Sunday, November 6, 2016

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”

Tăng niệm tùy dục
Dĩ hữu phục nguyện
Nhật tăng vi hỉ
Tùng đắc tự tại.
(增 念 隨 欲
已 有 復 願
日 增 為 喜
從 得 自 在)
Kinh Nghĩa túc- Đại Chánh Tân Tu, Đại tạng kinh 198.
(mỗi ngày) Lòng nghĩ đến việc chạy theo chiếm hữu cái mình ham muốn; dẫu có đạt được cái mình muốn đi nữa cũng chưa chắc được tự tại. (chi bằng) Mỗi ngày ta tăng thêm niềm vui, từ đó mà ta được tự tại (Trường Dũng dịch). Đây là thái độ sống của Đức Phật và sự nhận định, chọn lựa của Ngài giữa hai thái độ.

Con người ở thời hiện đại chúng ta đang quay cuồng trong ‘vòng xoáy cuộc đời’, không thể không tham khảo, học hỏi điều Đức Từ Phụ yêu chúng sanh như con để lại. Dục ở đây là tất cả những gì ham muốn của bản thân con người do tiếp xúc hiện tượng bên ngoài mà phát sinh sự chọn lựa yêu-ghét rồi chiếm hữu hoặc phế bỏ. Chiếm hữu hoặc phế bỏ đều là thái độ của dục. Đối tượng của dục, có thể là ái dục nam nữ, là của cải vật chất, là danh vọng, là quyền lực, là vị trí, vị thế.v.v… Ở bài kệ này ta thấy sự cân bằng giữa hai thể tồn tại và sống. Tồn tại thì phải có vật chất cần và đủ. Đã đầy đủ cái cần và đủ rồi mà ta vẫn còn cứ muốn chạy theo chiếm hữu chinh phục để làm cái của ta nữa, thì đó gọi là dục. Mỗi ngày ta cứ chạy theo mãi thì sẽ hết ngày hết đời. Chinh phục chiếm hữu cái ta muốn có thành công hay không còn phải đòi hỏi nhiều yếu tố cần và đủ nữa. Dẫu được hay không, kết quả vẫn là hết ngày, hết đời. Đó là sự tồn tại mất cân bằng. Cái Đẹp chắc chắn không thể xuất hiện; hiện tượng này , nôm na ta gọi là: ‘sống không Đẹp’. ‘Mổi ngày tôi chọn một niềm vui’- ca khúc củaTrịnh Công Sơn. Thái độ này là thái độ nhật tăng vi hỉ của bài kệ trên. Đó là thái độ sống cân bằng hai phạm trù tồn tại và sống. Làm sao chúng ta có thể vui được khi chúng ta không có cái ăn cái mặc, không có cái gì làm phương tiện chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Làm sao chúng ta có thể vui được khi chúng ta liên tục chiếm hữu chinh phục và luôn đối diện cái mâu thuẩn nội tại trong cái để chinh phục chiếm hữu. Dẫu chiếm hữu được, cũng phải đối diện với cái mâu thuẩn nội tại tham lam-sợ hãi; tham lam cái để có được, sợ hãi cái có được mất đi chẳn hạn. Cả hai sự kiện này, Đức Phật cho rằng không được tự tại. Để có cái ‘mổi ngày tôi chọn một niềm vui’ thì phải tạo thế cân bằng. Đó là cái cân bằng giữa sự tồn tại và sống. Đây là hai phạm trù trong một thực thể. Chúng ta có thể bỏ că trăm năm cho sự tồn tại mà chưa hề sống, và chúng ta không thể sống suốt trăm năm không cần ăn gì để tồn tại. Như vậy để cân bằng hai phạm trù tồn tại và sống, thì ta phải có cái điều kiện cần và đủ cho phạm trù tồn tại và phạm trù sống. Cái điều kiện cần và đủ cho một hiện thể tồn tại thì ai ai cũng biết; cái điều kiện cần và đủ cho phạm trù sống là niềm vui, tức chữ hỉ trong bài kệ trên. Như vậy, nếu cuộc đời con người- ‘ trăm năm trong cõi người ta’-Nguyễn Du- không làm được việc cân bằng này, thì bài kệ trên cho rằng kiếp người ấy không được tự tại; chúng ta cho rằng sống không Đẹp. Mỗi chúng ta có vô vàn cái để vui, thái độ vui và điều kiện để vui. Chúng ta thử xem cái vui, thái độ vui và điều kiện để vui trong bài kinh Sống Trong Niềm Vui-Kinh Nguyên Thủy Phật giáo như sau: Sống trong niềm vui, trong tình yêu ngay cả giữa những người không vui, không yêu mình. Sống trong niềm vui, trong mạnh khỏe, ngay cả giữa những người không vui, không mạnh khỏe. Sống trong niềm vui, trong an bình ngay cả giữa người và hoàn cảnh hổn loạn. Sống trong niềm vui, không sở hữu, như người sáng ngời. Kẻ gieo hận thù, vì kẻ đó không có niềm vui…Buông bỏ được mất, niềm vui liền hiện hữu (Dhammapada – chapter 15: Happiness). Đó là những nguyên tắc vàng mà Đức Phật đã dạy hơn 2500 năm rồi.

Con người hiện đại chúng ta đã mất cân bằng trầm trọng, không thể không học hỏi những nguyên tắc này để lấy lại cân bằng. Khi nào chúng ta có sự cân bằng giữa hai phạm trù tồn tại và sống, thì an lạc hạnh phúc thật sự đến với loài người và tất cả chúng sanh. Đây cũng là nguyên lý góp phần làm thế giới hòa bình, chúng  sanh an lạc.
Trường Dũng 2016.

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS