Đối với tôn giáo độc thần, thần linh là tối thượng và độc nhất, tín
đồ không thể nào có thể trở thành thần linh; trong khi đối với Phật
giáo, Phật là một bậc thầy, là biểu tượng của giải thoát - giác ngộ, là
biểu tượng cho phẩm tính toàn thiện tiềm tàng nơi mỗi chúng sanh; kẻ nào
thực hành đúng chánh pháp (con đường mà bậc giác ngộ đã kinh qua), cũng
đều có thể thành Phật.
Quan điểm ấy của Phật giáo, về mặt xã hội, mặc nhiên phủ nhận sự phân
chia giai cấp bất bình đẳng giữa giới cầm quyền và nhân dân, giữa tăng
lữ và tín đồ, giữa giới giàu có và thành phần nghèo cùng, giữa tầng lớp
trí thức và quần chúng bình dân, giữa nam phái và nữ giới…
Về mặt tâm linh, tinh thần, Phật giáo phủ nhận uy quyền tối thượng
của thần linh, của các đấng chúa tể ở cõi người hay cõi trời (mà đối với
tín ngưỡng dân gian Ấn-độ thời ấy, Phạm Thiên là một); đồng thời nâng
cao phẩm giá con người, đặt vị thế con người ngang tầm hoặc vượt hơn
thần linh - nếu con người ấy có thể thành tựu tuệ giác giải thoát, trở
thành toàn thiện như một vị Phật.
Để trở nên toàn thiện, Đức Phật dạy rất đơn giản: “Đừng làm các việc xấu-ác, hãy làm các điều tốt-lành, giữ gìn tâm ý trong sạch.”
Đơn giản nhưng không dễ thực hiện, nhất là đối với tâm-ý, là cái vô
hình, khó kiểm soát, khó nhận biết. Hơn nữa, cũng cần phải biết thế nào
là đúng nghĩa xấu, ác, tốt, lành.
Hãy lắng nghe lời Thầy-Tổ nói, minh bạch và ấn tượng hơn: “Nói lời Phật nói, nghĩ điều Phật nghĩ, làm điều Phật làm.”
Lời này nghe qua cũng đơn giản, bổ túc cho lời Phật nói trên, nhưng vẫn
cần phải giải thích, cần hiểu rõ những điều Phật nói, làm và nghĩ. Thật
khó mà biết được điều đó. Nhưng ít ra, áp dụng vào thực tế, khi nói ra
điều gì, hãy cân nhắc xem một vị Phật có nói như thế không; khi làm một
điều gì, hãy suy xét xem Phật có thể làm việc ấy không; khi khởi lên một
ý nghĩ, hãy tự nghiệm rằng một vị Phật có suy nghĩ như thế không. Ý
nghĩ, lời nói và hành động nếu bị dẫn dắt bởi vô minh, tham ái, sân hận
thì đều không phải là của Phật. Học làm Phật thì nên học như thế. Nghĩa
là không nói, làm, và nghĩ những gì không tương hợp với phẩm tính Phật
có sẵn của mình. Nhưng mỗi người chúng ta vốn quen đắm nhiễm trong trần
tục, có thể nào làm được như Phật và có khả năng để được toàn thiện như
Phật chăng?
Nghi vấn này đưa ta trở về với tiền đề đã nêu: tất cả chúng sanh đều
tiềm tàng phẩm tính toàn thiện của Phật. Nếu không có sẵn phẩm tính ấy,
dù trải vô lượng kiếp thực hành chánh pháp, chúng sanh cũng sẽ không bao
giờ thành Phật. Vậy, điều tiên quyết của người học làm Phật là phải xác
tín rằng tất cả chúng sanh đều hàm hữu trí tuệ và phẩm tính của Như
Lai. Hãy cùng đọc một đoạn kinh để kiên định niềm tin tưởng nơi khả năng
thành tựu sự toàn thiện của tất cả chúng ta:
“Bấy giờ Đức Thế Tôn nghe bài kệ khuyến thỉnh của Đại Phạm
vương, vì chúng sinh khởi lòng từ bi, quán sát trong thế gian, dùng Phật
nhãn quán sát rồi, thấy có chúng sinh sinh ra và lớn lên trong thế
gian: Có kẻ thông minh, có kẻ đần độn. Những chúng sinh như vậy, có
người dễ thành tựu đạo quả, có người thấy tất cả tội khổ đời vị lai, nên
sợ sệt không dám phóng dật, thì ở đời vị lai cũng có thể thành đạo. Ví
như có ao sen xanh, ao sen hồng, ao sen trắng và ao sen trắng lớn,
trong đó có các loại hoa: hoặc xanh, hoặc hồng, hoặc trắng, hoặc hoa
trắng lớn, từ dưới đất mọc lên chưa ra khỏi nước còn chìm trong nước
chưa xuất hiện, cần bốn đại hòa hợp nuôi dưỡng, rồi sau đó
mới ngoi lên khỏi mặt nước. Hoặc có những hoa sen xanh, hoa sen
trắng... lên ngang mặt nước. Hoặc có những hoa sen xanh, hoa sen
trắng... nở vượt lên trên mặt nước, không còn dính nước…” (*)
Đoạn kinh mô tả thế giới chúng sinh bằng hình ảnh đầy màu sắc, đẹp đẽ
và thơ mộng, qua đó, tất cả ao sen lớn hay nhỏ, tất cả sen xanh, sen
hồng, sen vàng, sen trắng, lớn hay nhỏ… đều có chung phẩm cách của sen,
và đều có thể vươn lên khỏi vũng lầy thống khổ của trần gian._________________
(*) Kinh Phật Bản Hạnh Tập, quyển 33, phẩm 36, phần 2, Phạm Thiên Khuyến Thỉnh; nguyên tác Hán ngữ của Tam Tạng Pháp Sư Xà-na-quật-đa, bản dịch của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (trích nguồn: tangthuphathoc.net)
No comments :
Post a Comment