![]() |
Tập san Hướng nhìn Phật giáo
(Regard Bouddhiste) \
số tháng bảy và tám, năm 2015
|
Bouddhisme et les femmes Paradoxe ou contradiction?
Philippe Cornu - Hoang Phong chuyển ngữ
Philippe Cornu - Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của người dịch:
*****
Dù Phật giáo luôn quan tâm đến việc nêu cao trước quảng đại
quần chúng hình ảnh của một tín ngưỡng phi-bạo-lực và mở rộng, thế nhưng
đôi khi cũng không tránh bị cáo buộc là kỳ thị phụ nữ (misogyny) và
phân biệt giới tính (sexism), nhất là khi nhìn vào vị trí của người phụ
nữ trong sinh hoạt tập thể chốn chùa chiền. Tuy cũng có nhiều tông phái
xem người phụ nữ là những hình thức biểu hiện của trí tuệ (chẳng hạn như
đối với Phật giáo Tây Tạng), nhưng dưới góc nhìn của quảng đại quần
chúng thì các sự kiện trên đây dường như cho thấy một sự nghịch lý và có
thể nói là cả một sự mâu thuẫn nữa. Vậy đối với điều này thì đâu là sự
thật? Nhằm tránh những sự tranh cãi vô bổ về vấn đề rất tế nhị này,
thiết nghĩ chúng ta hãy nên hết sức thận trọng.
Điều thận trọng trước nhất và cũng quan trọng nhất, là
phải quan niệm thế nào về mức độ khả năng tinh thần của người phụ nữ mà
các nền văn hóa Á châu đã gán cho họ, nơi mà Phật giáo đã bắt rễ từ lâu
đời. Phật giáo là một tín ngưỡng sinh động và do đó cũng tương tự như
các tôn giáo khác, luôn đi sát với bối cảnh sinh hoạt của xã hội. Nếu
giáo lý của Phật giáo cho rằng về phương diện tâm linh, người phụ nữ
hoàn toàn hội đủ khả năng tương tự như nam giới, thì các xã hội phụ hệ
lại quan niệm khác hơn về vai trò và vị thế của họ trong xã hội. Tất
nhiên là điều này đã đưa đến các tập quán và các sinh hoạt xã hội gò bó
hơn đối với người phụ nữ, có nghĩa là đi ngược lại với tinh thần Phật
giáo, và trên thực tế thì quả cũng đúng như vậy - từ quá khứ cho đến
ngày nay!
Sự thận trọng thứ hai liên quan đến những gì đã được nêu lên trong kinh điển cổ xưa. Thật vậy trong bối cảnh ngày nay, mỗi khi đọc một bài kinh nguyên thủy mang tính cách thiêng liêng đã hơn hai ngàn năm xưa, dù thuộc vào lãnh vực giới luật hay tu tập, thì chúng ta sẽ không sao tránh khỏi những nhận định về nội dung của bài kinh, phản ảnh những mong đợi mang tính cách hiện đại của chúng ta trong bối cảnh ngày nay, những mong đợi trong một thời đại tân tiến, khác hẳn với thời đại khi mà bài kinh ấy được thuyết giảng. Thật hết sức hiển nhiên là ngày nay chúng ta không thể đọc bài kinh ấy với tinh thần mà người xưa đã đọc - thế nhưng chẳng phải chúng ta cũng có thể tự hình dung mình là một nhà sư Ấn độ tu hành vào đầu kỷ nguyên Thiên Chúa giáo hay sao? (để mà đọc bài kinh ấy trong bối mà nó đã được ghi chép) - vì thế chúng ta phải cố gắng tìm hiểu xem trong hoàn cảnh nào mà các bài kinh ấy đã được mang ra thuyết giảng trước quảng đại quần chúng, nói một cách khác là các kinh sách ấy đã được trước tác trong một bối cảnh lịch sử như thế nào. Nên ghi nhớ điều này trong tâm, vì đó là cách giúp chúng ta "cật vấn" các kinh điển cổ xưa và để cho chúng "nói lên" với mình những gì vẫn còn hợp thời với bối cảnh tân tiến của chúng ta ngày nay, sau khi đã loại bỏ được ảnh hưởng của các nền văn hóa, địa lý và những gì của các thời đại cổ xưa.
Sự thận trọng thứ hai liên quan đến những gì đã được nêu lên trong kinh điển cổ xưa. Thật vậy trong bối cảnh ngày nay, mỗi khi đọc một bài kinh nguyên thủy mang tính cách thiêng liêng đã hơn hai ngàn năm xưa, dù thuộc vào lãnh vực giới luật hay tu tập, thì chúng ta sẽ không sao tránh khỏi những nhận định về nội dung của bài kinh, phản ảnh những mong đợi mang tính cách hiện đại của chúng ta trong bối cảnh ngày nay, những mong đợi trong một thời đại tân tiến, khác hẳn với thời đại khi mà bài kinh ấy được thuyết giảng. Thật hết sức hiển nhiên là ngày nay chúng ta không thể đọc bài kinh ấy với tinh thần mà người xưa đã đọc - thế nhưng chẳng phải chúng ta cũng có thể tự hình dung mình là một nhà sư Ấn độ tu hành vào đầu kỷ nguyên Thiên Chúa giáo hay sao? (để mà đọc bài kinh ấy trong bối mà nó đã được ghi chép) - vì thế chúng ta phải cố gắng tìm hiểu xem trong hoàn cảnh nào mà các bài kinh ấy đã được mang ra thuyết giảng trước quảng đại quần chúng, nói một cách khác là các kinh sách ấy đã được trước tác trong một bối cảnh lịch sử như thế nào. Nên ghi nhớ điều này trong tâm, vì đó là cách giúp chúng ta "cật vấn" các kinh điển cổ xưa và để cho chúng "nói lên" với mình những gì vẫn còn hợp thời với bối cảnh tân tiến của chúng ta ngày nay, sau khi đã loại bỏ được ảnh hưởng của các nền văn hóa, địa lý và những gì của các thời đại cổ xưa.
Do đó chúng ta sẽ có thể đọc các kinh sutra cũng như tạng luật vinaya,
tức là các giới luật trong chốn chùa chiền, và giúp chúng ta hiểu được
tại sao Đức Phật lại đắn đo rất lâu trước khi cho phép người phụ nữ gia
nhập Tăng đoàn mà Ngài vừa mới gầy dựng được. Một trong những phụ nữ tha
thiết nhất muốn được gia nhập Tăng đoàn chính là người dì của Đấng Giác
Ngộ, Mahâprojapatî, người đã nuôi nấng Ngài từ thuở bé. Chính vì sự
khẩn khoản của A-nan-đà, người đệ tử thân cận bên cạnh Ngài, mà Đức Phật
cuối cùng đã chấp nhận cho một người thân quyến gia nhập Tăng đoàn, và
sau đó là đến lượt các người phụ nữ khác, trong số này có cả phu nhân
trước đây của Ngài. Tuy nhiên không phải vì thế mà Đức Phật không đưa ra
thêm một số quy luật đặt các ni cô vào một quy chế thấp hơn so với các
tăng sĩ nam giới. Trong các kinh điển sutra, cũng không phải là hiếm khi đọc thấy các trường hợp Đức Phật cảnh giác các nam tu sĩ trước sự quyến rũ của phụ nữ (người
phụ nữ cũng chỉ là xương thịt, máu mủ, mùi hôi, mang đầy bệnh tật,
nhưng đối với người đàn ông thì vì vô minh nên sự "quyến rũ" thúc đẩy
bởi bản năng dục tính và truyền giống cũng có thể xảy ra bên trong tâm
thức họ. Ngược lại thì một phụ nữ đối với người đàn ông hay giữa những
người đồng tính luyến ái với nhau thì cũng thế), thậm chí
người ta còn thấy cả những lời tiên đoán cho rằng giáo huấn của Đức Phật
rồi đây sẽ bị suy thoái nhanh chóng vì sự hiện diện của các nữ tu sĩ
trong Tăng đoàn. Sau hết là người phụ nữ còn bị mô tả qua những góc nhìn
không mấy hấp dẫn lắm, với mục đích ngăn chận sự tham dục của người tu
hành nam giới. Nhiều phép thiền định được đưa ra nhằm "mổ xẻ" người phụ
nữ xinh đẹp bên trong tâm thức mình hầu biến họ trở thành một cái bọc
cất chứa phèo phổi ruột gan và các thể dạng tính tình thật đáng khiếp
sợ... Các điều ấy gợi lên một sự thận trọng nào đó đối với người tu hành
nam giới, nếu không muốn nói đó là cả một sự kinh tởm trước một con yêu
quái là người phụ nữ!
Thế nhưng thật ra thì chúng ta không nên nhìn mọi sự ở cấp bậc sơ đẳng như thế:
- Bạch Thế Tôn, một người phụ nữ có thể đạt được giác ngộ hay chăng? - Có chứ! Này A-nan-đà, nhất định là như thế!
Câu trả lời trên đây của Đức Phật đã cho thấy thật hết sức rõ ràng là
Ngài chủ trương sự bình đẳng tuyệt đối trên phương diện tâm linh giữa
người nam và người nữ. Và Ngài cũng thường xuyên quan tâm đến sự thăng
tiến tâm linh của người dì của Ngài, bằng cách thuyết giảng thêm hầu
giúp cho người dì của mình chóng trở thành một vị Arhati (A-la-ti) tức là một nữ tu sĩ "xứng đáng đạt được sự giải thoát", ngang hàng với danh hiệu arhant (A-la-hán) của những người tu hành nam giới (tiền
ngữ arh- có nghĩa là "xứng đáng", hậu ngữ -han có nghĩa là "loại bỏ",
"diệt trừ", trong trường hợp này có nghĩa là "diệt trừ" các sự tham lam,
giận dữ và ảo giác. A-la-ti (nữ giới) hay A-la-hán (nam giới) là các
cách dịch âm sang Hán ngữ. Người Trung quốc không đọc được vần "r", nên
mỗi khi gặp vần "r" thì đổi thành vần "l". Trái lại ngưới Ấn đọc vần "r"
rất dễ dàng, uốn lưỡi như chim hót. Nếu tra tự điển thì sẽ nhận thấy
tất cả các vần "r" trong tiếng Pa-li và tiếng Phạn đều trở thành vần "l"
trong cách dịch âm sang tiếng Hán. Do đó thiết nghĩ khi dịch kinh sách
sang tiếng Việt thì không cần phải chuyển sang tiếng Hán rồi sau đó mới
chuyển sang tiếng Việt. Bởi vì tiếng Việt sử dụng các ngữ tự La-tinh và
người Việt không những đọc được vần "r" mà còn đánh vần được các tiếng
Phạn và Pa-li sau khi được chuyển thành ngữ tự La-tinh. Thí dụ chữ Sariputra, tên một đệ tử của Đức Phật, Hán dịch là Xá Lợi-Phất,
đối với tiếng Việt thì không cần phải dịch, cứ dùng nguyên như thế, nhờ
đó việc dịch thuật sẽ đơn giản hơn, và mang tính cách "quốc tế" và
"nguyên thủy" hơn).
Sở dĩ Đức Phật đắn đo rất lâu trước khi thành lập Tăng
đoàn nữ giới chẳng qua là vì hoàn cảnh và vị thế của người phụ nữ [trong
xã hội] vào thời bấy giờ, tức là vào năm thế kỷ trước Tây lịch - kể cả
vào các thời đại sau này cũng chẳng có gì cải thiện hơn - đã không cho
phép Ngài thực hiện: người phụ nữ không là gì cả trước khi lấy chồng, và
sau khi lấy chồng thì cũng chỉ là để sinh đẻ và nuôi nấng con cái, việc
tín ngưỡng là do người chồng quyết định. Đối với người phụ nữ thời bấy
giờ thì việc gác trọng trách gia đình sang một bên để tham gia vào các
sinh hoạt xã hội, chỉ là chuyện không tưởng mà thôi! Do đó người đàn ông
bước vào con đường dễ dàng hơn so với người phụ nữ. Thiết nghĩ cũng
không cần nhắc lại rằng Đấng Giác Ngộ không phải là một nhà cách mạng mà
chỉ là một người hướng dẫn tâm linh đã vạch ra một con đường mang lại
sự giải thoát khỏi khổ đau. Kinh sách cho biết Đức Phật đã tỏ ra lo lắng
cho Tăng đoàn có thể bị tan rã bởi vì việc kết nạp người phụ nữ vào
Tăng đoàn có thể sẽ gây ra sự chống đối mãnh liệt trong xã hội, và khiến
cho giáo lý của Ngài có thể sẽ bị mọi người xa lánh. Trong một bài kinh
Đức Phật có nêu lên cho biết là tại sao Ngài lại phải bổ khuyết thêm
một số giới luật dành cho các tu sĩ nữ giới:
"Trong nhà nếu có nhiều phụ nữ
nhưng lại ít đàn ông thì sẽ dễ trở thành một miếng mồi thu hút bọn đạo
tặc và trộm cắp vơ vét của cải trong gia đình. Và đấy cũng chẳng khác gì
một ruộng lúa bị bệnh vàng lá hay một thửa đất trồng mía lá bị sâu,
khiến mất mùa. Cũng tương tự như một người đắp đê cho nước khỏi tràn,
này A-nan-đà, ta đành phải đưa ra thêm tám giới luật dành cho người tỳ
kheo ni".
(Xin
lưu ý câu thứ nhất rất cao siêu, kín đáo , ý nhị và sâu sắc: "đạo tặc"
và "trộm cắp" không phải ở bên ngoài lẻn vào nhà mà là bên trong "gia
đình", đó là sự ích kỷ, ganh tị..., và một lô các thứ xúc cảm "phức tạp"
khác phát sinh từ tình trạng "nhiều phụ nữ" nhưng lại "ít đàn ông")
Tăng đoàn ngày nay vẫn còn bảo thủ, các nữ tu sĩ vẫn phải chịu sự lãnh
đạo của các nam tu sĩ. Hơn nữa trong lãnh vực giáo huấn, họ vẫn còn phải
chịu nhiều thiệt thòi so với những người đồng tu nam giới. Đối với Phật
giáo Tây Tạng và Phật giáo Theravada trong các vùng Đông Nam Á thì các
dòng nữ tu đã bị mai một từ lâu đời. Duy nhất chỉ có Phật giáo Trung
Quốc và các vùng ảnh hưởng (trong nguyên bản là chữ prolongement, có thể hiểu theo tiếng Anh là extension)
là Phật giáo Việt nam và Triều Tiên, thì còn duy trì được truyền thống
chính thức thụ phong cho các nữ tu sĩ. Tuy nhiên mọi sự đang biến
chuyển: dưới áp lực của những người Phật giáo chủ trương sự bình đẳng nữ
giới (feminism), các thể chế tự viện, trước hết là của Phật giáo Tây
Tạng và sau đó là Phật giáo Theravada, đã phải chấp nhận cho các nữ
sa-di được chính thức thụ phong tỳ kheo ni ngang hàng với nam giới,
tương tự như ở Trung Quốc. Ngày nay các ni sư Tây Tạng được quý trọng
hơn trước đây rất nhiều. Vậy người phụ nữ đối với Phật giáo Mahâyâna tức
là Đại Thừa Phật giáo thì như thế nào?
Điểm đáng chú ý nhất đối với toàn bộ thế giới Phật giáo
mênh mông, bao gồm các hình thức Phật giáo "Trung Quốc-Nhật Bản",
"TâyTạng-Mông Cổ", là các phép luyện tập thiền định cũng như việc học
hỏi kinh sách đã được mở rộng cho người thế tục, khác hơn với các hình
thức Phật giáo cổ xưa thường là chỉ dành riêng cho người xuất gia. Các
người chủ gia đình và cả vợ con họ tất cả đều có thể bước theo con đường
của người Bồ-tát, dù rằng các khả năng tâm linh của họ không thể sánh
với những người xuất gia. Do đó người ta cũng nhận thấy có hai khuynh
hướng khác nhau trong kinh điển (sûtra) cũng như trong các tập luận giải (shâstra) của Đại Thừa. Một mặt thì một số kinh sûtra mang nhiều nét phóng khoáng hơn, chẳng hạn như kinh Vimalakîrtinirdesha (Kinh Duy Ma Cật),
kinh này cho biết một cách dứt khoát là sự Giác Ngộ không liên hệ gì
với vấn đề giới tính mà chỉ là sự quán nhận được Tánh Không toàn cầu.
Shâriputra (Xá Lợi Phất) một vị arhant (A-la-hán) đệ tử của Đức
Phật, cho rằng sự Giác Ngộ chỉ có thể hiện ra qua thân xác của một nam
giới, thế nhưng tức thời có một vị nữ thần làm phép biến Xá Lợi Phất
thành một người phụ nữ hầu cho vị này một bài học:
Trong lúc Xá Lợi Phất đang lúng túng vì bất ngờ bị biến thành phụ nữ, thì vị nữ thần cất tiếng hỏi Xá Lợi Phất như sau:
- Sao ngươi không đổi giới tính trở lại như trước xem nào?
Xá Lợi Phất thẹn đỏ mặt vội lúng túng thốt lên:
- Ta chẳng hiểu chuyện gì xảy ra mà bỗng dưng ta hóa thành một người đàn bà như thế này!
Vị nữ thần bèn đáp lời Xá Lợi Phất:
- Này Xá Lợi Phất, hiện trong lúc
này ngươi là một phụ nữ, nếu ngươi có thể đổi được giới tính thì tất cả
những người phụ nữ khác cũng có thể làm được (để trở thành nam giới).
Vậy, này Xá Lợi Phất, nếu ngươi không phải là một phụ nữ mà chỉ có vẻ
bên ngoài là một phụ nữ, thì tất cả các phụ nữ khác cũng thế (cũng chỉ có vẻ bên ngoài là phụ nữ).
Mặc dù có vẻ bên ngoài là phụ nữ, thế nhưng họ không phải là những
người phụ nữ. Chính vì thế mà Đức Phật dạy rằng tất cả mọi hiện tượng
không phải nam tính cũng không phải nữ tính".
(trích từ kinh Duy Ma Cật theo bản dịch của Patrick Carré: La Liberté Inconcevable/Sự tự do vượt thoát khỏi mọi khả năng tưởng tượng, Paris, Fayard, 2000, tr. 117)
Tóm lại là sự Giác Ngộ không lệ thuộc vào bất cứ một điều
kiện nào, và cũng không liên hệ gì với giới tính của người tu tập.
Trong khi đó thì các tập luận giải Đại Thừa do một số các
vị đại sư khác trước tác thì lại giữ nguyên đường hướng của Phật giáo
cổ xưa, tức là tiếp tục cảnh giác người tu tập trước những mối hiểm nguy
của tình yêu đam mê và các khía cạnh lừa lọc của sự quyến rũ. Thật ra
thì đấy cũng chỉ là cách mà các vị đại sư sử dụng như một phương tiện
cảnh giác những người tu hành nam giới đã từ bỏ bản năng dục tính. Tuyệt
nhiên đấy không phải là cách bảo vệ một quan điểm nào cả của Phật giáo
Đại Thừa, nhằm chê bai phái đẹp, mà đơn giản chỉ là quan điểm của các
tăng đoàn cổ xưa nơi tự viện, dưới nhãn quan của những người tu hành nam
giới!
Chính trong Vajrayâna, tức là Kim Cương Thừa, tầm nhìn trên đây đã trở nên hoàn toàn đảo ngược: theo các kinh tantra (tức là các kinh đặc thù của Kim Cương Thừa, còn gọi là Tan-tra Thừa)
thì người phụ nữ không những được xem ngang hàng với người đàn ông, mà
đôi khi còn được cho là trội hơn cả người đàn ông trên phương diện trí
tuệ, và trí tuệ thì cũng chỉ có thể hiển hiện một cách toàn vẹn qua sự
tương kết giữa hai giới tính. Do đó các lễ cụ (pháp khí) quan trọng nhất của Kim Cương Thừa là vajra (kim cương chùy, còn gọi là kim cương chữ)

và một chiếc chuông nhỏ: chiếc chùy vajra biểu trưng cho các "phương
tiện thiện xảo" (upaya) mang tính cách nam tính, và chiếc chuông nhỏ
biểu trưng cho trí tuệ của Tánh Không (prajna) mang tính cách nữ tính (hai lễ cụ này luôn được sử dụng chung trong khi hành lễ).
Một trong hai lễ cụ đó không thể làm gì được: nếu thiếu sự mở rộng vô
biên của Tánh Không (nữ tính), thì không thể nào phát huy được các khả
năng của lòng từ bi tích cực (nam tính). Thế nhưng việc giới tính hóa
các biểu tượng và cách nâng vị thế của người phụ nữ lên thật cao do các
kinh tantra chủ xướng có làm thay đổi được gì về vị thế của người phụ nữ trong xã hội hay không?
Kim cương chùy và chuông biểu trưng cho lòng từ bi và trí tuệ
Tất nhiên là phải có, vì ở Tây Tạng người ta đã thấy xuất
hiện nhiều tu sĩ nữ giới thật xuất sắc và rất được tôn kính, đó là
những vị dâikinî (Hán dịch là "không hành mẫu", là các thần linh nữ tính, nguyên nghĩa là các "nữ thần bay trong không trung") lừng danh, chẳng hạn như công chúa Tây Tạng Yéshé Tsogyal, đệ tử và cũng là phu nhân của Padmasambhava vào thế kỷ VIII (một vị Thầy Phật giáo, gốc người Pakistan, vô cùng uyên bác, đã hệ thống hóa toàn bộ Kim Cương Thừa),
hoặc Matchik Lapdrön, một nữ tu sĩ Tây Tạng vào thế kỷ XI, đã khởi
xướng một phép luyện tập tan-tra đặc thù gọi là Tcheu ("một phép luyện
tập nhằm cắt nát cái tôi"). Thế nhưng khi nhìn vào các câu chuyện kể lại
cuộc đời của họ thì chúng ta sẽ nhận thấy ngay là nếu người phụ nữ muốn
thoát ra khỏi các bổn phận thường tình mà xã hội đã áp đặt cho mình thì
quả không phải là một chuyện dễ. Vì thế cũng không nên lẫn lộn giữa hai
khía cạnh là bối cảnh văn hóa xã hội và lãnh vực tâm linh.
Trong kinh tantra Târâ (Târâ là một "Nữ thần linh cứu nạn") (nguyên nghĩa là một vị "Cứu tinh" - đưa người hoạn nạn sang bờ bên kia - và thường được xem như là một vị Phật)
có nêu lên thật khẳng định và dứt khoát rằng sự Giác Ngộ không hề liên
quan gì với vấn đề giới tính cả. Sở dĩ Târâ được xem là một vị Phật nữ
giới là vì sau khi đạt được Giác Ngộ tối thượng đã thệ nguyện sẽ luôn
hiện ra dưới các thể dạng phụ nữ hầu giúp đỡ tất cả chúng sinh. Các vị
nữ thần dâkinî, tiếng Tây Tạng gọi là khandroma, nguyên nghĩa là những
vị "nữ thần bay trong không gian", là những vị thần linh thông báo sự
giác ngộ, nhưng đôi khi cũng được xem là những vị nữ thần có các khả
năng phù phép mang tính cách dân gian, mang lại cảm ứng và giúp đỡ những
người hành thiền du-già (yogi) trên phương diện tâm linh, nhưng cũng có
thể gây ra các chướng ngại cho họ. Sự liên hệ mang tính cách tương tác
giữa nam tính và nữ tính, dù là dưới hình thức phóng tưởng (fantasy/sự tưởng tượng hay hình dung về những gì không thật, nhằm mục đích lẫn tránh thực tại) hay
là sự thật đi nữa, thì lúc nào cũng bàng bạc trong Tan-tra Thừa. Các nữ
thần trí tuệ dâkinî đôi khi hiện ra dưới hình thức nhân dạng và biến
thành các nữ tu sĩ tan-tra thật lỗi lạc, hoặc trở thành các người bạn
đồng hành tâm linh của các vị đại sư. Tuy nhiên dù có một số các vị nữ
thần dâikinî rất được tôn kính, thế nhưng trong số này cũng chỉ có một
thiểu số là được giới tăng lữ Tây Tạng - mà đa số là nam giới - thừa
nhận và tôn thờ. Dầu sao thì từ khi Phật giáo Tây Tạng bành trướng mạnh ở
Âu Châu thì người ta không còn tìm thấy một lý do văn hóa nào nữa để mà
kỳ thị giữa nam và nữ giới, và hơn thế nữa trong số những người tu tập
theo hình thức Phật giáo đứng hàng đầu này tại Âu Châu, thì người phụ nữ
đã chiếm đa số!
Vài lời ghi chú của người dịch
Tạp chí L'Express của Pháp ngày 19 tháng 11 năm 2015, có
đưa ra bản phúc trình của tổ chức "Diễn đàn Kinh tế Thế giới" (The World
Economic Forum) trụ sở đặt tại Geneva (Thụy Sĩ), cho biết là "con đường
đưa đến sự bình đẳng giữa nam-nữ sẽ còn dài". Bản phúc trình hàng năm
và mới nhất trên đây được công bố ngày 19 tháng 10 vừa qua, và được dựa
vào các kết quả thống kê trong năm 2015, tại 145 quốc gia trên thế giới.
Các kết quả này cho thấy mức chênh lệch giữa nam và nữ giới trên các
phương diện sức khỏe, giáo dục, kinh tế (mức lương, công ăn việc làm,
chức vụ...) đã thu hẹp được 4% kể từ năm 2006. Theo đà này thì phải còn
chờ thêm 118 năm nữa thì khi đó người đàn bà mới được xem là ngang hàng
với người đàn ông. Bản tường trình trên đây cũng cho biết là năm nay
(2015) nước Pháp vượt lên được một bậc và đứng hàng thứ 15 (cũng xin
nhắc thêm là trên phương diện giáo dục và sức khỏe thì Pháp đứng hàng
đầu từ năm 2006), và Hoa kỳ mất luôn một lúc 8 điểm, tụt xuống hàng thứ
28.
Ngược về hơn hai ngàn năm trăm năm trước Tây Lịch trên
bán lục địa Ấn Độ thì sự cách biệt giữa người phụ nữ và nam giới còn
nặng nề hơn gấp bội. Ngày nay tại hai quốc gia đông dân nhất trên hành
tinh này là Ấn Độ và Trung Quốc, thì sự kỳ thị phái nữ vẫn còn hết sức
lộ liễu và gay gắt. Chúng ta hãy thử nhìn vào một vài trường hợp điển
hình tại Ấn Độ và Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại, hầu giúp
chúng ta có một ý niệm nào đó về sự cách biệt giữa nam và nữ giới tại
hai quốc gia này cũng như trong các xã hội Á Châu nói chung.
Ở Ấn Độ vào thời phong kiến, mỗi khi nhà vua băng hà thì
triều đình đốt một đống lửa thật to dưới chân thành và xô các bà hoàng
hậu, thứ phi, cung tần mỹ nữ xuống đống lửa để hỏa táng họ. Vào thời nhà
Đường ở Trung Quốc, và cũng là thời kỳ văn minh nhất trong lịch sử của
quốc gia này - từ văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế cho đến nghệ thuật
- và dưới triều đại của một ông vua rất "phức tạp" và rất "nghệ sĩ" là
Đường Huyền Tông, án tử hình đã được hủy bỏ vào năm 747, ngoài ra cũng
còn một biện pháp "nhân đạo" khác được đưa ra là các cung tần mỹ nữ được
phép mỗi năm ra khỏi cung cấm để thăm cha mẹ một lần.
Đến ngày thăm con thì cha mẹ, anh em, họ hàng từ khắp
nước kéo nhau về kinh đô tìm con, tìm em, tìm chị,.. trước đây đã được
"tiến cử" vào cung. Họ là những cô bé mười ba, mười bốn tuổi, hay lớn
hơn và đẹp nhất nước. Cha mẹ, họ hàng thì mang theo nào là quà bánh, các
món "đặc sản" của quê nhà, từ khắp nước kéo về kinh đô Trường An .
Không thấy các sử liệu cho biết là mỗi năm ngày vui ấy đã quy tụ được
bao nhiêu người - hàng ngàn hay hàng vạn? - mà chỉ biết rằng trên nguyên
tắc vua có 3.000 cung phi chính thức. Trong một khu đất rộng lớn, người
ta chen chúc nhau: con tìm cha mẹ, cha mẹ tìm con, tìm được nhau thì ôm
nhau khóc, không tìm được nhau cũng khóc: con khóc, mẹ khóc, cha khóc,
em khóc, chị khóc..., tiếng khóc vang rền trong một bãi đất mênh mông,
đến chiều thì cung tần mỹ nữ lại phải vào cung.
Ngoài ra một vị hoàng đế phải xem hoàng hậu, các thứ phi
và cung tần mỹ nữ là những người hầu hạ và phục dịch cho mình. Một vỉ
hoàng đế si tình một thứ phi được xem là một sự sỉ nhục, không xứng đáng
là một vị đế vương hay thiên tử. Thế nhưng đó cũng lại là trường hợp
của Đường Minh Hoàng say mê Dương Quý Phi. Các sử gia Trung Quốc thường
nhắc đến sự kiện này với hậu ý chê trách, đôi khi với ít nhiều thêm thắt
và phóng đại. Nhìn theo một hướng khác - tức là nhìn vào các cung tần
mỹ nữ - thì đấy cũng là sự khổ đau của thân phận người phụ nữ, dù họ
xinh đẹp nhất nước và sống trong chốn cao sang.
Ngày nay tại hai quốc gia này tức là Trung Quốc và Ấn Độ,
người nữ vẫn còn bị bị kỳ thị, và ngay cả từ lúc còn là bào thai. Nếu
bác sĩ cho biết hài nhi trong bụng là gái thì có thể sẽ bị cha mẹ phá
thai. Nếu một đứa bé gái may mắn được sinh ra đời và lớn lên thì số phận
cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu. Cách nay đã gần 30 năm, tại một công
trường thăm dò, khoan đào và tầm khảo dầu khí ở giữa sa-mạc của một xứ
Trung Đông, người chuyển ngữ bài viết này đã từng chứng kiến một cảnh
tượng mà đến nay vẫn ray rứt và đau xót trong lòng mỗi khi nhớ đến. Công
trường có những khung gỗ (palette/palet) để xe xúc vận chuyển các bao
hóa chất hoặc các máy móc nặng, và khi nào không còn cần đến nữa thì vứt
vào một khu chứa rác tạm thời, cạnh công trường. Một hôm, lúc mặt trời
bắt đầu xuống thấp, khí trời bớt nóng, có một người đàn ông dắt theo một
bé gái, vóc dáng gầy ốm khoảng độ sáu hay bảy tuổi, cũng có thể là mười
hay hay mười hai tuổi (?), vì thật ra rất khó đoán tuổi tác của những
đứa bé gái sống trong những vùng nghèo nàn trên thế giới. Có thể đây là
hai cha con (?), họ đến gần công trường và nhặt một khung palette còn
tốt. Người đàn ông, tạm gọi là "cha" của đứa bé, khệ nệ nhấc tấm palette
đặt lên đầu đứa bé. Hai "cha con" đi về hướng mặt trời đang lặn, người
cha đi bên cạnh hai tay để không. Đứa bé thì chỉ đủ sức đi được khoảng
40 đến 50 thước là nhiều, sau đó thì phải đứng lại và ném tấm khung
palette xuống cát, vài phút sau thì "người cha" lại khệ nệ khiêng tấm
pallette đặt lên đầu đứa bé. Chiếc bóng của một người đàn ông khỏe mạnh
và một đứa bé gái gầy nhom với tấm palette trên đầu đổ dài trên mặt cát
về phía sau lưng, trước mặt họ là những dãy đồi cát mênh mông, xa tít
tận chân trời…
Nếu quay về với khung cảnh của hơn hai ngàn năm trăm năm
trước thì chúng ta tất sẽ hiệu được dễ dàng hơn tại sao vào thời bấy giờ
người ta lại gọi người đàn ông là "chủ gia đình" (gahapati), và
đồng thời cũng giúp chúng ta hình dung được những khó khăn nào mà Đức
Phật phải vượt qua khi chấp nhận để người phụ nữ được phép gia nhập Tăng
đoàn. Đi ngược lại với tập quán, truyền thống và văn hóa của cả một
thời đại là một cuộc cách mạng phi thường, thế nhưng Đức Phật đã thành
công, và cũng đã tránh được mọi sự chỉ trích và bài bác của quảng đại
quần chúng đối với Giáo Huấn siêu việt của Ngài. Và đấy cũng là điểm
đáng lưu ý nhất trong bài viết trên đây của học giả Philippe Cornu.
Bures-Sur-Yvette, 02.12.15
Hoang phong chuyển ngữ
H.1- Philippe Cornu: Giáo sư ngành "Nhân chủng học về tôn giáo" tại
Viện Quốc gia về ngôn ngữ và văn minh Đông Phương (INALCO/Institut
National des Langues et Civiliasations Orientales), và đồng thời là chủ
tịch Viện nghiên cứu Phật học Âu Châu (IBE/Institut d' Etudes
bouddhiques Européen), trước đây là Viện đại đọc Phật giáo Âu Châu
(UBE/Université Bouddhique Européenne).
H.2: Dominique Trotignon (áo đỏ) và Philippe Cornu (ngồi bên cạnh) -
Dominique Trotignon tu tập theo Phật giáo Theravada và là Tổng giám đốc
của Viện nghiên cứu Phật học Âu Châu (UBE). Cả hai là các học giả Phật
giáo rất uyên bác và năng hoạt hiện nay ở Pháp.
No comments :
Post a Comment