Phật Pháp được chia ra làm bốn thể loại là Giáo, Lý, Hành và Quả.
1. Về Giáo
Giáo là Pháp do đức Phật hiện thân nói ra ở thế gian, để giáo hoá cho
giới hữu tình đời sau. Thời ấy chỉ có lời nói mà chưa có văn tự, cho
nên chưa có sách vở. Lấy âm thanh làm thể nói bàn. Dựa vào âm thanh cao,
thấp, ngắn, dài mà thành tên (danh). Gom góp tên lại thành ra câu (cú).
Danh cú dựa vào nhau thành văn. Thời Phật, bấy giờ cũng lấy âm thanh
làm thể chủ, tất nhiên không có văn tự, người nghe dựa vào lời Phật nói
mà tu chứng.

Lời Phật di giáo này không giống như những học thuyết, học lý thông
thường. Vì những học thuyết thông thường dựa vào thường thức suy xét nửa
tối, nửa sáng mà thành, lấy việc đã biết xét việc chưa biết. Giống như
khoa học trong thời còn đang nghiên cứu, đó là tri thức mới một tầng
kinh nghiệm. Như lúc trước nói “trời tròn đất vuông”, sau mới biết trái
đất vốn hình quả cầu. Ở đó, lời nói không xác định, nghĩa theo thời mà
biến động.
Giáo pháp của Phật có nguồn gốc không giống với nguồn gốc các học
thuyết khác, đó là chí giáo từ trong thánh trí lưu thông ra. Vì vậy, đến
với giáo pháp của Phật phải dùng sức tin mà lãnh nhận. Điểm này cũng
như tin tôn giáo, không có khác. Phật pháp không phải là tôn giáo mà
cũng lại là tôn giáo, cho nên muốn giảng Phật Pháp trước hết phải tin là
có Phật.
Phật là tiếng gọi tắt, gọi đủ là Phật Đà. Vì nghĩa từ Phật là giác
giả, là trỏ vào người đã được giác ngộ một cách cao cả, đúng đắn, chính
xác và rộng khắp nhất. Trong cõi này, người đã được chính biến giác cao
cả nhất chỉ có Phật Thích Ca Mâu Ni, hiện thân thuyết pháp độ người, có
giáo pháp lưu truyền, để lại cõi đời. Nhưng ở đây lại không giống như
các tôn giáo khác vì Ngài nói: Nếu người đời ai thực hành, thực chứng
tới vô thượng chính biến giác thì người ấy cũng thành Phật. Vì vậy,
người ta cuối cùng quyết bình đẳng.
2. Về Lý
Khi người ta chưa thành Phật mà muốn cầu thành Phật thì trước hết
phải tin nhân giáo pháp của Phật. Nhưng tin cũng không phải là tin một
cách mù quáng. Bởi vì, người ta nếu tin có lý chân thật của các pháp
trong pháp giới, thì phải giác ngộ chân lý ấy đến viên mãn, đó là chính
giác cao cả nhất.
Phật ở trong chính giác cao cả nhất ấy, không một sát - na nào không
phóng ra sự sáng suốt hiểu biết hoàn toàn trên, dưới, trong, ngoài.
Không phải là trước hiểu biết thế nào mà sau vẫn lại hiểu biết như thế
ấy.
Tự giác của Phật đã đến địa vị viên mãn, thì không còn phải học thuyết, học lý, học tập, học tác gì nữa. Cho nên gọi là “vô học”.
Nhưng, Phật thì đã chứng vào cảnh giới giác ngộ như hư không, như
gương Đại Viên (tròn lớn) soi khắp bao la, mà tất cả chúng sinh chưa
chứng được vào tướng chân thật của vạn hữu trong pháp giới, bởi vì còn
mê muội, điên đảo nên sinh ra rất nhiều phiền não đau khổ.
Phật rất thương xót cho nên phải đặt ra giáo pháp danh, cú, văn, thân để khiến cho chúng sinh giác ngộ.
Giáo pháp của Phật có hai phương diện:
Thứ nhất, hợp với chân lý, trong nhất niệm của Phật soi
rõ khắp lý chân thật của vạn hữu trong pháp giới, luôn luôn hợp nhau,
không hề có một mảy may sai lầm. Vì vậy nói các pháp đều hợp chân lý.
Thứ hai, hợp với căn cơ, người nghe pháp có căn khí bậc nào, cơ cảm loại nào thì giải thuyết theo phương tiện ấy.
Hai phương diện tựa hồ như xung đột nhau, bởi vì tâm trí chúng sinh
không bằng Phật, tuỳ thuận chúng sinh thì không hợp lý, nhưng tuỳ cơ
thuyết pháp là lối khéo léo làm việc giáo hoá của Phật, lần lượt đều
khiến thông đạt tới cảnh giới Phật, đều khiến tới cảnh giới Phật. Đó là
giáo pháp đặt bày từ trong vô thượng chính biến giác, vô thượng lưu
thông ra. Chỉ có loại thi thiết này là phải hệ thuộc cơ cảm mà có. Còn
Phật với Phật thì không phải thế.
Giáo pháp được thi thiết lưu thông này, dựa vào vạn pháp duy thức mà nói, cũng có hai phương diện:
Thứ nhất, Danh, cú, văn, thân vô lậu thanh tịnh từ
trong tâm Phật chính biến giác vô thượng lưu thông ra. Đó là cơ cảm từ
chúng sinh trong tâm Phật mới lưu thông ra được, gọi là giáo lý bản chất
hay nguyên chất.
Thứ hai, Danh, cú, văn, thân từ nơi tha tâm Phật lưu
xuất, người ta không đích thân duyên trực tiếp được, chỉ dùng được tâm
hữu lậu làm duyên tăng thượng, ở trong tâm mình sinh ra một loại ảnh
tượng (bóng dáng), thế là giáo ảnh tượng. Đẩy giáo ảnh tượng này về với
giáo bản chất thì trong Phật giáo được gọi là thánh giáo hay trí giáo.
Pháp thường nghìn đời vẫn không biến đổi, khắp bốn bể cũng đều chuẩn cả,
không có gì gọi là học cả.
Sở dĩ có sự học là vì ở Pháp lý thứ hai (Danh, cú, văn, thân từ nơi tha tâm Phật lưu xuất),
về giáo lý có thể bàn được, nhưng phải dùng lời Phật làm duyên tăng
thượng. Người nghe pháp đối với giáo pháp được nghe, ngẫm nghĩ, suy xét
hiểu được rõ ràng thì có học lý về Phật pháp.
Phàm gọi là Kinh đều là Pháp Phật thuyết ra. Đời sau lại có người dựa
vào giáo pháp của Phật mà bàn giải kỹ lưỡng mở rộng, thì được gọi là
Luận. Học lý về Luận đã thành tinh vi, rõ ràng, chính xác, như các luận
Đại Tỳ Ba Xa, Du Già Sư Địa, v. v. Xét về căn nguyên, những luận này
đều có được từ giáo Pháp của Phật để lại.
3. Về Hành
Giáo Pháp của Phật vốn được xuất ra từ chính biến giác vô thượng. Vì
vậy nên người ta muốn biết giáo lý Phật cũng cần phải biết được vô
thượng chính biến giác. Nhưng làm thế nào mới chứng được thì lại phải
cần phải giảng về phương pháp tu hành. Vậy nên việc tu hành là việc thứ
ba cần giảng rõ. Trong việc tu hành có 3 tu học tăng thượng đó là Giới.
Định, Tuệ. Tu Giới thế nào? Thiền định thế nào? Thế nào để đạt được Đại
trí tuệ? (Tác giả đã trình bày trong tiểu luận “Phật học là Tuệ học”).
Tu hành như thế thì mới có thể được vô thượng chính biến giác, tức là
Quả Đại Bồ Đề, chứng nhập và hiểu rõ ràng thật tướng các Pháp trong Pháp
giới.
4. Về Quả
Thể loại thứ Tư gọi là quả. Đã được quả rồi thì cũng có thể lấy đấy để khai thị, giác ngộ cho người sau.
Giáo lý “Hành Quả” cũng không phải cách biệt hẳn với nhau. Bởi vì, tư
duy quan sát tức là hành, nhân tu hành mà lý càng rõ. Lý giải và tu
hành cùng tiến như người đi đường, mặt và đế chân đồng thời cùng phát
sinh tác dụng. Vả chăng, tuy ít rõ lý giải, chưa đạt quả vị cứu kính
nhưng cũng đã thành hiệu quả. Tuy ít có hiệu quả, mà không cho là tự túc
(tự mãn) thì cuối cùng vẫn có thể đạt tới chính biến giác.
Tư tưởng, trí thức của người thường đều không xa lìa Ngã chấp, Pháp
chấp, nên họ bảo các loại học lý không tránh khỏi vọng tình, suy lường,
phỏng đoán. Do vậy họ không thể nhận được chân lý rốt ráo.
Muốn cầu chân lý không thể không dựa vào Giáo pháp của Phật và Học lý của Cổ đức để làm căn cứ nghiên cứu.
Như vậy, học lý của Phật mà người tu học có được là nhờ học lý của
thánh quả Tam thừa hữu học, vừa y vào thánh giáo, vừa y vào tự chứng để
thành. Hơn nữa là vì học lý nội ngoại điển, phàm mới học đều phải dựa
vào văn tự thánh giáo mà nên.
Phật học đại lược là như thế./.
Viên Minh Pháp tự, mạnh xuân Đinh Hợi, 2007 (Phật Tử Việt Nam)
No comments :
Post a Comment