Thursday, April 16, 2015

Hóa Thân

Thuần Chánh
        Là giới trẻ, tôi không tin mấy ngài Quán Thế Âm và ngài Hộ Pháp. Vốn là một Phật tử (vì được quy y từ bé, tôi không đồng ý lối quy y "không hỏi ý kiến" tôi như vậy, nhưng có đồng ý hay không cũng đã là Phật tử rồi!). Tôi chỉ thấy thích đạo Phật một cách mơ hồ, thích "nghe nói tới" chùa và Phật, nhưng đi chùa sám hối mỗi tối 14 âl thì không. Nghĩ tới đời sống tìm cái gì đó mà lòng đang khắc khoải thì thấy thân quen nhưng nghe tới "đi tu" thì lắc đầu.
        Có lẽ thuật ngữ NHÂN DUYÊN là một chữ thuật ngữ lý thú nhất, nó giải thích những sự việc không lường trước, không nghĩ ra và cũng không dám mong mỏi.

        Năm đó trước giải phóng một năm. Tôi đến thăm một người bạn đang đau. Cô ấy bảo tôi, cô ấy chỉ thấy một chút an ổn và khỏe khoắn khi nghe mẹ cô tụng kinh Phổ Môn. Nghe lời kinh cô cảm thấy nhẹ lòng. Tôi ngồi bên giường bệnh ao ước rằng phải chi mình thông kinh điển để nói cho cô nghe. Đêm đó, lần đầu tiên tôi sốt sắng bắc ghế leo lên mở tủ kinh ở nhà để lục cho ra quyển kinh Nhật tụng có phẩm Phổ Môn. Đem xuống đọc tới đọc lui, không hiểu gì hết! Chỉ thấy trong kinh nhắc đi nhắc lại "Quán Thế Âm bồ tát".
        Nhân duyên đầu tiên tôi hệ tâm đến kinh điển là vậy, chỉ để làm vui lòng bạn tôi.
        Sau giải phóng, tôi có cơ hội gặp Thầy, nghe giảng pháp và "học đạo". Nhưng nghe thôi chớ tin những bộ kinh Đại thừa thì không lắm! Đọc đến kinh Pháp Hoa, tôi chỉ thích đọc phụ lục về sự ứng nghiệm khi chép hoặc trì tụng, đọc như truyện, thấy dễ đọc và vui vui vậy thôi.
        Người bạn ở cạnh chúng tôi đau nặng, tìm không ra thuốc - mới giải phóng thuốc Tây rất khan hiếm - chúng tôi bó tay, nhìn chị ấy đau từng ngày mà chúng tôi không biết làm gì. Trong những ngày mệt mỏi đó, tôi chợt nhớ đến mẩu chuyện trong kinh Pháp Hoa, có một người bạn gặp hoạn nạn nguyện tả một bộ kinh Pháp Hoa mà sau đó bạn được thoát nạn. Tôi bèn nguyện "đại" chép một bộ kinh Pháp Hoa để chị ấy khỏi bệnh - nguyện thầm trong lòng thôi. Chiều đó, chúng tôi đi công việc, tình cờ ngang qua nhà một người bạn cũ- chị ấy là dược sĩ - chúng tôi tạt vô thăm chơi. Và tình cờ nhắc đến bệnh hoạn, thuốc men. Chị ấy đưa tôi một lô thuốc mà tôi tìm bấy lâu - những hộp thuốc hiếm hoi còn sót lại - cầm hộp thuốc trên tay, tôi sững sờ tự hỏi, nếu lúc sáng tôi chưa phát nguyện thì chiều nay liệu tôi có tìm ra những hộp thuốc này không? Câu hỏi đó đến nay thỉnh thoảng còn làm tôi bâng khuâng mỗi khi cầm lại quyển Pháp Hoa chép tay năm nào.
        Tôi đi tu, cuộc đời lật sang một trang mới, nhưng sự bướng bỉnh về cái nhìn đối với kinh điển Đại thừa vẫn còn (vâng, xin bạn đừng nóng vội, cứ để thời gian, thực tế... sẽ dạy cho anh ta mọi điều).
        Đã hơn mười năm qua. Bây giờ giá bạn hỏi tôi sau bao nhiêu năm được tu học tôi hiểu thế nào về kinh Phổ Môn? Tôi tin có ngài Quán Thế Âm chăng? Tôi sẽ trả lời bạn sao nhỉ? Tuy được học đầy đủ về "nhĩ căn viên thông", "phản quan tự kỷ"... của Ngài, nhưng điều đó đối với tôi còn lạ lẫm lắm, tôi chưa hiểu tường tận được. Tôi chỉ có thể kể cho bạn nghe vài mẩu chuyện con con, những mẩu chuyện nhỏ đời thường dường như vẫn gần gũi thể hiện lời kinh một cách nhiệm mầu dễ hiểu hơn.
        * Đường lên Bát Nhã, con dốc cao đứng giữa nắng trưa gay gắt, tôi với túi xách chỉ đựng duy nhất một cái y mà leo không nổi. Đang đứng lưng chừng gộp đá để thở (có lẽ thở dài thì đúng hơn với con dốc còn phải đi và những rối ren bất an đang đè nặng!). Khi ngẩng lên thấy hai đứa bé đội hai bó củi to từ trên núi đi xuống, tôi chưa kịp tìm chỗ đứng nhường lối thì hai em đã đặt bó củi xuống, đến trước mặt tôi cung kính xá chào: "Chúng con kính chào Sư". Chào xong hai đứa bé đội củi tiếp tục đi xuống khuất sau gộp đá. Trong phút chốc, tôi không biết mình đang đứng ở đâu, giữa nắng trưa hay trong bóng mát. Hình ảnh hai em như cái gì lay động tâm tôi - cái tâm đang hèn yếu, mệt mỏi, thối lui bởi chút ít khó khăn nhỏ bé.
        Một cách kỳ diệu, tôi không còn thấy mệt nhọc nữa. Sự cung kính và niềm tin em đặt vào chiếc áo tôi đang mặc, một sự đánh thức, nhắc nhở con đường tôi đã chọn, hạnh nguyện tôi đã phát. Dù không thể đoán chắc nhưng tôi vẫn ngờ ngợ "người đáng dùng thân đồng nam đồng nữ đặng độ thoát, liền hiện thân đồng nam đồng nữ vì đó nói pháp".
        Đạp xe đến hiệu sách, tôi vẫn chưa hết cơn giận người bạn đồng viện. Dẫn xe vào gởi và trả tiền, tôi đưa tiền cho cô bé khoảng 12 tuổi, cô bé lễ phép thưa: "Thưa, ba má con dạy không nhận tiền quý thầy quý cô". Tôi lúng túng, cơn giận bay mất. Tôi cảm thấy xấu hổ trước sự trong sáng nơi cô bé. Nếu lúc đó là sự quở trách, nhắc nhở, răn dạy chưa chắc cơn giận tan biến nhẹ nhàng như vậy. Tôi thấm thía lời kinh "Quán Thế Âm bồ tát dùng các thân hình dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sanh..."
        Tôi dừng lại bên đường Lê Lợi chọn mua một cây viết, một loại Bic bấm mà tôi ưa thích. Bà bán hàng có lẽ khoảng tuổi mẹ tôi, hỏi tôi mua viết để làm gì, tôi bảo là để chép kinh sách học. Bà suy nghĩ chặp lâu nói giá 140 đồng. Đến khi tôi trả tiền bà cầm tiền ngần ngừ giây lát rồi đưa lại tôi 10 đồng, để chép kinh sách bà không lấy quá giá vốn. Bỏ 10 đồng vào túi, tôi thấy nặng lòng như vừa vay một món nợ. Cây viết đó tôi không dám viết gì khác ngoài chép kinh học. Từ đó, tôi bớt được tật viết lăng nhăng, một tật rất khó bỏ (ngoại trừ đôi khi làm ít bài thơ vớ vẩn).
        Chừng ấy năm tu tập, chừng ấy năm học giáo lý tôi chỉ mới cảm nhận hóa thân của ngài Quán Thế Âm là vậy. Còn biết bao điều sâu sắc trong kinh mà tôi chưa đủ sức nhận hiểu. Một người tu chỉ hiểu được vậy, e là quá ít ỏi. Nhưng thôi, bỏ đi được những tâm niệm ngang bướng, nông nổi trong cái nhìn về kinh điển Đại thừa đã là chuyện lạ đối với tôi rồi. Giờ đây, mỗi lần đề cập đến các ngài Phổ Hiền, Văn Thù... tôi chỉ dè dặt đáp: "Tôi chưa hiểu tới". Một câu trả lời đó, mà mất bao nhiêu năm trời tôi mới nói được.

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS