Thursday, November 6, 2014

Từ bi trong đạo Phật với cuộc sống hiện tại và trường tồn trong lịch sử nhân loại

Trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều niềm vui khi đời sống của mọi người không ngừng được cải thiện, tuổi thọ ngày càng cao,…

 Tuy nhiên, con người cũng phải đối mặt với không ít nỗi buồn đang xảy ra hàng ngày trong gia đình, dòng họ, cộng đồng hay xã hội nhẹ thì vì lời nói, ganh ghét; nặng thì do tranh chấp tài sản, nợ tiền, cướp của,... Có những vụ đau lòng như con giết bố, mẹ; chồng giết vợ con một cách tàn nhẫn hay ngược lại; hoặc anh em, người thân giết nhau, chưa kể rất nhiều vụ tàn sát lẫn nhau chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhoi. Nhiều người khi ra đường và thậm chí ở trong nhà cũng không cảm thấy an toàn. Phải chăng những kẻ gây ra tội lỗi là những người ích kỷ, chỉ thấy mình, luôn cố chấp và không hiểu được giá trị của Từ-Bi-Hỷ-Xả của đạo Phật và nhân quả báo ứng đã đến với nhiều người gây ra tội lỗi? Nếu ai cũng thấm nhuần tư tưởng, tinh thần cao quý của đạo Phật chắc sẽ bớt những thái độ hung hăng, tránh việc làm tội lỗi để cùng nhau xây dựng một cuộc sống hòa hợp, nhân ái, thanh bình trên thế gian này.
Chúng ta đều biết rằng Pháp hành Từ-Bi-Hỷ-Xả là tài sản vô giá mà Đức Phật để lại và còn tồn tại mãi với nhân loại. Phật giáo lấy từ bi làm hoài bão, tôn chỉ. Từ là có thể cho niềm vui. Bi là tâm thương xót khi thấy chúng sinh khổ. Vì thế trong cuộc sống nếu có chuyện không may xảy ra, mọi người ra tay giúp đỡ chúng sinh thoát vòng khổ ải, không có thái độ thờ ơ,… nếu không làm như vậy sẽ đánh mất tinh thần cứu thế của đạo Phật. Có thể nói Bi là nhân và Từ là quả của Bi. Bởi vậy, tư tưởng “đồng thể đại bi” có ý nghĩa rất nhân văn. Do đó, thấy người khác chết đuối như chính mình bị chết đuối, thấy người khác đói như chính mình bị đói, thấy người khác khổ như chính mình gặp khốn khó. Hỷ là cái vui của người thực hiện được pháp hành từ bi. Xả là phát tâm cho chúng sinh sự vui vẻ, loại trừ cái khổ của chúng sinh và giúp họ trong hoàn cảnh khó khăn. Làm được như thế, mọi người sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, mừng vui, nhưng làm xong việc tốt đó thì nên quên đi không nên lưu giữ trong tâm thức. Nếu ai còn chấp mà không quên được thì đó không phải là hạnh nguyện của Bồ Tát.

Theo đó, người theo đạo Phật nhất định phải bồi dưỡng Tứ Vô Lượng Tâm vì có Tứ Vô Lượng Tâm rồi mới có thể giáo hóa chúng sinh và khiến cho chúng sinh thoát khổ được vui. Tứ Vô Lượng Tâm là điều kiện cơ bản mà mỗi người tu hành cần có. Tứ Vô Lượng Tâm chính là Từ-Bi-Hỷ-Xả. Vô lượng là không có hạn định, có nghĩa là không bỏ dở giữa chừng,... hoặc mới làm được một chút thì đã lấy làm đủ, cho là đã xong. Thật ra, Từ-Bi-Hỷ-Xả không bao giờ là đủ cả, mà làm được càng nhiều càng tốt. Vì vậy, mọi người theo pháp hành này cần luôn nghĩ đến người khác để làm điều tốt, không được dùng thủ đoạn thâm độc để hại người thì mới đúng với hạnh từ bi, phải luôn chú ý đến nhân quả báo ứng. Nếu có người dùng lời lẽ phỉ báng, nói xấu mình đủ điều hoặc có hành động làm hại mình thì cũng nên có thái độ điềm tĩnh, tìm giải pháp hợp lý mới mong tránh khỏi sự thù hận, tàn sát lẫn nhau. Điều quan trọng là phải dùng tâm từ bi để cảm hóa người khác, chính là: “Lấy đức báo oán,” để giúp họ hồi tâm chuyển ý, biết ăn năn sám hối. Nếu học theo tinh thần của Bồ Tát Di Lặc: Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! thì đao thương tự nhiên sẽ biến thành gấm vóc; mưa sẽ tạnh, trời lại trong sáng, sóng cũng yên, gió cũng lặng. Trái lại, nếu không chịu nhẫn, bình tĩnh tìm cách hóa giải chuyện nhỏ thành không có, chuyện lớn thành chuyện nhỏ thì tất cả đều bị tổn thương, thậm chí nguy hại đến tính mạng.

Chuyện kể rằng, ngày xưa, có vị Phật sống của chùa Kim Sơn vì có định lực nên không sợ bất cứ loại độc hại nào. Bởi Ngài dùng lòng đại bi cảm hóa tất cả những loài động vật có độc, cho nên chúng trở thành bạn thân và tuyệt đối không làm hại Ngài. Trong phẩm Phổ Môn có nói: “Phàm hễ ai niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì có thể cảm hóa”, khiến loài vật có độc cải ác, hướng thiện và sẽ không làm hại con người. Con người vốn sẵn có đầy đủ Phật tính. Tuy nhiên, có người lại bỏ đi Phật tính của mình nên dẫn đến những hậu quả không tốt. Mọi người nên nhận ra Phật tính trong mình để giữ lòng trong sạch, bớt ham muốn tầm thường và không cạnh tranh, ganh ghét với đời. Khi có lòng từ bi, mọi người sẽ chung sống trong cảnh hòa bình và an lạc. Trong các bài thuyết giảng, Đức Phật nói rõ rằng dù thuộc đẳng cấp nào, người ta vẫn có thể đạt đến chí thiện nếu duy trì một cuộc sống tu hành chân chính; chẳng hạn ngọn lửa từ đống gỗ quý hay từ đống củi thường miễn là khô sạch đều có thể sáng rực như nhau.

Đức Phật là người sáng lập ra giáo lý về lòng từ bi, đặt nền tảng của bất bạo động trên cơ sở của lòng từ bi. Khi những người thợ dệt đã cho Đức Phật biết rằng con người chỉ làm được lụa bằng cái chết của vô số con tằm thì Ngài đã cấm các môn đồ của mình dùng quần áo, chăn đắp bằng lụa. Những cơ sở giáo lý đặt trên lòng từ bi đó giúp cho mọi người tránh hành động tàn nhẫn, tránh sát sinh để mọi chúng sinh không phải chịu đau khổ. Người ta đã mô tả Đức Phật như một người bạn lớn của loài vật. Một trong những câu chuyện được kể rằng Đức Phật đã từng tự nguyện để cho một con hổ cái đói ăn thịt để tránh cho nó tội ác ăn thịt những đứa con của nó. Bởi vì Đức Phật mong muốn con người luôn giữ thiện tâm trong sáng không chỉ đối với mọi sinh linh mà còn với toàn thể vũ trụ. Đức Phật dạy rằng: … đừng để tâm vọng động bởi bất kỳ điều gì; đừng để ngoa ngôn, vọng ngữ nào thoát ra khỏi miệng; luôn giữ thiện tâm và lòng từ ái; đem lòng thành soi sáng mọi người và chiếu sáng khắp mười phương với từ bi tâm quang minh vô lượng, chẳng gợn chút ác tà;…

Theo Đức Phật, tâm linh đạo đức không chỉ có tầm quan trọng đối với người đã đạt đến mà hơn thế nữa, nó là một tiềm lực vô lượng toát ra từ người ấy. Tiềm lực ấy, Đức Phật có được ở mức độ nhiệm mầu. Đó là điều huyền diệu về nhân cách vừa giản dị vừa rất vĩ đại của Đức Phật. Người ta nói rằng sự tỏa sáng về đức độ của Đức Phật không những tác động lên con người mà còn cảm hóa cả thú vật. Devadatta, một người em họ rất ganh tị với Đức Phật đã cho thả ra một con voi nổi tiếng hung dữ trong một con đường hẹp để xông vào Đức Phật, nhưng nó đã bị Ngài cảm hóa bởi lòng tốt của mình nên đang trên đà lao tới bỗng con voi khựng lại, hạ cái vòi mà nó đã giơ lên cao để định quật vào Đức Phật.

Hành thiện bằng lời nói hay sự yên lặng thích hợp do lòng tốt là mệnh lệnh, một trong những phận sự của người tín đồ, Phật tử. Đức Phật chỉ ra rằng: Người tu hành nói lên sự thật, dâng hiến cho chân lý, kiên định, trung thành,… bác bỏ mọi lời vu khống và không bao giờ nói lời vu khống. Điều nghe được ở nơi này không lặp lại ở nơi khác để tránh gây bất hòa giữa người này với người kia. Người tu hành cần hòa giải những kẻ giận hờn chia lìa nhau, buộc chặt những sợi dây thân ái để mọi người thân thiết nhau. Hòa hợp đem lại cho con người niềm vui,… Phải chịu đựng sự hiềm thù và tha thứ điều xấu không chỉ vì để đạt đến hoàn thiện, mà còn tác động lên thế giới. Đức Phật chỉ rõ rằng: Hãy dùng lòng nhân ái và nhẫn nại để vượt lên sân hận, hãy lấy thiện chế ác, lấy sự hào phóng thắng tính keo kiệt, lấy đức trung thực thắng sự gian dối, với lòng khoan dung thù hận sẽ tiêu tan.

Đức Phật mô tả sự hoàn thiện mà một người tu hành phải đạt đến bằng câu nói: Người ấy đầy lòng lành và thiện ý, luôn cầu mong sự tốt đẹp cho chúng sinh. Ngài dạy rằng người tu hành phải luôn tự chủ, kiên quyết giữ vững chân lý, diệt được mọi điều ác trong lòng, rũ bỏ hết mọi sân hận,… đó là bậc chân tu. Ngài đã đưa Từ-Bi-Hỷ-Xả thành nguyên lý và luôn truyền giảng việc diệt trừ sân hận, tinh thần hòa hợp, tính khiêm nhường. Sau này trong quá trình phát triển của Phật giáo, quan niệm về từ bi càng mở rộng, đề ra mục đích đạt đến: “Đại hùng, đại lực, đại từ bi” như sự viên thành của quá trình tu tập. Lời dạy đầy tính nhân văn của Đức Phật: “Bao lâu còn có sinh linh đau khổ thì không thể có niềm vui nào cho những ai mang trái tim nhân ái”. Thực sự, trong tư tưởng nhân loại, ý tưởng từ bi có tính nhân văn sâu sắc, cao cả và sống mãi. Điều đó làm cho mọi người hiểu vì sao trong lịch sử nhân loại, có hàng triệu triệu con người thấm nhuần tinh thần từ bi một cách rất sâu xa.

Nhân quả xoay vần là một định luật khách quan từ ngàn xưa không ai tránh khỏi. Nếu chúng ta biết tự lo cho tương lai của mình bằng những việc làm tốt đẹp của hôm nay, thì đó chính là sự đảm bảo chắc chán hơn bất cứ một công ty bảo hiểm nào của thời đại. Vì cuộc sống an lành, bình yên của chính mình và của những người khác, mọi người nên biết rằng chỉ có tự mình mới có thể cứu vớt được chính mình bằng những thay đổi tích cực trong nhận thức và lối sống. Hãy tu nhân tích đức, tránh xa những lỗi lầm theo tinh thần: Chớ rằng ác nhỏ mà làm/Đừng vì lành nhỏ mà đành bỏ qua (Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi/Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi) hay: Trọn đời làm lành, e còn chưa đủ/ Một buổi làm dữ, dữ đã có dư (Chung thân hành thiện, thiện do bất túc/Nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư) và như lời dạy của Trang Tử: Người tốt với ta, ta cũng tốt lại/Người ác với ta, ta cũng tốt lại/Ta đã không ác, người ác với ta được sao? (Ư ngã thiện giả, ngã diệc thiện chi/Ư ngã ác giả, ngã diệc thiện chi/Ngã kí vô ác, nhân năng ư ngã hữu ác tai). Ba báu vật mà Lão Tử luôn nâng lưu, ôm ấp trong đời; trong đó có Từ, tức là yêu thương tất cả mọi người, có tấm lòng tha thứ, độ lượng. Đó là cái dũng của người phi thường, đứng cao hơn tất thảy người đời. Theo Lão Tử, lấy oán báo oán là lẽ thường tình của người tầm thường; lấy luật báo oán thì cao hơn một bậc; lấy đức báo oán là thượng sách, là siêu phàm vì nó làm cho oán tiêu tan đi.

Hy vọng rằng thực hành hạnh Từ Bi và những lời dạy của các bậc tiền hiền xưa sẽ giúp cho con người có cuộc sống thân thiện, nhân từ để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi người./.

 Thanh An

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS