Khu rừng rậm bao la mênh mông, nơi ẩn cư của muôn loài động thực vật. Cũng là nơi ẩn cư của các vị tu sĩ từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Dân làng thường đem vật thực đến chia sẻ với các tu sĩ. Khu rừng dần dần trở thành linh hồn ấm áp của làng.
Chú bò đen thường gặm cỏ quanh quẩn bên các tu sĩ, chú cảm thấy vui vui và an toàn, vì chưa bao giờ chú thấy các loại hổ báo, sư tử bén mảng đến đây. Một hôm chú lại nghĩ rằng: “Tại sao ta không là tu sĩ? Gặm cỏ đến rớt răng mà có ai kính trọng ta đâu!” Nghĩ là làm, chú nhặt bộ đồ của các tu sĩ khoác vào và bắt chước dáng vẻ của các tu sĩ mà làm theo, chẳng thèm gặm cỏ nữa mà vẫn no. Chẳng bao lâu, trông chú chẳng khác gì vị chân tu mẫu mực, vì chú chẳng lén ăn mặn, bia rượu thuốc lá bao giờ. Chú cũng được dân làng dâng vật thực và cung kính khát ngưỡng như các vị tu sĩ khác.
Dân làng cũng lắm người từ bỏ gia đình vào rừng làm tu sĩ. Họ hàng nhà bò cũng lục tục kéo nhau làm tu sĩ. Vật thực và danh vọng đều ngất ngưỡng trong khu rừng. Dân làng cũng ngất ngây vì thu gom được nhiều phước đức-công đức để sanh thiên. Tóm lại đôi bên đều có lợi! Khu rừng nhộn nhịp vui hẳn lên.
Một hôm, Ngọc Hoàng Thượng Đế ghé mắt thấy sự nhộn nhịp vui vẻ của khu rừng, Ngài sai Thiên Lôi đem lưới trời hốt hết tu sĩ và những người cúng dường lên trời. Vì thiên đường băng giá của Ngài lâu nay chỉ vài mống người, cô quạnh quá! Khu rừng nầy có lẽ là nơi sản xuất ứng cử viên hạng nặng của thiên đường đây!
Ngọc Hoàng với đôi mắt thiên nhãn nhìn vào óc–tim–máu đối tượng để xét tuyển vào thiên đường. Hễ ai óc trắng hồng–tim đỏ–máu đỏ thì được vào Thiên đàng. Điều kiện ấy được ban ra, ai ai cũng hồ hởi tin chắc mình đủ điều kiện vào thiên đường, đời đời hưởng lạc.
“Giờ phán xét cuối cùng” đã đến!
Đầu tiên là những người tu sĩ, Ngọc Hoàng thấy số ngườì có óc trắng hồng–tim đỏ–máu đỏ cũng chiếm hơn nửa số tu sĩ được hốt lên. Những người ấy được Hằng Nga cầm tay dắt vào Thiên đàng. Số tu sĩ còn lại không hiểu vì bị bịnh gì mà cả óc–tim– máu đều đen sì, được đưa qua một nơi riêng biệt. Số người cúng dường thì hơn nửa số họ được chọn vào Thiên đường, số còn lại thì cũng gom vào khu riêng biệt. Còn bò thì toàn bộ óc–tim–máu đều đen hết, nên cũng được đưa qua khu riêng ấy. Ngọc Hoàng cũng ngạc nhiên, bò vốn óc cũng trắng hồng–tim đỏ–máu đỏ, mà sao nay lại đen cả vậy ?.
Khu riêng biệt ấy là vùng được vây bỡi hàng rào kim cương sáng bóng. Bên trong có nhiều lâu đài, ao sen, ao tắm, tiên nữ, tiên nam, thức ăn thức uống thượng vị đầy đủ. Khu nầy có tên là “khu phúc thẩm”. Thời hạn tối đa được ở khu nầy là bốn chín ngày để Ngọc Hoàng tìm hiểu thêm và trả lời thắc mắc của đương sự nhằm tạo cơ hội thêm cho tái “phán xét cuối cùng”. Bên trong khu nầy có một lỗ thông với tâm quả đất. Sau lần tái ‘phán xét cuối cùng’ nầy, ai được chọn thì Hằng Nga dắt vào Thiên Đàng, còn ai không được chọn thì được lùa vào ống thông ấy hết.
Ngọc Hoàng suy nghĩ mãi mà chẳng tìm ra lý do tại sao loài bò vốn óc trắng hồng–tim đỏ–máu đỏ, nhưng qua thời gian làm tu sĩ thì óc đen–tim đen–máu cũng đen? Ngài bèn mời Như Lai Phật Tổ đến để hỏi.
Kính bạch Thế Tôn, vì sao loài bò vốn óc trắng hồng–tim đỏ–máu đỏ, nhưng qua thời gian làm tu sĩ thì óc lại đen–tim đen–máu cũng đen?
Đức Phật bèn nói kệ rằng :
‘Người ít nghe kém học
Lớn già như trâu đực,
Thịt nó tuy lớn lên,
Nhưng tuệ không tăng trưởng.’
(Pháp cú).
- Như vậy là sao ? xin phật tổ từ bi giảng rõ thêm. – Ngọc hoàng thưa.
- Loài bò bản tính vốn thiện, óc trắng hồng–tim đỏ–máu đỏ. Nhưng vì khoát áo tu sĩ, nhờ truyền thống và hào quang ta để lại nên nó được lợi dưỡng và danh vọng. Nhưng vì không chịu học hỏi tu tập, tự cho rằng mình xứng đáng được như vậy, bèn cao ngạo và không biết yêu thương kính trọng ai và cũng chẳng biết ơn ai, mặc sức vòi vĩnh lừa dối – lợi dụng niềm tin và lòng yêu thương vô điều kiện của dân làng, bao nhiêu danh lợi cũng không vừa lòng nó, nên óc–tim–máu chuyển màu đen.
Một số tu sĩ trong ‘khu phúc thẩm’ ấy nhao nhao lên hỏi: “Còn con thì sao? Tam tạng kinh điển đã làu thông, trên vai ít nhất có vài bằng tiến sĩ, chẳng lẽ con là người ít nghe kém học hay sao mà khu con ở nơi nầy?”.
Đức Phật chắp tay cung kính thưa: - Chư vị vốn là người thiện trí, có khả năng tu học phát triển trí tuệ và từ bi, có thể giúp cho Phật pháp tồn tại ở thế gian làm cho muôn chúng sanh lợi lạc.
Từ khi khoát áo tu sĩ, thừa hưởng hào quang Ta để lại nên lợi dưỡng và danh vọng tự đến với các người. Khác với loài bò, các vị dùng danh vọng và lợi dưỡng ấy làm phương tiện học tập. Tam tạng kinh điển của ta trở thành đối tượng học tập và là phương tiện thỏa mãn ham muốn của các vị. Đồng thời các vị không ngại khó khăn mà kiếm thêm vài bằng tiến sĩ. Kể ra các vị là những người ưu tú trong loài người, Phật pháp và thế gian rất cần đến sự giúp ích của quí vị.
Thế nhưng, từ khi khoát áo tu sĩ thu lượm được nhiều lợi danh, cái ta của quí vị bùng lên to lớn, tham sân si... lớn theo, ham muốn bành trướng cái ta cũng theo đó mà lớn. Tam tạng kinh điển và vài ba bằng tiến sĩ của quí vị, thêm truyền thống và hào quang của ta để lại trở thành phương tiện vô cùng lợi hại để nhấn chìm chúng sanh trong mê hoặc. Tất cả những thứ nầy chèn lấn đè bẹp lòng yêu thương vô điều kiện- thấu hiểu khôn cùng (từ bi- trí tuệ) vốn có trong thân ngũ uẩn của quí vị. Từ đó các vị trở thành người cao ngạo tự phụ, không còn khả năng yêu thương – thấu hiểu đồng loại huống gì là tất cả chúng sanh.
Một số dân làng hiến cúng cho các vị tu sĩ bị gom vào đây, tự đầu đến giờ vẫn chú ý lắng nghe và thấu hiểu ít nhiều những lời Phật dạy, cũng hiểu nôm na vì sao mình ở vị trí nầy, nhưng cũng trình bày thắc mắc lên Đức Phật.
- Kính bạch Thế Tôn, vì sao cùng một hành động cúng dường như nhau mà kết quả người được vào Thiên đàng, người thì phải ở đây?
Đức Phật dạy:
- Những vị nhân việc cúng dường cho các vị tu sĩ đã được vào Thiên Đàng, là những người mang tâm niệm cầu mong Phật pháp trường tồn để lan truyền, lan tỏa tính đại bi - đại trí trong loài người, trong chúng sanh, nhằm giải thoát vòng xoáy tham lam – sợ hãi, để thế giới hòa bình - chúng sanh an lạc, mà họ hành động với lòng thương yêu hiểu biết.
-Chư vị cũng việc làm có hình thức giống nhau, nhưng hành động bởi sự chi phối của tham lam, sợ hãi của bản thân mình, chẳng hiểu biết yêu thương bản thân mình và đối tượng được hiến cúng.
Để kết thúc vấn đề nầy, Đức Phật nói hai bài kệ thuyết minh ý trên:
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ ý tạo,
Nếu với ý ô nhiểm,
Nói năng hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe chân vật kéo”
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói năng hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình.”
(kinh Pháp cú. Số 01-02. Phẩm song yếu. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch).
Ngọc Hoàng lắng nghe Đức Phật giải thích và nghe các bài kệ, Ngài hiểu ra cớ sự vì sao óc–tim–máu của các loại trên giữ được hay không nguyên thể. Ngài rất vui vì từ đây Ngài có thể phúc thẩm cho lần tái ‘phán xét cuối cùng' mà không phiền đến Đức Phật. Ngài cảm ơn Đức Phật và thỉnh Ngài về lại Phật độ.
Như trước đã nói, bên trong khu biệt lập nầy có một lỗ hổng, là điểm cuối cùng của ống thông từ tâm quả đất đến đây. Tất cả những ai trong khu biệt lập nầy, được một lần phúc thẩm, và bốn chín ngày hưởng thụ tất cả tiện nghi tối thượng nơi đây.
Xong thời hạn, Thiên Lôi cho họ tuột xuống cái ống ấy như trò chơi trượt máng ở dân gian vậy. Khi nào, cái ta, tham sân si,cái của ta,ta là quan trọng, tham lam,sợ hãi (dẫu là ý tưởng) bị đốt cháy tiêu tùng cả, chỉ còn từ bi – trí tuệ, là tố chất không gì có thể tiêu diệt được, nhẹ nhàng bay lên.
Lúc ấy họ có thể nắm tay Hằng Nga đi vào Thiên đàng hay trở lại trần gian làm con người hay bông hoa hay bất cứ thứ gì để lan tỏa tình yêu thương vô điều kiện - thấu hiểu khôn cùng cho cuộc đời mát mẻ tươi đẹp hơn.
Khu rừng ở quả đất vẫn nhộn nhịp tăng tục như thường ngày, vì họ nghĩ tất cả những người được Thiên Lôi hốt đi đều được ở thiên đàng cực lạc. Đời là thế!!!
Trường Dũng 2016
No comments :
Post a Comment