Theo
Phật giáo Nam truyền, ngày Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức
Phật đều diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesākha; với Phật giáo Bắc
truyền, ngày Thành đạo diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch. Trong
thời đại hôm nay, thời gian tổ chức sự kiện Đức Phật thành đạo đã được
mặc định như trên, và đã mang tính phổ biến trong hai truyền thống Phật
giáo.
Tuy nhiên, trước khát vọng hướng về chân lý của thực tại khách quan,
thì việc tìm hiểu cơ sở triết lý và hiện thực lịch sử liên quan đến thời
gian Đức Phật thành đạo, cũng là một trong những nhu cầu quan thiết của
nhân loại nói chung và người con Phật nói riêng.
Trong tinh thần đó, chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát thư tịch từ Hán
tạng đến Nikāya liên quan đến ngày, tháng thành đạo của Đức Phật, nhằm
góp phần làm sáng tỏ thêm về sự kiện quan trọng này.
1. Ngày, tháng thành đạo của Đức Phật theo Hán tạng.
1.1 Cơ sở kinh, luật.
Trong kinh, luật Hán tạng, có hai quan niệm về ngày, tháng thành đạo
của Đức Phật. Bao gồm, ngày mùng 8 tháng 2 và ngày mùng 8 tháng 4.
+Ngày mùng 8 tháng 2, gồm có các kinh, luật sau:
-Kinh Trường-A-hàm, do ngài Phật-đà-da-xá và Trúc-phật-niệm dịch vào năm 413[1].
- Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (394-468) dịch[2].
- Tát-bà-đa-tỳ-ni-Tỳ-bà-sa, mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm nhà Tần[3].
+ Ngày mùng 8 tháng 4, gồm có các kinh sau:
-Kinh Phật Bát-Nê-Hoàn do Sa-môn Bạch Pháp Tổ dịch vào thời Tây Tấn (266-316)[4].
-Kinh Bát Nê Hoàn, không ghi tên người dịch, phụ vào dịch phẩm thời Đông Tấn (317-420)[5].
-Kinh Phật thuyết Ma-ha-sát-đầu do Sa-môn Thích Thánh Kiên dịch vào thời Tây Tần (385-431)[6].
Trong sáu nguồn kinh, luật nêu trên không đề cập đến ngày mùng 8
tháng 12. Vậy, thực chất ngày thành đạo của Đức Phật mà Phật giáo Bắc
truyền hiện đang tổ chức dựa trên cơ sở nào?
1.2 Cơ sở luận thư về ngày Đức Phật thành đạo mùng 8 tháng 12.
Một trong những tài liệu quan trọng trong sinh hoạt thiền môn của Phật giáo Bắc truyền là tác phẩm Bách Trượng Thanh Quy. Bách Trượng Thanh Quy
do ngài Bách Trượng Hoài Hải (720-784) biên soạn vào thời nhà Đường để
làm cương lĩnh sinh hoạt cho người xuất gia. Trải qua chiến loạn ở Trung
Hoa nhiều thời kỳ, tác phẩm Bách Trượng Thanh Quy đã bị thất
lạc, nhưng những nội dung chính của tác phẩm đã được một số bộ sách cũng
như các bản Thanh Quy khác thu lục, giữ gìn. Mãi đến năm đầu của niên
hiệu Chí Nguyên (1335) thời nhà Nguyên, cháu nối dòng đời thứ 18 của tổ
Bách Trượng là thiền sư Đức Huy dựa trên di cảo của ngài Bách Trượng
trong các bộ Thanh Quy hiện hành mà biên soạn thành Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy[7].
Theo Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, quyển 2, cho rằng ngày Đức
Phật thành đạo là ngày mùng 8 tháng 12 (臘月八日). Tác phẩm không nêu rõ dựa
trên cơ sở tư liệu nào để ngài Bách Trượng, hoặc ngài Đức Huy cho rằng,
ngày mùng 8 tháng 12 là ngày Đức Phật thành đạo, mà chỉ trình bày cách
thức tổ chức và nội dung nghi lễ. Đây là một thiếu sót đáng tiếc.
Sau nỗ lực khảo sát thư tịch Hán tạng, chúng tôi đã phát hiện ra
rằng, nguồn gốc ngày lễ Đức Phật thành đạo mùng 8 tháng 12 xuất hiện
trong văn bản khá sớm, vào khoảng thế kỷ thứ VI, hiện được thu lục trong
Đại tạng kinh chữ Hán, tập 46, với tên gọi là Nam Nhạc Tư Đại Thiền Sư Phát Thệ Nguyện Văn[8].
Tác phẩm Nam Nhạc Tư Đại Thiền Sư Phát Thệ Nguyện Văn do ngài Nam Nhạc Tuệ Tư (515-577), vị cao tăng ở thời đại Nam-Bắc triều, là vị tổ thứ ba của tông Thiên Thai[9],
soạn vào đời nhà Trần (557-589). Nội dung bản văn nói về việc phát tâm
Bồ-đề trong quá trình cầu đạo của tác giả. Đặc biệt, đầu bản văn, ngài
Tuệ Tư đã khẳng định, Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 12 năm
Quý Mùi, lúc Ngài 30 tuổi[10].
Từ quan điểm của ngài Tuệ Tư và quan điểm của ngài Bách Trượng, qua
sự chuẩn thuận và hoằng dương của các vị quân vương hộ pháp, truyền
thống Phật giáo Bắc truyền đã từng bước chấp nhận và sử dụng ngày mùng 8
tháng 12 làm ngày Đức Phật thành đạo cho đến hôm nay.
Xem ra, từ quan điểm đề xuất của hai vị cao tăng có nhiều đóng góp
trong lịch sử Phật giáo, đã từng bước định hình nên ngày lễ Đức Phật
thành đạo mang tính thống nhất của Phật giáo Bắc truyền. Ở đây, việc xét
xem quan điểm đề xuất của hai vị cao tăng này có dựa trên nền tảng kinh
điển hay không, đó là điều mà chúng ta cần đối chiếu, xem xét.
1.3 Đánh giá về các nguồn tư liệu Hán tạng.
Trước hết, về quan điểm Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 2 ở kinh Trường-A-hàm, kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả
và luật của bộ phái Tát-bà-đa; các vị cao tăng khi phiên dịch kinh,
luật đã giữ nguyên ngày tháng theo truyền thống Ấn Độ. Theo tư liệu Phật
giáo Nam truyền, Đức Phật thành đạo vào tháng Vesākha. Ngài Huyền Tráng
trong Đại Đường Tây Vức Ký đã phiên âm Vesākha là Phệ-xá-khư (吠舍佉). Theo lịch pháp Ấn Độ, Phệ-xá-khư là tháng thứ hai trong 12 tháng[11]. Như vậy, khi kinh văn Hán tạng cho rằng, Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 2 là dựa trên lịch pháp của Ấn Độ.
Thứ hai, các bản kinh như Phật-bát-nê-hoàn, kinh Bát-nê-hoàn và kinh Ma-ha-sát-đầu
cho rằng Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 4, thì có thể các nhà
phiên dịch đã chuyển đổi thời gian sang hệ lịch pháp của Trung Hoa lúc
bấy giờ. Theo khảo sát, lịch pháp Trung Hoa trong thời phong kiến đã
nhiều lần thay đổi. Đến thời Đường Huyền Tông (685-762), nhằm bổ chính
những khiếm khuyết từ các bộ lịch pháp trước đó, vào niên hiệu Khai
Nguyên năm thứ chín (712), Đường Huyền Tông đã phụng thỉnh thiền sư Nhất
Hạnh (683-727)[12] soạn Đại Diễn Lịch (大衍曆), gồm 52 quyển[13].
Chính vì vậy, sự chuyển đổi về ngày tháng trong những dịch phẩm kinh
điển vừa nêu chỉ mang tính tương đối, vì cơ sở lịch pháp Trung Hoa dùng
để tham chiếu trong thời kỳ này chưa đồng bộ và nhất quán.
Thứ ba, cả sáu nguồn kinh điển Hán tạng nêu trên đều không đề cập đến
ngày mùng 8 tháng 12, ngày Đức Phật thành đạo. Vậy, dựa trên cơ sở nào
để ngài Tuệ Tư và ngài Bách Trượng xác quyết Đức Phật thành đạo vào ngày
mùng 8 tháng 12?
Theo Đại Tống Tăng Sử Lược của ngài Tán Ninh (919-1002)[14], căn cứ vào lịch pháp của nhà Châu (周曆), thì tháng 2 ở Ấn Độ tương đương tháng 12 ở Trung Quốc[15]. Trong tác phẩm Chiết Nghi Luận của ngài Tử Thành, tức Tỳ-kheo Sư Tử, cũng khẳng định điều tương tự[16].
Như vậy, qua sự chuyển đổi lịch pháp, các vị cao tăng của Phật giáo
Bắc truyền đã xác quyết ngày Đức Phật thành đạo nhằm ngày mùng 8 tháng
12 âm lịch. Quan điểm này căn cứ vào kinh Du Hành trong Trường A-hàm, và những bản kinh tương đương, xác tín ngày Đức Phật thành đạo là ngày mùng 8 tháng 2 theo lịch pháp Ấn Độ.
Nếu tính khởi đầu từ thời ngài Tuệ Tư (515-577), thì truyền thống tổ
chức lễ hội Đức Phật thành đạo vào ngày mùng 8 tháng 12 đã gần 1.500
năm. Với chiều dài lịch sử đó, phải chăng đây cũng là ngày Đức Phật
thành đạo được các truyền thống Phật giáo khác công nhận và thừa hành?
Nghi vấn này sẽ được làm rõ khi khảo sát về ngày thành đạo của Đức Phật
qua kinh tạng Nikāya.
2. Ngày, tháng Đức Phật thành đạo theo kinh tạng Nikāya.
2.1 Cơ sở tư liệu
Có nhiều bản kinh trong năm bộ Nikāya tuy ghi nhận về lịch sử cuộc
đời Đức Phật, nhưng không đề cập chi tiết về ngày, tháng thành đạo. Có
thể nói, lịch sử Đức Phật nói chung và chi tiết về ngày thành đạo nói
riêng theo quan điểm Phật giáo Nam truyền, có thể tìm thấy trong hai
nguồn tư liệu chính, đó là tác phẩm Nidānakathā và Mahāvaṃsa.
Theo tác phẩm Nidānakathā, sau khi thọ dụng bát cháo sữa từ nàng Sujātā vào ngày trăng tròn tháng Vesākha (Visākhapuṇṇamāya)[17], Bồ-tát Siddhattha đã thiền tọa dưới gốc cây Bồ-đề (Bodhirukkha)[18], hàng phục ma quân và chứng thành Phật quả (Buddhabhūtassa)[19].
Theo tác phẩm Mahāvaṃsa (Mhv.I,12), tại Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela) thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha), dưới gốc cây Bồ-đề (Bodhimūla), bậc đại sĩ (Mahāmuni) đã chứng đạt quả vị Toàn giác tối thắng (patto sambodhimuttamaṃ) vào ngày trăng tròn tháng Vesākha (Visākhapuṇṇamāyaṃ)[20].
Như vậy, cả Nidānakathā và Mahāvaṃsa đều ghi nhận Đức Phật thành đạo
vào ngày trăng tròn tháng Vesākha.Với sự khẳng định quan trọng như vậy,
thì việc thẩm sát về nguồn gốc, cũng như các khía cạnh liên quan của hai
tác phẩm này là những yêu cầu quan thiết.
2.2 Thẩm định về hai nguồn tư liệu
Trước hết, Nidānakathā là một văn bản nằm phía trước tập truyện tiền
thân Đức Phật (Jātaka). Theo T.W.Rhys Davids, tác phẩm Nidānakathā được
xem như một đề dẫn về lịch sử Đức Phật (Buddhavaṃsa)[21]. Theo tác giả Oskar von Hinüber, Nidānakathā là tư liệu quan trọng nhất về lịch sử Đức Phật của Phật giáo Theravāda[22].
Với tác giả Hajime Nakamura (1912-1999), thì Nidānakathā là một nguồn
tư liệu quan trọng không thể thiếu để ông viết nên tác phẩm Đức Phật Gotama: một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất[23].
Do vậy có thể thấy, nghiên cứu về lịch sử Đức Phật thì không thể không
tham khảo văn bản Nidānakathā. Cũng theo tác giả Hajime Nakamura, tác
phẩm Nidānakathā được cho là của ngài Buddhaghosa ở thế kỷ thứ V[24]. Quan điểm này hiện vẫn chưa được khảo chứng.
Theo nội dung được chuyển tải trong Nidānakathā, thì Bồ-tát đã thọ dụng món cháo sữa (khīra) do nàng mục nữ Sujātā hiến cúng vào ngày trăng tròn tháng Vesākha (Visākhapuṇṇamāya). Sau đó, Bồ-tát phải trải qua bảy lần bảy ngày, tức 49 ngày dưới cội Bồ-đề mới chứng thành Phật quả. (Buddhabhūtassa sattasattāhaṁ bodhimaṇḍe vasantassa ekūṇapaññāsa divasanī)[25].
Bốn mươi chín ngày đã gần hai tháng. Do vậy, theo logic nội tại từ tác
phẩm Nidānakathā, thì thời điểm thành đạo của Đức Phật đã không nằm
trong tháng Vesākha!
Kế đến, tác phẩm Mahāvaṃsa do tôn giả Mahānāma biên soạn vào cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI[26].
Nội dung của tác phẩm đề cập đến lịch sử của Sri Lanka và Phật giáo, là
tư liệu quý hiếm về lịch sử Phật giáo trong giai đoạn này. Tuy nhiên,
do tác phẩm trộn lẫn giữa huyền thoại và hiện thực lịch sử, nên cần phải
tham chiếu nhiều tài liệu liên quan khi cần xác tín một dữ kiện nào đó.
Sự trộn lẫn giữa yếu tố huyền thoại và hiện thực trong tác phẩm Mahāvaṃsa, theo tác giả Douglas Bullis trong tác phẩm Mahavamsa: The great chronicle of Sri Lanka,
là thủ pháp biên soạn của ngài Mahānāma, nhằm hóa giải xung đột giữa
truyền thống Theravāda cổ điển và lý tưởng Bồ-tát, trong giáo nghĩa
Mahāyāna đang diễn ra trong thời đại của ngài Mahānāma[27].
Ở đây, tác phẩm Mahāvaṃsa đã khẳng định Đức Phật thành đạo vào ngày
trăng tròn tháng Vesākha có phần giống như câu chuyện được ghi lại trong
tác phẩm Nidānakathā. Phải chăng, trong quá trình biên soạn, tôn giả
Mahānāma đã kế thừa tư liệu từ Nidānakathā? Điều này hiện vẫn chưa được
khảo chứng, thế nhưng trong thực tế, tác phẩm Mahāvaṃsa đã kế thừa nhiều
nguồn sử liệu, trong đó có tác phẩm Dīpavaṃsa.
Theo tác phẩm Nidānakathā đã được khảo chứng ở trên, thì Đức Phật
thành đạo không nằm trong tháng Vesākha. Thế nhưng ở Mahāvaṃsa vẫn khẳng
định Đức Phật thành đạo vào ngày trăng tròn tháng Vesākha, xuất hiện
trong một câu đơn lập, và không có tư liệu liên quan để bổ trợ thông
tin. Đây cũng là một tồn nghi theo quan điểm của chúng tôi.
Mặc dù vậy, khách quan mà nhìn nhận, sự khẳng định về ngày thành đạo
của Đức Phật trong tác phẩm Mahāvaṃsa ở thế kỷ thứ VI, cũng tương tự như
ghi chép của ngài Huyền Tráng (602-664) ở thế kỷ thứ VII. Cụ thể là,
theo tác phẩm Đại Đường Tây Vức Ký, quyển tám ghi rằng: Thượng-tọa-bộ
cho rằng Như Lai thành Đẳng-chánh-giác vào ngày 15 nữa tháng sau của
tháng Phệ-xá-khư, tương đương ngày 15 tháng 3 ở Trung Hoa vậy[28].
Nếu căn cứ vào niên đại của văn bản này, thì truyền thống Đức Phật
thành đạo vào ngày trăng tròn tháng Vesākha của Phật giáo Nam truyền
cũng có lịch sử gần 1.500 năm, cũng gần bằng với khoảng thời gian mà
Phật giáo Bắc truyền tổ chức, vào ngày mùng 8 tháng 12 ở thời ngài Tuệ
Tư (515-577), mà chúng tôi đã nêu dẫn.
Như vậy, theo những khảo chứng trên, cả Phật giáo Bắc truyền và Nam
truyền đều tổ chức ngày lễ Thành đạo vào những thời điểm khác nhau trong
năm và đã có lịch sử gần 1.500 năm. Thử hỏi, trong hai truyền thống đó,
thì truyền thống nào gần với hiện thực lịch sử?
Ở đây, chúng tôi không có tham vọng làm sáng tỏ hoàn toàn câu hỏi
này, mà sẽ cố gắng minh định ngày thành đạo của Đức Phật, dựa trên những
sự kiện liên quan đến thời điểm Đức Phật thành đạo, được cả hai truyền
thống Phật giáo công nhận. Và, một trong những cơ sở khảo sát của chúng
tôi, đó chính là sự kiện Đức Phật thọ nhận bó cỏ Kusa trải làm tòa ngồi
suốt 49 ngày đến khi Ngài thành đạo.
3. Từ bó cỏ Kusa đến thời gian Đức Phật thành đạo.
Kusa là một loại cỏ thiêng trong văn hóa Ấn Độ, được Ấn giáo, Phật
giáo và nhiều ngành y khoa tin dùng, từ ngàn xưa và ngay cả hôm nay. Cỏ
Kusa có nhiều tên gọi tùy theo địa phương, mọc ở nhiều quốc gia nhiệt
đới trên thế giới trong đó có Ấn Độ, Nepal.
![]() |
Add Kusha Grass fields in Nalanda |
3.1 Cỏ Kusa trong Ấn giáo và trong kinh điển Phật giáo.
Cỏ Kusa có mặt trong kinh văn Ấn Độ cổ đại, cụ thể là trong tác phẩm Rig-Veda, trong Atharva-Veda và cả trong luật Manu (II.75)[29]. Tác phẩm Atharva-Veda đã dành nhiều đoạn (AV.XIX.32.3), (AV.XIX.33.1) ca tụng loại cỏ thiêng này:
Ôi Kusa, cội nguồn của ngươi thì trên Thiên giới, nhưng đã sống vững chải ngay cõi đất này[30]! …. là vua giữa các loại cỏ cây[31].
Cỏ Kusa còn được các nhà khổ tu Ấn giáo sử dụng làm áo mặc (kusacīrampi) hoặc trải làm toà ngồi[32], là phẩm vật quan trọng không thể thiếu trong nghi lễ của Bà-la-môn giáo. Đoạn kinh Tăng Chi đã ghi nhận điều này:
Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Jānussoni, nhân ngày trai giới Uposatha,
sau khi gội đầu và mặc đôi áo lụa mới, tay cầm nắm cỏ kusa ướt, đứng
không xa Thế Tôn bao nhiêu. Thế Tôn thấy Bà-la-môn Jānussoni, nhân ngày
trai giới Uposatha, sau khi gội đầu và mặc đôi áo lụa mới, tay cầm nắm
cỏ kusa ướt, đứng một bên không xa bao nhiêu, thấy vậy liền nói với
Bà-la-môn Jānussoni:
- Này Bà-la-môn, nhân ngày trai giới Uposatha, Ông gội đầu, mặc
đôi áo lụa mới, tay cầm nắm cỏ kusa ướt, đứng một bên để làm gì? Có phải
hôm nay là ngày của gia đình Bà-la-môn?
- Thưa Tôn giả Gotama, hôm nay là ngày xuất ly của gia đình Bà-la-môn.
- Này Bà-la-môn, như thế nào là ngày xuất ly của các Bà-la-môn?
- Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn nhân ngày trai giới
Uposatha gội đầu, mặc đôi áo lụa mới, thoa sàn nhà với phân bò ướt, trải
với cỏ kusa xanh, và nằm xuống giữa đống cát và nhà lửa. Đêm ấy họ dậy
ba lần, chắp tay đảnh lễ ngọn lửa và nói: "Chúng tôi đi xuống đến Tôn
giả". Rồi họ đốt lửa với nhiều thục tô, và sanh tô, và sau khi đêm ấy đã
qua, họ cúng dường các Bà-la-môn với các món ăn thù diệu, loại cứng và
loại mềm. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là lễ đi xuống của các Bà-la-môn[33].
Cỏ Kusa có mặt trong cả năm bộ Nikāya, nhằm chỉ cho một loại cỏ với
hai cạnh bên sắc bén, có thể làm đứt tay (Dhp. 311), hoặc dễ bị giật đứt
(S.iii,137), hoặc dùng làm áo mặc (D.i, 166; M.ii,162), hoặc dùng để
xâu cá (It,67)…Đặc biệt, trong lịch sử Đức Phật, cỏ Kusa là một trong
những bằng chứng quan trọng, liên quan đến thời điểm thành đạo của đức
Thế Tôn.
3.2 Thiền tòa bằng cỏ Kusa.
Theo Nidānakathā, sau khi thọ dụng bát cháo sữa của nàng mục nữ
Sujātā, Bồ-tát Siddhattha đã lên đường hướng đến cội Bồ-đề. Trên đường
đi, gặp chàng thanh niên tên là Sotthiyo đang gánh cỏ đem bán (tiṇahāraka), sau khi nhận biết (ñatvā) Ngài là một bậc Đại nhân (mahāpurisa),
nên anh ta đã cúng dường tám bó cỏ. Bồ-tát nhận cỏ và đi về cây Bồ-đề.
Sau khi cân nhắc phương hướng, Ngài đã trải cỏ làm tòa dưới gốc Bồ-đề và
dũng mãnh phát nguyện: “Cho dù da thịt, gân, xương trở nên khô cằn, máu
trong thân này dẫu có cạn kiệt, nhưng nếu không đạt đạo[34], Ta quyết không rời chỗ này”.(Kāmaṁ taco ca nahāru ca aṭṭhi ca avasussatu, upasussatu sarīre maṁsalohitaṁ, na tv-eva sammāsambodhiṁ appatvā imaṁ pallaṁkaṁ bhindissāmītī)[35]. Đại nguyện này của Bồ-tát cũng được Luận Đại-trí-độ
ghi nhận: “Ta nguyện thiền tọa tại đây đến khi chứng đạt
Nhất-thiết-trí. Nếu chưa chứng Nhất-thiết-trí, Ta quyết không rời chỗ
này”(要不破此結加趺坐, 成一切智; 不得一切智, 終不起也)[36].
Ở đây, trong bản văn Nidānakathā chỉ ghi nhận người thanh niên cắt cỏ tên là Cát tường (Sotthiyo) đã dâng cúng tám bó cỏ (aṭṭha tiṇamuṭṭhiyo adāsi) cho Bồ-tát. Theo từ điển Pāli-English của PTS, Sotthi có nghĩa an lành, an lạc, cũng có nghĩa là cát tường (well-being,safety), ngôn ngữ Sanskrit ghi là Svasti, cũng mang ý nghĩa tương tự[37].
Kinh điển Hán tạng ghi nhận về loại cỏ này rất sớm. Chẳng hạn, trong kinh Tu Hành Bổn Khởi, do Khang Mạnh Tường dịch vào năm 197[38], ghi rằng, khi Bồ-tát hỏi chàng thanh niên đó tên gì, thì chàng ta đáp rằng: Tên con là Cát Tường, con cắt cỏ Cát Tường[39]. Ngài Huyền Tráng cũng xác tín sự kiện Bồ-tát thọ nhận cỏ Cát Tường trong Đại Đường Tây Vức Ký[40]. Ngài Nghĩa Tịnh trong Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Xuất Gia Sự[41] cũng ghi nhận loại cỏ Cát Tường.
Trở lại từ nguyên Sotthi trong Nidānakathā, từ này đã được các nhà dịch thuật Hán tạng phiên âm thành Cô-thi-thảo (姑尸草)[42] và cũng gọi là Cát Tường (言吉祥也). Theo Phật Học Đại Từ Điển của Đinh Phúc Bảo thì Cô-thi-thảo (姑尸草) được dịch là cỏ Cát Tường, Cô-thi (姑尸) chính là Kusa[43].
Từ những khảo chứng nêu trên, đã xác tín rằng, Đức Phật thọ nhận cỏ
Kusa từ một người cắt cỏ và trải làm thiền tòa. Sau 49 ngày miên mật
thiền định trên thảm cỏ Kusa, Ngài đã giác ngộ viên mãn. Chính vì vậy,
theo chúng tôi, việc tìm hiểu thời gian sinh trưởng của cỏ Kusa trong
điều kiện tự nhiên, sẽ góp phần làm sáng tỏ thời gian thành đạo của Đức
Phật.
3.3. Điều kiện sinh trưởng của cỏ Kusa và thời gian Đức Phật thành đạo.
Cỏ Kusa còn có tên gọi là cỏ Darbha theo Ấn giáo[44], hiện vẫn được dùng làm nệm để ngồi thiền (Kusa mat) và làm nhẫn để đeo (Kusa ring) trong nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ[45].
Các vật dụng bằng cỏ Kusa mãi đến ngày hôm nay vẫn được chế tạo, mua
bán giao dịch, có thể tìm thấy trên trang thương mại toàn cầu ebay.in.
Theo tạp chí Lịch sử khoa học Ấn Độ (Indian Journal of History of Science), cỏ Kusa có danh pháp khoa học là Desmostachya Bipinnata[46]. Theo tạp chí Quản lý môi trường sinh thái và chăn thả (Rangeland Ecology & Management)[47],
Kusa là loại cỏ lưu niên, được phát hiện sống rải rác ở nhiều nơi, từ
Sudanian, Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á, Pakistan và cả Ấn Độ. Trong nông
nghiệp, Kusa được xem như một loài cỏ dại, có khả năng chịu mặn cao.
Thân rễ của cây phát triển mạnh sau mùa mưa (after monsoon rains), cây trưởng thành, ra hoa và kết trái từ tháng Sáu cho đến tháng Mười.
Trong điều kiện tự nhiên ở Ấn Độ ngày nay, cỏ Kusa thường sống những
vùng trũng, thấp và dọc hai bờ sông. Thuở xưa cũng vậy, kinh Tương Ưng
(S.iii,137) ghi nhận cỏ Kusa mọc hai bên bờ sông. Thực tế này giống với
trường hợp thanh niên Sotthiyo cắt cỏ Kusa bên bờ sông Niranjana.
Ở đây, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong bài viết liên quan đến cỏ Kusa ở tạp chí Quản lý môi trường sinh thái và chăn thả ở trên, thì cỏ Kusa ra hoa và trưởng thành từ tháng Sáu cho đến tháng Mười, sau mùa mưa.
Trong khi đó, ở Ấn Độ có hai mùa mưa, mùa mưa Tây Nam và mùa mưa Đông Bắc. Theo tác giả Sulochana Gadgil, ở Trung âm khí quyển và khoa học đại dương, thuộc Viện khoa học Ấn Độ, thì mùa mưa Tây Nam là mùa mưa chính, diễn ra trên phần lớn lãnh thổ của Ấn Độ, từ tháng 6 đến tháng 9[48].
Từ điều kiện sinh trưởng của cỏ Kusa và điều kiện thời tiết ở Ấn Độ
như đã trình bày, thì thời điểm thích hợp để chàng thanh niên Sotthiyo
thu hoạch cỏ Kusa thương phẩm để đem bán (tiṇahāraka),
không thể diễn ra sớm hơn tháng 6 tây lịch. Như vậy, thời điểm thích
hợp để Đức Phật nhận tám bó cỏ Kusa làm thiền tòa vào khoảng tháng 10.
Sau đó, Ngài đã thiền tọa bốn mươi chín ngày, tức gần hai tháng.
Nếu lịch sử Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền đều ghi nhận thời
gian Bồ-tát thiền định là 49 ngày; nếu cả hai truyền thống Phật giáo đều
công nhận Bồ-tát dùng cỏ Kusa để làm thiền tòa, thì thời gian Đức Phật
thành đạo hợp lý sẽ diễn ra trong mùa đông, nếu nói chính xác hơn vào
khoảng tháng 12 dương lịch.
4. Nhận định
Với Phật giáo nói chung, ngày Thành đạo của Đức Phật là một ngày lễ
quan trọng và thiêng liêng. Vì không có ngày Thành đạo của Đức Phật, thì
sẽ không có ngày Đản sanh cũng như nhập Niết-bàn. Với ý nghĩa đó, ngày
Đức Phật thành đạo cũng là ngày Phật đản sanh: ngày xuất hiện một vị
Phật trên đời. Nhận thức rõ về điều này và tổ chức sự kiện đúng với tầm
mức là việc làm có ý nghĩa thiết thực.
Từ thực tế, lễ Đức Phật thành đạo đã được hai truyền thống Phật giáo,
Bắc truyền và Nam truyền tổ chức vào hai thời điểm khác nhau trong năm
và đã có lịch sử gần 1.500 năm. Việc tổ chức lễ hội thành đạo ở mỗi
truyền thống Phật giáo chứa đựng những giá trị đặc thù, và đã trở thành
nét văn hóa riêng có.
Từ khảo chứng về điều kiện sinh trưởng của cỏ Kusa và thời tiết Ấn Độ
ở trên cho thấy, Đức Phật thành đạo trong mùa đông ở Ấn Độ, vào khoảng
tháng 12 tây lịch. Các dữ kiện liên quan đến thời điểm thành đạo của Đức
Phật đã cũng cố và bổ trợ cho quan điểm này. Cụ thể, khi những con sông
ở Ấn Độ cạn nước vào mùa đông như sông Niranjana, thì Bồ-tát mới dễ
dàng lội qua như cổ thư Tây Tạng đã chỉ rõ[49],
và phù hợp với thực tế lịch sử ngày nay. Không những vậy, thời điểm Đức
Phật thành đạo cũng là thời gian khô ráo, vì suốt gần hai tháng, thời
tiết rất thuận lợi để Bồ-tát thiền định ngoài trời dưới gốc cây Bồ-đề.
Từ những đối khảo đã chỉ ra, thời gian tổ chức lễ thành đạo của hai
truyền thống Phật giáo nêu trên mang dấu ấn của chân lý quy ước (sammuti-sacca),
vì căn cứ trên sự thống nhất và đồng thuận của nhiều giới và nhiều
người, trong quá khứ, cũng như hiện tại. Việc vượt qua giới hạn của chân
lý quy ước này, để vươn lên tầm nhận thức chân lý tuyệt đối về thực tại
(paramattha-sacca), giúp cho người học Phật gặt hái nhiều thành
tựu to lớn, và một trong số đó chính là thành tựu niềm tịnh tín bất động
đối với Đức Phật - bậc vĩ nhân có thật trong cuộc đời này.
Chúc Phú
[1]大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第四, 遊行經
[2]大正藏第 03 冊 No. 0189 過去現在因果經, 卷第三
[3]大正藏第 23 冊 No. 1440 薩婆多毘尼毘婆沙, 卷第二
[4]大正藏第 01 冊 No. 0005 佛般泥洹經, 卷下
[5]大正藏第 01 冊 No. 0006 般泥洹經, 卷下
[7]大正藏第 48 冊 No. 2025 敕修百丈清規
[8]大正藏第 46 冊 No. 1933 南嶽思大禪師立誓願文
[9]大正藏第 51 冊 No. 2069 天台九祖傳
[10]大正藏第 46 冊 No. 1933 南嶽思大禪師立誓願文. Nguyên văn:至癸未年年三十.是臘月月八日得成道
[11]大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第二.
[12]大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳卷第五
[13]大正藏第 49 冊 No. 2037 釋氏稽古略, 卷三, 一行禪師.
[14]大正藏第 54 冊 No. 2126 大宋僧史略
[15]大正藏第 54 冊 No. 2126 大宋僧史略, 卷上. Nguyên văn:臘月乃周之二月也.
[16]大正藏第 52 冊 No. 2118 折疑論, 卷第一.Nguyên văn:周時正月建子.二月八日即今十二月八日是也
[17] The Pāli Text Society. The Jātaka together with its commentary, being tales of the anterior births Gotama Buddha. Vol 1. Edited by V. Faus Boll. London: Messrs. Luzac and Company, Ltd. 1962. p.68
[18] Tên khoa học là Ficus religiosa.
[19] The Pāli Text Society. The Jātaka together with its commentary, being tales of the anterior births Gotama Buddha. Vol 1. Edited by V. Faus Boll. London: Messrs. Luzac and Company, Ltd. 1962. p.70
[20]The Pāli Text Society. The Mahāvaṃsa. Wilhelm Geiger Ph.D, trans. Oxford: University Press, Amen Corner, E.C 1912. p.2
[21]Buddhist Birth Story,(Jataka tales): The commentarial introduction entitled Nidānakathā, The story of the lineage. Translated from Prof. V. Faus Boll’s editionof the Pāli text by T.W Rhys Davids. London: G.Routledge. 1925. p.xii. Cf:The Nidānakathā, as forming a running commentary on the Buddhavamsa.
[22]Oskar von Hinüber. A Handbook of Pāli Literature. Berlin -New York: Walter de Gruyter. 1996. p.56. Cf: The Nidānakathā is the most important Theravāda source for the life of the Buddha.
[23] Hajime Nakamura. Gotama Buddha – A biography based on the most reliable texts. 2 Vol. Tokyo: Kosei Publishing Co. 2000. Xem thêm bản dịch tiếng Việt: Hajime Nakamura, Đức Phật Gotama: một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất, Trần Phương Lan dịch, NXB. Phương Đông, 2011.
[24] Hajime Nakamura. Gotama Buddha – A biography based on the most reliable texts. 2 Vol. Tokyo: Kosei Publishing Co. 2000. p.16.
[25] The Pāli Text Society. The Jātaka together with its commentary, being tales of the anterior births Gotama Buddha. Vol 1. Edited by V. Faus Boll. London: Messrs. Luzac and Company, Ltd. 1962. p.70.
[26]Pāli Text Society. The Mahā Vaṃsa or The Great chronicle of Ceylon. Trans. Wilhelm Geiger. London: Henry Frowde, Oxford University Press, Amen Corner. 1912.p.xi. See also, Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 2. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p.553.
[27]Douglas Bullis. Mahavamsa: The Great Chronicle of Sri Lanka. Fremont, CA: Asian Humanities Press. 2012. p.54.
[28]大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記,卷第八. Nguyên văn:上座部則吠舍佉月後半十五日成等正覺,當此三月十五日也.
[29] SBE., Vol 25. The Laws of Manu. G Buhler, trans. Oxford: Clarendon press, 1886. Chapter II, Slokas 75. p.44.
[30]The Atharva-Veda (Sanskrit text), Devi Chand M.A,trans. New Delhy: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd, Reprinted 2014, p. 762. Cf: O herb, (i.e., kusha-grass) thy main root is in the heavens but are firmly established on the earth.
[31]Ibid, p. 763. Cf: a king among the plants and herbs.
[32]Kinh Tiểu Bộ, tập 6, Chuyện thực phẩm thiên giới, số 535, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 84.
[33]Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.698.
[34] Nguyên văn: sammāsambodhiṁ, tức giác ngộ viên mãn.
[35] The Pāli Text Society. The Jātaka together with its commentary, being tales of the anterior births Gotama Buddha. Vol 1. Edited by V. Faus Boll. London: Messrs. Luzac and Company, Ltd. 1962. p.71
[36]大正藏第 25 冊 No.1509 大智度論, 卷第三, 共摩訶比丘僧釋論第六.
[37] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, MA: Nataraj Books, 2014, p.1283.
[38]Theo Khai nguyên thích giáo lục, quyển thứ nhất và Lịch đại Tam Bảo ký,
quyển thứ tư, bản kinh này được dịch vào tháng 3, niên hiệu Kiến An năm
thứ 2, tức năm 197. Xem,大正藏第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀,卷第四(譯經後漢)
[39]大正藏第 03 冊 No. 0184 修行本起經, 卷下. Nguyên văn:我名為吉祥,今刈吉祥草.
[40]大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第八.Nguyên văn:菩提樹垣內,四隅皆有大窣堵波.在昔如來受吉祥草已, 趣菩提樹, 先歷四隅, 大地震動,至金剛座,方得安靜.
[41]大正藏第 23 冊 No. 1444 根本說一切有部毘奈耶出家事, 卷第二
[42]大正藏第 51 冊 No. 2088 釋迦方志, 卷下
[43] Đinh Phúc Bảo, Phật Học Đại Từ Điển, quyển hạ, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn hành, 2012, tr. 1486.
[44] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, MA: Nataraj Books, 2014, p. 296.
[45]
Mohanty R. B., Tripathy B. K., & Panda T., “Semiological
Application of Plants and Vegetation in folk life and culture of Jajpur
District, Odisha : An Introspection”. Journal Anthropological Survey of India, 61(2) & 62(1) July-Dec, 2012 & Jan-June, 2013. p.562.
[46] Mahdihassan. S. “Three important Vedic grasses”. 1987. Indian Journal of History of Science, 22/4. 1987. p. 287.
[47]
Salman Gulzar, M. A. Khan, and Xiaojing Liu. “Seed Germination
Strategies of Desmostachya bipinnata: A Fodder Crop for Saline Soils”. Rangeland Ecology & Management, 60 July 2007. p.402.
[48] Sulochana Gadgil, “The Indian monsoon and its variability”. Earth and Planetary Science Letter, 2003-31. p.430.
[49] Rockhill, William Woodville. The life of Buddha and the early history of his Order. London: Trubner & Co Ludgate Hill, 1884, p. 31. Cf: Then the Bodhisattva waded across the river.
No comments :
Post a Comment