Saturday, January 17, 2015

Thực Tập Chánh Ngữ

Chúng ta đã học về phương pháp nghe, và đã biết rằng nghe là một phương tiện có thể tạo hạnh phúc cho mình và cho người. Nghe có thể đem lại sự chuyển hóa, thiết lập lại được sự truyền thông, và chế tác lại được sự thương yêu.

Chúng ta cũng đã bắt đầu nói về phép thực tập gọi là nói. Tại vì chúng ta biết rằng nói năng có thể đem lại hạnh phúc cho chính bản thân chúng ta và cho những người chung quanh. Chúng ta phải học hỏi và thực tập như thế nào để có thể sử dụng được công cụ đó để làm hạnh phúc. Vì mục đích của người tu là tạo hạnh phúc, và trung tâm tu học là viện bào chế hạnh phúc. Nếu chúng ta quả tình muốn học phương pháp làm hạnh phúc, thì chúng ta phải nắm cho vững pháp môn nói.
Chúng ta đã biết rằng dù có thuyết pháp, có giảng về kinh Kim Cương hay kinh Pháp Hoa, thì những lời ta nói có thể không phải là chánh ngữ, mà có thể là tà ngữ. Nếu chúng ta nói không đúng lúc, không đúng chỗ, thì có thể gây nên hiểu lầm.

Ví dụ khi đọc Tâm kinh Bát Nhã, chúng ta nghe Bồ tát Quán Thế Âm nói rằng Không có mũi, không có mắt, và không có lưỡi; không có Tứ đế, và không có Bát chánh đạo. Đó là những câu nói vô cùng nguy hiểm, và đức Bồ tát chỉ nói cho những người có khả năng tiếp nhận. Vì vậy nếu chúng ta đem Bát Nhã Tâm Kinh đọc lên và nói cho những người không có khả năng nghe và hiểu, là chúng ta đang không thực tập chánh ngữ. Trái lại chúng ta đang thực tập tà ngữ. Không phải khi nói pháp là luôn luôn mình đang thực tập chánh ngữ.

Trong truyền thống thiền môn, có một nghi thức thí thực rất hay, văn chương rất là sâu sắc. Trong Du già khoa nghi, sử dụng trong các đàn chay cúng cô hồn, người ta thỉnh 10 loại cô hồn về để nghe pháp và để tiếp nhận thực phẩm dâng cúng.

Trong 10 loại cô hồn, có vua chúa, có tướng sĩ, có học giả, có nhà văn, có người buôn bán, có người kỹ nữ v.v... Nhưng lạ thay trong 10 loại cô hồn đó cũng có những người xuất gia. Họ là những người không thành công trong đời tu của mình. Không thành công là vì trong cuộc đời của họ, họ chỉ biết đàm luận về giáo lý mà họ không biết áp dụng giáo lý đó để chuyển hóa những đau khổ của họ.

Chúng ta đã xuất gia, chúng ta đã thọ giới lớn, nhưng chúng ta có thể chỉ trở thành cô hồn mà thôi nếu chúng ta không biết thực tập, không biết chuyển hóa những khổ đau trong ta. Trong bài kệ thỉnh các loại cô hồn đã từng làm sư cô, sư chú, sư thầy, sư bác, sư ông, có câu:
Không đàm bí mật chân ngôn,
Đồ thuyết khổ không diệu kệ.

Không đàm bí mật chân ngôn, tức là những chân ngôn bí mật mà chỉ đàm luận suông, mà không thực tập. Không đàm nghĩa là chỉ học và đàm luận mà thôi.

Đồ thuyết khổ không diệu kệ, tức là chỉ nói suông (Đồ thuyết) những bài kệ mầu nhiệm về khổ và về không (Khổ không diệu kệ).

Những bài kệ đó mầu nhiệm thật, những giáo lý về khổ, về không, về vô thường, vô ngã, mầu nhiệm thật, nhưng mình chỉ đồ thuyết, tức là mình chỉ nói suông mà thôi. Cho nên những người xuất gia đó đã trở thành cô hồn.

Sau khi đọc hai câu đó thì vị pháp sư đọc thêm:
Ô hô kinh song lẩm tẩm tam kinh nguyệt,
Thiền thất hư minh bản dạ đăng.

Tức là cả cuộc đời tu hành rốt cuộc không thành công và mình trở thành cô hồn! Kinh song là cửa sổ. Lẩm tẩm tức là thấm vào một cách lạnh lùng. Ánh trăng canh ba tức là nửa đêm, canh ba là giờ Tý. Kinh song lẩm tẩm tam kinh nguyệt, tức là cửa sổ ngày xưa vị tăng sĩ đó ngồi để học kinh, ánh trăng lạnh lẽo của nửa đêm chiếu vào. Thức khuya để học kinh nhưng thất bại, tại vì học này là cái học của sự đàm thuyết.

Thiền thất hư minh bản dạ đăng, là trong thiền thất ngọn đèn nửa đêm mờ mờ ảo ảo! Rất là buồn, tại vì đó là sự thất bại của người tu, mà thất bại ở đây là vì chỉ ưa đàm luận về kinh kệ, về giáo điển mà không có khả năng đem áp dụng những kinh kệ, những giáo điển đó vào trong đời sống hàng ngày.

Vì vậy cho nên đứng về phương diện thực tập chánh ngữ chúng ta đừng học theo lề thói chỉ giảng kinh, nói pháp để chứng tỏ mình học được những tư tưởng cao siêu trong Phật giáo, và chỉ biết chia sẻ những tư tưởng đó mà không biết đem áp dụng vào đời sống hàng ngày của mình để chuyển hóa những khổ đau có sẵn. Điều này đúng với những người Phật tử. Điều này cũng đúng với những tín đồ trong các tôn giáo khác. Vì vậy mà chúng ta có một loại cô hồn gọi là cô hồn tu sĩ, cô hồn xuất gia.

Không đợi người đó qua đời thì họ mới thành cô hồn. Người đó có thể thành cô hồn ngay trong khi còn sống.

Đức Thế Tôn đã thường thực tập chánh ngữ, và có lúc ngài đã im lặng khi có người hỏi những câu có vẻ lý thuyết, vì ngài biết trong trường hợp đó, nếu trả lời thì người hỏi cũng không thâu lượm được gì. Ví như một hôm có một nhà triết học đến hỏi đức Thế Tôn về hữu và về vô, đức Thế Tôn chỉ ngồi yên lặng, không trả lời. Một lần khác, một nhà triết học khác hỏi ngài rằng có ngã hay không, đức Thế Tôn cũng chỉ im lặng. Một lát sau ông ta lại hỏi: Vậy có nghĩa là không có ngã phải không bạch đức Thế Tôn? Ngài cũng im tiếng. Tại vì đức Thế Tôn biết rằng ngôn ngữ trong trường hợp này sẽ không giúp được gì cho nhà triết học kia, cho nên ngài im lặng, và cái im lặng của ngài là im lặng sấm sét.

Nhưng học trò của đức Thế Tôn có thể không làm được như ngài. Học trò của đức Thế Tôn thì nghĩ rằng, Thế Tôn đã nói rõ ràng rằng không có ngã, thì tại sao mình lại im lặng? Mình phải trả lời là không có ngã! Cũng vì chưa hiểu, cho nên khi nhà triết học ra về, thầy A Nan mới thưa: Bạch đức Thế Tôn, tại sao Thế Tôn không trả lời ông đó? Đức Thế Tôn thường dạy chúng con là không có ngã, tại sao hôm nay đức Thế Tôn không nói điều đó?

Chúng ta thấy lúc còn trẻ, thầy A Nan có lúc cũng chưa nắm vững được giáo pháp. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng còn trẻ như thầy A Nan. Nhưng thầy A Nan đã lớn lên, đã già dặn, thì chúng ta cũng sẽ lớn lên, sẽ già dặn, và chúng ta cũng phải biết thực tập im lặng để cho chánh pháp được biểu lộ.

Nói năng đúng với chánh pháp và im lặng đúng với chánh pháp, đó là nguyên tắc của chúng ta. Khi nói thì chúng ta nói đúng với chánh pháp, nhưng khi im lặng, chúng ta cũng phải im lặng đúng với chánh pháp. Nghĩa là cái im lặng của chúng ta có thể là một bài thuyết pháp. Học im lặng là học chánh ngữ.

Trong kinh A Di Đà, chúng ta đọc thấy những câu rất hay. Bụt hỏi thầy Xá Lợi Phất có biết tại sao mà xứ đó gọi là Cực lạc, là mảnh đất của hạnh phúc không? Rồi Bụt từ từ đưa ra những lý do tại sao đất đó gọi là đất hạnh phúc. Một trong những điều mà Bụt nói là trong xứ đó có rất nhiều hàng cây rất đẹp. Mỗi khi gió thổi lao xao trong cây thì tự nhiên phát ra lời thuyết pháp. Nếu nghe cho sâu sắc thì mình nghe được giáo lý về Ngũ căn, về Ngũ lực, về Tứ đế, về Bát Chánh đạo, về Thất Bồ đề phần, về Bát thánh Đạo phần. Có khi nó phát ra tiếng nhạc, mà không có người nào đàn hết, chỉ lắng nghe tiếng gió trong cây thì tự nhiên nghe bài nhạc tấu lên!

Cũng giống như bài hát của Làng Mai mà tác giả ghi lại được từ tiếng hát của gió và của cây:
Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây,
Mỉm cười chánh niệm,
An trú hôm nay,
Bụt là lá chín, Pháp là mây bay,
Tăng thân khắp chốn,
Quê hương nơi này,

Hôm đó tác giả đi thiền hành, nghe được tiếng hát đó của lá cây, và tác giả đã ghi lại thành bài hát. Chúng ta cũng có các sư chú, sư cô còn trẻ, cũng đã đi thiền hành, và cũng đã nghe được tiếng hát của cây, của lá, và đã ghi lại thành nhạc. Vì vậy cho nên không cần phải rời khỏi nơi này, đi tới một địa phương khác, thì mới có thể nghe được tiếng hát đó trong cây. Kinh Di Đà có nói rằng không những cây hát với gió, mà cây còn thuyết pháp! Nếu nghe cho kỹ thì chúng ta nghe trong tiếng nói của cây, của gió, có giáo lý về Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ đế, Bát Chánh đạo, Thất Bồ đề phần, Bát thánh Đạo phần.

Trong Thánh kinh nói rằng, ngày xưa Mười Giới (The Ten Commandments) của Thượng đế trao truyền cho con người, ngài đã trao truyền trên đá. Hôm đó tự nhiên lửa cháy trên mặt đá, và sau khi lửa tắt thì Mười Giới được khắc xuống và hiện ra trên mặt đá. Chúng ta cũng có thể hiểu được đoạn Thánh kinh đó. Những người có chánh niệm, những người thực sự có mặt thì có thể nhìn vào đá và thấy được Mười Giới. Chúng ta nhìn trăng, nhìn sao, nhìn sông, nhìn núi cho kỹ, thì chúng ta sẽ nghe được tiếng thuyết pháp.

Sáng hôm nay tới đây, chén trà nóng, bãi cỏ xanh, bỗng dưng hiện bóng hình em ngày trước. Bàn tay gió, dáng vẫy gọi một chồi non xanh mướt, nụ hoa nào, hạt sỏi nào, ngọn lá nào cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Thành ra cực lạc là đâu? Cực lạc là đây! Nếu đi thiền hành, nếu im lặng, nếu lắng nghe, thì chúng ta hiểu được ngôn ngữ của thanh tịnh pháp thân đang có mặt và đang thuyết pháp cho chúng ta nghe trong mỗi giây, mỗi phút của sự sống.

Chúng ta cũng phải học nói theo phương pháp đó. Chúng ta phải học nói ngữ ngôn của đá. Nhìn vào cái đầu của ta, nhìn vào cái tay của ta, nhìn vào bước chân của ta, người ta thấy có 10 giới ở trong đó. Điều đó có được! Tại vì một sư chú, một sư cô sống đúng theo mười giới, hành động nào cũng tỏa chiếu mười giới của mình, thì tự nhiên nhìn vào và nhìn cho kỹ, người ta sẽ thấy 10 giới hiển hiện trên người của sư cô, của sư chú.

Cách đây mấy tháng, tôi có nhận được bài thơ của một sư cô mới thọ giới. Bài thơ có tựa đề là Ca tụng Mười Giới. Sư cô vừa thọ giới chừng mấy tháng, và sư cô rất sung sướng chấp hành 10 giới đó, coi như là lý tưởng của đời mình. Nhận được bài thơ đó, tôi rất hạnh phúc. Tại vì chính những giới đó làm đẹp cuộc đời của mình, và nếu mình quả thực sống đúng theo 10 giới đó thì mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi bước chân của mình, đều biểu hiện ra 10 giớiù, và chúng ta có thể đọc được mười giới nơi sư chú, nơi sư cô mà không cần sư chú hay sư cô phải đăng đàn thuyết pháp.

CHẾ TÁC HẠNH PHÚC BẰNG ĐIỆN THOẠI

Ở Làng Mai chúng ta đã được học Thiền điện thoại. Thiền điện thoại là gì? Thiền điện thoại là một phương pháp tạo hạnh phúc. Nhiều khi chúng ta trả hóa đơn điện thoại rất nặng. Chúng ta nói điện thoại rất nhiều, nhưng hạnh phúc mà chúng ta chế tác để trao truyền cho người khác không được bao nhiêu. Đó là tại chúng ta ngồi lê đôi mách. Chúng ta nói chuyện này, nói chuyện kia, nói chuyện thị phi một cách vô bổ, và người được lợi duy nhất là nhà dây thép. Trong khi đó chúng ta biết rất rõ rằng chỉ cần nói một hoặc hai câu là có thể làm cho một người lên tinh thần, có hạnh phúc. Nếu thực tập được pháp môn thiền điện thoại thì không những ta có thể tạo hạnh phúc cho nhiều người, mà chúng ta còn không phải trả tiền điện thoại nhiều quá. Chỉ cần nhớ rằng mỗi câu nói của chúng ta là châu ngọc, là gấm thêu, như trong bài kệ để thực tập thiền điện thoại:
Tiếng đi ngoài ngàn dặm,
Xây dựng niềm tin yêu,
Mỗi lời là châu ngọc,
Mỗi lời là gấm thêu.

Một hôm nào đó quý vị hãy thực tập bằng cách nhìn cái điện thoại mà mỉm cười và thở: A điện thoại! Em là một phương tiện để ta tạo hạnh phúc.

Trong bài Quy Nguyện có câu: "Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ". Chúng ta có thể sử dụng điện thoại để thực tập hạnh nguyện này được. Muốn thực tập thì ta dùng điện thoại buổi sáng một lần, và buổi chiều một lần. Buổi sáng nói một câu để dâng cho người niềm vui, buổi chiều nói một câu để làm cho người bớt khổ. Mỗi lần nói chỉ cần một hay hai phút. Nhiều lắm là năm phút điện thoại. Nếu tôi không đi tu mà tôi làm giám đốc nha bưu điện thì tôi sẽ quảng cáo rằng: Dùng điện thoại, quý vị có thể làm hạnh phúc cho rất nhiều người. Trước khi gọi quý vị nên thở cho đàng hoàng!

Trước khi gọi, ta phải có chủ đích: Lần gọi này là để làm hạnh phúc! Mình phải có tinh thần rất vững mới làm được, nếu không, mình sẽ bị kéo theo câu chuyện, và chúng ta sẽ chết chìm theo người kia. Ban đầu chúng ta có ý muốn cứu độ một linh hồn đang khắc khoải, ai dè khi bắt đầu câu chuyện thì chúng ta bị cái linh hồn đó kéo theo, và hai linh hồn cùng chìm đắm trong sông mê bể khổ. Chuyện chìm đắm đâu phải là chuyện xa lạ, chỉ cần nhắc điện thoại lên là chúng ta dìu nhau vào biển khổ, vào hỏa ngục, mà còn phải trả tiền nữa!

Cho nên nếu quý vị muốn làm thiền điện thoại thì phải sắp đặt trước, phải thiết kế đàng hoàng, nguyện rằng mỗi ngày ta cương quyết sẽ làm cho hai người bớt khổ, và hai người có hạnh phúc. Ngày mai ta sẽ làm cho hai người này có hạnh phúc, mình phải chọn hai người nằm trong cái waiting list của ngày mai. Khi nói với người đó, ta phải nói những câu nào để có tác dụng làm vơi bớt nỗi khổ trong người đó, và làm cho người đó có niềm tin nơi tự thân người đó. Ta phải có một cuốn tập ghi chép công phu của ta, gọi là "Sổ công phu".

Trước đây ở Làng Mai, mỗi thiền sinh về làng đều được phát một cuốn sổ công phu, mỗi ngày làm gì đều phải ghi vào đó hết. Nếu các sư cô, sư chú thấy truyền thống này đẹp, thì có thể thiết lập lại. Mỗi người được phát một sổ công phu, và mỗi đêm, trước khi đi ngủ, mình nghĩ rằng sáng mai mình sẽ thực tập những điều nào trong giờ ngồi thiền buổi sáng, điều nào trong giờ ăn sáng v.v..., đều phải ghi hết vào "To do list" đó. Mình phải tính trước thì mới được.

Có thể vào phút chót ta thay đổi đề tài, tại vì đêm qua ta có một giấc mộng và ta muốn quán chiếu, thì ta có thể thay đổi, nhưng tốt hơn hết là chúng ta phải thiết kế chương trình thực tập của chúng ta trước khi đi ngủ. Cũng như có người đã làm, họ nói ngày mai đến phiên mình nấu cơm, thế nào mình cũng phải có giá, có đậu hũ v.v... Quý vị cũng có thiết kế phải không? Vậy thì tại sao ngồi thiền mình lại không làm như vậy? Tại sao công phu hàng ngày mình không làm như vậy? Ngồi thiền cũng quan trọng bằng nấu cơm. Nấu cơm cũng là thiền tập, mà ngồi thiền cũng là thiền tập, tại sao mình lại cho chuyện nấu cơm nhiều sự chuẩn bị hơn?

Cho nên tôi đề nghị mỗi chúng ta nên có một cuốn tập công phu. Công phu phải hiểu theo nghĩa của đạo Bụt chứ không phải cái nghĩa của đấm đá đâu. Chúng ta công phu 24 giờ mỗi ngày, chứ không phải chỉ công phu khi tụng kinh sáng hay tụng kinh chiều. Ngồi thiền cũng công phu, đi thiền hành cũng công phu, ăn cơm cũng công phu, và nói điện thoại cũng là công phu.

Chúng ta không đến nỗi quá nghèo để mỗi ngày không nói được hai lần điện thoại. Một vào buổi sáng để dâng niềm vui cho một người, và một vào buổi chiều để làm cho một người bớt khổ.

Nếu đối tượng thực tập của chúng ta là người sống ngay trong xóm, thì chúng ta đâu cần điện thoại? Chúng ta đến với người đó, ngồi xuống cho tươi mát, tìm lúc thuận tiện và nói với người đó một vài câu để người đó bớt khổ, để người đó có hạnh phúc, đó là thực tập tạo hạnh phúc. Không thực tập được ở đây thì làm sao sau này chúng ta thực tập được ở nơi khác? Với sư anh, với sư chị, với sư em của chúng ta mà chúng ta không thực tập được thì chúng ta thực tập được với ai!

Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ, ta có thể thực tập điều đó bằng phương pháp nghe và bằng phương pháp nói. Chúng ta nên biết rằng khi làm hạnh phúc được cho một người, thì không phải người đó là người duy nhất có hạnh phúc. Hạnh phúc nó trở về với ta. Khi làm cho một người nở nụ cười, thì trong mình cũng có một đóa hoa nở ra. Chúng ta hà tiện làm gì? Chúng ta tưởng nói câu đó thì chúng ta mất mát! Không, nói câu đó thì chúng ta sẽ giàu có hơn lên. Khi nói được một câu điện thoại hay nói được một lời ái ngữ với người đang sống với ta, là chúng ta đang thực tập công phu, chúng ta đang nuôi dưỡng tâm từ bi. Một câu nói đủ để làm nở hoa nơi người kia, thì khi hoa nở, trong lòng chúng ta cũng có một đóa hoa nở ra. Một mũi tên cứu được hai con chim! Ngoài đời họ nói một mũi tên bắn được hai con chim, nhưng mình nói ngược lại. Tại vì mình không nhắm hai con chim mà mình nhắm cành cây để cho hai con chim bay đi, khỏi bị người khác bắn.

Vậy thì tối nay trước khi đi ngủ, ta nói ngày mai ta quyết làm cho ít nhất là hai người có hạnh phúc. Đừng có ôm đồm, đừng nói tôi phải độ hết tất cả chúng sanh, hơi ham hố! Mình nói mình chỉ làm hạnh phúc cho hai người thôi. Tới 12 giờ trưa mà chưa làm thì mình phải chuẩn bị để buổi chiều mình có thể hoàn thành nhiệm vụ.

CHẾ TÁC HẠNH PHÚC BẰNG CÁCH VIẾT THƯ

Viết thư cũng thuộc về chánh ngữ. Chúng ta có thể làm hạnh phúc bằng cách viết thư. Chúng ta không cần phải viết những bức thư tràng giang đại hải. Đôi khi bức thư chỉ hai ba câu thôi cũng đủ làm hạnh phúc cho người đọc. Nhiều khi hoàn cảnh không thuận lợi, ta nói với người đó chưa được, ta có cảm tưởng là viết một lá thư thì người đó sẽ có không gian, có thời gian để đọc kỹ hơn. Vì vậy, thay vì nói trực tiếp với người đó, ta có thể viết xuống trên lá thư những câu nói đó.

Viết thư cũng là một pháp thực tập và trong khi viết thư, ta có thể cân nhắc được từng chữ. Nhiều khi tôi dạy học trò của tôi không bằng những câu nói trực tiếp, mà bằng một lá thư. Lá thư ba câu, hai câu hay bốn câu. Tại vì trong trường hợp đó tôi nghĩ rằng học trò của tôi sẽ tiếp nhận và quán chiếu một cách sâu sắc hơn. Khi đọc qua điều đó một lần rồi, thì người học trò có thể đem ra để đọc thêm một lần thứ hai nữa.

Viết thư cũng là công phu. Chúng ta có cây bút, chúng ta có tờ giấy, chúng ta biết chữ, tại sao chúng ta không sử dụng phương pháp đó để tạo hạnh phúc. Tại sao ta không nói rằng mỗi ngày ta có thể viết được một lá thư.  Thư đó có thể không cần tem, vì người kia sống rất gần ta. Thư đó không cần dài, chỉ cần vài ba câu, tại vì chánh ngữ được làm bằng chánh kiến, và chánh tư duy. Trong khi chúng ta viết hai câu trong lá thư đó, thì chánh kiến và chánh tư duy đang hoạt động. Chúng ta phải đem hết 100% thân tâm của chúng ta để ngồi đó, lấy hết vốn liếng chánh kiến và chánh tư duy gom lại để viết vài câu. Chúng ta biết rằng khi đọc hai hay ba câu này thì người kia sẽ chuyển hóa, người kia sẽ có hạnh phúc. Vì vậy ở Làng Mai chúng ta có pháp môn gọi là tưới hoa.

CHẾ TÁC HẠNH PHÚC BẰNG CÁCH TƯỚI HOA

Tưới hoa là một pháp môn rất vi diệu và cũng cần phải có chánh kiến và chánh tư duy mới làm được. Trong người kia có những hạt giống của hạnh phúc, của hiểu biết, của thương yêu. Nhưng nếu người kia không tỏ ra có hạnh phúc, có hiểu biết, và có thương yêu, là tại các hạt giống đó chưa được ai tưới tẩm. Cha mẹ chưa tưới tẩm, bạn bè chưa tưới tẩm. Ta là người học thương, là người học hạnh phúc, thành ra ta phải sử dụng chánh kiến và chánh tư duy để có thể nhận diện được những hạt giống hạnh phúc trong con người đó. Khi nhận diện được rồi thì ta biết làm thế nào để đánh động tới những hạt giống đó. Không có chánh kiến và chánh tư duy, ta không tưới hoa được! Nghĩa là ta không sử dụng được chánh ngữ. Người đó đang khổ, mình tiếc gì mà mình không tưới những hạt giống tốt đẹp của người đó? Khi mình tưới đúng rồi, và nó nở ra hoa rồi, thì mình là người sẽ được đền bù! Người kia đã nở ra được nụ cười, con mắt người kia sáng ra thì ai hưởng? Mình đã hưởng rồi, và tất cả thế gian này đều được hưởng. Phương pháp tưới hoa rất là hay.

Nếu không có chánh niệm, nếu không quán chiếu, nếu sống bừa bãi, thì trong đời sống hàng ngày, chúng ta cứ tưới rác của người đó, tức là chúng ta cứ tưới những hạt giống khổ đau, hạt giống giận hờn, hạt giống ganh tị của người đó, thì tội nghiệp cho người đó, mà cũng tội nghiệp cho ta. Cho nên phương pháp của chúng ta là tưới tẩm có chánh niệm, tưới có phân biệt, selective watering! Chúng ta chỉ tưới những hạt giống tích cực, hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu, mà không tưới những hạt giống nghi ngờ, kỳ thị và buồn chán, giận hờn nơi người kia.

Trong cuốn sổ công phu, chúng ta phải có chiến lược. Đối với người này thì chúng ta phải tưới những hạt giống này. Đối với người kia, chúng ta phải tưới những hạt giống kia. Quý vị là những người để hết cuộc đời mình vào để tự rèn luyện, biến mình thành một người có thể làm hạnh phúc cho đời. quý vị phải để tâm lực và thời gian của mình để làm chuyện đó. Đừng để trôi như lục bình riu ríu ở trên sông. Nước chảy tới đâu thì nó kéo mình theo tới đó. Phải có một cuốn sổ công phu, phải biết mình muốn làm gì, và mình sẽ làm gì trong ngày mai, ngày mốt. Mình phải có chương trình dài hạn, mình cũng phải có chương trình ngắn hạn.

Ở ngoài đời họ thường dùng chữ Văn dĩ tải đạo, nghĩa là văn chương có công dụng chuyên chở đạo đức. Những lá thư của chúng ta, tuy chỉ một hai câu nhưng đó là văn chương, lời nói của chúng ta tuy là một hai câu, nhưng đó cũng là văn chương. Văn chương đó phải chuyên chở đạo lý.

Có hai thứ đạo lý, một thứ là đạo lý lý thuyết. Chúng ta có thể viết một bài nói về Bát chánh đạo, về Tứ đế. Chúng ta nghiên cứu năm này sang năm khác. Chúng ta viết được một bài rất công phu. Văn đó cũng là tải đạo, cũng chuyên chở đạo đức, nhưng đạo đức đó là đạo đức khô, không phải là sự sống đạo đức. Ai trong chúng ta mà không thuyết pháp được? Ai trong chúng ta mà không viết được những bài về giáo lý? Nhưng có những bài viết về giáo lý nó phát xuất từ kinh nghiệm tu tập, từ sự thương yêu, và lòng từ bi của chúng ta. Mỗi chữ, mỗi dòng nó thoát ra tình thương yêu đó, kinh nghiệm quý báu đó. Đó mới là đạo lý đích thực.

Còn có người nói đạo rất hay, rất đúng với sách vở, nhưng nếu mình đem bài của họ mà so với cuộc đời của họ, thì mình thấy hai cái không dính líu gì tới nhau hết. Tải đạo hay không tải đạo nó cũng không khác gì bao nhiêu.

Chánh ngữ không chỉ có nghĩa là nói những lời dịu ngọt, êm tai. Chánh ngữ nhiều khi có thể là những tiếng sấm sét để có thể giúp người kia tỉnh dậy, có thể làm cho người kia đau đớn và trong cơn đau đó người kia có một cơ hội để thoát khỏi xác phàm của mình. Phải có những cái electric shocks, những điện chấn, để giúp người kia bừng tỉnh dậy. Vì vậy mà thiền sư nhiều khi đã dùng những chiếc búa ngôn ngữ rất là ghê gớm. Mới đầu thì tưởng những lời này rất là ác độc, rất là dữ dằn, nhưng kỳ thực thì vị thiền sư kia đã chiêm nghiệm lâu ngày, đã thấy rằng nếu không có một cái búa rất bén, giáng xuống rất mạnh thì người học trò của mình sẽ không thể nào chuyển hóa được, không đập vỡ được cái vỏ cứng nó giam hãm người đệ tử mình trong bao nhiêu năm nay.

Để vỏ cứng của hồn em trong hỗn độn nhiệm mầu, sẽ vỡ toang, tràn trề ánh sáng. Đó là một câu trong bài thơ: Tôi sẽ xin rằng tất cả[1].

Chúng ta biết rằng có những chất hóa học, khi tiếp xúc với nhau trong một ống nghiệm, thì chúng có thể tạo ra một phản ứng, và hai chất đó biến thể để tạo thành một chất mới. Nhiều khi đã có đủ hai chất đó, nhưng phản ứng hóa học vẫn không xảy ra, chúng ta cần cho thêm một chất xúc tác, một tia điện. Tia điện đó có thể làm cho phản ứng hóa học xảy ra. Cũng vậy, có thể trong người đệ tử đã có đủ yếu tố để chuyển hóa, nhưng nó cần có một tia điện. Vị thiền sư đã nhận thức điều đó, cho nên sáng hôm đó đã giáng xuống một tia điện để cho hai chất chống báng nhau có thể biến chất và tạo thành một sự dung hợp, làm cho cả hai chất đều trở nên có ích cho người đệ tử.

Vấn đề không phải là thay chất này bằng một chất khác, mà làm cho hai chất dung hợp nhau và biến rác thành hoa. Nếu liệng rác đi thì chúng ta sẽ không có hoa. Do đó cho nên cái giận, cái buồn, cái tuyệt vọng, cái tham đắm cũng là chất liệu để tạo thành bồ đề, tại vì trong truyền thống của chúng ta, chúng ta thường nghe nói Phiền não tức bồ đề. Không cần phải liệng rác đi, chúng ta giữ rác đó lại, và với một ngón đòn tuyệt diệu chúng ta biến rác thành hoa. Cho nên chánh ngữ nhiều khi không ngọt dịu, chánh ngữ nhiều khi rất cay, rất đắng. Nhưng phân chất cay, phân chất đắng đó thì ta thấy có chất ngọt, có tình thương và có trí tuệ.

Những người học trò của tôi, đã từng được tôi dạy, chắc cũng đã thấy được điều đó. Nhiều khi tôi rất dịu ngọt, nhưng nhiều khi tôi rất cứng rắn. Cái cứng rắn đó luôn luôn đi theo sự dịu ngọt. Trong bất cứ câu nói nào của tôi, dù là ngọt ngào cách mấy, nó cũng có một lập trường rất vững, và nhiều khi những tia điện đó đã giúp chuyển hóa cho người đệ tử.

Bề ngoài thì thấy tôi chưa bao giờ dùng gậy, vì trong truyền thống của thiền Trung quốc, nhiều khi thiền sư đã dùng tiếng hét và cây gậy:

Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét,

Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con.

Đó là hai câu ca ngợi thiền sư Lâm Tế, tổ của chúng ta.

Đến đây, quý vị thấy thầy Làng Mai không hét ra lửa và cũng không dùng cây gậy. Nhưng như vậy không có nghĩa là tia điện kia, những phương pháp mạnh kia không được sử dụng. Các sư cô, sư chú cũng đều đã biết. Người nào cũng đã từng lãnh cái ngọt và cái đắng, thuốc đắng rã tật. Bất cứ "Nghiêm" nào, bất cứ "Pháp" nào cũng đều đã thấy được điều đó. Có khi tôi viết ba dòng rất mạnh, đi rất thẳng, nhưng bên dưới tôi viết thêm một chữ "thương" rồi ký tên, để cho người đệ tử thấy rằng những lời nói của tôi, những cái búa của tôi giáng xuống, là tình thương chứ không phải là sự ghét bỏ.

Đó là sự thực tập của tôi, đó là phương cách sử dụng chánh ngữ của tôi trong việc hướng dẫn quý vị.

Tôi nhớ trong Đại giới đàn vừa qua, trong bài pháp thoại của thầy Nhuận Hải, nói trong lễ truyền đăng, thầy cũng có nhận xét như vậy: "Thầy đã dùng những phương pháp rất ngọt ngào, nhưng có khi thầy đã dùng những chiếc gậy làm cho con đau đớn". Giữa thầy trò có những liên hệ rất đặc biệt. Giữa hai người thôi, nó có một liên hệ rất đặc biệt, và trong cái liên hệ đó hai thầy trò hiểu nhau, thấy được nhau. Trò biết cần làm gì để giữ cho sự truyền thông tồn tại, mà thầy cũng biết phải làm sao để giúp cho trò lớn lên. Đó là cả một quá trình lớn lên. Vì vậy mà mỗi cái gì mình thấy, mỗi tiếng gì mình nghe, mình nói, đều phải nằm trong công phu thực tập cả. Vì vậy mà chánh ngữ và đế thính phải được làm bằng chất liệu của chánh niệm, của chánh kiến, và chánh tư duy. Chúng ta phải cân nhắc từng chữ và từng câu. Tại vì ngôn ngữ của chúng ta là một khí cụ vô cùng mãnh liệt, nó có thể có tác dụng rất lớn trong công việc gây hạnh phúc cho ta và cho người. Nó cũng có tác dụng phá hoại tất cả những hạnh phúc mà lẽ ra mình được hưởng. Không hưởng mà lại phá đổ hạnh phúc của mình và của tăng thân, là tại mình không biết làm vua trong lĩnh vực nói năng.

Trong Đại Trí Độ Luận của thầy Long Thọ, có một định nghĩa về chánh ngữ. Thầy nói rằng: "Chánh ngữ là biết được chân tánh của ngôn ngữ". Biết được chân tướng tức là biết được cái thể của nó, cái tướng của nó, và cái dụng của nó.

Ngoài đời có một khoa gọi là Bác ngữ học, tiếng Anh là Philology. Nhưng không phải mình học khoa Bác ngữ học, trở nên một nhà Bác ngữ học là mình biết được chân tướng của ngôn ngữ đâu. Mình phải tu, phải tu chánh kiến, chánh tư duy thì mình mới biết được chân tướng của ngôn ngữ.

CÁC YẾU TỐ CỦA LỜI NÓI

Một lời nói có ba yếu tố. Đầu tiên là thể. Thể của lời nói là nội dung, là bản chất của ngôn ngữ đó. Bản chất đó làm bằng sự ganh ghét, hay bằng tình thương vướng mắc là còn tùy. Ví dụ ta nói rằng I love you. Thì đây là cái tướng của ngôn ngữ mà thôi. Chúng ta không thể căn cứ trên cái tướng của ngôn ngữ để đoán định được cái bản chất của ngôn ngữ. Tại vì chữ "Tôi yêu anh" có thể làm bằng chất liệu của bạo động. Ví dụ một tên hải tặc tóm được một cô gái, nó muốn ngủ với cô gái đó, và nó dùng ba chữ này. Nhưng chúng ta biết bản chất của ba chữ đó từ tên hải tặc là bạo động, là thèm khát. Khi người thiếu nữ kia nghe ba chữ đó thì run rẩy, hãi hùng!

Ba chữ đó đáng lý phải làm cho trái tim mình êm dịu, rung động, có hạnh phúc. Nhưng có khi nghe ba tiếng đó, chúng ta có thể run sợ. Vậy thì khi mình nói "Tôi thương anh", hay "tôi thương chị", hay "tôi thương em", thì ba tiếng đó chỉ là cái tướng mà thôi. Phải nhìn sâu để thấy bản chất của nó. Đó có phải là sự thèm khát không, đó có phải là sự vướng mắc hay không. Hay đó là tâm từ bi, là thương xót phát hiện thành lời nói.

Nếu có chánh niệm, chúng ta có thể thấy được cái tánh của một lời nói. Nhờ có chánh kiến (True insight), và chánh tư duy (True thinking, Right thinking) mà mình có thể tìm ra được, khám phá ra được bản chất của lời nói đó, nó phát xuất từ thương yêu hay từ sự giận hờn.

Khi thầy nói một câu, dạy một câu, mình có thể tưởng câu đó là câu thầy la rầy, trách móc mình. Nhưng cũng có thể lời đó phát xuất từ trí tuệ, và tình thương của thầy. Không hẳn phải dịu dàng thì nó mới là thương yêu. Nhiều khi rất mạnh, rất cứng, làm cho mình khóc, nhưng đó vẫn là lời nói của thương yêu, của từ bi. Cho nên là học trò, mình phải cẩn thận. Lời của thầy nói, mình có thể hiểu đó là một sự giận dữ, một sự trách móc, hay một sự coi thường mình. Nhưng với chánh kiến và chánh tư duy, mình có thể khám phá ra rằng nếu không thương thì thầy đã không nói câu đó.

Yếu tố thứ hai của lời nói là tướng. Tướng là hình thức của ngôn ngữ. Nhiều khi chúng ta có tình thương, có từ bi, nhưng ta vụng về khi nói. Ta không có nghệ thuật diễn tả, vì vậy tình thương đó không được tiếp nhận một cách dễ dàng. Biết bao nhiêu người cha, người mẹ thương con, nhưng không diễn tả được tình thương đó, và người con cứ nghĩ rằng cha mình ghét mình, mẹ mình bỏ mình. Rất tội nghiệp cho họ. Vì vậy tu tập chánh ngữ, ta phải học nghệ thuật diễn tả, ta phải biết nói, ta phải biết viết. Cho nên trong làng có người nào viết văn hay, hoặc nói hay thì cũng nên mở những lớp để các em mình học mà có thể diễn tả bằng ngòi bút, bằng lời nói. Đó cũng là công phu tu tập. Mình có chất liệu của từ bi, của sự xót thương, nhưng mình phải có hình thức của ngôn ngữ, để nó có khả năng chuyên chở được các chất liệu thương yêu đó.

Yếu tố thứ ba của lời nói là dụng. Sau khi biết rằng ngôn ngữ của mình có bản chất tốt, tích cực, thành thật rồi, sau khi nghĩ rằng hình thái của câu nói, hay là câu văn của mình tạm khéo léo rồi, thì cũng chưa đủ. Mình phải coi hiệu năng của nó. Tại vì trong quá khứ mình đã có kinh nghiệm. Nhiều khi câu nói đó, đối với người đó thì có hiệu quả rất tốt. Nhưng đem áp dụng cho người kia thì thất bại! Vì vậy cho nên không phải hễ ta có tâm đó, và nói câu đó là thành công đâu. Có người nghe nói rằng "không có lỗ mũi" thì hiểu được và rất sung sướng! Còn có người khi nghe câu "Anh không có lỗ mũi" thì người đó có thể nổi tam bành lên, rồi nghỉ chơi với mình luôn! Mình không thể trao truyền giáo pháp cho người đó bằng cách này.

CÁCH HỌC KINH ĐIỂN

Đức Thế Tôn, và các vị Bồ tát lớn, có rất nhiều kinh nghiệm về điều này. Một điều ít người nói tới, mà tôi xin quý vị đặc biệt để ý, là khi học kinh, thì phải biết nghe lời đức Thế Tôn với sự thông minh của mình. Phải biết rằng đức Thế Tôn đang nói cho ai nghe, và cách đức Thế Tôn nói. Người nghe và cách nói là hai điều rất quan trọng. Tại vì khi người nghe là A thì mình phải nói theo cách A, thì người nghe mới tiếp nhận được. Ví dụ khi mình viết truyện Quan Âm Thị Kính. Nếu viết truyện đó cho thiếu nhi, mình phải viết một cách khác. Nếu viết cho người lớn thì mình phải viết một cách khác. Chứ không thể nào đem chuyện của người lớn mà cho các em bé đọc được. Khi quý vị giảng giải về Tứ Diệu Đế cho các em bé, thì quý vị phải dùng thứ ngôn ngữ, dùng phương pháp nói, thế nào cho các bé có thể hiểu được, chứ không thể dùng phương pháp mà quý vị đã sử dụng cho người lớn. Cũng như thuốc Aspérine. Đối với con nít mà quý vị cho Aspérine của người lớn thì không được, cho nên mình phải có Aspérine bọc đường cho con nít.

Vì vậy khi đọc một kinh, chúng ta phải biết rằng Bụt đang nói cho ai nghe, thì chúng ta mới hy vọng hiểu được lời Bụt nói. Kinh đó Bụt đã không nói cho tất cả mọi người, trong tất cả mọi hoàn cảnh. Vì vậy bắt đầu mỗi kinh ta thường thấy câu giới thiệu: Hồi đó Bụt ở đâu, có mặt trong buổi pháp thoại là những ai, và ai đã hỏi câu gì v.v... Rất là khoa học. Tất cả những chi tiết đó ở trong kinh chứng tỏ rằng người truyền tụng lại kinh là những người có óc khoa học. Chúng ta may mắn học được điều đó, cho nên trong các buổi pháp thoại, tôi luôn luôn nói về ngày tháng, nơi chốn nói pháp thoại, và trong khóa tu nào. Đáng lý ra, tôi phải kể tên các vị có mặt trong hội chúng, nhưng như vậy thì nhiều giờ quá, cho nên tôi chỉ nói về tên khóa tu mà thôi.

Về cách nói, nhiều khi nội dung của lời nói không quan trọng bằng cách nói. Chúng ta phải học cách nói của Bụt. Đối với người đó thì Bụt nói cách đó, nhưng đối với người kia thì Bụt nói cách khác. Đối với người này thì Bụt dùng ngôn ngữ, đối với người kia thì Bụt im lặng.

Chúng ta thấy rất rõ là có nhiều học giả họ rất thông hiểu kinh Vệ Đà, họ có đầy chữ nghĩa, đầy giáo điển Vệ Đà. Nhưng khi họ đến với Bụt, thì Bụt lại nói kinh Vệ Đà với họ. Khi Bụt gặp mấy anh em của thầy Ca Diếp, tức là những người thờ Thần Lửa, thì Bụt nói về lửa, và về nước. Lửa đi lên, nước đi xuống.

Sau khi Bụt thu nhận gần một ngàn vị đệ tử xuất gia ở vùng miền Nam sông Hằng, gần Bồ Đề đạo tràng, thì Bụt đã nói một bài pháp rất nổi tiếng tại Núi Tượng Đầu. Họ là học trò của ba anh em Ca Diếp. Bụt độ được ba anh em ông Ca Diếp cho nên tất cả đệ tử của họ đều theo Bụt để làm khất sĩ. Tự nhiên sinh ra một ngàn người con, bằng 10 lần bà Âu Cơ! Quý vị biết đó, một trăm đệ tử mà mình đã mệt ứ hơi, còn đức Thế Tôn đột nhiên có một ngàn đệ tử! Mà lúc đó chưa có thầy Xá Lợi Phất, cũng chưa có thầy Mục Kiền Liên, Bụt không có ai phụ tá để chăm sóc một ngàn đứa con mới, cho nên tôi thấy rất tội cho đức Thế Tôn.

Hôm đó ngài dẫn hết cả tăng đoàn một ngàn người lên ngọn núi gần đó, gọi là núi Tượng Đầu, rồi ngài nói một bài pháp thoạiù rất nổi tiếng, đó là Kinh Lửa. Bụt nói tất cả đang bốc cháy! Mắt đang bốc cháy, tai đang bốc cháy. Tại sao Bụt nói về Kinh Lửa? Tại vì tất cả đệ tử mới của ngài, trước đó đã theo đạo thờ Thần Lửa.

Nhưng nếu Bụt tới Paris năm 1996, thì Bụt đâu có nói về kinh Lửa! Có lẽ ngài sẽ nói về kinh Đình Công, kinh Xe Điện Hầm, hay là kinh Bom Nổ mà thôi. Tại sao vậy? Tại vì nói tức là nói cho ai nghe. Tùy theo căn cơ của những người đó mà Bụt chọn đề tài, và chọn phương pháp nói.

Khi đặt được lời của Bụt vào trong hoàn cảnh lúc Bụt nói, thì mình mới bắt đầu hiểu được Bụt. Hiểu được rằng câu tuyên bố đó của Bụt là không phải cho mọi người! Chỉ cho người đó thôi. Vì vậy nếu mình không hiểu được tâm của người đó thì mình không hiểu được lời nói của Bụt.

Ví dụ Bụt dạy La Hầu La thì mình phải biết rằng Bụt đang dạy La Hầu La. Chúng ta thấy có nhiều khi Bụt rầy La Hầu La khá mạnh, nhưng nếu là một người khác, chắc Bụt không rầy mạnh như vậy. Sở dĩ Bụt rầy mạnh như vậy là vì La Hầu La có một liên hệ huyết thống với ngài. Và mình bắt đầu hiểu! Cho nên lời kinh mình chỉ có thể hiểu được khi mình biết Bụt đang nói với ai, tâm tư của họ như thế nào, hoàn cảnh khổ đau của họ như thế nào, và Bụt đã dùng phương tiện khéo léo nào để khai thị cho họ, thì lúc đó mình mới bắt đầu tiếp nhận được lời của Bụt nói vào trong tâm của chính mình. Cũng như thiền sư Triều Châu nói với vị đệ tử: "Hãy nhìn cây tùng trước sân, đừng hỏi lôi thôi", thì câu nói đó thiền sư chỉ nói với vị đệ tử kia thôi. Vậy mà tại sao có người ở cách đó cả mấy ngàn cây số, cũng cho câu đó là của mình! Vì vậy khi ông tới chùa, thì vị cao đệ của thiền sư Triều Châu mới từ bi nói cho ông biết rằng cây tùng đó không phải để cho ông, không có cây tùng!

Đó là một ví dụ về việc "không biết hoàn cảnh trong đó người nói và người nghe như thế nào, thì mình không thể hiểu được câu nói đó". Đây là một phương pháp học kinh rất hay, rất thông minh và rất khoa học. Nếu đọc kinh mà quý vị theo phương pháp này thì quý vị sẽ có những khám phá rất mới lạ. Đừng bao giờ tiếp nhận một câu kinh, xem như là Bụt nói với tất cả mọi người. Một câu kinh, thường thì Bụt chỉ nói với một người nào đó, hoặc với một nhóm người nào đó thôi. Chỉ khi nào mình biết được hoàn cảnh và phương pháp của Bụt rồi, lúc đó mình mới hiểu được câu nói đó.

Chúng ta biết rằng có nhiều điều ở Làng Mai dạy và học, thì ở những đạo tràng khác họ cũng dạy, và cũng học. Nhưng cách chúng ta nghe nó khác, cách chúng ta dạy nó khác. Nếu đến đây để học, thì không phải để học nội dung của cái đó, mà nên học cách chúng ta dạy và cách chúng ta học về cái đó.

Trong các vị có mặt ở đây, ai cũng có những hạt giống của thương yêu, của tha thứ, của hạnh phúc. Cho nên khi nói pháp thoại, tôi nói với tư cách của một nghệ sĩ. Nói làm thế nào để những hạt giống của xót thương, của hạnh phúc, của tha thứ ở trong quý vị được tưới tẩm. Đó là nghệ thuật của tôi. Quý vị đến đây không phải để học rằng từ bi là rất quan trọng, mình cần phải từ bi. Hạnh phúc là cần cho tất cả mọi người, vì vậy cho nên chúng ta phải làm hạnh phúc cho nhau. Không! Mình không nghe những cái đó, tại vì cái đó ở đâu người ta cũng nói cả.
Phương cách của mình tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp cho nhau, cái đó mới là cái đáng học
Theo Làng Mai

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS