Lão hành khất vào ngồi trong hiên chùa, bắt đầu bữa ăn xin được trong ngày: ít vắt cơm, muối và... một con cá rô cây.
Người gác chùa quan sát bữa ăn, thấy con cá rô cây được đẽo gọt khá cẩn thận, dọn ra giống y con cá thật đã được nấu nướng đàng hoàng. Ông hỏi người hành khất với giọng châm biếm:
- Này ông lão, ông làm gì với con cá gỗ ấy hay cuối cùng cũng chỉ cơm với muối?
Lão hành khất bình tĩnh đưa tay chỉ tượng Phật bằng đá trên tòa sen giữa chánh điện trảđũa:
- Này ông bạn, còn ông làm gì với tượng Phật đá kia hay cuối cũng cũng chỉ vô minh với ái dục?
۞
Lời góp ý:
Thờ cúng chỉ mang tính cách tượng trưng, thế rồi những tôn giáo cổ xưa đã biến thành những nghi lễ huyền bí và những buổi hiến tế phức tạp..., tưởng qua đó họ có thể được cứu rỗi. Nhưng Đức Phật xem đó chỉ là giới cấm thủ (mê tín, dị đoan, hình thức ràng buộc), và Ngài dạy rằng chỉ có sống đúng pháp (Dhammànudhammà patipanno vihàrati) mới là tôn kính, cúng dường, lễ bái Như Lai một cách cao thượng.
Xưa có một người xuất gia theo Phật chỉ mong hàng ngày được lễ bái và chiêm ngưỡng 32 tướng tốt của Ngài. Đức Phật trách: “Dẫu cho hàng ngày con có nắm chéo y Như Lai và bước theo từng dấu chân của Như Lai thì cũng vẫn xa Như Lai vời vợi. Người nào sống đúng Pháp mới gọi là gần gũi, cung kính, lễ bái, chiêm ngưỡng Như Lai một cách chân chính”.
Hàng ngày sống bên Đức Phật, lễ bái, chiêm ngưỡng và đặt trọn niềm tin ở Ngài vẫn còn bị Ngài khiển trách, huống nữa chỉ biết lễ lạy, tụng đọc trước tượng Phật bằng đá để cầu xin cứu độ thì muôn đời cũng không bao giờ nếm được chút hương vị giác ngộ giải thoát.
Tin tưởng, lễ bái, cung kính, chân thành, tri ân, tinh khiết,... là những nhân tố của phương tiện thờ cúng, nhờ đó đem lại hạnh phúc, hân hoan, thái hòa, an lạc,... cho những kẻ sơ cơ. Nhưng cho đến một lúc nào đó phải biết thoát ra khỏi phương tiện, vì dù tin Phật dưới bất cứ hình thức nào cũng đều phải tự mình sống đúng chân lý, nếu không thì muôn đời vẫn như lão ăn xin với con cá rô cây vô vị.
2. BUÔN BÁN
Mỗi ngày hai thời kinh, không lần nào Sư vắng mặt, dù khi mưa gió, nóng bức, khi tụng cùng chúng hay lễ một mình.
Trong Thiền viện có vị Tăng ưa thích phóng khoáng, bất chấp nghi lễ, rất ít tụng kinh niệm Phật. Một hôm gặp Sư, vị Tăng nói:
- Được lợi ích gì mà Thầy tụng kinh hoài vậy?
Sư đáp:
- Lại thêm một gã Thầy chùa buôn bán!
۞
Lời góp ý:
Con người thật khó thoát được vòng luẩn quẩn của nhân quả nghiệp báo. Trong mỗi hành vi của họ đều phải hàm chứa nhân và quả, nghĩa là hàm chứa bản ngã, thời gian, luân hồi, sinh tử. Vị Tăng kia phải tính toán cái gì có lợi mới làm, thế là rơi vào sinh tử, không biết rằng đó chỉ là cái lợi nhỏ nhen của tính toán tư kiến tư dục, chút bọt bèo trong trùng trùng đợt sống sinh diệt cuốn phăng! Chỉ vì vị Tăng ấy còn mê, không thấy được Pháp thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian. Nếu thấy được thì người sống Đạo chẳng cần tính toán chút ít lợi riêng, vì mỗi Pháp tự nó đã là cái dụng vô cùng. Thể - Tướng --Dụng của đạo vốn viên mãn, sao lại còn tính toán thiệt hơn? Người tránh cái hại đi tìm cái lợi nhỏ nhen sao bằng tâm địa viên dung vô ngại bất khả tư nghị, dù lợi hay hại vẫn tự tại an nhiên?
Người như thế Lão Tử khen là “vô vi nhi vô bất vi”. Đã vô vi thì làm gì mà không lợi (vô vi nhi vô bất trị). Thế mới biết tâm địa các bậc A - La - Hán đã vô vi (asankhàrà) nên nhất động nhất tịnh đều đã trọn vẹn nơi chỗ Đại Dụng của Đạo (mà Lão Tử gọi là Đức), đâu còn cần cái vị tha hữu hạn của bản ngã. Chỗ Đại Lợi của các Ngài là chúng sanh đều được hưởng mà không hề hay biết. Như mặt trời chiếu soi, không vị kỷ, không vị tha, không vị lợi mà muôn loài được lợi.
Vị Thiền Sư mỗi ngày tụng kinh, lễ Phật, bỏ ra ngoài lợi hại thế gian, đối với chúng sanh dường như là ích kỷ, nên lý trí của vị phàm tăng làm sao luận tới! ông ta chỉ lăng xăng trong cái gọi là lợi kỷ - lợi tha, đúng như là... “gã Thầy chùa buôn bán”.
3. MỌT SÁCH
Sư đang giảng trước thính chúng. Có gã thanh niên đứng dậy hét:
- Xưa Lâm Tế chỉ với một tiếng hét đủ khai được Đạo lớn, đâu cần lắm lời như vậy?
Sư hét. Gã thanh niên chịu không nổi tiếng hét quá lớn giật mình thối lui.
Sư nói:
- Tưởng đâu con cháu Lâm Tế, té ra chỉ là loài mọt sách!
۞
Lời góp ý:
Hét, đánh hay dụng ngữ đều chỉ là phương tiện, vấn đề là ở chỗ phương tiện đó có như ngón tay chỉ được mặt trăng hay không mà thôi. Còn đã là phương tiện thì cứ tùy nghi mà sử dụng. Người dùng biết tùy cơ mà khai thị được chân lý mới là phương tiện thiện xảo. Bằng không lấy phương tiện này bỏ phương tiện kia chỉ là trò chấp trước.
Gã thanh niên cho rằng thiền thì phải “bất lập văn tự” nên phải hét chứ không được nói, không biết rằng hét cũng chỉ là một loại ngôn ngữ, hơn nữa, anh chỉ biết tiếng hét qua sách vở văn tự mà thôi, chứ anh có bao giờ được chính tai nghe tiếng hét của Thiền Sư Lâm Tế ra làm sao đâu? Và anh có bao giờ biết rằng Lâm Tế hét mà trong tiếng hét hoàn toàn im lặng không?
Trong “bất lập văn tự” thì văn tự không sai mà “lập”mới sai, cũng như trong “tri kiến lập tri” thì tri kiến có thể là Phật tri kiến, Thánh tri kiến, Chánh tri kiến v.v... chỉ có “lập tri” mới đích thực là ”vô minh bổn”.
Đúng là đối với người giác ngộ thì vạn pháp đều chân, đối với người mê thì muôn sai đều vọng, có chấp cái này bỏ cái kia thì mê vẫn hoàn mê, vọng còn nguyên vọng.
4. NÓI ĐƯỢC MỘT LỜI
Một thiền khách đến viếng Sư, cứ nằng nặc đòi Sư giải thích yếu nghĩa Nam Tuyền Trảm Miêu.
Sư im lặng rót trà mời khách, nhưng khách dường như không để ý đến trà, lại hỏi:
- Nam Tuyền trảm miêu sao không ai nói được lời gì?
Sư toan bưng chén trà đổ đi. Khách nói:
- Xin Thầy để tôi uống.
Sư cười nói:
- Cuối cùng ông cũng nói được một lời. Nếu hồi đó có người nói được như ông thì Nam Tuyền đã khỏi mắc sát giới.
۞
Lời góp ý:
Đông đường, Tây đường tranh nhau con mèo, Thiền Sư Nam Tuyền thấy thế bắt mèo đưa lên nói:
- Nói được là cứu con mèo, nói không được thì chém nó.
Thiền chúng không ai nói được, Sư liền chém con mèo.
Tùng Thẩm về. Sư đem câu nói đó hỏi. Tùng Thẩm cởi giày để lên đầu đi ra. Sư nói:
- Nếu hồi nãy có ngươi thì con mèo đã được cứu rồi.
Câu chuyện đó vẫn còn là một nghi vấn đời này sang đời khác trong nhà thiền. Ai cũng muốn tìm ra yếu nghĩa vì sao Nam Tuyền lại giết mèo.
Nhưng Đạo đâu thể dùng lý trí mà nghi vấn nên càng nghi vấn càng xa. Vấn đáp cơ phong chỉ để trắc nghiệm xem người thiền có đang “cước căn điểm địa” không mà thôi. Nếu đã “điểm địa” thì không đâu không phải là Đạo, bằng không thì lý trí đành hoang mang ngơ ngác chẳng thể nào nói được một lời khế hợp. Còn một khi đã khế hợp thì im lặng hay nói bất cứ điều gì cũng đều khế hợp.
Thế còn Tùng Thẩm đội giày lên đầu thì sao, nói đi?
5. THỂ NHẬP PHÁP GIỚI
Một vị Tăng yết kiến Sư, Tăng hỏi:
-Thể nhập cùng pháp giới làm một có được chăng?
Sư nói:
- Chứ ông tưởng pháp giới với ông là hai được sao?
۞
Lời góp ý:
Pháp giới tánh chưa một lần loại trừ ai, chưa bao giờ tự phân hóa, chỉ có bản ngã tự tách rời pháp giới như chân, tự cô lập, tự khép kín, tự cách ngăn, tự buộc ràng, tự giới hạn,... Nhưng có tách rời được không? Không, vì bản ngã chỉ là ảo tưởng, chỉ là huyễn mộng. Thế thì có thể nhập được không? Cũng không, vì ý niệm thể nhập cũng là ảo tưởng của vọng ngã. Pháp giới tánh đâu phải là cái ngã được phóng đại (đại ngã) như người nằm mộng lại còn thêm mộng (mộng trung chi mộng)!
Người nằm mộng thấy mình đi chơi, suốt cơn mộng khổ khổ, vui vui, thương thương, ghét ghét, sợ sợ, lo lo, khi nơi này, lúc chỗ nọ,... nhưng khi tỉnh dậy thấy mình vẫn ở trên giường chẳng hề sai khác.
Đối với bản ngã mê vọng thì pháp giới tánh mà hắn muốn thể nhập cũng là mê vọng. Còn pháp giới chân thật thì chỉ khi nào hết mê mới thấy được chẳng hai.
Khi mê nói một nói hai
Chừng khi tỉnh mộng cười dài một phen.
6. HỌC ĐẠO
Một thiền sinh đến xin học đạo. Sư hỏi:
- Ngươi định học đạo bằng tâm hay bằng trí?
Thường nghe kinh điển nói rằng đừng đem trí phân biệt mà học đạo nên thiền sinh thưa:
- Dạ bằng tâm.
Sư nói:
- Không được.
Hôm sau thiền sinh lại đến, hỏi Sư:
- Vậy Thầy học đạo bằng tâm hay bằng trí?
Lúc đó Sư đang ăn táo, gọi:
- Này!
Thiền sinh nhìn lên. Sư đưa trái táo.
Thiền sinh vừa đón lấy, Sư hỏi:
- Bằng tâm hay bằng trí?
۞
Lời góp ý:
Đạo chẳng thể học bằng thân, bằng tâm hay bằng trí. Chiếc xe chạy không thể chạy bằng tay lái, bằng bánh, bằng khung,... hay bằng người lái. Không thể tách riêng cái toàn thể rồi chỉ ngộ một phần là đủ, vì chỉ có giác ngộ trong sự tương giao (tâm lý, sinh lý, vật lý, nội và ngoại) chứ không thể giác ngộ cá biệt, đơn phương hay phiến diện.
Ngộ tánh ngộ tâm ư? Sao lại tách rời thân với tâm, tánh với tướng, thể với dụng? Không có ngộ chung cũng chẳng có ngộ riêng, nên Đức Phật đã dạy “không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”. Và Ngài dạy tiếp: “Kẻ nào không còn thấy có bên này, bên kia và cả hai, người ấy thoát ly phiền não, Như Lai gọi đó là Phạm Chí” (Dh. 385).
Vậy ngộ thì phải “ngộ nguyên con”, hồc là “không chấp thủ bất cứ điều gì ở đời” (Sabbe dhammà nàlam abhinivasaya).
Lấy trái táo còn phải lấy “nguyên con” huống chi là học đạo .
7. DIỆU GIÁC
Một vị Tăng đến tham vấn, thấy Sư đang làm vườn, hỏi:
- Nghĩ thì gặp sở tri chướng, làm thì gặp phiền não chướng, vậy như thế nào mới đạt được an lạc của Diệu Giác?
Sư chống cuốc ngâm bài kệ:
- Ta không biết đâu suối nguồn An Lạc
Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa.
Ta không biết đâu bến bờ Diệu Giác
Đúng ngọ về chùa cất cuốc ăn trưa.
۞
Lời góp ý:
Diệu Giác không phải là lý tưởng để “nghĩ về”. Nghĩ về là sở tri, nên dù nghĩ về Diệu Giác cũng là sở tri chướng.
An Lạc không phải là mục đích để “nắm bắt”. Nắm bắt là sở đắc, nên dù nắm bắt an lạc cũng là phiền não chướng.
Tìm An Lạc và Diệu Giác ở đâu đó trong hay ngoài thế gian cũng đều là tìm lông rùa sừng thỏ.
Nghe nói Đạo là Xuất Thế thì người ta cứ lăng xăng hướng ra ngoài thế gian mà tìm kiếm.
Nghe nói Đạo là Nhập Thế thì người ta lại lặn lội hướng vào trong thế gian mà tầm cầu.
Đạo không trong không ngoài, chẳng có chẳng không, nhưng:
Lặng lặng không đâu mà chẳng có
Loay hoay chẳng có ở nơi đâu!
Thôi thì cứ theo Thiền Sư sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa, chừng nào nghe bảng hiệu về chùa mà độ ngọ, chớ có mất công lý giải An Lạc với Diệu Giác làm gì cho phí một đời cơm áo.
8. LOẠN THỊ
Nhiều người than phiền Đạo Phật có quá nhiều tông phái, mà tông phái nào cũng cho mình là đệ nhất. Chân lý chỉ có một, vậy ai đúng ai sai?
Được hỏi vấn đề này, Sư nói:
- Tùy độ loạn thị mà đeo kính. Kính nào cũng đệ nhất khi hợp với độ loạn thị chứ sao!
۞
Lời góp ý:
Chúng sanh có “nhiều bụi trong mắt” nên nhìn cái gì cũng thành méo mó. Nói “tướng” thì thành “tướng vọng”, nói “tánh” thì thành “tánh huyễn”, nói “ta” thì thành ”ngã thủ”, nói “pháp” thì thành “pháp chấp”. Thế rồi luận tánh, luận tướng, nói ngã, nói pháp mà trở thành... loạn thị.
Mắt đã loạn thị thì cần phải đeo kính Chánh Kiến mới thấy được thực tướng. Thế là các tông phái khéo “tiếp thị” đã cho tung ra kính loạn thị đủ kích đủ cỡ, đủ loại model. Thiên hạ đua nhau sắm kính, các “tiệm kính” bán đắt như tôm tươi.
Ai mua được kính “hợp mắt” thì đều cho là đệ nhất. Thậm chí có người đeo phải kính giả thấy trời đất muôn màu muôn sắc rất ư là huyền bí, liền cho là kính tối thượng. Mà kính “của ta” bao giờ lại chẳng hơn thiên hạ!
Nhưng coi chừng, dù kính giả kính thật, thì cũng phải lo lấy bụi trong mắt, phải chữa tận gốc loạn thị, hãy tin vào mắt thật của mình đừng nghe các “chủ tiệm” quảng cáo. Nếu không, kính có ngày cũng hết “đát” hoặc rủi ro mất mát hư hao thì rồi loạn thị vẫn hoàn loạn thị!
9. SỬA ĐỔI THIÊN NHIÊN
Ngồi dưới cây bồ đề, một chú tiểu nhận xét:
- Thiên nhiên có những điều bất cân xứng cần phải sửa chữa lại.
Chú tiểu khác hỏi:
- Thí dụ cái gì bất cân xứng?
- Thì chú thấy đó, bên kia cây dưa hấu nhỏ như vậy mà trái thật to, còn cây bồ đề to tướng thế này mà trái nhỏ xíu!
Ngay khi đó gió thổi rụng những trái bồ đề trên đầu họ. Chú tiểu kia nói:
- May mà chú chưa kịp sửa thiên nhiên, chứ không thì bể đầu cả đám!
۞
Lời góp ý:
Người mê tự sinh ra cho mình cái bản ngã, thế rồi từ khi lên ngôi, bản ngã bắt đầu ra tay. Trước hết bắt những người xung quanh phải tuân theo “mệnh lệnh của tôi”, sau được đà, bắt luôn moi sự moi vật phải thay đổi cho đúng với “ý muốn của tôi”. Thế là một cuộc đảo chính quy luật tự nhiên cứ thế mà tiến hành!
Chân con vịt ngắn hãy mau dài ra! Cổ con cò cao hãy mau ngắn lại! Phải khổ luyện sao để bay được như chim! Phải tu trí sao cho lặn được như cá!...
Con người cảm thấy mình đã tiến bộ rất xa: bản ngã bành trướng, quốc gia bành trướng, chinh phục hành tinh, điều hành vũ trụ,... Hoặc là khí công thượng thừa, yoga tuyệt đỉnh, định lực phi phàm v.v...
Vâng, cứ sửa đổi nữa đi cho ra muôn hình vạn trạng, thỏa chí bình sinh. Nhưng bản ngã ơi, ngươi có khi nào thấy rằng cái gốc của ngươi thì vẫn chưa thay đổi được chút nào hay không?
10. TINH TẤN HAY LÀM BIẾNG
Một vị Tăng luyện được phép thần thông có thể ngồi trên mây đi đây đi đó tùy ý. Ông cố gắng thuyết phục người bạn:
- Hãy luyện pháp môn này, thành công rồi thì thật là diệu dụng.
Người bạn hỏi:
- Diệu dụng gì?
- Ấy, lúc đó bạn có thể bay đi đây đó dễ dàng mà không một chút mệt nhọc.
- Ủa, vậy ra tinh tấn chỉ để được làm biếng hay sao?
۞
Lời góp ý:
Người ta không biết rằng ai cũng có sẵn thần thông diệu dụng, nên cứ mãi lo đi tìm diệu dụng thần thông, không hề quan tâm sử dụng kho tàng khả năng quý báu của mình.
Khi bại liệt mới biết chân đi là thần thông, khi nhắm mắt mới hay cái nhìn là diệu dụng. Chỉ riêng bàn tay của con người đã đa năng đến nỗi chưa robot điện tử nào thực hiện được khả năng tương tự. Người ta chưa khám phá hết tiềm năng của con người đã vội muốn thành tiên, cũng như chưa hiểu hết trái đất đã mong chinh phục các vì sao. Đó là bệnh “đứng núi này trông sang núi nọ”.
Quyền năng đó là một trong những khuynh hướng tính dục của bản ngã. Những người cố gắng tao luyện thần thông, nói là để có phương tiện độ đời, trên thực tế chỉ là vị ngã. Nếu đã giác ngộ thì mọi phương tiện sẵn có đều là thần thông diệu dụng, chẳng cần thêm bớt, chẳng cần lấy bỏ. Hét, đánh, bửa củi, gánh nước, đi đứng, nằm ngồi,... há chẳng phải là phương tiện độ đời thiện xảo của các vị Thiền Sư đó sao?
11. NGOÀI DA
Gặp một vị Tăng nổi tiếng về thiền định, Sư hỏi:
- Tu như vậy ông được gì?
Vị Tăng thưa:
- Tâm tôi đã lặng lẽ.
- Thế thì ông chỉ được ngoài da!
- Vậy phải làm sao để được thành chánh quả?
- Ấy, ông lại tính chuyện ngoài da nữa!
۞
Lời góp ý:
Người tu hành cứ loay hoay đi tìm một cái gì đó để đạt đến, vì chưa thấy ra “xương tủy” của mình. Pháp vốn biến hóa vô cùng, tâm giác ngộ cũng phải vô cùng biến hóa mới có thể hài hòa với nhịp sống linh động hồn nhiên.
Tịnh hay động cũng là phiến diện. Không ai có thể động không mà chẳng tịnh, cũng không ai có thể tịnh không mà chẳng động. Nắm cái này bỏ cái kia, suốt đời lăng xăng qua lại nên chẳng có lấy một phút giây an ổn trong sáng thì làm sao có thể tự tại hồn nhiên “hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” cho được?
Hễ mở miệng nói câu “làm sao để được” là còn xa ngàn dặm mất rồi.
Làm sao để được thành chánh quả
Cứ loay hoay tính chuyện ngoài da
Nơi sinh tử muôn đời phước họa
Sao chẳng dừng ngàn dặm bôn ba?
12. QUẢ NGÃ MẠN
Sư không ăn chay. Một tín đồ không phục nên không chịu đảnh lễ.
Sư nói:
- Chỉ mới một bụng rau cải mà ngã mạn như thế, huống nữa đắc quả thì ngã mạn đến chừng nào!
۞
Lời góp ý:
Pháp môn tu nào cũng chỉ là phương tiện, có giá trị như phương thuốc chữa bịnh, ai có bịnh thì dùng, ai không bịnh thì thôi. Người tu pháp môn này, kẻ tu pháp môn khác, đó là vì tùy bịnh mà chữa. Không phải ai không tu pháp môn của mình đều là sai cả.
Người mắc bịnh phải uống thuốc, cần uống đúng giờ giấc liều lượng và chừng nào hết bịnh thì thôi, uống hoài chỉ sinh bịnh khác.
Uống thuốc là việc bất đắc dĩ, chẳng có gì đáng hãnh diện với phương thuốc này hay phương thuốc nọ. đáng lẽ phải thẹn vì phải uống thuốc thì đúng hơn. Cũng như người ghiền thuốc lá, khi muốn bỏ phải dùng kẹo để cai, khi bỏ được cũng chẳng hơn chi người không hút, huống hồ là kiêu căng với thứ kẹo để cai. Hoặc bỏ thuốc rồi ghiền kẹo thì đúng là “đoạn trừ phiền não trùng tăng bịnh”.
Pháp môn tu là thuốc chữa bịnh phiền não, trong phiền não, ngã mạn là bịnh lớn, chữa phiền não sao lại để ngã mạn lớn hơn? Cho nên Kinh dạy: “Pháp như người đưa thuyền qua sông, pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”.
Sư Viên Minh
No comments :
Post a Comment