
LỜI NÓI ĐẦU
Kinh Tứ thập nhị chương là một
tuyển tập kinh điển cô đọng và súc tích. Trong một số truyền bản, bản
kinh đã có sự biên tập nhất định trong quá trình phiên dịch hay sao
chép. Cũng do điều này, nên đã tạo ra những ngộ nhận không đáng có, thậm
chí có những hoài nghi quá đáng khi cho rằng, bản kinh này không có
thực trong Kinh tạng.
Hơn thế nữa, vì nội dung và kết cấu của kinh Tứ thập nhị chương đôi
khi chỉ trích xuất một câu hay một đoạn ngắn từ những bộ kinh khác, nên
dễ làm cho người đọc bối rối, do không nắm được câu kinh đó nằm ở đâu,
trong ngữ cảnh nào, trong những liên hệ nguồn gốc nào.
Thực chất của kinh điển Phật giáo, dù Nam truyền hay Bắc
truyền, nhưng vẫn gặp nhau và thống nhất trên nhiều phương diện căn bản.
Sự gặp gỡ, giống nhau của những bản kinh trong nhiều truyền thống kinh
điển Phật giáo, đã góp thêm bằng chứng khẳng định về tính chân thực của
Phật pháp.
Đó là ba trong những lý do thúc đẩy chúng tôi thực hiện tác phẩm Kinh Tứ thập nhị chương - đối chiếu và nhận định nhằm
mục đích xác tín rằng, đây là bản kinh có mặt trong Kinh tạng Bắc
truyền, có nguồn gốc trong những bản kinh khác nhau, và được cả hai
truyền thống Bắc truyền và Nam truyền ghi nhận.
Do có những chương bị ảnh hưởng bởi quá trình biên tập, do khả năng
giới hạn của chúng tôi, thế nên chưa thể tìm ra nguồn gốc thực sự của
những chương này, mà chỉ có thể đưa ra những bản kinh tương đương để đối
chiếu. Đây là một hạn chế mà chúng tôi sẽ hoàn thiện khi hội đủ tư
liệu.
Bản kinh Tứ thập nhị chương thể hiện một trình độ khái quát
rất cao, nội dung giáo lý đáp ứng cho cả hai bộ phận tu sĩ, cư sĩ và ẩn
tàng một khát vọng nhằm giới thiệu giáo lý căn bản của Phật giáo cho
nhiều giới và nhiều người. Mặc dù trong khảo cứu của mình, chúng tôi đã
chỉ ra những tác giả và dịch giả thực sự, tuy nhiên, chúng tôi vẫn ngờ
rằng tác giả thực sự của kinh Tứ thập nhị chương phải là một
người có trình độ khái quát cao và có thẩm quyền về Kinh tạng. Đây cũng
là một tồn nghi của chúng tôi sau khi hoàn thành tác phẩm này.
Trong khi đối chiếu, có những bản kinh có nguồn gốc Hán tạng cũng như
Nikaya, đã được một số tác giả có thẩm quyền phiên dịch ra tiếng Việt,
thì chúng tôi xin mạn phép được sử dụng bản dịch của những tác giả này.
Xin chân thành tri ân những dịch giả đã góp phần làm nên công trình của
chúng tôi.
Đi tìm nguồn gốc của một bản kinh mang tính tuyển tập, trong cả hai
truyền thống kinh điển là Hán tạng và Nikaya, là một công việc đòi hỏi
phải có sự tiếp sức của nhiều người. Chúng tôi rất mong nhận được những ý
kiến đóng góp của độc giả, những ý kiến đóng góp của quý vị sẽ giúp
chúng tôi hoàn thiện tác phẩm trong thời gian tới.
Trân trọng !
Thích Chúc Phú
Xem bản PDF
No comments :
Post a Comment