Saturday, November 1, 2014

Tầm Quan Trọng của Thiền Hành

Thích Huệ Quang

Thiền hành có nghĩa là đi bộ trong trạng thái thân tâm chánh niệm.
Trong Kinh Niệm Xứ (Satipatthanasutta – Trung Bộ kinh), Đức Phật nhắc nhở nhiều lần, các Tỷ kheo, trong các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, đều phải chánh niệm, “biết rõ việc mình đang làm.”  Theo bài giảng của Hòa thượng Thích Trí Quảng, giảng tại chùa Xá Lợi nhân mùa Phật Thành Đạo PL 2526-1982, hòa thượng nói:
“nương theo pháp kinh hành, chư Phật và Bồ tát đều đắc đạo.”  Trong sinh hoạt hàng ngày, Đức Phật đi kinh hành nhiều lần, và nhờ thiền hành, ngài đã chứng được Như Lai huệ.  Đức Thế Tôn dạy, “Này các thầy Tỳ kheo! Theo Như Lai thì một thầy Tỳ kheo khuya thức dậy tọa thiền, sau khi tọa thiền xong đi kinh hành. Kinh hành xong, ôm bát vào thành khất thực. Khất thực rồi trở về tịnh xá hoặc vườn rừng thọ thực trong chánh niệm. Sau đó rửa bát, rửa chân, trải tọa cụ nghỉ một chút. Nghỉ xong thức dậy đi kinh hành, tọa thiền, tham vấn đạo lý. Trước khi đi ngủ tọa thiền, xả thiền đi kinh hành. Đến giờ chỉ tịnh (ngủ), nằm xuống an lành mà ngủ. Suốt một ngày đêm các thầy tu tập và sinh hoạt bình thường như vậy trong tỉnh giác, an định. Như Lai cho rằng đó là một vị Tỳ kheo tỏa sáng nhất trong đại chúng.
Sau đây, xin quý phật tử đọc một đoạn thư, của một vị thiền sư thuộc truyền thống Miến Điện, người đã hướng dẫn, đỡ đầu cho tôi trong suốt quá trình theo học thiền định từ ngài.
“Sư Huệ Quang thân mến,
Thầy viết cho sư một bức thư dài hướng dẫn chi tiết về thiền hành, nhưng lại bị mất, bây giờ lại gõ cho sư nữa đây.
Thiền hành là một phương pháp thiền chỉ có riêng trong đạo Phật, các tôn giáo khác cũng có ngồi thiền nhưng không có thiền trong tư thế đi (còn gọi là kinh hành).  Đức Phật dạy thiền trong tất cả mọi tư thế, đi, đứng, ngồi, nằm. Bản thân Ngài cũng thường xuyên đi kinh hành, mỗi đêm ngài dành hai tiếng đi kinh hành, ngoài lúc đi khất thực, sau bữa trưa và xế chiều ngài cũng đi kinh hành.  Đức Phật thường khuyến khích các tỷ kheo đi kinh hành, nhiều vì tỷ khưu còn lấy đó làm pháp hành chính của mình. Trong kinh điển ghi lại nhiều trường hợp, các vị tỷ kheo đã đắc quả A la hán trong lúc đi kinh hành.
Đi kinh hành, như Đức Phật đã dạy, có năm lợi ích:
1. Tiêu hóa tốt
2. Ít bệnh tật
3. Có sức khỏe
4. Kham nhẫn được đường xa
5. Định có được từ kinh hành rất bền vững và tồn tại lâu dài.
(Theo Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Năm phần Kinh hành, tr.346)
Đi kinh hành sẽ tỉnh giác hơn, và bởi vì thực hành trong tư thế động nên định tâm thuộc loại mở rộng và trên nhiều đối tượng hơn, do đó nó bền vững hơn. Khi ngồi thiền, đa phần chúng ta chú tâm vào một đề mục nào đó, như hơi thở chẳng hạn, nên không quen phát triển định tâm trên nhiều đề mục. Mà thiền vipassana cần phát triển định tâm trên nhiều đề mục thân tâm, cần có sự tỉnh giác. Khi ngồi thiền, chúng ta thường chú tâm quá mức, đôi khi gây căng thẳng, hoặc phóng tâm, hôn trầm và thường là không có cái nhìn toàn cảnh để thấy được thái độ hành thiền của mình như thế nào. Khi đi kinh hành, chánh niệm và tỉnh giác được tăng cường, trên nhiều đề mục, do vậy dễ phát hiện ra các trạng thái căng thẳng, để có được cái nhìn toàn cảnh mà ít khi bị kẹt vào một thái độ sai (thường là tham hoặc sân).
Ở các trường thiền Miến Điện, thời gian biểu là xen kẽ 1 giờ kinh hành và 1 giờ ngồi thiền, vì kinh hành và ngồi thiền giúp bổ sung cho nhau rất tốt. Trước và sau khi đi kinh hành, nên ngồi thiền thì định tâm và tuệ giác sẽ được tăng cường. Đáng tiếc là phương pháp thiền của Thiền sư Goenka đã không quan tâm nhiều đến thiền hành. (Goenka là một đại thiền sư thuộc truyền thống Miến Điện, rất nổi tiếng trên thế giới hiện nay.  Ngài có rất nhiều trung tâm thiền Vipassana khắp nơi trên thế giới)
Hướng dẫn phương pháp thiền hành:
Chọn một khoảng trống (trong nhà hoặc ngoài trời đều được cả) khoảng 20 bước chân (khoảng 15m trở lại), bằng phẳng, yên tĩnh, ít đối tượng tác động.  (Nhưng nếu đã quen thì có thể đi dài hơn, hoặc ở công viên, bờ sông, nơi thiên nhiên thoáng mát…)
Khi đi nên chắp tay sau lưng hoặc trước bụng. Mục đích: để có sự tập trung quan sát các cảm giác trên chân khi bước. Tuy nhiên, thầy thỉnh thoảng vẫn đi kinh hành hai tay buông thõng, như thế lại thấy thư giản và thả lỏng hơn nhiều. Đi không quá nhanh, không quá chậm, nhưng chậm hơn khi đi dạo. Khi đi phải tự nhiên và khoan thai, không gò cứng, không chú tâm quá mức. Mắt hơi nhìn xuống, nhưng không cúi gằm nhìn vào bàn chân. Không nhìn ngó xung quanh nhiều, vừa đủ để nhận biết chỗ mình đang đi đến và tranh chướng ngại vật. Tâm quay vào trong. Khi đi, để tâm trên hai chân. Ghi nhận các cảm giác trên chân khi bước, nhấc chân, đặt chân….Có người ghi nhận được rõ các cảm giác trên gan bàn chân, có người ghi nhận được cả các cử động của hai chân (nếu đi chân đất trên sàn nhà thì tốt nhất, vì các cảm giác sẽ rõ nét hơn). Tuy nhiên, không nên cố ghi nhận tất cả mọi cảm giác nhỏ nhặt ngay từ đầu, vì như vậy sẽ chú tâm quá mức, gây căng thẳng và làm bước đi mất tự nhiên. Khi đã thực hành quen, định và niệm mạnh, sẽ tự động ghi nhận được nhiều cảm giác trên chân và thân mình mà vẫn hoàn toàn tự nhiên, nhẹ nhàng. Nếu khi đi, có các cảm giác hoặc cử động khác trên thân rõ nét hơn thì cũng ghi nhận, nhưng không nên theo dõi nhiều, nên quay lại ghi nhận các cảm giác ở chân thôi, như vậy định tâm sẽ tốt hơn. Tập thành thói quen, mỗi khi bước đi, dù bất cứ ở đâu, tâm cũng luôn để ở chân. Khi đó, lúc nào bước đi cũng là đang đi kinh hành. Khi đi đến cuối đường, nên dừng lại một chút, ghi nhận ý định dừng, ý định quay người. Không nên hướng tâm ra bên ngoài, nên quay vào bên trong. Vì vậy, mới tập thì nên chọn chỗ kín đáo, tập trong nhà cũng được, hoặc chọn chỗ nào ít người qua lại. Khi đã quen thì có thể đi như đi dạo mà tâm vẫn ở bước chân, ít phóng ra bên ngoài. Do tập trong khi di chuyển, nên tâm thường xuyên bị các đối tượng bên ngoài như âm thanh, hình ảnh, suy nghĩ…kéo đi, mỗi lúc như thế lại ghi nhận và quay lại với cảm giác trên chân. Do đó, sẽ tập cho mình thói quen quay tâm lại bên trong mình trong mỗi lúc, và như vậy đưa thiền vào trong cuộc sống, tâm luôn ở trong mình, hoàn cảnh bên ngoài ít tác động và chi phối tâm mình hơn. Tất nhiên mình vẫn dành một phần tâm để nhận biết bên ngoài, để tránh né những chướng ngại, để xem xét chỗ đi cho phù hợp, thái độ ứng xử cho phù hợp…nhưng không cần hướng tâm nhiều để làm việc đó, phần lớn tâm ở bên trong. Do phải xử lý nhiều đối tượng như vậy, mà vẫn duy trì được sự quan sát bên trong, nên mức độ tỉnh giác sẽ được tăng cường hơn.
Tỉnh giác là một phần của trí tuệ, còn sự tập trung chỉ là một phần của thiện chí, không phải là Định của thiền Vipassana. Định của thiền Vipassana rộng mở hơn, nhẹ nhàng hơn, ghi nhận trên nhiều đối tượng, không có sự nặng nề của sự tập trung. Đối với người mới thực hành, tâm khó trụ trên chân thì niệm phải, trái…theo mỗi bước chân để đưa tâm quay lại. Nhưng nếu mình có thể ghi nhận được cảm giác của chân thì không cần phải làm vậy. Bởi vì, đối tượng của thiền vipassana là ghi nhận trực tiếp các cảm giác, cử động…mà không qua trung gian của khái niệm. Vì vậy, đi kinh hành giúp phát triển sự ghi nhận trực tiếp các cảm giác một cách thuần túy. Trí tuệ trực giác sẽ phát triển qua những sự quan sát đó để nhận rõ vô thường, khổ, vô ngã trong đó. Khi đã thực hành sâu, thậm chí khi đi kinh hành, thiền sinh sẽ không còn phân biệt đâu là cảm giác trên chân này hay chân kia, hay chỗ nầy chỗ kia trong cơ thể nữa, mà chỉ là một dòng cảm giác trôi chảy liên tục, khái niệm ngày càng mờ nhạt đi, sự quan sát trực tiếp ngày càng tiếp cận gần hơn với chân đế, thì ngay cả tên gọi cảm giác: nóng, lạnh, nặng, nhẹ, cứng, mềm…cũng không còn trong tâm nữa, chỉ còn là dòng các cảm giác đang thay đổi. Nhưng đừng cố gắng để đạt đến điều đó, hãy ghi nhận các cảm giác trên chân của mình, những cảm giác rõ nét nhất, và ghi nhận liên tục.
Pháp hành cần thời gian để tiến triển, không thể cố tình thúc ép theo mong muốn của mình. Trong khi đi thường xuyên kiểm tra lại xem mình có thư giãn, thả lỏng không. Đôi khi căng thẳng hoặc sự chú tâm quá mức xen vào mà mình không biết. Đi một cách tự nhiên, thỉnh thoảng quan sát lại xem mình có tự nhiên không, bước đi, tư thế có gì gò bó quá không…hãy thả lỏng cho tự nhiên, để thân mình mềm mại, đi khoan thai. Nếu thực hành tốt, bước đi sẽ rất khoan thai, tự nhiên, tâm tự động ghi nhận được nhiều cảm giác và cử động nhỏ nhất trên chân và trong thân mình. Trong khi đi kinh hành, có thể có hỷ lạc và trạng thái an tĩnh, nhẹ nhàng khởi sanh. Không nên đi quá lâu. Khi đi, nhiều khi chúng ta không đủ nhạy cảm để biết mình đã mệt. Khi ngồi nghỉ mới thấy mệt. Vì vậy, khoảng 15 phút nên nghỉ một lần. Ngồi xuống ghế, hoặc đứng dựa vào tường nghỉ ngơi một lúc. Hãy thả lỏng toàn thân, ghi nhận cảm giác mỏi mệt, cảm giác hơi thở dồn dập, thô, rõ…tâm ở bên trong mình. Đôi khi, những lúc nghỉ như thế lại là lúc vào thiền một cách tự nhiên và đúng đắn nhất, vì thái độ khi đó chỉ là: “Ngồi để nghỉ ngơi, buông xả” và “thuần túy ghi nhận những gì đang xảy ra rõ nét nhất trong mình” mà không muốn nó phải như thế này, thế kia. Đó là thái đó đúng đắn nhất khi hành thiền. Nếu ngồi nghỉ mà thấy mình vào thiền một cách tự nhiên như thế, thì ngồi thiền luôn, không cần phải một tư thế chính thức nhất định, có thể ngồi tựa vào tường, ngồi trên ghế đá…tâm ở bên trong, thư giãn, tĩnh lặng ghi nhận cảm giác thở và mọi thứ trong mình. Nói chung, nên tập đi khoảng 1 giờ, chia ra làm nhiều đoạn nghỉ. Tùy theo sức khỏe của mình mà điều chỉnh cho thích hợp. Sau khi đi kinh hành, nên ngồi thiền để phát triển định tâm quan sát chính mình. Thái độ ngồi thiền phải thư giản như ngồi nghỉ, để tâm tư quay vào trong và ghi nhận bất cứ cảm giác nào rõ nhất. Hay biết bất cứ cái gì, một cách bình thản,  “detached”, miễn là ở trong phạm vi thân-tâm của mình. Không cần phải có sức chú tâm. Định tâm của thiền Vipassana không phải là sự cố sức chú tâm vào một đề mục lựa chọn nào, mà là sự ghi nhận thuần túy, liên tục trên nhiều hoặc trên một số đối tượng của thân tâm mình. Nếu chú ý thì sẽ thấy tâm mình quên ghi nhận một đối tượng nhất định nào đó, chẳng hạn cảm giác thọ, hay cảm giác tâm (cảm xúc, thể hiện ở một cảm giác nơi chấn thủy, gần trái tim)…đó sẽ là để mục chính, tâm lựa chọn một cách tự nhiên, bên cạnh những đề mục phụ khác như là cảm giác chỗ nầy chỗ kia trong thân. Đề mục phụ có thể thay đổi liên tục, bất cứ cái nào rõ nét nhất nổi lên lúc ấy. Thường xuyên thả lỏng và kiểm tra một lượt các cảm giác và sự căng thẳng trong thân là một cách để tâm mình không quá tập trung vào một đề mục và căng thẳng, để tách mình ra quan sát thái độ thiền của mình. Vì lý do đó, nên kinh hành là một phương pháp rất cần thiết để phát triển định tâm của thiền Vipassana, phát triển sự tỉnh giác.
Hướng dẫn cơ bản là như thế. Trong quá trình thực hành cần quan sát bản thân mình, để trình pháp và điều chỉnh cho thích hợp. Sư hãy thực hành và trình pháp cho thầy, điều gì chưa rõ thì hỏi ngay nhé. Chức Sư tụ tập thành công. Với tâm từ của thầy“

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS