Hồi nhỏ, không biết lúc mấy tuổi, tôi đã ngồi bên hiên nhà, vẽ nguệch ngoạc cái bàn cờ "con chó".
Bàn cờ rất đơn giản, chỉ là một hình vuông với hai đường chéo và có đánh dấu một cạnh hình vuông làm con chó. Mỗi bên một viên gạch. Một bên là chủ nhà, một bên là tên học trò bị rượt chạy vòng vòng, hễ quên đi qua đường răng cưa (như hình vẽ) thì bị chó cắn. Thua. Chơi lại bàn mới. Một ván cờ chẳng phải suy nghĩ tính toán, không phải vì hết cách đi mà phải chịu đi ngang đường răng cưa đó, chỉ vì đi tới đi lui rồi quên lại đi qua chỗ con chó để bị cắn, bị thua cuộc. Và tuổi nhỏ chưa biết suy tính chỉ có thể vẽ bàn cờ đó chơi mà không thấy chán.
Lớn hơn một chút, tôi biết chơi cờ gánh. Cờ có hai bên. Một bên là hai ông tướng, một bên là 14 quân bằng đá xanh hay nắp khoén. Quân chỉ có quyền chận đường tướng, làm sao cho hết đường lui tới, không có quyền gánh. Tướng có quyền gánh khi đi vào giữa hai tên quân, và "gánh" cho tới khi quân hết lần... quân chịu thua. Tôi đã biết suy nghĩ một chút để chận đường tướng khi nắm quân hoặc tìm cách "gánh" khi nằm bên tướng.
Lớn lên chút nữa thì bàn cờ gánh có đổi khác. Hai bên đều có quyền gánh như nhau; số quân ngang nhau và không còn tướng nữa. Có lẽ tôi cẩn trọng hơn khi đối phương có quyền ngang như mình, mình lo tính "gánh" nó, lại còn phải đề phòng nó "gánh " mình. Thời gian cho bàn cờ có lâu hơn vì thời gian suy tính cân nhắc.
Khoảng năm 1963 có tờ báo Tết tặng một phụ trang bàn cờ rất đẹp - mà lâu rồi tôi quên tên - chỉ nhớ cách chơi là từ điểm khởi hành, đổ xúc xắc đi mãi cho tới đích theo hình xoắn ốc. Và bàn cờ nhiều người chơi.
Bàn cờ đầy hấp dẫn với những màu sắc và đầy may rủi trên đó. Cứ khoảng vài ô là có một ô ghi chữ hay vẽ hình. Khi thì gặp bản cấm đậu - được nhấc quân lên khỏi ô đó (chỉ có vậy mà mừng thôi là mừng), khi thì gặp trúng số - đổ thêm hai lần nữa (hăng hái cắm đầu đổ như sợ giựt mất cái hên đó)... Có lúc gặp rủi ro như cái ô có hình người ngồi sửa xe - bị qua phiên hai lần mới được đổ (nhấp nha nhấp nhỏm mong qua lè lẹ), hoặc gặp chữ thập đỏ nhà thương - nghỉ đổ đến 20 lần (nằm khoèo bên bàn cờ đếm từng bàn, mặt mày héo queo như nằm nhà thương!). Và kinh khủng nhất là những ô có viên cảnh sát tay chỉ ngược về hướng mình đang đi, miệng hét ra lửa: "Trở về khởi điểm". Cầm quân cờ đem về điểm khởi hành, mặt mày bí xị, cầu mong thầm mấy tên kia cũng gặp rủi ro như mình.
Dường như sự rủi ro đã chiếm hết 2/3 bàn cờ, mà khi chơi tôi cứ tưởng phần rủi ro đó là của ai chớ chắc mình không gặp, lòng đầy hi vọng trông mong gặp may. Có vậy mới hăng hái chơi đi chơi lại mấy ngày tết tới ra giêng chưa thôi. Chúng tôi hồi hộp, buồn vui gây gổ, giận hờn theo từng nhịp xúc xắc rơi trong chiếc chén nhỏ.
Rồi thì lắc "bầu cua cá cọp", đặt hết tin tưởng vào những con mình chọn lựa với hi vọng gom hết về mình, khi nắp mở ra, trên mặt đĩa không phải những con mình đã đặt, lòng đầy tiếc nuối khi thấy những cái mình tưởng quơ về mình lại vào tay người khác. Rồi vẫn hi vọng lần sau nhất định sẽ đem về mình.
Rồi thì cờ cá ngựa, cờ vòng quanh thế giới... những bàn cờ thắng bại được mất đều nằm ở hột xúc xắc, chỉ là mừng vui khi được như ý, tức tối khi mặt xúc xắc làm mình thất vọng. Bởi là may rủi, nên suốt cả ván cờ cứ phải ngong ngóng hết cầu xin rồi lại van vái (không biết ai chịu theo bàn cờ mà phò hộ đây).
Những ván cờ có thể suy tính thì tôi đâm ra sợ, sợ mình tính lầm, sợ thua trí, sợ đủ thứ...
Lên trung học, tôi bắt đầu chơi cờ tướng, những quân cờ tròn với những nét khắc trên bàn cờ thật đẹp. Mỗi quân cờ có một nhiệm vụ, có một cách đi. Tôi đâm ra mê say bàn cờ này chỉ chực rảnh là bày bàn cờ rủ mấy thằng em ở chơi. Trừ mùa thi là phải cắn răng dẹp nó qua một bên vì sợ bị rầy. Thời giờ tôi có như co lại, thời giờ nó đi vô mấy ván cờ hết. Đôi khi chơi từ trưa tới chiều mới ngã ngũ thế cờ. Đúng là bày binh bố trận!
Lên trung học, tôi bắt đầu chơi cờ tướng, những quân cờ tròn với những nét khắc trên bàn cờ thật đẹp. Mỗi quân cờ có một nhiệm vụ, có một cách đi. Tôi đâm ra mê say bàn cờ này chỉ chực rảnh là bày bàn cờ rủ mấy thằng em ở chơi. Trừ mùa thi là phải cắn răng dẹp nó qua một bên vì sợ bị rầy. Thời giờ tôi có như co lại, thời giờ nó đi vô mấy ván cờ hết. Đôi khi chơi từ trưa tới chiều mới ngã ngũ thế cờ. Đúng là bày binh bố trận!
Nhưng không phải chỉ là đấu trí, bởi có những lúc thắng lúc bại không ngờ. Biết bao lần tôi thua khi lòng đang hí hửng chờ đợi vài nước nữa là chiếu bí đối phương, cũng có đôi lần ít ỏi, khi tôi sắp sửa chịu thua, đi đại một nước cờ cuối cùng để thua thì bất ngờ nước cờ mình không nghĩ đó lại chiếu bí đối phương!
Cho đến một hôm, ngồi chơi cờ với bạn thân - người bạn mà có lần tôi nghĩ rằng tôi yêu mến hơn những gì tôi có - tôi đang suy tính nước đi và sắp sẵn trong đầu một thế trận. Khi người bạn tôi cầm quân đi theo y những nước tôi đã tính thì tự dưng tôi giựt mình. Tôi đứng lên đưa tay xóa bàn cờ. Bạn tôi nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi nhìn lại im lặng. Một người tôi coi là bạn thân, tôi cũng đã tính những thế cờ không khác gì đó là những đối thủ của tôi hay sao!
Tôi bỏ chơi cờ tướng từ đó.
Có lẽ tôi phải xin lỗi bạn, tôi đã kể một câu chuyện không chút đạo lý trong đó. Tôi muốn kể thêm ít câu chuyện đạo để làm vui lòng bạn hơn, nhưng tôi vụng về quá, trí nhớ chưa ghi lại những gì mà tôi chưa thực hiểu tới. Thì đành xin bạn vui lòng, và chắc ngày Xuân người ta cũng dễ dàng tha thứ cho nhau, bạn hẳn cũng tha thứ cho tôi về lỗi lầm này.
Rồi tôi xin được đắn đo viết thêm câu kết. Tôi có đang mong thắng lợi trong ván cờ đang chơi đó không, hay tôi đang bó tay trước một ván cờ quái gở mà than rằng: "Cờ đang dở cuộc không còn nước"?
Sao tôi lại không có can đảm đứng lên xóa ván cờ như tôi đã từng làm trong một ván cờ tướng năm xưa!
No comments :
Post a Comment