Thursday, October 27, 2016

Ý nghĩa Phật giáo

Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
諸惡莫作
衆善奉行
自淨其意
是諸佛教 (Kinh Nguyên Thủy Phật giáo)

Chớ làm các việc ác, phụng mệnh làm các việc thiện từ tâm ý vốn thanh tịnh ấy. Đó là tất cả những gì Phật dạy.(Trường Dũng dịch)
Qua bài kệ trên, ta thấy có hai cặp được nêu ra, đó là: thiện-ác; kỳ ý- Phật giáo. Như vậy, Phật giáo có nghĩa là Phật dạy. Giáo ở đây thuần túy là dạy dỗ, hướng dẫn, dìu dắt. Phật ở đây, cụ thể là Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni ở Ấn Độ, ra đời cách đây hơn 2500 năm. Tất cả những gì Ngài dạy là: Chớ làm các việc ác, phụng mệnh làm các việc thiện. Vậy, thế nào là ác, thế nào là thiện?
Ở bài kệ này có khái niệm hay định nghĩa về nó không? Tại sao lại phụng mệnh làm? Phụng mệnh từ đâu? Chúng ta sẽ hiểu nó một cách rõ ràng trong phạm vi bài kệ này. Cái chuẩn để phân biệt thiện- ác ở đâu? Cái chuẩn này nếu không đúng với bản thể của vũ trụ, hay bản chất của mọi hiện tượng thì thế gian này ác-thiện sẽ lộn tùng phèo hết. Đức Phật gọi là điên đảo vọng tưởng.
Các triết gia Đông Tây kim cổ khái niệm: Ác là những việc làm gây hậu quả có hại, cho mình, cho người, cho môi trường; ngược lại, làm những việc có lợi cho mình, cho người, cho môi trường là thiện. Khái niệm này làm ta phải khái niệm thêm thế nào là lợi, thế nào là hại, thế nào là mình, người, môi trường và mối tương quan giữa chúng như thế nào. Điều này để các triết gia hay tất cả mọi người giải quyết. Ở đây chỉ đề cập đến quan điểm của Phật giáo về cái chuẩn để phân biệt thiện ác. “Cái Đẹp là cái có lợi”. Quan điểm Mỹ học ấy đã chấm dứt từ lâu rồi, huống gì khái niệm thiện-ác dựa trên cái lợi cái hại, ta, người, môi trường. Quan điểm Mỹ học hiện đại: “Cái Đẹp là cái cân bằng”. Kinh điển Phật giáo mênh mông lắm, ta chỉ xét trong bài kệ này thôi. Cái chuẩn để hiểu thiện ác nằm ở câu thứ ba của bài kệ, đó là tự tịnh kỳ ý. Thường chúng ta hiểu bài kệ ấy như sự liệt kê những gì Đức Phật dạy: 1- Không làm việc ác. 2- Làm các việc thiện. 3- Tự mình phải làm gì đó cho ý được thanh tịnh. Ba việc ấy có vẻ như độc lập không ăn nhập gì với nhau. Nếu ta thấy như vậy thì chữ phụng 奉 bị lờ đi. ‘Phụng’ tức là lãnh nhận việc làm gì hay ý chỉ gì từ người trên hay từ cái Thiêng liêng chẳng hạn. Vậy chữ ‘phụng’ ở bài kệ trên là lảnh nhận nhiệm vụ không làm các việc ác-làm các việc thiện từ đâu? Từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay từ ‘tự tịnh kỳ ý?’. Nếu lãnh nhận từ Đức Phật, thì suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài là việc thành lập từ điển thiện-ác để chúng sanh soi vào đó để biết việc nên làm hay không nên làm. Điều này là không thể! Vậy chắc chắn là lãnh nhận từ tự tịnh kỳ ý, hay đúng hơn, từ bản thể hay bản chất là ‘tự tịnh kỳ ý’ mà có hiện tượng không làm các việc ác- làm các việc thiện. Vậy ‘tự tịnh kỳ ý’ là cái Thiêng liêng. Ác –thiện ở đây chỉ là ngôn ngữ ‘gọi là’, không thể khái niệm; nó hoàn toàn vô đối. ‘Tự tịnh kỳ ý’: thường thì ta cho chữ ‘tự’ là tự mình, tức là một cá nhân, một hiện thể. ‘Tịnh’ là động từ, nghĩa là phải làm gì đó cho trong sạch ý của mình (kỳ ý). Chữ ‘kỳ’ là sở hữu đại từ, tức là ý của cá nhân đó, hiện thể đó. Vậy kết cấu câu là: ‘Tự’ (cá nhân) làm chủ ngữ. ‘Tịnh’ là động từ. ‘Kỳ ý’ là túc từ. Tức là mỗi cá nhân phải làm gì đó (tu chẳng hạn) để tâm ý của mình được thanh tịnh. Chính sự nhìn nhận như vậy nên thế gian rối tung lên, thiện ác lân lộn, chúng sanh chẳng biết vin vào đâu để hưởng thụ gia tài Đức Phật dạy. Hậu quả là Phật giáo có mặt trên trái đất này hơn 2500 năm mà thế giới chẳng hòa bình chúng sanh không an lạc thật sự. ‘Tự tịnh kỳ ý’ là một khối nhất thể, là cái Thiên liêng. ‘Tự tịnh kỳ ý’ với chức năng câu trong bài kệ là một ngữ danh từ, không phải là một câu. ‘Kỳ Ý’ là cái thuộc bản thể, hay bản chất của hiện tượng. ‘Kỳ’ ở đây không thuộc một cá nhân nào mà là cái bản thể ấy, chúng sanh chưa thấy được. Trong kinh điển phát triển Phật giáo gọi tên khác của ‘kỳ ý’ là Phật tánh, tâm chơn như. Thiền tông gọi là bản lai diện mục. Tịnh độ tông gọi là tự tánh Di Đà, Bankei (thiền sư Nhật Bản) gọi là tâm Phật bất sanh.v.v…
Cái ‘kỳ ý’ ấy vốn thanh tịnh nên gọi là tự tịnh, bổn lai nó như vậy, chẳng sạch chẳng dơ bao giờ; đồng thời chẳng thể có ai đó làm cho nó dơ- sạch được. Như vậy, bài kệ trên khái niệm tính chất của Phật giáo và tôn chỉ Phật giáo hướng đến. Nôm na mục đích- chức năng của Phật giáo là làm sống dậy cái Phật tánh hay cái ‘tự tịnh kỳ ý’ vốn có trong mỗi chúng sanh, để mọi hoạt động, hành động đều mang tính gọi là thiện. Không làm ác, làm các việc thiện tưởng như hai việc, kỳ thực là một hoạt dụng; nên thiện ở đây chỉ là tên gọi không thể khái niệm được. Nó vốn vô đối, là tuyệt đối, là tất cả, không mang tính nhị nguyên đối đãi. Thế thì, bài kệ trên rõ ràng không phải là ba việc làm độc lập được Đức Phật liệt kê cho chúng sanh phải làm. ‘Tự tịnh kỳ ý’ hay Phật tánh có tố chất từ bi-trí tuệ như là thuộc tánh của nó. Điều này được kinh điển phát triển Phật giáo triển khai nhiều. Như vậy, kinh nguyên thủy hay kinh phát triển Phật giáo chỉ diển đạt một điều này, nhưng diển đạt bằng những hình thái ngôn ngữ khác nhau. Đây là điểm mấu chốt để chúng ta không bị mê hoặc hay lạc lối trong ‘rừng’ hình thái, hình sắc ngôn ngữ Phật giáo. Ngôn ngữ ở đây không giới hạn chỉ là tiếng nói chữ viết mà là tất cả mọi hiện tượng. Có một Phạm Chí hỏi Đức Phật rằng: Ngài có thể nói cốt lõi giáo huấn của Ngài trong một câu được không? Đức Phật trả lời: được ! Ngài nói rằng: “Sabbe dhamma nalam abhinivesaya.” Không bám víu vào bất cứ gì cả (Trung bộ kinh). Sự việc này có mâu thuẩn hay có tương quan gì với bài kệ trên không? Nếu ta hiểu bài kệ trên: tất cả những gì Đức Phật dạy là không làm ác; làm thiện; làm gì đó-tu hành chẳng hạn-để tâm ý của mình được thanh tịnh, thì rõ ràng là mâu thuẩn cùng cực với câu “không bám víu vào bất cứ gì cả.” Đức Phật duy chỉ dạy về bản thể hay bản chất của mọi hiện tượng, bản chất chỉ có một, nên câu không bám víu vào bất cứ gì cả với bài kệ trên hoàn toàn không mâu thuẩn gì cả, mà có quan hệ nhân quả chặt chẽ. Không bám víu vào bất cứ hiện tượng nào cả; còn bản thể là cái không thể bám víu được. Bồ Tát Quan Thế Âm trong kinh Pháp Hoa-phẩm Phổ môn, ngài hóa hiện vô số thân khác nhau để dạy dỗ, hướng dẫn, dùi dắt chúng sanh. Hiện tượng là vô số thân khác nhau, nhưng bản chất duy chỉ có một, đó là từ bi-trí tuệ, tức là ‘tự tịnh kỳ ý’. Nếu ta bám vúi vào, tiếng Hán việt là chấp thủ, bất cứ hình tượng nào cho đó là Quan Âm Bồ Tát thì ta có vô lượng vô số thái độ với mỗi hình tượng đó. Khi Ngài hiện thân công chúa mỹ miều hay quân vương uy nghi lừng lẫy thì ta thương yêu mến mộ. Khi Ngài hiện thân Tiêu Diện quỷ vương, lưỡi lè dài, miệng khạc lửa, tay cầm đao kiếm thì ta lại khiếp sợ. Quan Âm chỉ có một, vì sự chấp thủ, bám víu phân biệt hiện tượng của ta tạo nên nhiều thái độ trái ngược nhau. Thế gian điên đảo là từ đây. Không bám víu vào bất cứ gì cả. Bất cứ gì là bất cứ hện tượng nào. Hiện tượng thì luôn thay đổi, mà ta đóng khung nó trong ý thức, tức là chấp thủ, là bám víu. Thái độ ấy làm ngăn ngại, làm đóng băng sự sống. Còn bản thể hay bản chất thì không thể bám víu, dầu ta cố bám víu cũng chẳng được. Ý nghĩa bài kệ trên, tất cả những gì Phật dạy là: thể dụng viên dung. Thể là ‘tự tịnh kỳ ý’ theo kinh nguyên thủy Phật Giáo; là Phật tánh-từ bi trí tuệ theo kinh phát triển Phật giáo. Hoạt dụng của thể tánh này là không làm ác-làm thiện. Ác--thiện ở đây chỉ là ngôn ngữ ‘gọi là’. Không thể khái niệm hay định nghĩa được. Giống như khi ta nhìn hình tượng Quan Âm là mẹ hiền thì ta cho là thiện, thấy hình tượng Tiêu Diện quỷ vương thì ta cho là ác. Kỳ thật hai hình tượng ấy mang một thể tánh từ bi trí tuệ. Vậy chữ thiện-ác trong bài kệ chỉ là mượn ngôn ngữ của thái độ phân biệt của chúng ta thôi. Bất cứ hiện tượng nào mang tố chất từ bi-trí tuệ thì không thể có ngôn ngữ nào định nghĩa hay khái niệm được. Vậy chữ ác-thiện nơi bài kệ này được hiểu rằng: những hoạt động, hành động nào mang tố chất từ bi-trí tuệ hay ‘tự tịnh kỳ ý’ mà sanh, thì là thiện. Ngược lại, hành động, hoạt động nào không mang tố chất từ bi-trí tuệ hay ‘tự tịnh kỳ ý’ mà sanh, thì hoạt động, hành động đó là ác; tức thuần túy hoạt động, hành động do ý thức phân biệt hiện tượng mà sanh. Để dễ hiểu là làm việc “vô lương tâm”, tức là làm việc hoàn toàn không có sự can dự của lương tâm ta. Lương tâm là cái tâm trong sạch mát mẽ có trong mỗi chúng ta. Lương tâm là cái gì, không ai có thể định nghĩa hay định vị nó, nhưng ai cũng có và luôn nhận ra nó. Tính chấtt lương tâm này ai ai cũng giống nhau, chỉ khác là trong hành động của mổi con người, mỗi hiện thể có sự hiện diện, có sự can thiệp của nó hay không mà thôi. Lương tâm ta là cái dây rốn kết nối giữa mẹ bản thể ‘tự tịnh kỳ ý’ hay Phật tánh từ bi trí tuệ với hiện thể, hiện tượng là tấm thân năm uẩn này. Ta có thể hiểu nôm na bình dân ác-thiện trong bài kệ này là: làm việc gì vô lương tâm là ác. Ngược lại, có sự can dự của lương tâm thì gọi là thiện. Trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ: Vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp - 亡失菩提心, 須諸善法, 是名魔業. ‘Vong’ là mất không còn dấu tích, khó lòng tìm lại được. ở đây chỉ lương tâm. ‘Thất’ là thất lạc đâu đó, nó không hiện hữu liên kết với hiện thể hiện tại. nôm na cũng là mất. Ở đây chỉ bản thể ‘tự tịnh kỳ ý’. ‘Vong thất’ là hai cấp độ so sánh việc mất. Ví như ta có một tờ tiền giấy bị đốt cháy ra tro bụi, thì tờ tiền ấy là vong- mất. Ta để quên đâu đó, không nhận ra để sử dụng nó, đó là thất-mất. Ta thường nghe từ thất lạc chứ chưa từng nghe vong lạc bao giờ. Bồ đề tâm là tâm giác ngộ, tức là từ bi-trí tuệ, là ‘tự tịnh kỳ ý’. Là bản thể. Tu là hành động, hoạt động ‘chư thiện pháp.’ ‘Chư’: các, số nhiều. ‘Thiện pháp’: là các hiện tượng được ý thức định nghĩa, khái niệm là thiện; đối đãi, đối nghịch với định nghĩa khái niệm ác. ‘Thị’: này; đại từ thay cho hai câu trên. ‘Danh’: gọi là, ấy là. ‘Thị danh’ có nghĩa bình dân là: đích thị là; chính thị là, hẳn là. ‘Ma nghiệp’ là một từ kép. Nôm na là ác, nghiệp của ma. Chúng ta chỉ nghe từ ‘ác ma’ chứ chưa bao giờ nghe từ ‘thiện ma’ bao giờ. Bài kệ trên được dịch nghĩa là: khi ta vô lương tâm, không kết nối được với từ bi-trí tuệ mà hành động, hoạt động gì, dầu điều đó được ý thức-ý thức hệ mệnh danh, khái niêm, định nghĩa, quảng cáo là việc thiện, ngay đến việc gọi là tu đi nữa. Sự kiện ấy, sự việc ấy đích thị là ác, là nghiệp của ma. Bài kệ này giúp ta hiểu ra vì sao khi ta tiếp xúc với một con người, một tổ chức.v.v….được mệnh danh là thiện, là tốt đẹp mà nhìn nhận, cảm nhận của ta cứ thấy nao nao sao đó. Chính sự quảng cáo tốt đẹp rầm rộ, uy nghi, hoành tráng; chính cái truyền thống bao đời nay hùng vĩ quá... làm cho ta không tự tin cảm nhận của ta là thật, nên ta sẵn sàng đè bẹp tiếng nói lương tâm ta. Đó là bi kịch. Hiện tượng thế gian chứng minh điều này một cách rõ ràng, ở đây không cần dẫn ra. Chúng ta khẳng định đạo Phật là đạo làm lành lánh ác thì cũng không sai nhưng oan cho Đức Phật lắm. Làm lành lánh ác là hiện tượng ‘gọi là.’ Thực chất đạo Phật là từ bi-trí tuệ, là ‘tự tịnh kỳ ý.’ Đó là bản chất đạo Phật, cũng là bản chất của vũ trụ.

Những lời dạy dỗ của Đức Phật để lại, hi vọng loài người cảm thụ được, nhận chân ra tố chất từ bi-trí tuệ vốn có sẵn trong mỗi hiện thể của chúng ta. Nếu chúng ta làm sống dậy tố chất ấy trong ta, thì não bộ chúng ta không chỉ làm việc mười phần trăm như hiện tại; trái tim chúng ta không đóng khung trong việc yêu-ghét theo ý thức phân biệt, nhận định hiện tượng có được. Cũng vậy, cái lương tâm đều có sẵn trong mỗi chúng ta, nhưng vì ý thức khôn ngoan phân biệt hiện tượng: lợi-hại, đúng-sai, tốt-xấu, an toàn an ninh cho bản thân nên đè bẹp lương tâm một cách không thương tiếc đến nổi tưởng như vô lương tâm! Bi kịch xãy ra! Bài kệ giải thích mọi bi kịch trên thế gian này. Hy vọng nhận định này góp phần làm thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Trường Dũng 10-2016

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS