Thursday, March 5, 2015

Hương Thiền

Thuần Bạch

Đối với cái giá lạnh cằn cỗi của mùa đông, và để nhuận sắc thêm cho mùa thu buồn man mác, và cũng như tưới mát mùa hạ say bỏng; vũ trụ và nhân gian đã cung hiến cho chúng ta mùa xuân tin yêu và nồng ấm. Vậy thử hỏi thiền sư có còn bị chi phối bởi quy luật muôn đời: xuân - hạ - thu - đông ở cõi Ta-bà dục giới này hay không? Hoặc các ngài đã vượt thoát đến một giới xứ phi tình vô cảm nào khác?

        Nâng tách trà đón giao thừa, chúng ta đi vào thiền giới thi ca.

        "Nhân sanh nhược đắc như vân thủy
        Thiết thọ khai hoa biến giới xuân"
        (Người đời nếu được như mây nước
        Cây sắt trổ hoa khắp chốn xuân)

        hoặc:

        "Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
        Đêm qua sân trước một cành mai"
        TS Vạn Hạnh
           (Nhất Chi Mai)

        Mùa Xuân như trên có phải đợi đến tàn đông, chờ hết một vòng quay của quả đất quanh mặt trời mới ló dạng? Và nếu không cần chờ đợi thì ta có còn nuối tiếc hay trông ngóng gì nữa không? Hay ngược lại, phải như thiếu nữ bên bàn thêu vào tiết đầu năm, theo lời bộc lộ của một thiền sư đời Trần, ngài Huyền Quang:

        "Nhị bát giai nhân thích tú trì
        Tử Kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
        Khả liên vô hạn thương xuân ý
        Tận tại đình châm bất ngữ thì"

        (Người đẹp đôi tám chậm tay thêu thùa
        Dưới hoa Tử Kinh, chim hoàng oanh líu lo
        Đáng yêu vô cùng, kìa ý Xuân xanh
        Đều ở hết lúc nàng dừng kim không nói)

        Người đẹp, với tuổi đôi tám hòa nhập ý Xuân xanh, là ai trong lòng thiền sư? Thi hứng tình tứ quá thì có phải là bậc chân tu không? Và giây phút nào là giây phút dừng kim không nói? Phải chăng đó là giây phút Tịnh Danh ngậm miệng ở Tỳ-da? Là giây phút lóng lặng tất cả để nghe được tiếng chim líu lo dưới hoa Tử Kinh? Đặt vị trí mình là người đời đi gièm chê người tu thì khá nực cười, vì gia duyên bận bịu sao lại mỉa mai người khác? Nếu là người tu phê phán thì cũng đáng mừng, vì chê người bê bối tức mình thanh tịnh, rất đáng kính lễ. Còn nếu là kẻ trong nhà thiền, thì đáng được hưởng ba mươi gậy. Ngài Huyền Quang đã thị tịch thì dù chúng ta có khen chê cũng chỉ như dùng miệng thổi ánh sáng, lấy kiếm chặt nước.

        Một vị thiền sư đời nhà Minh là Hòa thượng Thủy Am, không biết có phải tri âm tri kỷ với ngài Huyền Quang hay không mà cũng đồng giai điệu:

        "Nhị bát giai nhân mỹ thái kiều
        Tú y khinh chỉnh ám hương phiêu
        Thâu thân hoa phố từ từ lập
        Dẫn đắc hoàng oanh hạ liễu điều"

        (Cô gái mười sáu đẹp mỹ miều
        Áo thêu nhẹ sửa, tỏa hương bay
        Lén dạo vườn hoa thong thả đứng
        Khiến chim sà xuống cành liễu xanh)

        Những giai thoại sau đây về Ngũ Tổ Pháp Diễn mở thêm một khung cửa hồ nghi và kinh ngạc.

        Có một cư sĩ đến xin xuất gia với Ngũ Tổ, thưa rằng:

        - Con đã bỏ các duyên.

        Tổ hỏi:

        - Sao là bỏ các duyên?

        - Dạ, con có vợ con mà bỏ đi tu nên gọi là bỏ các duyên.

        - Ta cũng có một bà, ông tin không?

        Cư sĩ nín lặng, không biết nói sao, Tổ bèn đọc:

        "Ngã hữu cá lão bà
        Xuất thế vô nhân kiến
        Trú dạ cọng nhất xứ
        Tự nhiên hữu phương tiện"

        (Ta có một bà già
        Ra đời chẳng ai thấy
        Ngày đêm chung một nhà
        Tự nhiên có phương tiện)

        Hình như khi còn ở nơi ngài Bạch Vân Thủ Đoan, Tổ cũng bị dị nghị! Con mắt thế tục xét như thế, nhưng thực chất có đúng thế chăng? Và lão bà nào thân thuộc đến nỗi sao lại ngày đêm chung một nhà mà ra đời thì không ai nhận ra?

        Sau đây là chuyện Bộ Sứ Giả treo ấn từ quan, trước khi trở về đất Thục. Ông đến hỏi đạo, Tổ nói:

        - Đề Hình lúc còn trẻ từng đọc thơ Tiểu Diễm chăng? Có hai câu khá gần gũi:

        "Tần hô tiểu ngọc nguyên vô sự
        Chỉ yếu đằng lang nhận đắc thanh"

        (Chẳng có việc gì mà cứ gọi mãi người hầu
        Chỉ cốt anh chàng nhận ra tiếng).

        Đề Hình đáp:

        - Vâng, vâng.

        Tổ bảo:

        - Hãy cẩn thận.

        Ngài Viên Ngộ đứng hầu phía sau hỏi:

        - Hòa thượng đọc thơ Tiểu Diễm, quan Đề Hình hội chăng?

        Tổ đáp:

        - Ông ta chỉ nhận được tiếng.

        Viên Ngộ hỏi tiếp:

        - Chỉ yếu đằng lang nhận đắc thanh. Đề Hình nhận được tiếng rồi sao không phải?

        Tổ hỏi vặn lại:

        - Sao không phải?

        Ta có thể nghiệm xem với kinh Lăng Nghiêm, khi đức Phật bảo La-hầu-la đánh chuông.

        Về sau Viên Ngộ thấy con gà bay đậu trên lan can cất tiếng gáy, liền tự nhủ: "Đây há không phải tiếng?" Rồi đốt hương vào thất trình sở đắc với Tổ:

        "Kim áp hương tiêu cẩm tú vi
        Sênh ca tùng lý túy phù quy
        Thiếu niên nhất đoạn phong lưu sự
        Chỉ hứa giai nhân độc tự tri"

        (Hương kim áp đã tan hết trong màn gấm
        Giữa sênh ca, say túy lúy được dìu về
        Một đoạn phong lưu thời tuổi trẻ
        Chỉ để giai nhân biết một mình).

        Một lần nữa người đẹp lại xuất hiện, và nhờ bài thơ này Viên Ngộ được Tổ khoe khắp với các bậc kỳ lão trong núi "Thị giả tôi đã tham đắc thiền".

        Và ta hiểu sao đây về bài thơ của Tiếu Ông Kham vịnh Lăng Hành Bà, người đã áp đảo Thiền sư Phù Bôi:

        "Niên thiếu hành tàng độc ỷ lâu
        Nhất gia nữ tử bách gia cầu
        Chỉ nhân bất nhập Phù Bôi nhãn
        Đối kính khan khan bạch tận đầu..."

        (Tuổi trẻ ra vào tựa lầu một mình
        Con gái của một nhà mà trăm nhà cầu hôn
        Chỉ vì không lọt vào mắt Phù Bôi
        Soi gương ngắm nghía bạc hết mái đầu).

        Người đẹp cũng không tha thiền sư Đại Huệ Tông Cảo, đã xông ngay vào bài kệ khi Ngài sáng tỏ công án "sanh khó":

        "Hoa âm sơn tiền bách xích tĩnh
        Trung hữu hàn tuyền triệt cốt lãnh
        Thùy gian nữ tử lai chiếu ảnh
        Bất chiếu kỳ dư chiếu tà lãnh"

        (Trước núi Hoa Âm có giếng sâu trăm thước
        Trong đó có suối lạnh buốt xương
        Con gái nhà ai đến soi bóng
        Chẳng soi gì ngoài chiếc cổ nghiêng).

        Một hình ảnh diễm kiều phải không? Nhưng khi soi bóng, mặt mũi nào cô gái đã nhận ra?

        Đến những đoạn sau đây, người đẹp không còn là hình ảnh lấp ló trong thi ca kệ ngâm nữa mà mạnh dạn xông vào cuộc đời với những hành động tự tại vô ngại như:

        * Bà Huyền Cơ, khi được hỏi "Ngày khoác bao nhiêu tấc vải?" đã trả lời "Không dính một tấc tơ". Nghe qua chừng quá bạo, nhưng mấy ai thoát được tơ sầu nhân thế?

        * Bà Lão Đốt Am, sau ba năm cúng dường, đã cho một cô gái đến ôm nhà sư để thử thách. Sư ngồi yên, đáp:

        "Khô mộc ỷ hàn nham
        Tam đông vô noãn khí".

        (Cây khô dựa núi lạnh
        Ba đông không hơi ấm).

        Cô gái về kể lại cho bà biết, bà bảo:

        - Bao năm ta chỉ cúng dường một kẻ tầm thường.

        Bà nói xong, đuổi sư ra, đốt am.

        Về sau sư có trở lại, bà nuôi thêm ba năm nữa, rồi cũng sai cô gái làm như trước. Lần này sư bảo:

        - Việc này chỉ có ta biết, trời biết, đừng cho bà già cô hay.

        Thật là ỡm ờ, khác chi lời khách đa tình. Nhưng nghe cô gái thuật lại, bà già mừng rỡ vỗ tay nói:

        - Ông thầy này ngộ rồi!

        Vậy "ta biết, cô biết, trời biết" là cái gì?

        Có chuyện ngài Triệu Châu Tùng Thẩm, nghe qua chẳng khỏi giật mình:

        Khi có một vị ni đến hỏi đạo, ngài đã chộp tay vị ni và bị cự:

        - Hòa thượng còn cái ấy nữa sau?

        Ngài bèn trả lời tỉnh bơ:

        - Chính ngươi còn cái ấy!

        Vậy thì tâm ai động?

        Thế giới thi ca của nhà thiền quả có nhiều điều lạ, làm cho người đọc nhiều khi sững sờ đến khó chịu, có lúc sửng sốt đến bàng hoàng. Và cái bàng hoàng này, phải chăng là vì ta đem tình phàm để lường thánh giải?

        "Nhân tình nồng hậu, đạo tình vi
        Đạo dụng nhân tình thế khởi tri
        Không hữu nhân tình, vô đạo dụng
        Nhân tình năng đắc kỷ đa thì"

        (Tình đời mà nồng hậu thì tình đạo ít ỏi
        Nhưng đạo dùng tình đời, người đời sao biết nổi?
        Không có tình đời cũng không có dụng của đạo
        Tình đời có thể được bao nhiêu thuở?)

        Bài thơ của Long Nha Tuần trên đây có thể kết luận sắc thái thi ca của thiền gia. Thực sự thiền sư đến và đi không để lại dấu vết. Thế nhân có nhặt ghi một vài hành trạng nào đó cũng chỉ là sao chép những nét chấm phá của một bức tranh hiện nổi trên mặt gương vốn không gì mới lạ.

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS