
Nghĩa
Túc Kinh , chữ Nghĩa là nghĩa lý, Túc là sự đầy đủ, Nghĩa Túc tức là
nghĩa lý đầy đủ, trọn vẹn. Kinh Nghĩa Túc (Arthapada Sutra) là một trong
những kinh xưa nhất của Phật giáo Nguyên thủy, các nhà khoa học đều
công nhận kinh này có sớm nhất và lối văn cổ nhất so với tất cả các
kinh khác, nên kinh Nghĩa Túc là kinh tiêu biểu, mang trong mình tinh thần của Phật giáo Nguyên thủy. Kinh Nghĩa Túc cũng là một minh chứng cho chúng ta thấy rằng Phật giáo Nguyên thủy xuất hiện vào những năm đầu sau khi Phật thành đạo.
Kinh Cha Con Gặp Nhau,
là bài kinh được Phật giảng lúc Phật về thành Ca-tỳ-la-vệ, thăm quê
hương lần đầu, hơn một năm sau khi thành đạo, cả dòng họ Sakya tổ chức
tiếp đón Phật rất long trọng; đích thân vua Tịnh Phạn cũng đi ra ngoài
thành đón tiếp Đức Phật. Dòng họ Thích Ca và dân chúng trong thành đều
rất hoan hỷ đến nghe Phật thuyết pháp. Trong pháp hội đó, sau khi mọi
người nhận lãnh năm giới, có người đặt câu hỏi:
“Kính
thưa Phật, thế nào là một vị Mâu-ni, thế nào là một vị thầy tu tĩnh
lặng, một người có giới đức hoàn toàn? Chúng con muốn biết. Xin Ngài
giải nghĩa giùm cho, thế nào là vị Mâu-ni?”.
“Đã
tiếp nhận đầy đủ giới pháp, chúng con phải nhận diện như thế nào và
phải nói như thế nào cho đúng về bậc toàn thiện có chánh kiến, có đầy đủ
giới pháp, bậc được sinh ra như một vị anh hùng trên thế gian, bậc đó
đã vượt thoát mọi ràng buộc khổ nạn? Xin Đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng
con”.
Câu
hỏi làm duyên khởi cho kinh này là làm thế nào để mọi người có thể nhận
diện được một con người giác ngộ, tịch tĩnh, đức hạnh đầy đủ trong số
những người đang khổ đau, trầm luân trên đời. Câu hỏi đầy trí tuệ này
không những làm lợi ích cho thính chúng trong pháp hội đó, mà còn là kim
chỉ nam cho hàng Phật tử sau này trong việc tìm đúng các bậc thiện tri
thức có đầy đủ đức hạnh và trí tuệ làm chỗ nương tựa, học hỏi, và tu
hành đúng theo chính pháp.
Đức Phật từ bi chỉ rõ ra rằng:
1.
“Trước hết đó là một người đã buông bỏ hết tất cả những hận thù trong
quá khứ, một người không còn mơ tưởng, vướng mắc gì vào tương lai. Và cả
chính trong hiện tại người đó cũng không vướng vào hư danh và sự tôn
kính của người đời. Người đó là một bậc Mâu-ni, một người toàn thiện”.
Đó
là một con người rất bình thường như tất cả những người khác, nhưng đã
buông bỏ được tất cả những giận hờn, hận thù, lo lắng, phiền muộn, ân
oán trong quá khứ, không giữ lại trong tâm mình. Người ấy cũng không bị
dính mắc, chấp trước hay mơ mộng hão huyền vào những mong cầu ở tương
lai. Và người ấy cũng không bị vướng mắc vào những gì đang diễn ra trong
giây phút hiện tại.
Bởi
vì đã thấu rõ, quá khứ qua rồi, tương lai chưa đến, hiện tại cũng không
trụ; cho nên người đó không còn mơ tưởng viển vông, xa vời mà đạt được
hạnh phúc và an lạc ngay trong giây phút hiện tại. Vị ấy càng nhìn thấu
danh lợi, địa vị vốn không thật có, nên không vướng mắc vào hư danh; tâm
của vị ấy không bị dao động bởi sự tôn kính hay bất kính của người đời.
Người như vậy chính là bậc trọn lành, tịch tĩnh, đức hạnh đầy đủ, hoàn
toàn ung dung và tự tại.
2.
“Không tham đắm vào tương lai, không ưu sầu về quá khứ. Người ấy trên
bước đường mình đi đã buông bỏ mọi tham cầu, mọi tà kiến, không giữ lại
một tư kiến nào”.
Do
buông bỏ được tất cả những hận thù, phiền muộn nên không còn ưu sầu về
quá khứ, không mong mỏi, mơ tưởng hão huyền trong tương lai nên không
tham đắm vào tương lai. Bậc Mâu-ni ấy là người đã buông bỏ không còn
vướng mắc vào tiền tài danh vọng, xa lìa những nhận thức sai lầm, không
còn chấp trước vào bất kỳ một ý kiến, nhận định thiên lệch nào của bản
thân.
Ai
cũng biết rất nhiều những tranh luận, chống đối, đấu tranh, phiền não
phát sinh từ sự chấp trước vào ý kiến, nhận định của bản thân, vì nghĩ
rằng cái thấy của mình mới là chân lý, còn cái thấy của người khác là
sai lầm.
Trong
Tám con đường chân chính mà Đức Phật dạy để đưa mọi người đến nơi an
vui hạnh phúc thì chính kiến, tức là cái thấy biết chân chính, đứng đầu,
muốn có chính kiến trước hết phải buông bỏ tất cả các kiến, kể cả tư
kiến.
3.
“Đã buông bỏ mọi sợ hãi, đã trở nên vững chãi, nuôi dưỡng được chánh
tín, diệt trừ được nghi nan, không tật đố, lòng hoan hỉ với những gì
đang có, yêu nếp sống thảnh thơi”.
Vì
không ưu sầu về quá khứ, không vướng mắc vào tương lai, lại buông bỏ
được mọi sự tham cầu, không còn chấp vào Cái Ta, nên vị ấy đã nhìn thấu
và vượt qua mọi nỗi sợ hãi, lòng tin chân chính được củng cố vững chãi,
tâm không còn dao động trước ngoại cảnh. Như vậy, những nghi nan trong
lòng của vị ấy tự nhiên tiêu trừ, xa lìa lòng ganh tỵ, an trụ trong hiện
tại nhiệm mầu, tâm luôn an vui với cuộc sống hiện tại. Nhất là nếp sống
của vị ấy vô cùng đơn giản, thảnh thơi và tự tại.
4.
“Có khả năng tiết chế, không tham vọng, có nhiều tuệ giác, không ganh
ghét ai, không nói xấu ai, không trau chuốt bên ngoài, không nói lưỡi
hai chiều, người ấy buông bỏ mọi hý luận và nghi ngờ”.
Vị
ấy có khả năng làm chủ chính mình, làm chủ cuộc đời mình, không bị lòng
tham dục bên trong hay những lạc thú bên ngoài kéo đi. Đi đứng nằm
ngồi, vị ấy luôn tỉnh giác, luôn tự tiết chế, điều độ trong ăn uống ngủ
nghỉ, không bị nô lệ cho đam mê, tập khí hay thói quen. Rất nhiều người
thường tự hào về những thành tựu trong sự nghiệp tiền tài danh vọng, địa
vị, nhưng suốt đời họ sống nô lệ cho lòng tham dục, si mê của mình mà
họ không biết. Thật đáng thương thay! Tu tập để ngày càng làm chủ bản
thân mình nhiều hơn là một việc rất quan trọng và cần thiết.
Với
trí tuệ tịch tĩnh, vị Mâu-ni ấy là bậc đã nhìn rõ thật tướng các pháp
nên đã hoàn toàn xa lìa được lòng ganh ghét, đố kị; xa lìa sự nói dối,
nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác, nói lời trau chuốt giả tạo; buông
bỏ mọi hý luận không có lợi ích thật sự cho sự giác ngộ giải thoát; tâm
không còn hoài nghi, ngờ vực về con đường tu hành. Vị ấy biết rõ, nguyên
nhân của khổ đau là tham vọng quá nhiều, nên xa lìa được dục vọng,
5.
“Tâm ý giải thoát, không đắm trước, lìa tư kiến, không thêu dệt hư
vọng, bước đi an tường, người ấy có khả năng giải tỏa được mọi tranh
chấp, không bị dục kéo đi, và đoạn trừ được mọi dục tưởng”.
Tâm
ý của vị ấy không còn bị trói buộc vào bất kỳ thứ gì, được tự do một
cách trọn vẹn. Những sợi dây phiền não không còn nơi để phát huy tác
dụng được nữa. Không còn vướng mắc, chấp trước vào những cái thấy của
riêng mình. Miệng không còn nói những lời thêu dệt, hư vọng. Bước chân
của vị ấy chậm rãi, thảnh thơi, vững chãi, an lành không còn vội vàng,
hấp tấp. Tâm vị ấy không còn mọi ý tưởng tham dục, ham muốn. Vị ấy luôn
tỉnh táo và nhẫn nại, có khả năng hóa giải mọi sự cãi cọ, tranh chấp,
hơn thua bằng trí tuệ từ bi.
Vị
ấy nhận rõ rằng, mọi dục tưởng là do tri giác sai lầm đưa tới ham muốn.
Nếu không có dục tưởng thì sẽ không có ham muốn. Do chúng ta tham muốn
tìm cầu nhiều thứ, nào là tiền tài, danh vọng, quyền hành, nữ sắc, vì cứ
nghĩ chúng sẽ đem lại cho mình an lạc và hạnh phúc, cho nên chúng ta
khổ đau nhiều. Còn vị ấy biết rõ, một khi bị vướng vào những thứ đó rồi
mình sẽ mất hết hạnh phúc, thảnh thơi, an lạc mà chỉ còn lại toàn là đau
khổ.
6.
“Không mưu toan để đạt tới một cái gì mình muốn, cũng không lo lắng khi
mình không có cái kia, người ấy không oán giận, không bị vị ngọt của ái
dục sai sử”.
Lòng
vị ấy đã trong sạch và sáng suốt, nên không còn mưu toan hay tìm thủ
đoạn để thỏa mãn sự ham muốn bản thân, ngay cả việc thành tựu được một
mức độ nào đó trong tu học, cho nên không buồn phiền, lo lắng hay oán
giận khi không có được hay mất mát thứ gì. Nhất là vị ấy đã đoạn trừ
được sự luyến ái, không còn bị nô lệ cho ái dục.
Đây
là một điều rất khó làm được, vì sở dĩ chúng ta có mặt trong cuộc đời
này là do ái dục; chúng ta trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, chịu đủ mọi
đau khổ triền miên cũng là do ái dục. Ái dục chính là nguồn gốc của sinh
tử luân hồi, là nguyên nhân của khổ đau, nên xa lìa được ái dục tức là
an vui giải thoát.
7.
“Không tự cao, thấy được tự tánh bình đẳng và vô ngã, không có mặc cảm
thua người hay bằng người; biết quán chiếu, biết đình chỉ tâm ý, biết
cái gì là thiện cái gì là ác và buông bỏ được những vọng cầu về tương
lai”.
Vị
ấy quán chiếu sâu và thấy rõ tất cả mọi chúng sinh đều có thật tính
bình đẳng, tất cả các pháp thật sự bình đẳng, đạt đến cái thấy vô ngã,
nên xa lìa được hai trạng thái tự cao và tự ti, không còn mặc cảm hay tự
mãn, không còn ý tranh luận hơn, thua, bằng với người khác. Vị ấy luôn
kiểm soát tâm ý không để buông lung theo cảnh vật bên ngoài, nhìn thấu,
hiểu rành các pháp thiện và pháp ác, cũng không kẹt vào thiện ác, suy
nghĩ không còn dấu vết và sai lầm.
Người chưa đạt đến cái nhìn vô ngã, chưa thấu rõ thật tính bình đẳng của các pháp, thì chưa thể xem là bậc Đạo sư được.
8.
“Biết quán chiếu và thấy được tự tính các pháp, không còn bị kẹt vào
một pháp nào, không cần nương tựa vào một pháp nào, cũng không kẹt vào ý
niệm có và ý niệm không”.
Vị
ấy thường tĩnh tâm dùng trí tuệ quán chiếu, thấu rõ tự tính của các
pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, nên không còn bị trói buộc hay
vướng mắc vào bất kỳ pháp nào, cũng không còn kẹt vào hai đầu đối đãi có vàkhông, do đó không có gì là không vượt thoát được.
9.
“Ái đã diệt, tâm đã tĩnh, người ấy đã vượt qua biển sầu khổ tới bến bờ
vô ưu, không còn theo đuổi tìm cầu lạc thú trong ba cõi. Đã cởi trói, đã
buông bỏ tất cả, không còn có gì để gọi là sở đắc. Ái dĩ diệt: Những tham ái đã bị cắt đứt”.
Tâm
vị ấy đã tịch tĩnh, lòng tham ái cũng không còn, những vô minh, những
ham muốn, những cám dỗ, lạc thú trong cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc
không còn làm cho tâm vị ấy dao động. Vị ấy thực sự là một người tự tại
đối với các pháp, tâm đã hoàn toàn buông xả, không còn bị cái gọi là sở
đắc trói buộc. Đó là người đã vượt qua biển sầu khổ đến nơi không còn
bất kỳ âu lo, phiền muộn gì nữa.
10.
“Không cần con trai, không cần ruộng đất, không cần trâu bò, không cần
của cải, châu báu ngày càng nhiều, không còn gì hoặc để nắm bắt hoặc để
đuổi xua”.
Bậc
đại trí tuệ chỉ rõ cho chúng ta thấy được, người mà còn muốn có con
trai để nối dõi tông đường, kế thừa sản nghiệp, lòng muốn tích trữ tiền
bạc của cải cho nhiều, cái mình không thích thì chán ghét, thứ mình
thích thì bo bo gìn giữ, thì chắc chắn người ấy không phải là người
thanh tịnh, không phải là chân tu, cũng không phải là đạo sư đích thực.
Một
bậc đạo sư đích thực là tâm vị ấy thực sự xa lìa được cả hai thái cực
ham muốn và ghét bỏ, tức là không còn ham muốn bất cứ cái gì, cũng không
chán ghét bất kỳ cái gì.
11.
“Dù bị người ta công kích, phỉ báng, xúc phạm và lên án một cách không
có căn cứ, dù có bị các vị Phạm chí và Sa-môn hay cả những người trong
giới gọi là tu hành chê bai, người ấy vẫn ngồi yên bất động, vẫn cứ
đường mình mình đi”.
Vị
ấy là người thấy đạo, đã xác định rõ con đường cần phải đi, tâm ý đã
hoàn toàn an tịnh sáng suốt, vượt ra ngoài tác động của những sự khen
ngợi hay chê bai, tôn kính hay xúc phạm. Tức là khi bị chê bai, xúc
phạm, vị ấy không còn khởi ý nóng giận, khi được khen ngợi, tôn kính, vị
ấy không cảm thấy tự mãn, kể cả khi bị vu oan vị ấy cũng không còn muốn
bào chữa cho mình.
12.
“Không tật đố, không xan tham, dù có được thế gian tôn kính người ấy
cũng không bị vướng mắc. Người ấy không tự tôn, không tự ti, không đòi
bằng người, cái gì đúng pháp thì làm, phi pháp thì bỏ”.
Những
ý niệm tham lam, keo kiệt, ganh ghét hoàn toàn không còn hiện hữu trong
tâm vị ấy, ý niệm tự cao tự mãn hay mặc cảm tự ti cũng hoàn toàn được
tịnh trừ không còn dấu vết. Tâm vị ấy đã được kiên định, lời nói, việc
làm và suy nghĩ không còn mảy may sai lầm.
13.
“Thấy được tính Không, đạt tới vô cầu, vô đắc, không còn vui cái vui
phàm tục của thế gian, tâm ý đã thực sự dừng lại, vị Mâu-ni vượt thoát
thời gian, đạt tới bản môn, đi vào kiếp ngoại”.
Vị
ấy đã thấu rõ tính Không, liễu ngộ thực tính của vạn pháp, hiểu hết bản
chất của mọi sự vật, hiện tượng, không còn mong cầu bất kỳ cái gì, cũng
không thấy mình có bất kỳ sở đắc nào, vượt ra ngoài những ham muốn phàm
tục của thế gian.
Tâm
vị ấy hoàn toàn tĩnh lặng, sáng suốt và an ổn, ý của vị ấy đã không còn
buông lung. Vị ấy thật sự đã vượt ra ngoài mọi sự ràng buộc, giải thoát
ra khỏi mọi khổ đau trong sinh tử luân hồi, sạch hết mê lầm và sợ hãi,
là con người tịch tĩnh, sáng suốt và chứng ngộ.
Như
vậy, con người trí tuệ tịch tĩnh của dòng họ Thích-ca đã đích thân minh
chứng cho tất cả mọi người trên thế gian này thấy rõ một điều là: từ
một con người bình thường sống trong khổ đau triền miên, bị trói buộc
trong vòng sinh tử luân hồi như bao người khác, nhờ vào sự nỗ lực cố
gắng tu tâm dưỡng tính đúng phương pháp của tự thân, hoàn toàn có khả
năng giải thoát bản thân ra khỏi mọi sự ràng buộc, đạt đến an vui, tự
do, tự tại với ý nghĩa toàn vẹn nhất.
Thích Hạnh Tuệ
No comments :
Post a Comment