Sunday, January 18, 2015

Cảm Nhận Bài Thơ Cáo Tật Thị Chúng Của Thiền Sư Mãn Giác

Thiên Hạnh

Một Thiền sư nhận định "Đối trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó." Nhưng để đạt đến cấp độ tâm lý ấy thì thật sự phải có sự chuyển hướng tâm thức thuần thục theo chiều hướng trí tuệ.


CÁO TẬT THỊ CHÚNG .

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Nghĩa : CÁO BỆNH DẠY ĐỆ TỬ.

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở .
Việc trước mắt qua mãi
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
________(Mãn Giác Thiền Sư )


Thời gian với lộ trình vô tận mà sự đổi thay là một thuộc tính bất di bất dịch, sự triển chuyển là cơ sở để có sự phát sinh và cả hoại diệt, sự tăng trưởng sinh sôi cũng đồng thời tàn tạ mỏi mòn. Quy luật là như thế và nền tảng của sự sống cũng như vậy. Bài thơ không còn dừng lại ở dấu ấn xưa nay của thi ca là ca ngợi miêu tả thuần túy một vẻ đẹp hay một cảm xúc bay bổng, đôi cánh cảm nhận mang màu sắc trí tuệ đã nâng lên những giá trị mang tính muôn thuở, một thế giới quan và hơn thế nữa_nhân sinh quan sống động.

Xuân đi trăm hoa rụng. 
Một mệnh đề tưởng bình thường, chẳng có gì cao sâu, nhưng mấy ai cảm nhận và chấp nhận được.Ta vẫn đau lòng khi ai đó mất đi, vẫn hụt hẫng vì một sớm chia lìa hay một chiều tang tóc, ta biết sự đến đi là tất nhiên nhưng vẫn mong cho"thời gian dừng lại" hay "tuổi thơ quay về. Ta vô tình tự mâu thuẫn chí ít là với những hiểu biết cơ bản nhất của chính mình. Ở điểm này, câu thơ đã có giá trị cảnh tỉnh sâu sắc .

Xuân đến trăm hoa nở.
Đây chính là sự tất nhiên mang tính vĩnh hằng. Vốn dĩ xưa nay con người chỉ muốn và mãi muốn thụ hưởng và chấp nhận những gì quy luật mang lại, hợp với chí hướng của mình, do đó mà có tâm lý vui khi Xuân về hoa nở, buồn khi Đông đến hoang liêu. Đâu biết rằng Đông chính là nền tảng để một ngày Xuân bừng dậy tinh khôi hào nhoáng. Không có đêm, làm gì có ngày, không có Đông làm gì có mùa Xuân, hiểu cả về mặt sự đối chiếu làm nổi bật và tính triết lý nền tảng .

Những nỗi đau càng chồng chất nỗi đau khi bên cạnh sự khắc khoải của thịt da, ta lại bồi đắp thêm sự xót xa tiếc nuối hay sợ hãi triền miên, thì tất yếu sự khổ đau càng gấp bội và đáng thương cho ai vẫn mong mỏi một điều không thật có là trẻ mãi không già, sống hoài không chết ,...
Vậy nên hoa nở và hoa rụng chẳng qua là một vòng quay, sự tuần hoàn tất yếu mà với cái nhìn biện chứng, tự nó không mâu thuẫn mà là hai mặt hữu cơ và bổ sung nhau .

Và từ sự tổng quan rộng lớn, Thiền sư đã đưa về mảng thời sự tính, đó là thân phận con người , điều mà bất cứ ai cũng phải đối mặt:

Trước mắt sự qua mãi
Trên đầu già đến rồi.

Quy luật của trời đất vốn mang tính lạnh lùng và công bằng đến tuyệt đối .
Khổng Lão Trang có quan điểm:

Thiên trường địa cửu hữu thời tận

....
Thiên địa bất nhân...


Bất nhân ở đây chính là không thiên vị, nhân nhượng bất cứ ai, bất cứ điều gì.Đó là quy luật tự nhiên.
Rồi một ngày có kẻ sĩ kiêm nhà hiền triết đất Trung nguyên tiễn đưa bạn đời quá cố về miền vĩnh hằng với khúc Cổ bồn phiêu nhiên vô tư lự!

Bóng câu qua cửa sổ, giấc mộng kê vàng, đời người giấc mộng,...là những ý tứ người ta vẫn thường chỉ về sự đổi thay .
 Nhưng chẳng có gì nhanh, chẳng có gì chậm,  mức độ vẫn bấy nhiêu, chẳng qua do con người áp đặt lên chúng bằng một thứ người ta quen gọi là thời gian tâm lý, do tiếc nuôí sự đã qua, do mong mỏi kéo dài những gì tâm đắc :
Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết
Một ván cờ thua ngả bóng chiều
                                       (Vũ Hoàng Chương)

Việc vẫn trôi qua đều đều, người cũng tuần tự già đi . Già bởi đã trải qua thời trai trẻ, và trẻ rồi cũng sẽ già, vết thời gian in đậm trên thân xác mỗi sinh linh, ta không thể chuyển dời, duy tâm ta thì có thể . Ta hiểu được cuộc đời, sống chung với sanh, già, bệnh, chết vô tư như một dòng triển chuyển tất nhiên, ta cứ lạc quan khi tuổi già gõ cửa, có thể làm được quá đi chứ !

Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.

Con người chỉ nắm bắt hiện tượng đang diễn ra , và rồi cố chấp vào những ảnh hóa đó bằng tâm cứng đọng phi biện chứng .Sự cố chấp này chi phối cả thế giới tư duy và màu sắc cảm nhận của chủ thể .
Khi Thiền sư nói "đừng bảo..."cũng có nghĩa, Ngài chỉ ra sự phiến diện của tư duy què quặt cố hữu của con người. Đó là những rối rắm nội tại phát sinh từ sự thiếu chân xác trong kiến quan hạn hẹp để rồi bao hệ lụy cũng từ đó phát sinh theo mô thức phản ứng dây chuyền trong thế giới hạt nhân phóng xạ .

Có thể nói câu thơ như một hình thức KHAI ( mở), mang lại cái nhìn mới chân xác và thiết thực hơn cho các đối tượng.

Đêm qua sân trước một nhành mai.
Hãy thoát ly sự cố chấp đi, anh sẽ nhìn rõ hơn sự mầu nhiệm của cuộc sống. Cành mai hôm nào, nay đã không còn và anh sẽ bảo chẳng có mai . Thiền sư không nói về cành mai cụ thể trong một thời điểm cụ thể đó, Ngài đang nói về cành mai BẤT DIỆT, cành mai bản thể ( bản chất, nền tảng ). Đây có thể gọi là phần THỊ( chỉ rõ)so với phần KHAI ở trên.
Về phương diện biện chứng học, chẳng có gì biến mất, chẳng có gì tự nhiên xuất hiện, chỉ có sự biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Tôi tuy không phải là cha tôi nhưng cha tôi vẫn hiện hữu trong tôi mặc dầu ông ấy đã mất từ lâu, dị mà đồng, đồng mà dị .

Biết rõ sự đổi thay là hiện tượng ,sự miên viễn là vĩnh hằng, quy luật là việc của trời đất, tâm lý và thế giới tâm lý là của riêng ta. Sống chung với quy luật của trời đất là biết chấp nhận nó, hòa mình cùng nó trên lộ trình biến diệt vô thường mà ta không thể nào cưỡng lại được .

Một Thiền sư nhận định" Đối trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó "
Nhưng để đạt đến cấp độ tâm lý ấy thì thật sự phải có sự chuyển hướng tâm thức thuần thục theo chiều hướng trí tuệ .

Một trong những tiêu chí của Thiền học là thâm nhập được vào thế giới vô thời trong thời gian vô không trong không gian. Có thể hiểu nôm na là tâm không còn bị chi phối do cố chấp vào những giới hạn thường tình của thời gian và không gian, hai tiêu chuẩn để xác định sự tồn tại của một sự vật , hiện tượng .

Sự an nhiên tự tại trước cái chết ( thị tịch)của Thiền Sư biểu hiện cao độ , thay vì Ngài là nhân tố đáng thương hại, lại chính là nhân tố chủ động trấn an những đệ tử, những người vẫn đang khỏe mạnh trẻ trung. Đối diện sự ra đi, Ngài vẫn dõng dạc trong những Pháp kệ được Đường thi hóa, vừa mang giá trị nghệ thuật văn học, lại hàm dung triết lý sâu xa. Cả một đời phụng sự Đạo Pháp, trải bao bài thuyết pháp độ sinh, nay, ngay cả trong giờ khắc còn lại ít ỏi trên cõi đời và đang đối diện cái mà con người kinh khiếp nhất (cai chết ),Thiền Sư vẫn tự tại biến đó thành bài Pháp cuối cùng của đời mình và đã trở thành bài thơ bất hủ trên thi đàn dân tộc xưa và nay .

Xin cảm ơn Thiền Sư đã để lại cho chúng ta một hình ảnh phi phàm về khí phách LÝ- TRẦN đã một thời oanh liệt của cha ông .

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS