Quy y Tam Bảo theo kinh Đại Bát Niết Bàn: Quy y Phật, đệ tử chúng đẳng quy y Phật lưỡng túc Thế Tôn, thệ ngã đẳng sanh sanh vĩnh bất quy y thiên thần quỷ vật - Đệ tử chúng con, quy y Phật vốn đầy đủ từ bi-trí tuệ tôn quí trong đời, chúng con thệ nguyện đời đời vĩnh viễn không quy y thiên thần, quỷ vật. Quy y Pháp, đệ tử chúng đẳng quy y Pháp ly dục thanh tịnh, thệ ngã đẳng sanh sanh vĩnh bất quy y ngoại đạo tà giáo - Đệ tử chúng con quay về nương tựa Pháp vốn ly dục thanh tịnh, chúng con thề nguyện đời đời vĩnh viễn không quay lại nương tựa ngoại đạo, tà giáo. Quy y Tăng, đệ tử chúng đẳng quy y Tăng đại chúng trung tôn, thệ ngã đẳng sanh sanh vĩnh bất quy y tà sư ác hữu - Đệ tử chúng con, quay về nương tựa Tăng vốn tôn quí trong đại chúng, chúng con thề đời đời vĩnh viễn không quay về nương tựa thầy tà bạn ác.
Tự quy y Tam Bảo trong kinh Hoa Nghiêm: Tự quy y Phật đương nguyện chúng sanh, thể giải đại đạo phát vô thượng tâm - Chúng con tự quy y Phật, cầu nguyện cho hết thảy chúng sanh, có thể mở được đạo lớn, phát tâm làm Phật. Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải - Chúng con tự quy y Pháp, cầu nguyện cho hết thảy chúng sanh, tìm hiểu tu tập sâu vào kho kinh điển, để có trí tuệ như biển cả. Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảy vô ngại - Chúng con tự quy y Tăng, nên cầu nguyện cho hết thảy chúng sanh, trong lòng mọi người đều thống nhất trong thể từ bi - trí tuệ, chẳng bị ngăn ngại bởi bất cứ gì.
Quy là quay về. Y là nương tựa. Quy y Tam Bảo là quay về nương tựa Phật-Pháp-Tăng. Tại sao ta lại quy y Phật –Pháp –Tăng? Hẳn là chúng ta đang trong hiện trạng ‘đuổi bướm hái hoa’ cô đơn lạc lõng giữa lòng ta, giữa xã hội loài người, giữa quả đất, giữa vũ trụ mênh mông nầy? Chúng ta thật sự không an lạc hạnh phúc ? Bấy lâu nay chúng ta nương tựa vào đâu mà bây giờ chúng ta lại quay về nương tựa Tam-Bảo? Sự thay ngôi đổi chủ ấy, hẳn đòi hỏi chúng ta phải trải qua một quá trình gì đó để đi đến quyết định ‘cách mệnh’ nầy. Ý nghĩa Tam Bảo, Phật-Pháp-Tăng được trình bày nơi bài Kính Lễ Chư Phật (Trường Dũng), và có thể tìm hiểu ở nhiều tư liệu khác. Bài nầy chỉ bàn luận vấn đề tại sao chúng ta phải làm cái ‘cách mệnh’ này và lợi ích gì nơi cái cách mệnh ấy qua kinh Hoa Nghiêm và kinh Đại Bát Niết Bàn đã dẫn ở trên. Chúng ta thường sống với thái độ đồng nhất hóa cái ta và tấm thân này là một, nên mọi hoạt động hành động của chúng ta đều phải tuân theo ông chủ ý thức và ý thức hệ. Ý thức là do các cơ quan tri giác của thân này tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà có được; ý thức hệ là tập hợp nhiều cái ta có chung một quan điểm, một ham muốn giống nhau lập nên. Chính vì cuộc sống vận hành theo ông chủ giả đó mà ta bị lạc lõng giữa cuộc đời này, cảm thấy cô đơn, vô cảm, không hạnh phúc thật sự. Ý thức và ý thức hệ là sản phẩm của cái ta, mà cái ta này vốn ‘không thể hiện hữu’ - theo Đức Phật. Giống như những cơn sóng của đại dương, lúc nhè nhẹ dìu dặt, lúc gào thét dữ dằn, lúc cuốn phăng đi mọi cái nó đi qua... kỳ thật bản thân con sóng là cái vốn ‘không thể hiện hữu’. Vì sao? Vì nó được hình thành bởi duyên gió và sự chấn động quả đất, vốn nó không thể tự là sóng được. Cái ta, ý thức-ý thức hệ cũng vậy, do tiếp xúc các duyên bên ngoài mà hình thành nên. Con sóng sau tiếp nhau con sóng trước. Con sóng trước tiếp rước con sóng sau. Cứ thế chạy mau mau. Để làm chi rứa hỉ? Có lẽ con sóng nghĩ: “Bờ kia hẳn có gì!” (Trường Dũng). Bờ kia có gì để thỏa mãn ham muốn của con sóng không thì chưa biết, nhưng chúng ta biết chắc là nơi kết thúc cái vốn không thể hiện hữu của nó! Thân phận con người mang cái ta làm chủ mọi hành động-hoạt động thì chẳng khác gì thân phận con sóng, mọi kết thúc nơi bến bờ hoang tưởng! Đức Phật đã thấy thân phận ‘bèo bọt’ của chúng ta giống thân phận con sóng mà khởi lòng thương yêu, kêu gọi chúng ta hãy trở về nương tựa Phật-Pháp-Tăng-Tam Bảo, giống như kêu gọi con sóng quay về bản thể của nước. Quy y Tam Bảo chúng ta sẽ được gì ? Quy y Phật bất đọa địa ngục (Kinh Đại Bát Niết Bàn) - quy y Phật không bị rơi vào địa ngục. Vì sao ? Phật là Phật tánh chứa từ bi-trí tuệ có trong mỗi chúng ta, điều này Đức Phật Thích Ca đã tuyên bố. Từ bi-trí tuệ là cái ‘lưỡng túc thế tôn’; là hai cái đáng tôn quý nhất thế gian, là cái đạo lớn cần phải mở ra-thệ giải đại đạo. Một khi chúng ta khai mở được từ bi-trí tuệ vốn có trong chúng ta sống dậy, thì chúng ta không còn lầm đường lạc lối để rơi vào địa ngục. Lối vào địa ngục là tham lam-sợ hãi, nên kinh nói thề đời đời kiếp kiếp vĩnh viển không quay về nương tựa thiên thần-quỷ vật. Thiên thần-quỷ vật là hình bóng đại diện tham lam-sợ hãi. Địa ngục do đấng toàn năng nào đó lập ra ta chỉ nghe biết qua kinh điển, nhưng địa ngục trần gian là tham lam-sợ hãi làm nhân làm quả cho nhau mà hình thành. Phật là ‘lưỡng túc Thế tôn’, là đầy đủ từ bi-trí tuệ. Phật tánh vốn tròn đầy từ bi-trí tuệ từ vô thủy-vô chung, tức là Như Lai thường trụ, có nơi tất cả chúng sanh bao đời nay chẳng hề sanh diệt. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên bố điều ấy và dùng đời mình sống và chứng tỏ điều ấy như một thực nghiệm khoa học cách đây hơn 2600 năm tại Ấn Độ. “Nầy Ca Diếp! mọi người nên thường chuyên lòng tu hai chữ nầy: Phật là thường trụ. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào tu hai chữ nầy, nên biết người ấy đi theo đường Phật đi, đến chỗ Phật đến.”(Kinh Đại Bát Niết Bàn. Phẩm Trường Thọ. Tr 102. H.T. Thích Trí Tịnh dịch). Tính chất của Phật tánh từ bi-trí tuệ là thường trú trong chúng ta. Tính chất nầy lúc ẩn lúc hiện nơi chúng ta vì chúng ta bị chi phối bỡi tham lam-sợ hãi lúc nhiều lúc ít hoặc lúc không bị chi phối. Quy y Pháp bất đọa ngạ quỷ (Kinh Đại Bát Niết Bàn) - quay về nương tựa pháp không bị rơi vào đường ngạ quỷ. Ngạ quỷ là quỷ đói. Vì sao quy y Pháp không rơi vào ngạ quỷ? Vì Pháp là Pháp tánh vốn ly dục thanh tịnh. Ly dục là lìa sự ham muốn chinh phục chiếm hữu vận hành bỡi tham lam-sợ hãi. Vì tham lam-sợ hãi nên chiếm hữu-chinh phục; càng chiếm hữu chinh phục lại càng tham lam-sợ hãi. Vòng tròn vận hành mang tính đói khát không thôi và luôn sản xuất ra phiền não (phiền phức não hại), tính chất đó là quỷ đói, khác hẳn tính chất ly dục thanh tịnh là bản tánh của các pháp. Cái khác hẳn đó là ngoại đạo. Ngoại đạo là quỹ đạo mang tính hướng ngoại tách lìa tự tánh. Quy y Pháp, thề đời đời kiếp kiếp không quy y ngoại đạo tà giáo là chấm dứt con đường hướng ngoại. Tà giáo là những giáo thuyết phục vụ quỹ đạo hướng ngoại đó. Để thoát khỏi vòng tròn quỷ đói này, chúng ta cần phải hiểu sâu ý nghĩa những lời Phật dạy ghi lại trong kinh điển-thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải- để có trí tuệ rộng lớn như biển cả. Làm sao để hiểu sâu ý nghĩa những lời Phật dạy, thì chúng ta phải qua hành trình văn-tư-tu, tức là nghe-suy tư-thực hành. Hoặc hành trình giới-định-tuệ.v.v… Quy y Tăng bất đọa bàng sanh (Kinh Đại Bát Niết Bàn)-quay về nương tựa nơi Tăng bảo không rơi vào loại bàng sanh. Bàng sanh (còn gọi là súc sanh)-chúng sanh có xương sống nằm ngang. Lại chữ ‘bàng’ còn có nghĩa 'biến mãn’, vì bàng sanh có nhiều chi loại, song đại ước có ba: loại bay trên hư không, loại ở mặt đất và loại sống dưới nước. Theo kinh Chánh-Pháp-Niệm, Bàng-sanh có đến 40 ức chi loại khác nhau. Duyên phận của loại nầy cao thấp không đồng, cao như Kim-súy-điểu-vương, Long-vương, có uy phước thần thông; thấp như dòi, đỉa, côn trùng, sống một khung cảnh nhơ nhớp tối tăm, ngắn ngủi. Bàng sanh đại diện cho các loại chúng sanh mang hình thức có chứa tính chất ngu si nặng làm nhân-quả hình thành nên. Chúng ta đã quy y Tăng bản tính thanh tịnh thuần khiết và khả thể hòa hợp của từ bi-trí tuệ, thì đời đời kiếp kiếp chúng ta sẽ không bao giờ nương tựa cái bản chất ngu si đó nữa. Mọi cái sẽ hòa hợp thống nhất bên trong bởi nhân tố từ bi-trí tuệ-thống lý đại chúng nhất thiết vô ngại. Lý là bên trong. Tà sư ác hữu là những ông thầy, bạn dẫn dắt chúng ta vào vòng xoáy tham lam-sợ hãi, chinh phục chiếm hữu sản xuất tham-sân-si... phiền não gây khổ đau. Chúng ta đã quy y Tăng mang tố chất từ bi-trí tuệ thanh tịnh thuần khiết và khả năng hòa hợp, thì chắc chắn ta không dại gì đi vào vòng xoáy tạo phiền não, nên kinh nói “thệ ngã đẳng sanh sanh vĩnh bất quy y tà sư ác hữu.” Chúng ta sẽ sống với từ bi-trí tuệ vốn có trong mỗi chúng ta và tất cả mọi người mọi vật, đó là thống lý đại chúng nhất thiết vô ngại. Ta thấy hai cặp hình ảnh Phật-Pháp-Tăng và địa ngục-ngạ quỷ-bàng sanh. Địa ngục-ngạ quỷ- bàng sanh là những danh từ khái niệm về hiện tượng mang bản chất tham-sân-si làm nhân làm quả cho nhau mà hình thành. Phật-Pháp-Tăng là những danh từ khái niệm về hiện tượng mang bản chất Phật tánh từ bi-trí tuệ thuần khiết thanh tịnh và hòa hợp làm nhân làm quả cho nhau mà hình thành. Nhân quả, quả nhân tương tác với nhau chặt chẻ giữa hiện tượng và bản chất. Chúng ta đã thấy rõ quy luật nhân quả hết sức chặt chẻ trong hiện tượng và bản chất mà kinh Đại Bát Niết Bàn và kinh Hoa Nghiêm nêu ra ở trên. Trong hiện tại và tương lai, tùy thái độ của chúng ta mà có kết quả an lạc hạnh phúc hay khổ đau cho mình, người và môi trường. Chúng ta không thể quy y Phật-Pháp-Tăng nơi hiện tượng mà không quay về bản thể từ bi-trí tuệ, ly dục thanh tịnh và hòa hợp vốn có trong chúng ta mà có thể có an lạc hạnh phúc thật sự được.
Những tín đồ Phật giáo đã đến chùa thọ lễ quy y Tam Bảo, đó là quy y trên mặt hiện tượng. Nếu chúng ta chỉ dừng ở mặt hiện tượng này rồi tin rằng Tam Bảo có thể ngăn không cho ta rơi vào địa ngục-ngạ quỷ-súc sanh và có thể kéo ta lên thiên đường sau khi chết, thì chúng ta chưa thấy hết ý nghĩa việc quy y Tam Bảo và hiệu ứng ích lợi do việc quy y Tam Bảo đem lại. Nếu lúc sống chúng ta tha hồ làm nô lệ cho tham lam-sợ hãi chinh phục chiếm hữu tạo vòng xoáy sản xuất phiền não hại mình hại người hại môi trường, địa ngục-ngạ quỷ-súc sanh xuất hiện ngay hiện tiền, rồi quay lại bất tín, bất trọng, phỉ báng Tam Bảo, thì lợi bất cập hại của việc làm thiêng liêng này làm oan ức cho kiếp người khó được. “Pháp của ta thuần vị giải thoát thôi” (kinh Pháp Hoa) - là lời tuyên bố hùng hồn thổi tung đám mây thần khải bao trùm nhân loại từ bao lâu nay. Khổ hay lạc là tùy vào thái độ của mỗi chúng ta thôi; không thể kêu gào hay oán trách TRỜI ƠI!
Trường Dũng 2016
No comments :
Post a Comment