Phật
giáo bắt nguồn từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 TTL[10] tức hơn hai ngàn năm
trăm năm trước. Sau khi Đức Phật Thích Ca Niết Bàn gần hai trăm năm mươi
năm, tức khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, Phật giáo trở thành tôn giáo mang
tính thế giới, do công của hoàng đế Asoka đã lập những đoàn truyền giáo
mang giáo lý Phật truyền sang các nước Á Châu và lan toả ra ngoài biên
cương đại lục.
Phật
giáo được truyền đi hai hướng: một hướng đi về phía Nam Ấn, truyền qua
Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, và Campuchia. Phật giáo truyền
theo hướng này bằng ngôn ngữ Pali và được gọi là Phật giáo Nam Truyền.
Một hướng khác đi về phía Bắc Ấn qua A Phú Hãn (Afghanistan) đến Trung
Hoa. Từ Trung Hoa, Phật giáo truyền đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Và một hướng thứ ba cũng từ Bắc Ấn truyền sang Nepal vào Tây Tạng.
Phật giáo truyền theo hai hướng sau này bằng ngôn ngữ Sanskrit hoặc
được chuyển ngữ qua tiếng bản địa và được gọi là Phật giáo Bắc Truyền.
Riêng với Việt Nam, Phật giáo được du nhập vào rất sớm, ngay từ đầu Công
nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử (ở Hưng Yên ngày nay) học đạo của
một nhà sư Ấn Độ. Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao
Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các truyền thuyết về
Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo
của Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189[3]. [http://vi.wikipedia.org/wiki/]
Mặc dù đức Bổn Sư đã không để lại sự
ghi chép những giáo lý của Ngài, nhưng các vị đệ tử ưu tú của Ngài đã
duy trì những lời dạy đó bằng trí nhớ và truyền miệng giáo pháp đó từ
đời này qua đời khác. Những giáo lý của Đức Phật bao gồm những lời dạy
trực tiếp của Ngài và các bài thuyết giảng của các vị đại đệ tử của đức
Phật như các Ngài Xá Lợi Phất, A Nan Đà, Mục Kiền Liên..v.v.. Mãi cho
đến năm 83 TTL, những giáo lý của đức Phật mà qua nhiều lần đã được kết
tập trước đây thành ba tạng kinh điển, mới được ghi chép trên lá bối tại
Tích Lan lần đầu tiên. Ngày nay kinh sách Phật được ghi chép bằng kỹ
thuật đĩa nhựa CD, DVD, thẻ nhớ [11] và ổ cứng máy vi tính dưới các dạng
chữ viết, âm thanh và hình ảnh.
Những
lời dạy của đức Phật được ghi lại thành ba tạng kinh điển qua hai dạng
văn cổ của xứ Ấn thời đó là Bắc Phạn (Sanskrit) và Nam Phạn (Pali): (1)
Luật tạng, (2) Kinh tạng và (3) Luận tạng mà người ta thường gọi là “Tam
Tạng Kinh Điển”.
Kinh Tạng ghi lại những lời
Phật dạy, bao gồm những bài thuyết pháp của Đức Phật từ buổi thuyết pháp
đầu tiên tại Ba La Nại cho đến lúc Phật nhập Niết Bàn. Kinh tạng giống
như môt bộ sách thuốc, vì nội dung các bài kinh chứa đựng trong đó, do
đức Phật giảng phù hợp với những hoàn cảnh sai biệt và căn cơ của nhiều
người khác nhau.
Luật Tạng ghi lại những
giới luật làm khuôn phép sinh hoạt và tu học của Tăng đoàn. Tạng nầy bao
gồm các giới luật và nghi lễ cho Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, thể thức gia nhập
Tăng đoàn, truyền giới luật, sinh hoạt tăng chúng, cách hành xử trong
các trường hợp vi phạm giới luật,..vv..
Luận Tạng, còn gọi là Vi Diệu
Pháp gồm các bộ luận do các luận sư, đệ tử Phật trình bày, giải thích
một cách có hệ thống và theo chiều sâu giáo lý đạo Phật. Luận Tạng chứa
đựng triết lý uyên thâm nhất của giáo lý Đức Phật, và ngược lại từ những
bộ Luận Tạng này, giáo lý của Đức Phật đã được làm sáng tỏ thêm ra.
***
Qua nhiều thế kỷ với nhiều lần kết tập
kinh điển, số lượng kinh sách Phật giáo có thể lên đến 84 nghìn
cuốn. Các trường phái và bộ phái Phật giáo có nhiều ý kiến khác nhau
nhưng cũng nhất trí đưa một số kinh sách vào trong ba tạng kinh Kinh,
Luật và Luận và đều ghi rằng đó là lời của Phật nói. Phật tử theo các
tông phái khác nhau đặt các bộ kinh và luận này ở những vị trí khác
nhau. Họ cho rằng một số bộ kinh và luận có tầm quan trọng đối với họ và
giữ thái độ khác nhau đối với bộ kinh và luận khác. Từ tôn kính một số
kinh văn cho đến xem thường một vài kinh văn nào đó.
Cũng có một số người nghĩ rằng Đức
Phật chỉ truyền dạy bằng tiếng Pali và cho rằng những bản kinh được ghi
chép bằng ngôn ngữ khác là không đúng. Có những người khác lại tin vào
ngôn ngữ Sanskrit. Cả hai ý nghĩ này đều không đúng. Một khi Phật pháp
được truyền sang nước khác, được tu tập bởi các vị hành giả, thì nó vẫn
được tin tưởng là giữ nguyên vẹn lời dạy bảo của Phật, nhưng rồi dần dần
được làm cho thích nghi với tâm hồn dân chúng địa phương và vì vấn đề
truyền thông cốt sao cho dễ hiểu. Như vậy, khó có thể tránh khỏi một sự
khác biệt giữa quốc gia này và quốc gia khác, do đó chúng ta có thể hiểu
được sự thay đổi của Đạo Pháp khi nó di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác.
Tuy vậy, dù cho có khác biệt, nhưng cũng không đi ra ngoài ngoài nguyên
tắc mà Đức Phật dạy là Tuỳ Duyên và Bất Biến. Tuỳ Duyên là tuỳ
theo hoàn cảnh, thời tiết nhân duyên, tuỳ theo văn hoá và tập tục địa
phương mà thay đổi các phương tiện cho thích hợp. Còn Bất Biến là không
có sự thay đổi đối với những yếu lý quan trọng như đặc tính từ bi và
bình đẳng hay như giới luật của Đạo Phật, dù ở không gian hay thời gian
nào.
Mặt khác, các nhà nghiên cứu Phật học
phương Tây tìm cách xác định thời điểm xuất hiện của từng bộ Kinh. Họ
đưa ra những giả thuyết về nguồn gốc của một số Kinh Điển Bắc Truyền,
một số cho rằng các Tổ Phật giáo ở Trung Hoa sau này sáng tác ra, nhưng
họ vẫn thừa nhận những giá trị thâm sâu của nó và cho rằng nó vẫn không
xa lìa giáo lý ban đầu của Đức Phật. Khi dùng chữ để diễn tả các kinh
loại này, họ dùng từ Sutras of doubtful authenticity tạm dịch là nghi kinh để chỉ những kinh không có nguồn gốc rõ ràng và hai từ Apocrypha và từ Spuriuos (Sutras) để chỉ những kinhđược sáng tác ở Trung Hoa. Khi dùng hai chữ này, họ không có chủ ý xác định ý nghĩa xấu. Rất
tiếc khi chuyển ngữ ra tiếng Việt, các nhà soạn tự điển Anh Việt, dịch
ra là (kinh) ngụy tạo, giả mạo, ngụy thư, ngụy văn…, mang tính chất xấu,
gỉa dối, không tốt. Có lẽ nên dịch hai chữ này là “kinh sáng tác” hay “kinh phát triển” thì đúng hơn.
Các Tổ của Phật giáo, những đệ tử của
Phật, những người biên tập kinh, là những vị đã kiến tính đạt đạo, cho
nên giá trị của kinh không khác gì với những lời dạy của Đức Phật. Lấy
một thí dụ điển hình là Bát Nhã Tâm Kinh, một số học giả Phật giáo và
ngay cả Ngài Suzuki, khi nghiên cứu về thời gian tính của kinh này thì
cho rằng Ngài Long Thọ là tác giả. Nhưng khi nói về giá trị của kinh này
thì không một ai trong chúng ta phủ nhận giá trị tuyệt vời cao siêu và
súc tích của nó. Cũng như kinh Pháp Bảo Đàn của Đức Lục Tổ Huệ Năng, mặc
dầu không phải là kinh do Phật thuyết nhưng khó có ai trong truyền
thống Bắc Truyền có thể phủ nhận được kinh này.
Nói chung kinh điển Phật giáo nhiều vô
cùng. Riêng Trung Hoa dịch kinh điển Phật đã hơn 1000 năm, cũng không
biết rõ đã dịch được mấy vạn quyển. Số kinh sách Phật đã được dịch và
lưu hành, kể cả các bộ chú giải, giảng thuật của người Trung Hoa gồm hơn
ba nghìn bộ, cộng tất cả là hơn mười lăm nghìn cuốn. Tuy nhiên vì thời
gian truyền bá lâu và đi xa nên khó tránh khỏi những tư tưởng, tập tục
và văn hoá bản địa lẫn lộn trong kinh sách. Vì thế trong kinh của cả hai truyền thống Nam Truyền và Bắc Truyền đều có dạy dùng Ba Pháp Ấn, Bốn Pháp Ấn hay Một Pháp Ấn để làm dấu ấn xác minh coi pháp đó có phải là do Phật thuyết không. Ấn là dấu in để ấn chứng.
Ba Pháp Ấn là vô thường, vô ngã và Niết Bàn là
ba dấu ấn mang tính pháp định, dùng để chứng nhận tính xác thực của
chính pháp. Mọi giáo lý của đạo Phật đều phải mang các pháp ấn, nếu
thiếu một trong những pháp ấn đó thì giáo lý ấy không phải lời Phật dạy.
Chính vì tính chất quan trọng này mà Ba Pháp ấn luôn được nhắc đến
trong hầu hết kinh điển, từ kinh tạng Nam truyền đến kinh tạng Bắc
truyền. (Nguyên văn: chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch
tĩnh (anityāh sarvasamskārāh, nirātmānah sarvadharmāh, santam nirvānam)
Bốn Pháp Ấn là vô thường, khổ, vô ngã và Niết bàn hay vô thường, khổ, vô ngã và Không (Kinh Tăng Nhất A Hàm). Niết bàn là tên gọi khác của vô ngã [12] và Không cũng là một cách nhìn khác về lý duyên khởi. Các pháp đều do điều kiện, nhân duyên tạo thành, vì thế chúng vô ngã. Do đó, có thể xem Ba
Pháp Ấn vô thường, vô ngã và Niết Bàn là những nguyên lý cơ bản nhằm
xác định chính pháp, là một định thức chuẩn mực để tái thẩm định các lý
thuyết, quan điểm và cả pháp môn tu tập của Phật giáo.
Một Pháp Ấn cũng là Thật Tướng Ấn tức
là lấy thật tướng của các pháp làm gốc, nên nói nghĩa lý thật tướng của
các pháp là ấn tín của hệ thống tư tưởng Phật giáo Bắc Truyền.
***
Nói tóm lại, dù với bất cứ kinh điển thuộc truyền thống nào, Nam Truyền cũng như Bắc truyền nếu có sự hiện diện củavô thường, vô ngã và Niết Bàn là xác định tính cách chính pháp.
Nói một cách khác, vô thường, vô ngã và Niết Bàn là ba phạm trù dùng để
công nhận những kinh điển nào phù hợp với những lời dạy của đức Phật,
phù hợp với sự thật thì những lời dạy ấy đích thật là của trí tuệ. Do
vậy chúng ta không nên đặt vấn đề ngụy kinh, nghi kinh hay chính kinh. Bất
cứ kinh nào có giá trị nói lên giáo lý vô thường, vô ngã và Niết Bàn
thì chúng ta xem đó là kinh Phật, và nên học lấy những tinh túy của nó
thay vì đi tìm kiếm xem nguồn gốc của bản kinh. Hay khi xem một lời
kinh hoặc một quyển kinh, chúng ta nên tự mình tìm hiểu nội dung của
kinh, những ý nghĩa ẩn tàng trong đó và dùng trí tuệ của mình xét nghiệm
xem như thế nào mà không nên khẳng định ngay rằng kinh này là sai,
không phải là kinh của Phật, do vì các nhà học giả đã nói như thế. Trước
khi Phật Thích Ca Niết Bàn, Ngài đã căn dặn mọi người rằng hãy “Hãy tự
mình thắp đuốc lên mà đi” là vậy.
No comments :
Post a Comment