Nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá hiện vị lai, thập phương chư Phật, tôn Pháp, hiền thánh Tăng thường trú Tam Bảo (南 無 盡 虛 空 遍 法 界,過 現 未來, 十方諸佛, 尊法, 賢聖 僧常住三寶).
‘Nam mô’ là dịch âm tiến Phạn namo; ý nghĩa nó rất nhiều, như cung kính, quy y v.v…Với khả năng bản thân tôi chỉ hiểu và cảm nhận ‘nam mô’ là sự yêu thương kính trọng và thấu hiểu khôn cùng đến mức hòa hợp được. 'Tận hư không’ là từ giả lập. ‘Hư không’ là thực thể; ‘tận hư không’ là không thể tưởng tượng được. ‘Tận’ là cùng tận; không ai có thể tưởng tượng được cái cùng tận của hư không; cũng như không ai tưởng tượng được giới hạn của vũ trụ. Ta tạm hiểu ‘tận hư không’ là toàn vũ trụ vậy. ‘Biến pháp giới’ là tất cả những gì chúng ta có thể và không thể thấy, nghe, tưởng tượng, hình dung... được trong vũ trụ bao la này. ‘Quá hiện vị lai’ là ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai, thuộc phạm trù thời gian mang tính quy ước giả lập. ‘Thập phương’ là mười phương, Đông , Tây ,Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, Trên và Dưới. Thuộc phạm trù không gian mang tính quy ước giả lập. ‘Chư Phật , tôn Pháp, hiền thánh Tăng thường trú’ thuộc phạm trù siêu xuất không - thời gian, là thể tánh của biến pháp giới, hay là bản chất của mọi hiện tượng. ‘Tam bảo’ là ba ngôi báu Phật- Pháp -Tăng. Như vậy câu xướng trên hàm chứa hiện tượng và bản chất của không - thời gian trong vũ trụ này. ‘Tận hư không’ là dung môi chứa biến pháp giới,tức là chứa không-thời gian cả hiện tượng và bản chất. Phạm trù hiện tượng của ‘biến pháp giới’ về mặt không gian ta thấy mặt trời, mặt trăng, dải ngân hà, con người, cây cỏ, mười phương.v.v…; Về mặt thời gian ta thấy có quá khứ, hiện tại, vị lai. Bản chất của mọi hiện tượng không - thời gian đó là tôn quý, là Phật-Pháp-Tăng, là tam Bảo, là thường trú. Đây là câu xướng khi lễ Phật ở các chùa theo hệ phái Bắc tông. Mỗi Phật tử đến chùa đều thuộc lòng câu xướng này, nhưng mỗi người có thái độ lạy Phật khác nhau. Bản thân ta cũng là một trong biến pháp giới, cũng chứa thể tánh Phật- Pháp-Tăng tôn quý và thường trú. Theo câu xướng trên thì tất cả đều là Phật-Pháp-Tăng tôn quý và thường trú, siêu việt không-thời gian. Thật vậy, nếu chúng ta cho hình tượng Phật trên bàn thờ là Phật, thì tại sao cục đá cục đất làm nên tượng Phật không phải là Phật. Chúng ta chỉ biết tôn trọng hình tượng thôi, thì ta chỉ tôn trọng ý tưởng Phật, mà ý tưởng thì sanh diệt thay đổi liên tục chứ không phải là thường trú. Pháp là quy luật hình thành và vận hành của vũ trụ, hay còn gọi là luật tắc vũ trụ. Mọi hiện tượng của vũ trụ được hình thành nên và vận hành theo một quy luật nhất định không bao giờ thay đổi. Đó là ý nghĩa thường trú. “Nhất thiết duy tâm tạo” là cái nhìn của Phật giáo về quy luật hình thành và vận hành của vũ trụ, trong đó có con người. Tâm đây là tâm nguyên; tức là cái yếu tố ban đầu. Cái tâm nguyên này kinh điển Phát Triển Phật giáo gọi là Phật tánh chứa từ bi-trí tuệ. Kinh điển Nguyên Thủy Phật giáo gọi là tự tịnh kỳ ý. Thiền sư Bankei( Nhật Bản) gọi là tâm Phật bất sanh. Duy thức học Phật giáo khái niệm pháp là: “Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải”- luôn luôn duy trì cái tự tánh, mở ra quỹ đạo sanh vạn vật (Trường Dũng dịch). Giống như các đồ dùng điện tử luôn luôn duy trì tự tánh của điện mà hình thành nên muôn hình dạng và công dụng của đồ dùng điện tử vậy. Vũ trụ nầy cũng vậy. Tăng là hiện tượng chứa bản chất Phật tánh ấy. Kinh điển Phật giáo khái niệm tính chất của Tăng là thanh tịnh-hòa hợp. Thanh tịnh là thuần khiết. Hòa hợp là cái tính khả thể hòa hợp với cái khác để hình thành một cái mới, để hoạt dụng có hiệu ứng mới. Như một nguyên tử chứa điện tích âm-dương hình thành nên bản thân một nguyên tử và nguyên tử luôn luôn có mặt trong muôn hiện tượng ở vũ trụ. Âm và dương là hai tên gọi của một nhất thể là nguyên tử không thể tách rời. Cũng vậy, từ bi- trí tuệ là hai tên gọi của một nhất thể Phật tánh bất khả phân ly. Phật tánh này trong kinh Đại Bát Niết Bàn ghi rằng: “Ngay đến bực Thập Trụ Bồ Tát đối nơi Phật tánh, thấy biết được chút ít, huống là hàng Thanh Văn, Duyên Giác mà thấy được.” (phẩm Như Lai tánh, tr.266. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh việt dịch). Một nguyên tử chứa điện tích âm-dương chỉ các nhà khoa học chuyên môn mới biết được thôi, còn chúng ta chỉ nghe nói và tin như vậy. Phật tánh cũng mang tính chất ấy. Chúng ta không hình dung được điện là gì, nhưng chúng ta nhận ra hoạt dụng của điện qua đồ dùng điện tử. Cũng vậy , chúng ta không biết Phật tánh từ bi-trí tuệ là gì, tự tịnh kỳ ý là gì; nhưng chúng ta cảm nhận hoạt dụng của nó qua con người con vật, cây cỏ và muôn hiện tượng trong vũ trụ. Tất cả đều ẩn chứa tính yêu thương, tính hiểu biết, tính hòa hợp, tính thanh tịnh thuần khiết. Một nguyên tử biết tự quay, biết kết nối với các nguyên tử khác và đồ dùng điện tử khác cho ta muôn hiệu ứng. Chẳng hạn, điện vào máy quạt, máy lạnh cho ta hiệu ứng mát mẽ, vào điện thoại cho ta âm thanh hình ảnh phương xa... hoạt tính của cái tâm nguyên, cái Phật tánh, cái tự tịnh kỳ ý cũng vậy. Chính nơi tự tánh của điện mà ta có vô số đồ dùng điện tử để thể hiện hoạt dụng của điện; cũng vậy, chính nơi tự tánh của Phật tánh mà có thiên hình vạn trạng trong vũ trụ nầy. Như vậy, Phật-Pháp-Tăng là ba tên gọi của một thực thể. Gọi là Phật khi ta nhìn về mặt thể tánh, hay là bản chất của hiện tượng. Gọi là Pháp khi ta nhìn bề mặt hiện tượng. Gọi là Tăng khi ta nhìn hiện tượng, bản chất và hoạt dụng của nó. Giống như bức tranh 3d , tùy góc nhìn mà ta thấy Phật, thấy Pháp, thấy Tăng. Kỳ thực chỉ là một bức tranh duy nhất, chứ không phải là ba bức tranh riêng biệt. Cụ thể hơn, ta nhìn về điện và đồ dùng điện tử. Điện giống như Phật tánh chứa từ bi-trí tuệ. Pháp là cái quạt, cái đèn, cái điện thoại, nôm na là đồ dùng điện tử. Tăng là đồ dùng điện tử kết nối với dòng điện và hoạt dụng của nó sanh ra hiệu ứng ánh sáng, mát mẽ… Hiệu ứng của bóng đèn sáng, của máy lạnh mát mẽ v.v…không thể kết luận là chỉ do bóng đèn, máy lạnh đem lại, đồng thời cũng không thể kết luận là chỉ do điện đem lại. Điện và bóng đèn hòa hợp thuần khiết, hợp lý đem lại ánh sáng; điện và máy lạnh hòa hợp thuần khiết hợp lý đem lại sự mát mẽ; hiện tượng này ta dụ như chữ Tăng thanh tịnh và hòa hợp vậy. Chính giá trị đó nên gọi là tôn quý, là Tam Bảo (ba cái quý). Đời sống hiện đại chúng ta hằng ngày không thể không tôn quý điện, đồ dùng điện tử và hoạt dụng của nó. Thế thì chúng ta không thể không tôn quý Phật-Pháp-Tăng. Hiện tại chúng ta chỉ thấy Phật qua hình tượng trong chùa chiền nơi thờ tự; thấy pháp qua kinh điển, giáo lý.v.v… thấy Tăng qua hình ảnh quý thầy quý cô xuất gia, thấy Tăng đoàn. Tất cả hình ảnh ấy có thể là hình ảnh mô phỏng Phật-Pháp-Tăng, đồng thời những hình ảnh đó cũng chính là Phật-Pháp-Tăng, tùy theo mỗi thái độ, mỗi cảm nhận của mỗi con người. Chúng ta chỉ biết kính trọng tượng Phật bằng đá gỗ trên bàn thờ, kinh điển trong tủ, ông Tăng hay Tăng đoàn có đời sống giống Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngày xưa, thì chẳng khác gì ta muốn uống beer hay uống nước ngọt mà cứ bỏ tiền, lạy lục van xin bảng quảng cáo nhà sản xuất mô phỏng nên, suốt đời cũng không thể nếm được vị beer hay vị nước ngọt, hay có thể hết khát được. Theo hiểu biết, cảm nhận của tôi, câu xướng trên là chúng ta nên thương yêu kính trọng và thấu hiểu khôn cùng đến mức hòa hợp được với tất cả những gì hiện hữu trong vũ trụ nầy, vì tất cả mọi hiện hữu trong vũ trụ nầy, trong cuộc đời nầy chính là Phật-Pháp-Tăng tôn quý. Sự hiểu biết nầy, sự cảm nhận nầy của tôi về câu xướng trên, giống như có một đám mây trên trời cao, tôi cho đó là hình con ngựa, bạn cho đó là hình con bò...kỳ thật đám mây không chỉ giới hạn là hình con ngựa, con bò, mà là có thể tất cả những gì có trên thế gian nầy. Ý nghĩa câu xướng trên cũng vậy. Là con ngựa hay con bò, điều ấy theo tôi không quan trọng. Thương yêu kính trọng và thấu hiểu đến khôn cùng có thể hòa nhập với tất cả thì phép màu của sự sống chắc chắn được xuất hiện.
Cái an lạc, cái hạnh phúc, cái an toàn, an ninh...đến với loài người và vũ trụ nầy. Hiệu ứng của thái độ sống nầy, không cần nói, tôi tin ai ai cũng hình dung được. Tôi hết lòng ủng hộ những ai muốn thoát khỏi lối mòn và sự áp đặt của ‘Tàu’, thật lòng tôi không có khả năng ngôn ngữ Việt để dịch câu xướng trên. Việc nầy xin nhường lại chư vị uyên thâm khác.
Trường Dũng 2016
No comments :
Post a Comment