Friday, October 28, 2016

Đạo Phật - Phật Giáo

Đạo Phật là Phật tánh, thuộc bản thể, bản chất. Phật giáo là cái thể hiện bản thể Phật tánh, thuộc hiện tượng. Đạo Phật và Phật giáo vốn không hai; nhưng không phải là một. Ví như điện và dụng cụ điện tử. Điện là bản thể, bản chất. Đồ dùng điện tử là cái thể hiện hoạt dụng của điện tạo hiệu quả giúp ích đời sống con người. Đạo Phật ví như dòng điện, luôn luôn hiện hữu trong vũ trụ và trong mỗi con người, hay đúng hơn có mặt khắp tất cả và luôn luôn không thay đổi.


Phật tánh cũng vậy. Phật giáo ví như đồ dùng điện tử, mang đủ hình thức, hình thái, sắc màu và đủ dạng để phục vụ sự sống con người và môi trường sống. Đồ dùng điện tử dù đủ hình dạng nhưng không thể tách lìa điện mà có hiệu quả hoạt dụng được. Phật giáo cũng vậy, không thể lìa từ bi-trí tuệ, thuộc tánh của Phật tánh, tự tịnh kỳ ý, mà hoạt dụng có hiệu quả ích lợi đời sống con người và môi trường. Từ thời Thomas Edison phát minh ra bóng đèn đến bây giờ, đồ dùng điện tử đã phát triển phong phú, phục vụ đời sống con người khá dể chịu, nhưng con người vẫn chưa thật sự hạnh phúc, chiến tranh vẫn liên miên, con người vô cảm với đồng loại, với môi trường sống quanh ta. Nếu Phật giáo phát huy chức năng của mình là làm sống dậy từ bi- trí tuệ nơi mỗi tự thể con người qua 2500 năm, thì con người bây giờ đâu đến nỗi cô đơn, vô cảm, giết nhau như bây giờ. Đây mới nói về con người; còn khẩu hiệu của Phật giáo là phục vụ cho tất cả chúng sanh, hữu tình vô tình đồng thành Phật; tức là sống với từ bi-trí tuệ. Nếu tính tiền của vật chất phục vụ tăng lữ, cơ sở vật chất, lể hội sanh hoạt tôn giáo trên quả đất này thì quá nhiều so với đầu tư cho các nhà phát minh, sản xuất các dụng cụ điện tử. Hiệu quả thì tỷ lệ nghịch. Lương tâm làm người làm sao không trắc ẩn điều này? Chúng ta thử coi lại mẩu đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu thời Ngài còn tại thế, ghi lại trong kinh Trường A-hàm. Tôi trích trong tác phẩm Alexis Zorba - nhà văn hào Hy Lạp Nikos Kazantzakis. Gã chăn cừu: bữa ăn ta đã sẵn, ta đã vắt xong sữa cừu, cửa chòi ta đã khóa, lữa ta đã nhóm. Hỡi trời, muốn mưa xuống bao nhiêu thì mưa. Đức Phật: Ta không cần thức ăn và sữa uống, gió là căn chòi của ta, lữa ta đã tắt. Hỡi trời, muốn mưa xuống bao nhiêu thì mưa. Gã chăn cừu: ta có cừu, có bò cái, ta có những cánh đồng ông cha ta để lại, và một con bò đực ấp ủ những con bò cái. Hỡi trời, muốn mưa xuống bao nhiêu thì mưa. Đức Phật: ta không có bò đực, bò cái; ta không có cánh đồng; ta không có gì. Hỡi trời, muốn mưa bao nhiêu thì mưa. Gã chăn cừu: ta có nàng chăn cừu dễbảo và trung thành. Từ nhiều năm nay, nàng là vợ của ta và ta sung sướng chơi đùa buổi tối với nàng. Hỡi trời, muốn mưa xuống bao nhiêu thì mưa. Đức Phật: ta có một tâm hồn dễ bảo và tự do. Từ nhiều năm nay ta rèn luyện nó và tập cho nó chơi đùa với ta. Hỡi trời ,muốn mưa xuống bao nhiêu thì mưa. Đây là mẫu đối thoại nội tâm của một con người giữa hai lãnh vực tồn tại và sống. Lãnh vực bản thể và hiện tượng. Gã chăn cừu đại diện sự tồn tại của chúng ta. Đức Phật đại diện cho bản thể mang tố chất từ bi-trí tuệ phục vụ cuộc sống an lạc của chúng ta. Tồn tại và sống không thể tách rời, cũng như đồ điện tử không thể tách rời điện mà có hoạt dụng. Tôi thiết nghĩ, nếu có sự kiện như vậy xãy ra trong quá khứ, thì sau khi đối thoại đến cạn lời rồi, hai người ôm nhau chia sẻ những cái thật sự cần của mỗi người để tồn tại và sống hạnh phúc, an lạc. Đức Phật có siêu việt đến đâu cũng còn mang thân này, nên phải cần ăn uống để tồn tại. Gã chăn cừu dầu có vật chất bao quanh nhiều đến bao nhiêu đi nữa, cũng cần có một tâm hồn siêu xuất ra khỏi trói buộc vật chất để sống giải thoát an lạc. Vì vật chất thuộc hiện tượng nên thay đổi, nếu không có tâm hồn siêu xuất, thì sẽ ôm lấy khổ đau là tất yếu.

Tôi trộm nghĩ một giả sử, nếu Đức Phật ở mẩu đối thoại trên kết hợp sống chung với gã chăn cừu nọ. Tài sản gã chăn cừu chắc chắn là bị hao gầy bớt, mà gã chăn cừu vẫn cảm thấy cô đơn lạc loài, vô cảm với đồng loại, với môi trường; tham lam sân hận vẫn tràn ngập lòng gã. Tình trạng ấy Đức Phật sẽ sao đây? Một giả sử vô cùng ngu ngốc, nhưng Phật giáo trên quả đất này đã chứng minh qua lịch sử gần giống như vậy!!!.
Trường Dũng 2016

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS