Thursday, January 1, 2015

Nghinh Xuân

Như Đức
 
Tháng 10 bước qua tháng 11, trong không khí nghe hơi chớm lạnh, thỉnh thoảng có những buổi trưa nắng hanh vàng, trong veo như một lời ca “màu nắng hay là màu mắt em”. Những giò lan Nghinh Xuân cảm nhận thời tiết dễ chịu, bắt đầu nhú một chồi hoa. Buổi sáng đi tưới cây, đưa nhẹ vòi nước trên từng nách lá, thấy hé mở những con mắt non mởn, lòng thầm reo vui: A! Nghinh Xuân!
Phương Nam này, nắng nóng quanh năm, càng lúc càng nóng. Một năm qua với nhiều chuyện không vui, bão lụt, động đất, tuyết phủ làm trở ngại đường bay, nơi thì khô hạn đất nứt, nơi thì mưa dầm lê thê… Đủ thứ tin tức trên một trái đất chớm già nua hư hoại. Trong kinh Đức Phật có dự ký rằng, đến thời kỳ cuối, bảy mặt trời xuất hiện, đất đai không còn tươi nhuận, chỉ có gai góc sỏi đá, thực phẩm trở nên độc hại khan hiếm, người ta thường nổi sân giận, cho đến nỗi một cọng cỏ cũng có thể giết người. Mình có đọc đoạn kinh này, vào thời còn trẻ hồn nhiên, nghĩ rằng Phật nói như vậy chắc cũng còn lâu lắm, chuyện đó xảy ra ở đâu thôi, nơi mình ở vẫn thấy yên ổn. Bằng cớ là mỗi năm Tết đến, Nghinh Xuân bắt đầu đón chào trước, rồi mấy cây đào rừng đơm nụ đơm hoa lộng lẫy, mai vàng tinh khôi chờ lặt lá xong là trổ hoa vàng rực. Tết, xuân thì trong năm là thời khắc còn đẹp, còn mơ màng một nụ cười của trời đất.

Đột nhiên những năm gần đây tin tức khí hậu càng lúc càng tệ, mình cứ sợ rằng tận thế đến gần như mấy bộ phim viễn tưởng. Niềm vui vì thế phai dần. Cũng có thể vì thời gian đi qua, chất trẻ trung vô tư trong người không còn, đôi lúc tự kiểm điểm: Mình có già nua không? Sao tự dưng nhớ những ngày gần Tết của một thời ở rừng. Khi thấy những vạt cỏ bông lau, cỏ đuôi chồn phất phới, cỏ mắc cỡ, cỏ tranh cũng vội vã đua chen, mỗi cọng cỏ rừng thi nhau trổ hết vẻ mỹ miều, mình biết là thời tiết sẽ rất đẹp. Cây rừng và cỏ lá nhạy cảm, bắt được tín hiệu chớm xuân, thưởng thức tận tình. Lúc đó ngoài quốc lộ còn thưa vắng, chưa có khu công nghiệp, người ta vẫn còn đánh xe bò đi chở củi, những con bò đủng đỉnh bước lốp cốp, nhịp bánh gỗ cọc cạch trên đường. Chủ của chúng nằm khoèo trước xe, kéo nón lá che nắng, lâu lâu nhịp roi cầm chừng. Đời sống trôi rất chậm.

Thiền viện cuối năm lại rộn ràng, tưởng như nếu không làm cho xong việc thì ăn Tết không trọn vẹn. Ban ruộng lo gặt lúa Đông Xuân, mùi rơm rạ thơm phảng phất. Ban rẫy gieo hạt cải, hạt xà lách, rau thơm để dành cuốn bánh tráng đầu năm. Ban hoa nổ máy tưới cỏ, tưới hoa, tranh thủ sớm để nhường máy lại cho các ban khác. Tia nước phun trắng một vùng sân, đều như mưa, long lanh trong nắng sớm. Và tất cả các ban cùng hát chung một điệp khúc: Mua phân bò. Quần chằm áo vá lấm lem, mặt mày ngộ nghĩnh, chuẩn bị sẵn một câu xin tiền: “Thưa Thầy, con đi mua phân bò!”. Thầy vừa mở hộp tiền, vừa cằn nhằn: “Tui chưa thấy ai đi mua phân bò về ăn Tết!” Vì sao phải mua cuối năm? Nhà nào cũng muốn dọn dẹp phân bò của mình để năm mới sạch sẽ, mấy ni cô này đến hốt dùm là tốt nhất. Có nhà bán rẻ, có nhà cho không, đó là dịp tổng kết. Chẳng thà chịu cực bây giờ, còn qua Tết mà đầu năm đi mua phân bò thì… Thông lệ này cho đến hôm nay vẫn còn, dù đời sống hiện đại đã có máy móc làm dùm, nhưng vô phân cho tốt rau cải, bồi dưỡng cho cây ăn trái thì không có máy nào làm được.

Vẫn còn một chút gì của rừng níu giữ. Hơi lạnh và sương khuya đậm đà hơn. Những chồi lan Nghinh Xuân cũng sẵn sàng cho nụ, mặc dù không tươi, không nhiều hoa bằng những năm mới khai phá. Lan rừng rất khó tánh, không phải khí hậu này, không phải thời tiết của một chút hoang sơ, chưa đậm màu khí công nghiệp, chưa có hơi thở đô thị nhộn nhịp, nó vẫn e dè lười biếng. Nếu dại dột chăm sóc bằng phân bón kỹ thuật tân tiến, sẽ thấy ngay kết quả. Tôi có một vườn mai rừng, mai năm cánh màu vàng ươm, nở tự nhiên sau một đợt lặt lá cuối năm. Thiền viện lúc đó đã thảnh thơi đón khách, chặt một vài nhánh mai già cắm vào bình, người đi lễ Phật ai nấy đếu tấm tắc khen bình mai đẹp quá. Tôi cũng hơi tham lam, đọc trong sách thấy chỉ dạy bón phân này nọ cho mai, đào nhiều hoa. Mua NPK 30-10-10 về, pha nước tưới mỗi tuần ba lần, suốt tháng 11. Sang tháng chạp, cũng lặt lá và chờ đợi, mai trổ nụ thưa thớt, chỉ ra toàn lá non. Lan Nghinh Xuân ở trong rừng, sau mùa mưa là sống tự nhiên, không cần tưới, cây khô một - hai tháng thì đến Tết ra hoa. Mình đem về chăm bón, nâng niu sáng tưới chiều thăm, nhiều nước nhiều phân đạm nên cuối tháng 11 nở hoa hết một loạt. Đại chúng đi ra đi vô phê bình “Vậy mà nói nghinh xuân, nghinh đông thì có”. Không phải lỗi tại hoa, tại người ưa chen ngang vào trật tự của thiên nhiên

Và bây giờ, chỉ còn cây đào rừng là y hẹn với Tết. Buổi sáng thấy lá rụng nhiều dưới gốc cây, nó tự động rụng vì không ai có thể lặt lá cho cây rừng. Mỗi loại cây có biểu hiện riêng, đào rừng thì phải đợi mùa khô, lạnh một chút, nắng hanh một chút. Có bao nhiêu lá rủ nhau rớt hết, cành trơ, bông nhiều chi chít, nở một hai ngày là thắm cả một góc trời. Bông rụng đầy sân, chúng là loại hoa đoàn kết tận tình, nở và rụng mau và nhiều, nhanh như gió. Sống với rừng bấy lâu, thấy mùa Xuân qua mấy độ cỏ hoa, học được bài học của tự nhiên giản dị.

Thế giới con người trải qua nhiều thay đổi. Các phương tiện khoa học kỹ thuật giúp đời sống tiện nghi, buổi sáng còn ở nhà, buổi trưa đã thấy bay lơ lững ở đâu đó. Cây cối, thú vật được ghép gen, thay đổi lạ lùng, me không còn chua, xoài cũng bị ngọt hóa, đố ai bây giờ ra chợ tìm được trái xoài tượng xanh để về làm gỏi. Nó chỉ còn ở mấy góc vườn của nhà quê. Rồi mới đây đọc báo thấy trong phòng thí nghiệm tạo được giống chuột hót như chim. Người ta còn dự trù khai thác đất trên mặt trăng, trên sao hỏa để dành bán, khi loài người cần di dân. Đi hỏi mấy cây hoa đào, hoa mai, lan Nghinh Xuân có cần thêm bớt gì không? Xuân về, Tết đến. Chúng vẫn đúng hẹn, dù ở trong rừng hay ngoài phố, vẫn tặng cho đời những nụ hoa.

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS