Tổng thống Slovakia Andrej Kiska hội kiến nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma, ngày 16 tháng 10 năm 2016.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/10 dọa sẽ trả đũa sau khi Tổng thống
Slovakia Andrej Kiska hội kiến nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong Tây Tạng
Đạt Lai Lạt Ma, người bị Bắc Kinh cáo buộc cổ súy độc lập cho vùng đất
trong khu vực Himalaya.
Trung Quốc xem Khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình, Đức Đạt Lai Lạt Ma,
80 tuổi, là một phần tử ly khai dù Ngài nói Ngài chỉ mưu tìm tự trị thực
thụ cho Tây Tạng, lãnh thổ bị lính cộng sản Trung Quốc ‘giải phóng một
cách hòa bình’ hồi năm 1950.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đang có chuyến thăm châu Âu. Ngài gặp và dùng bữa
trưa với Tổng thống Kiska hôm 16/10 ở thủ đô Bratislava, theo website
chính thức của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trang này cũng đăng hình hai vị lãnh
đạo trò chuyện với nhau.
Trong cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng ông Kiska đã phớt lờ “phản đối mạnh
mẽ” của Trung Quốc đối với cuộc hội kiến đi ngược lại chính sách “một
nước Trung Hoa” mà chính phủ Slovakia hứa sẽ tôn trọng.
Trang Facebook của Tổng thống Slovakia vào ngày 16 tháng 10 đăng hình
ảnh cuộc gặp gỡ của ông với Đức Đạt Lai Lạt Ma, mô tả đó là “niềm vinh
hạnh.”
Bà Hoa nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma lâu nay vẫn tìm cách tách rời Tây
Tạng khỏi Trung Quốc và chính phủ Bắc Kinh phản đối bất kỳ quan chức
nước ngoài nào có bất kỳ hình thức tiếp xúc nào với ông. Cuộc gặp gỡ này
đã “phá vỡ cơ sở chính trị của quan hệ Trung Quốc-Slovakia,” bà Hoa
nói.
“Chúng tôi yêu cầu phía Slovakia nhận thức rõ bản chất ly khai chống
Trung Quốc của bè lũ Đạt Lai Lạt Ma và nghiêm túc tôn trọng lợi ích cốt
lõi và những mối quan tâm chính của Trung Quốc.”
Slovakia nên thực hiện những bước để loại bỏ tác động tiêu cực của cuộc gặp gỡ này, bà nói thêm.
Trung Quốc tháng trước cũng bày tỏ tức giận và đe dọa thực hiện những
biện pháp trả đũa sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Nghị viện
châu Âu ở thành phố Strasbourg của Pháp và hội kiến Chủ tịch Martin
Schulz.
Gần đây, rất ít lãnh đạo nước ngoài sẵn lòng gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt
Ma vì sợ gây phản ứng mạnh từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế
giới.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chạy sang Ấn Độ vào năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại Trung Quốc.
Những tổ chức nhân quyền và những người lưu vong lên án Trung Quốc
chà đạp quyền tôn giáo và văn hóa của người Tây Tạng, một cáo buộc mà
Bắc Kinh cực lực bác bỏ. Trung Quốc nói rằng nền cai trị của họ đã mang
lại sự thịnh vượng cho khu vực từng lạc hậu này.
VOA
No comments :
Post a Comment