộng, hân thưởng?
Những kẻ nghèo cùng khốn khổ, vật lộn với đời từng phút giây để kiếm sống, không có xuân, hạ, thu đông; chỉ có đói-no, ấm-lạnh.
Những kẻ đêm ngày tranh danh đoạt lợi,
mưu cầu hạnh phúc cá nhân, cũng không có lá xanh, lá vàng, lá cam, lá
đỏ; chỉ có màu xanh trên những tờ giấy vuông vắn.
Có lẽ mùa thu chỉ có mặt với những người
nhàn hạ, thảnh thơi, ở những nơi có lá vàng, hoặc không có lá vàng mà
chỉ có thời gian tàn úa, rơi rụng theo bóng hoàng hôn mỗi ngày—nơi ấy,
những người ấy, có thể cảm nhận được sự đến và đi của mùa thu, thấy được
vẻ tàn tạ của cuộc đời trôi trên chính thân xác của mình. Rồi người ta
gọi đó là vô thường.
Nhưng vô thường không phải chỉ có nghĩa
là tàn tạ, héo úa, tả tơi… của một thân xác, một sự vật. Vô thường là sự
thay đổi, bất định của vạn vật, bao gồm cả mặt tâm lý của con người. Sự
thay đổi ấy không đi theo một chiều duy nhất từ sinh đến diệt, mà còn
từ diệt đến sinh; điều này hợp lý và hiển nhiên để có những cuộc canh
tân, cải cách, thay đổi cái xấu thành tốt, ác thành thiện, phàm thành
thánh. Vô thường hủy hoại tất cả, nhưng cũng xây dựng nên tất cả.
Vì vậy, nói đến vô thường, không phải là
nói điều tiêu cực, yếm thế, mà nói về một nguyên lý, một sự thực về sự
tương quan, tương thuộc. Sự thực ấy không ai đặt ra, tạo ra. Nó hiện hữu
khắp nơi, trong mọi sự mọi vật, trong tất cả mọi hình tướng, và tâm
thức của chúng sinh, của nhân loại. Vô thường—qua sự chuyển biến không
ngừng mà chúng ta có thể nhìn thấy nơi sự vật hữu hình, và quán chiếu
nơi tự tâm—xét ra, chỉ là hiện tượng. Bản chất của nó là duyên sinh,
duyên khởi. Tất cả mọi sinh khởi hay hủy diệt đều tùy thuộc và tương
thuộc những điều kiện nhân duyên khác, không thể có sự sinh khởi hay hủy
diệt độc lập. Chính vì vạn vật được sinh khởi bằng sự kết hợp của các
nhân duyên, chúng sẽ bị hoại diệt bởi các nhân duyên. Đó là vận hành tất
nhiên của vô thường.
Không phải chờ đến khi thấy lá vàng rơi
rụng, xác thân già yếu, tài sản trắng tay, thân bại danh liệt… rồi mới
thức ngộ vẻ mong manh, biến hoại của cuộc đời. Ngay từ ban đầu khi mới
sinh ra, vô thường đã đến trong từng khoảnh khắc, với chúng ta, với cả
thế gian này, không chừa một ai, không ngoại lệ một chúng sanh hữu tình
hay vô tình nào.
Nhận thức sâu sắc về vô thường như là
kết quả hiển nhiên của nguyên lý duyên sinh, duyên khởi, chúng ta sẽ
không còn bám víu, chấp chặt vào sắc thân, tâm lý và ngoại cảnh; và dĩ
nhiên là sẽ không bất ngờ trước những chuyển biến đổi thay của lòng
người, của cuộc đời. Với một tri kiến như thế, có thể được gọi là chánh
kiến, là sự thấy biết như thực của người học đạo, hành đạo.
No comments :
Post a Comment