Ta thường nghe nói cuộc đời là khổ. Vậy thật sự nó có khổ không? Nếu có, vì sao nó khổ? Cái khổ bắt đầu từ đâu? Có phải khổ là một định mệnh do một quyền năng tuyệt đối của ai đó bắt buộc? Làm thân người, khó lòng mà không suy tư điều này.
Xã hội loài người hình thành rất lâu rồi, vậy động cơ nào để nó hình thành và hoạt động trên cơ sở nào? Khổ nhiều ít hay không khổ cũng có phần nào từ nơi đây.
Chữ khổ nếu nhìn qua lãnh vực Mỹ học, thì là cái Bi, cái Bi Hài. Cơ sở nền tảng tạo nên cái Bi là mâu thuẩn nội tại; cái Hài là lộn phạm trù. Cái Bi Hài là lộn phạm trù chứa mâu thuẩn nội tại. Từ khi Adam và Eva ăn trái cấm ở vườn Địa Đàng. Chúa đuổi hai người ra khỏi Địa Đàng kèm lời phán:”từ đây loài người phải đổ mồ hôi trán mới có cái mà ăn” -kinh Cựu Ước. Lời nguyền ấy đến bây giờ vẫn còn giá trị. Chẳng lẻ khổ bắt đầu từ đây? Đổ mồ hôi trán để có ăn mà là khổ?
Một con người được sinh ra là một hiện thể của vũ trụ. Dưới cái nhìn của Nhất Thần Giáo cho đó là Chúa sanh. Cái nhìn của Đức Phật là duyên sanh. Cái nhìn gần gũi của chúng ta là cha mẹ ta sanh. Ai sanh ra cha mẹ ta thì ta kể một lô dài đến không kể được nữa.
Mỗi giải thích khác nhau không thành vấn đề. Vấn đề ở đây ai ai cũng phải công nhận rằng mổi tấm thân đều cõng một cái ta. Khổ nhiều, ít hay không khổ đều tỷ lệ thuận với cái ta này lớn, bé,hay không ta (vô ngã). Tức không cái ta thì không khổ, cái ta lớn thì khổ nhiêu, cái ta nhỏ thì khổ ít.
“Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân. Ngô nhược vô thân hà hoạn chi hữu.” - Ta có hoạn lớn (khổ) vì ta có thân. Nếu ta không có thân thì làm chi có khổ. - Khổng tử
Khổng tử trách vì có thân nên khổ. Ngoài cái thân này ra còn có cái ‘ngô’(ta) được tấm thân này cõng nữa mà ông không để ý. Theo Đức Phật thì cái ‘ngô’(ta) này mới là tác nhân gây khổ. Chúng ta hay nói là cái ngã, một chữ khác của ngô.
Đức Phật dạy: “Con lạc đà kéo nặng trong sa mạc chưa phải là khổ; ngu si không biết đường đi mới khổ”. Đi đâu? Chúng ta sống là đi, là lối đi đó. Tức là sống mà cõng cái 'không thể hiện hữu' luôn luôn làm chủ sai khiến bản thân này. Hiện trạng này không nhận ra tấm thân này cứ cõng trong mình một cái mang bản chất ‘không thể hiện hữu’, Đức Phật gọi là ngu si hay vô minh.
Cái ngã (ta) này, tôi thêm chữ ‘huyễn’ phía trước, thành ‘huyễn ngã’, vì tính chất ‘không thể hiện hữu’ của nó. Huyễn tức là giả, không thật có mà tưởng có. Giống người đi đường quáng nắng thấy phía trước là nước, cho đó là nước thật nên cố công chạy theo để thỏa mãn cơn khát nước; nhưng nước ấy không thật có. Cơn khát không bao giờ thôi, lại càng khát thêm. Huyễn ngã là cái ta giả mang tính chất cơn khát không bao giờ thôi. Tác nhân hình thành xã hội loài người là đây, và tác nhân gây khổ trong đời cũng chính là đây! Sanh, lão, bịnh, tử là quy luật vũ trụ; không thể kết luận hiện tượng đó là khổ. Chính huyễn ngã tham sống sợ chết, sợ đau, nên kết luận sanh lão bịnh tử là khổ. Thương yêu chia lìa, ghét mà phải ở chung, cầu không được, lòng dạ bị lửa tham sân si đốt cháy khổ là do không thõa mãn thị dục huyễn ngã.
Tấm thân này, kinh Phật gọi là thân ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm thành phần gồm:
Sắc uẩn, tức là cơ sở vật chất của thân, thịt xương máu mủ.v.v… Sắc uẩn còn có tên là thân tứ đại; tức là cấu tạo nên sắc thân này bởi bốn yếu tố lớn có mặt, hình thành vũ trụ, đó là đất, nước, gió, và lửa. Sắc uẩn này ví như phần cứng chiếc máy tính vậy. Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, thuộc về tinh thần. Ví như phần mềm máy tính; không hình dáng nhưng hoạt dụng của thân không thể thiếu phần này. Dĩ nhiên máy tính, phần mềm phần cứng không thể tách ra độc lập mà hoạt dụng được. Tấm thân ngũ uẩn này cũng vậy.
Việc lộn phạm trù đầu tiên chứa trong con người là: đồng nhất hóa tấm thân này với ta là một. Ta là thân này, thân này là ta. Việc lộn phạm trù này, Đức Phật gọi là vô minh, là ngu si. Vì sao? Khái niệm Ta (ngã) là cái thường hằng bất biến, là cái không đổi. Tấm thân này gồm bốn thành phần đất-nước-gió-lữa gộp lại luôn thay đổi. Còn duyên thì chúng gộp lại, hết duyên thì mổi đứa một đường. Tổ Qui Sơn nói: “Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội” - tuy là bốn đại ấy gắn bó chơi thân thiết với nhau, bảo vệ nhau, nhưng cũng thường mâu thuẩn trái ngược nhau. Tính chất xã hội loài người giống như tính chất của thân này. Loài người gắn bó thân thiết với nhau, bảo vệ nhau, nhưng cũng thường mâu thuẩn trái ngược nhau. Khi tứ đại phù trì thì thân ta mạnh khỏe; khi vi bội (mâu thuẩn trái ngược nhau, phản nhau) thì thân bịnh hoạn. Mâu thuẩn đến cùng cực tới mức phải giải phóng, ta gọi là chết.
Cái trường tồn bất biến mà đồng nhất hóa thành một với cái thường biến đổi; cái duyên hợp thường biến đổi này lại ẩn chứa mâu thuẩn nội tại (thường tương vi bội). Hiện trạng này đã mang tính chất lộn phạm trù chứa mâu thuẩn nội tại. Cái Bi Hài tất yếu xãy ra! Cho nên Đức Phật gọi hiện trạng này là vô minh, là ngu si cũng không có gì là quá đáng.
Chính việc vô minh, ngu si này là mấu chốt hình thành các tôn giáo trên quả đất này; ngay đến một bộ phận không nhỏ trong cái gọi là Phật giáo cũng không thoát ra vô minh ngu si này, hoặc lợi dụng cái ngu si, cái vô minh này để tồn tại, để trục lợi dưới chiêu bài: “Phương tiện thiện xảo độ sanh”. Phương tiện sắc bén đến cở nào mà không đưa đối tượng thoát vòng vô minh lẫn quẩn này thì phương tiện ấy là con dao bén giết chết sự sống. Con dao bén dùng phát cỏ phiền não thì rất tốt, nhưng cho trẻ con chơi thì đứt tay đứt cổ cũng tốt. Không thể trách ông thợ rèn!
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người đầu tiên vén bức màn vô minh của nhân loại, khai sáng giá trị thực tại của con người, của mổi hiện thể - “ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Ngài như luồng gió mạnh thổi tung đám mây đen tôn giáo thiết lập chế độ xin-cho bao trùm nhân loại từ bao đời nay. Oái ăm thay, cũng chính loài người chúng ta lại kéo bức màn vô minh ấy xuống, lùa đám mây đen lại, gắn hình Ngài trên đó trùm thiên hạ lại, tự xưng là đệ tử Ngài rồi tha hồ trục lợi. Lợi từ đâu? Mồ hôi nước mắt của kẻ vô minh, ngu si. Thoát lời nguyền của Chúa một cách ngoạn mục, chẳng cần đổ mồ hôi mà có cái ăn cái sống, mà sống phè phè nữa chứ. Chúa làm gì được đây? Thực chất thoát lời nguyền của Chúa như vậy, thì bản thân họ cũng bị đè bởi phương tiện thiện xảo mà thôi. Chính họ là nạn nhân đầu tiên hết.
Huyễn ngã là sản phẩm do việc đồng nhất hóa tấm thân này với ta là một. Ví như một dân tộc của một đất nước lấy một chủ nghĩa nào đó để đồng nhất hóa thành một. Chẳng hạn, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản. Ta nói nước ấy là nước cộng sản, là nước tư bản; con người ở nước ấy là con người cộng sản, con người tư bản. Tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức, ý thức hệ, tổ chức.v.v…đều là những cái dể dàng đồng nhất hóa với tấm thân này, như tôi là Phật tử, tôi là con chiên, tôi là... Mọi khái niệm đều dẫn đến hiện trạng giống nhau.
Cái huyễn ngã này luôn luôn cho ta là quan trọng. Tính chất này, trong tác phẩm How to win friend and influence (Dale Carnegie) - Đắc nhân tâm, Nguyễn Hiến Lê dịch, gọi là thị dục huyễn ngã. Thị là nhìn; dục là ham muốn. Cái huyễn ngã này ham muốn tự nhìn mình và muốn thiên hạ nhìn nhận dự tồn tại và quan trọng của nó. Vì sao nó muốn thiên hạ nhìn nhận sự tồn tại và quan trọng của nó? Vì nó vốn là cái “không thể hiện hữu”. Tồn tại và quan trọng là hai cấp độ che đậy cái “không thể hiện hữu” của nó.Ví như cái hộp rỗng được bọc bên ngoài nhiều hộp rỗng khác rồi vẽ rồng vẽ rắn lên đó để tạo cái ảo tồn tại và quan trọng của cái gì đó bên trong. Tính chất ấy gọi là thị dục huyễn ngã.
Đây là yếu tố căn bản nhất để hình thành xã hội loài người; vua chúa, nhà nước, giáo chủ, triết học, tư tưởng, văn hóa, nhà cửa, lâu đài, thành quách; điện thoại bàn, điên thoại cục gạch, iphone, máy tính.v.v. có mặt trên quả đất, trong xã hội loài người, gần như hoàn toàn do yếu tố này.
Đức Phật trong bốn chín ngày thiền định dưới gốc bồ đề, Ngài đã chiến thắng những nỗi sợ hãi khi vượt qua những gì liên đới tới sự tồn tại của thân mạng, của gia đình, của sắc dục.v.v…và nỗi sợ hãi cuối cùng, Ngài cho là lớn nhất: Bên trong sự sợ hãi là tâm ái ngã và sự bám chấp vào ‘cái tôi’ không thể hiện hữu, chúng còn mạnh hơn thái độ tìm kiếm cái thú vui và giải trí tiềm ẩn bên trong.- Cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Alexander Bezin.
Thái độ tìm kiếm cái thú vui và giải trí bên trong là những hỉ lạc do thiền định mang lại. Những hỉ lạc này do công phu thiền định có được, Ngài từ bỏ nó dể dàng hơn từ bỏ sự yêu thương cái ta này (ái ngã) và ham muốn cái ta này luôn tồn tại và ở vị thế quan trọng (dục ngã).
Sau khi vượt qua nỗi sợ hãi từ bỏ ái ngã-dục ngã, tức là thoát khỏi cái ràng buộc của huyễn ngã và thị dục huyễn ngã, Ngài thành tựu Tam minh.
Ái ngã là yêu thương cái ta này mặc dù nó vốn “không thể hiện hữu”. Dục ngã là sự ham muốn cái ta này luôn luôn tồn tại và quan trọng, mặc dù nó vốn không thể hiện hữu.Từ bỏ nó là sự sợ hãi lớn nhất trong thế giới loài người, mà cũng có thể là tất cả chúng sanh hữu tình.
Chính cái tính chất của huyễn ngã như vậy, nên khiến thân-miệng-ý hành động, hoạt động chinh phục chiếm hữu thế giới bên ngoài làm cái của ta-ngã sở. Cái ngã sở càng nhiều thì càng chứng tỏ ta càng quan trọng, và càng che kín cái “không thể hiện hữu” của nó. Ngay đến kẻ chinh phục-chiếm hữu bằng thủ đoạn cướp của giết người hàng loạt, đến khi lên đoạn đầu đài vẫn thấy thiên hạ xử mình như vậy là oan quá. Đó là tính chất của ái ngã- dục ngã.
Cái ngã sở không chỉ là vật chất thôi, mà là tất cả những gì nó muốn, như danh lợi, quyền lực, vị trí, vị thế hơn người.
Cái ái dục nam nữ là thuộc về cái thức vốn có trong vũ trụ; tính chất ấy có mặt cả trong loài hữu tình và vô tình, không thể kết luận nó là nguyên nhân gây khổ đau được. Về hiện tượng thế gian, ta thấy những khổ đau phát sinh từ ái dục nam nữ, ta vội kết luận luận ái dục nam nữ là nguyên nhân của khổ đau. Kỳ thật nó chỉ là mắt xích hiện tượng cuối của bản chất ái ngã- dục ngã. Chính cái ái ngã-dục ngã này là cái nguyên nhân gây khổ đau cho chính mình, cho người và xã hội loài người lẫn môi trường sống. Môi trường sống chứa chúng sanh vô tình lẫn hữu tình.
Trong kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật có đưa ra hình ảnh này: có một người lấy cục đá ném trúng con chó. Con chó không thấy người ném nó, chỉ thấy cục đá là tác nhân gây đau đớn cho nó. Nó kết tội cục đá và cắn xé, chửi sủa cục đá.
Qua hình ảnh trên, ta thấy việc bắt lầm tội phạm gây ra bi kịch trong đời. Nếu con chó có khả năng cắn xé cục đá tan thành tro bụi, liệu có hết hẳn tác nhân gây khổ đau cho nó chưa khi con người còn sống chung với nó? Nếu con người muốn thoát khổ, và kết tội ái dục nam nữ là tác nhân gây khổ, thì chẳng khác gì con chó kết tội cục đá. Việc lầm lẫn này dẫn đến vô vàng bi kịch như tiểu thuyết RUỒI TRÂU-Ethel Lilian Voynich trong xã hội loài người. Nếu cả nhân loại muốn thoát khổ bằng cách kết tội ái dục nam nữ, thì chắc chắn chẳng bao lâu trái đất này vắng bóng loài người. Có lẽ họ lên thiên đường cả.
Huyễn ngã là “ cơn khát không bao giờ thôi”. Hiện trạng này, kinh Phật gọi là tham. Khi chinh phục chiếm hữu thì có va chạm. Va chạm với quy luật của vũ trụ; va chạm giữa người và người, với ý thức, ý thức hệ, quốc gia, dân tộc, văn hóa, tư tưởng.v.v… nảy sanh mâu thuẩn, không hài lòng. Vì ta là quan trọng nên sân hận phát sanh. Nếu ta không quan trọng thì cái ngã sở sẽ chiếm hữu ấy có gì là quan trọng thì sân hận đâu có cơ sở để sanh.
Không hài lòng của một nhân vật quan trọng, cọng thêm ngọn lửa sân hận bùng cháy bên trong, thì sẵn sàng hủy diệt đối tượng ngăn cản cái ngã sở mình muốn chiếm hữu. Nếu không khả năng hủy diệt đối phương thì quay lại hủy diệt chính mình. Ngọn lửa tham sân, tự ái, mặc cảm, tự ti, không hài lòng... đốt cháy tâm can thân này; cùng cực nữa là tự tử. Trong khi thân này và đối tượng ấy là hiện thể của vũ trụ, con người không có quyền hủy diệt. Hiện trạng này, kinh Phật gọi là si.
Một khi chiếm hữu được nhiều cái ngã sở, thì cái tính chất ta là quan trọng càng bành trướng thêm, nhìn mọi hiện thể xung quanh ta không quan trọng bằng ta, nên sẵn sàng chà đạp, hoặc lợi dụng, hoặc thủ tiêu... tự cho mình là “cái rốn vũ trụ”, đến chết còn phải đình đám, xây lăng xây mộ cho hoành tráng mới cam chẳn hạn. Hiện trạng này, kinh Phật gọi là mạn.
Tham, sân, si, mạn hòa lại trong huyễn ngã tạo nên sản phẩm nghi. Sau cái chinh phục chiếm hữu là cái bảo vệ ngã sở đã chiếm được. Nghi là nghi ngờ, không tin bất cứ ai, bất cứ gì. Nhân vật Tào Tháo thời Tam quốc bên Tàu là một điển hình cụ thể. Vì chứng tỏ cái quan trọng của ta, ông chiếm hữu chinh phục đất đai, quyền lực, danh lợi, vị trí vị thế...sân hận giết chết biết bao nhiêu người, rồi đa nghi đa ngờ. Ngay cả vợ con, cận thần cũng chẳng tin người nào hết... và thần y Hoa Đà là nạn nhân của lòng đa nghi ấy. Bi kịch này nối tiếp bi kịch kia bất tận, khổ đau không nói hết được.
Thân kiến: là cái thấy thân này là ta vô cùng quan trọng. Vì huyễn ngã đồng nhất hóa với nó thành một.
Biên kiến: là cái thấy một bên, hoặc thấy thân này trường tồn hoặc mất hẳn sau khi chết. Kinh gọi là: chấp thường, chấp đoạn.
Kiến thủ: là nắm chặt khư khư cái thấy của mình qua ý thức phân biệt có được.
Giới cấm thủ: là nắm chặt, giữ chặt khư khư những giới cấm, những điều lệ để lập dị khác người, chứng tỏ ta, tổ chức ta cao quý hơn, quan trọng hơn người khác, tổ chức khác.
Tà kiến: là cái thấy dẫn đến tự tôn hoặc tự ti. Tự tôn là cho mình cao quý hơn, quan trọng hơn người khác, hiện thể khác. Tự ti là tự phủ định giá trị đích thực của mình, vốn là một hiện thể của vũ trụ. Cúi lạy van xin thế lực nào đó thỏa mãn thị dục huyễn ngã cho mình. Cúi lạy van xin thế lực nào đó ban cho những gì để thỏa mãn thị dục huyễn ngã của mình là hiện tượng tự ti, mà bản chất thực sự là tự tôn. Vì thế lực ấy là thành phần phục vụ cho mình, chứng tỏ là ta quan trọng hơn. Điều này đã chứa mâu thuẩn nội tại. Bi kịch chắc chắn xãy ra. Nên Đức Phật gọi hiện trạng này là tà kiến, chữ khác là si.
Có câu chuyện hài có thể minh họa cái mâu thuẩn nội tại này: Có một người nọ ở trong địa ngục. Một hôm, anh gặp được một người trước đây là hàng xóm với anh lúc ở dương thế. Lẽ ra trong hoàn cảnh này anh phải mừng lắm chứ. Không! Anh ta túm áo người đó lôi đến Diêm Vương và thưa: bẩm Diêm Vương, người này trước đây đã vay mượn của con số tiền rất lớn rồi quỵt luôn. Xin Ngài làm chủ trả lại sự công bằng cho con. Diêm vương hỏi người kia có sự việc ấy hay không; người ấy trả lời: Bẩm có ạ. Diêm Vương phán: bây giờ ta cho ngươi lên làm người và nó làm Oshin cho ngươi được không? Không ạ! - anh ta trả lời. Vậy theo ngươi muốn cho nó làm gì của ngươi thì ngươi mới hài lòng? Cho nó làm cha con đi ạ! Diêm Vương há miệng đứng hình luôn.
Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến là mười kiết sử trong kinh Phật. Kiết là cột chặt. Sử là sai khiến, tên khác là phiền não.
Mười kiết sử này bản thân nó gây khổ đau, lại còn tham gia trong việc sản xuất khổ đau. Nó vừa cột chặt thân này với khổ đau; vừa sai khiến thân này kiến tạo khổ đau.
Đến đây ta thấy đầy đủ những thành phần tham gia kiến tạo vòng xoáy cuộc đời, kiến lập xã hội loài người và sản xuất khổ đau.
Huyễn ngã đồng nhất hóa với thân này là một, sai khiến thân này- cụ thể là thân khẩu ý- hoạt động, hành động chinh phục chiếm hữu thế giới bên ngoài làm cái ngã sở, nhằm thõa mãn thị dục huyễn ngã. Khi vận hành, vòng tròn ấy phát sinh ra mười phiền não có khả năng vừa cột chặt ta vào vòng xoay đó, vừa khiến ta phải vận hành vòng xoay đó. Khi vòng xoay vận hành đã ẩn tàng sẵn cơ chế tham lam-sợ hãi và luôn luôn sản xuất tham lam-sợ hãi. Đây là vòng tròn khép kín, mổi thành phần tham gia có chức năng vừa là nhân vừa là quả. Đức Phật gọi vòng tròn này vận hành theo ‘cái tưởng’, “‘Ôi thế gian, cái tưởng bao trùm” - kinh Trung Bộ.
Tham lam-sợ hãi vừa là nhân vừa là quả, thúc đẩy vòng quay có tính liên tục và càng lúc càng nhanh, càng mạnh. Chính cơ chế này làm vòng quay không bao giờ dừng lại, và khổ đau không ngớt sản xuất ra đời.
Đức Phật sau khi thành đạo, đứng dậy đi. Lão tiều phu thấy Ngài có phong thái khác lạ, bèn hỏi:
- Có phải Ngài là thần không? - Không! Ta không phải là thần, nhưng nếu là thần thì là thần giác ngộ,
- Có phải Ngài là người không? - Không! Ta không phải là người, nhưng nếu là người thì là người giác ngộ.
Cứ thế, tiều phu hỏi mãi có phải...? Nếu chúng ta gặp Ngài như vị tiều phu nọ, ắt hẳn chúng ta sẽ hỏi nhiều hơn nữa và tra tấn Ngài bèn cách bu theo xin xỏ đủ thứ để thõa mãn thị dục huyễn ngã chúng ta. Nào là cho con khi còn sống thì mạnh khỏe, thân tâm an lạc, tiền của thật nhiều, vị trí vị thế tốt đẹp hơn người.v.v… khi chết thì cho con lên thiên đường vip nhất... ôi thôi là đủ thứ. Giả thử này nói ra nghe phì cười lố bịch; nhưng Ngài đã nhập diệt từ lâu mà ta cứ xin Ngài phóng ngọc hào quang xuống để thỏa mãn thị dục huyễn ngã của chúng ta. Buồn cười hơn, có cả đội ngủ công ty môi giới giữa chúng sanh với Đức Phật, hùng hậu phủ trùm quả đất phục vụ thõa mãn thị dục huyễn ngã của chúng ta.
Sau bốn chín ngày thiền định, Ngài đã vượt qua nỗi sợ hãi lớn nhất là từ bỏ ái ngã- dục ngã. Ngải đã rủ bỏ toàn bộ hệ thống do huyễn ngã-thị dục huyễn ngã dệt nên đè nặng tấm thân này. “Gánh nặng đã được đặt xuống”, và “Cái gì đáng được dựng lên đã dựng lên”.
Ngài đã dựng lên cái gì? Thật sự Ngài chẳng dựng lên cái gì cả.
Cái hệ thống vận hành bởi ý thức- ý thức hệ của huyễn ngã sai khiến tấm thân này đã được tháo xuống; đó là gánh nặng đã được đặt xuống. Cái thức vốn có của vũ trụ được bừng lên, đó là cái gọi là dựng lên. Thức ấy không mất bao giờ.
Cái thức ấy, kinh nguyên thủy gọi là ‘tự tịnh kỳ ý’, kinh phát triển gọi là Phật tánh chứa tố chất từ bi-trí tuệ, thiền tông gọi là bản lai diện mục, thiền sư Bankei gọi là tâm Phật bất sanh, duy thức học gọi là duy thức, kinh Hoa Nghiêm gọi là nhất thiết duy tâm tạo. Tâm tạo là thức này đây.
Chính thức này vốn có trong vũ trụ, không từ đâu sinh và cũng chẳng bao giờ mất. Nó tự do hoàn toàn, nên Ngài phủ định mọi hiện tượng của ý thức do sáu căn tiếp xúc sáu trần có được. Khi hỏi Ngài có phải là người không? Ngài đã phủ định rằng: Không! Nếu là người, thì là con người giác ngộ. Nếu hỏi mãi về hiện tượng thấy nghe được, thì ta có câu trả lời: một phủ định hiện tượng và một khẳng định bản thể chứa trong hiện tượng thấy được.
Đây là nguồn cảm hứng cho Kinh Điển Phát Triển Phật giáo phát sanh. Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Duy Thức, Lăng Nghiêm, Niết Bàn, Di Đà, Vô Lượng Thọ.v.v. đều triển khai cái thức này bằng nhiều hình thái ngôn ngữ khác nhau, nên có muôn vàng hình tượng Quan Âm, Thế Chí, Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng... Người mê muội tin và cố chấp hiện tượng, lạc lối vỡ mộng ráng chịu.Người trí vin hiện tượng ấy mà tìm ra bản thể thì như như Đức Phật. Ta khảo bài kệ này thì sẽ rõ: “Nhược dĩ sắc kiến Ngã, dĩ âm thanh cầu Ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai.” - kinh Kim Cang- Nếu (ai đó) vin vào sắc tướng, hình tượng mà thấy Ta, vin vào âm thanh mà thấy Ta, thì hành động của người ấy là lạc lối, không thể thấy Như Lai (người viết dịch).
Chữ Ta và chữ Như Lai là cùng một nghĩa bản thể. Nôm na ý kinh là: nếu ta cố chấp, bám víu, nắm chặt vào hiện tượng; thì chắc chắn ta bị kẹt nơi đó, không thể tìm về được bản thể vốn có của hiện tượng đó. Ví như, khi ta thấy một chiếc máy lạnh đang vận hành mát mẽ, ta cho đó là điện. Ta khư khư ôm chặt ý nghĩ đó rồi ôm khư khư cái máy lạnh và cảm giác dể chịu ấy; để rồi ta tin chắc và đi đến kết luận: điện cho ta hạnh phúc. Hiện trạng này Mỹ học gọi là lộn phạm trù. Cái Hài chắc chắn xãy ra. Đức Phật gọi là tà đạo, lạc lối. Cái Hài này, cái ngớ ngẩn ấy diển ra trong đời lắm lắm. Họ đã để quên nguồn tài nguyên lớn mà lẽ ra họ đáng có.
Lời tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Ta là Phật đã thành; chúng sanh là Phật sẽ thành” quả là không ngoa chút nào. “Như Lai thị chơn ngữ giả, thiệt ngữ giả, như ngữ giả, bất cuồng ngữ giả, bất dị ngữ giả.”. Kinh Kim Cang - Như Lai nói lời chơn chánh, lời chắc thiệt, lời đúng đắn, lời không phỉnh phờ, lời không sai khác. Chơn, thiệt, như, bất cuống, bất dị là những cấp độ ngôn ngữ diển tả cái như thật của lời nói Như Lai. Khả năng ngôn ngữ tối đa vậy thôi. Để hiêu thêm về “cái đáng dựng lên đã được dựng lên” và Như Lai là gì, chúng ta khảo sát thêm vài câu trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
“Thật vô hữu pháp Như Lai đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”- thật sự chẳng có pháp nào là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề mà Như Lai đạt được cả (người viết dịch). Như hòn đá đè lên ngọn măng, ngọn cỏ. Một khi đã tung hê cục đá, thì ngọn măng, ngọn cỏ ấy được mọc thẳng lên. Cây măng, cây cỏ là của vũ trụ, không phải của Ngài. Hiện trạng ấy là Như lai, là a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đức Phật chẳng dựng lên cái gì cả, cũng chẳng phát minh điều gì. Ngài chỉ để lại cách tung hê hòn đá, chấm hết!
Ai gọi Ngài là giáo chủ Phật Giáo đó là mị dân, có ý đồ không trong sạch, không phải là chơn ngữ, thiệt ngữ, như ngữ, bất cuống ngữ, bất dị ngữ! Nôm na là cái ‘tự tịnh kỳ ý’, cái Phật tánh từ bi trí tuệ của bản thể được sống dậy qua hiện thể thân ngũ uẩn của Ngài. Ngài đã sống trọn vẹn hoàn toàn với bản thể ấy. Ngài hoàn toàn không bị hệ lụy bỡi bất cứ ý thức - ý thức hệ, hay hiện tượng nào lãnh đạo, sai khiến, đánh lừa Ngài được. Ngài sống hoàn toàn với bản thể thanh tịnh chứa từ bi-trí tuệ. Nên Ngài vĩnh viển không bao giờ thiết lập tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức, ý thức hệ nữa, vì những cái đó đã được đặt xuống. Gọi Ngài là giáo chủ là phỉ báng Ngài và chắc chắn chẳng hưởng thụ những giá trị Ngài đã khổ công để lại.
“Như Lai giả tức chư pháp như nghĩa”- Như Lai là như nghĩa của mọi hiện tượng và bản thể (người viết dịch). Hay “ Như Lai giả vô sở tùng lai, diệt vô sở khứ”- Như Lai là chẳng từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu (người viết dịch). Chúng ta luôn cầu đến, cầu đi nên không phải Như Lai. Vậy thôi.
Quả đất có cần chủ nghĩa nào, ý thức-ý thức hệ nào lãnh đạo, sai khiến nó phải tự quay và quay xung quanh mặt trời? Chị Hằng cũng vậy, tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ này cũng vậy. Bao nhiêu lâu nay nó vẫn làm tốt nhiệm vụ của nó, mặc cho loài người giày xéo trên nó bao nhiêu thì nhiêu. Nếu hạt bụi không có từ bi trí tuệ, nó cứ mâu thuẩn, vô cảm như loài người chúng ta, thử hỏi làm sao nó kết lại thành quả đất cho ta đứng và tàn hại nó. Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta cũng vậy!
Nếu ta nhìn vào tự nhiên, thiên nhiên hay chính cơ thể của ta; mỗi hạt bụi, mỗi tế bào, mỗi nguyên tử, phân tử…đều tự biết làm nhiệm vụ của nó một cách chính xác không cần chủ nghĩa nào lãnh đạo sai khiến cả. Vì sao? Vì tự thể của mỗi cái đó đã ẩn tàng cái ‘tự tịnh kỳ ý’, cái Phật tánh từ bi-trí tuệ, nên nó biết đi đâu về đâu làm gì, không cần ai lãnh đạo cả. Đó là Như Lai.
Đức Phật đã trả lời những câu hỏi mà đám đông chúng ta nếu gặp Ngài sẽ hỏi: Ngài là ai? Làm sao tôi được như Ngài?
Ngài đã trả lời khẳng định với chúng ta bằng ngôn từ phủ định: “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”- kinh Kim Cang.
Vô ngã tướng: không thể có cái tướng hay cái tưởng nào mà cái ta có thể hiện hữu, tồn tại.
Vô nhân tướng: không thể có cái tướng hay cái tưởng nào mà có cái gọi là người, có thể hiện hữu, tồn tại.
Vô chúng sanh tướng: không thể có cái tướng hay cái tưởng nào là chúng sanh có thể hiện hữu tồn tại.
Vô thọ giả tướng: không thể có cái tướng hay cái tưởng nào gọi là sống-chết có thể hiện hữu hay tồn tại.
Vô ngã tướng là vô huyễn ngã, ở trên ta đã hiểu.
Vô nhân tướng là chẳng thể có cái thực thể chủng loại gọi là người được. Vì sao? Vì loài người chỉ mới xuất hiện trên quả đất này khoảng 400.000 năm. So với quả đất thì mới mẻ quá. Nếu nó là một chủng loại thật sự, thì ít nhất nó phải có mặt ngay thời quả đất; chỉ có tứ đại là có mặt đồng thời với vũ trụ thôi. Danh từ người, loài người là do huyễn ngã đặt ra bởi ý thức phân biệt mà có. Người là đối đãi khác chủng loại chó mèo, cây cỏ đất đá. Huyễn ngã vốn không thể hiện hữu, thì những khái niệm, định nghĩa của nó cũng không thể hiện hữu. Chỉ tạm gọi như thế trong xã hội loài người đối đãi với nhau thôi.
Ví dụ như ta có một thau bột, ta lấy khuôn in ra một mớ, ta gọi đó là bánh in. Ta lấy lá gói một mớ, gọi đó là bánh ít v.v...Danh từ người, chó mèo v.v…giống tên bánh in, bánh ít…vậy. Nếu nhìn trở về gốc gác nơi thúng bột thì chẳng thể có cái tướng hay cái tưởng bánh in, bánh ít tồn tại, hiện hữu được.
Hành động lấy khuôn in, lấy lá gói đó, trong quy luật vũ trụ Đức Phật gọi là duyên sanh. Bột trong thúng là những thực thể của vũ trụ.
Chúng sanh tướng là tướng đối đãi với chủng loại Phật, Thánh, Thượng Đế chẳng hạn.
Thọ giả tướng là tướng hay tưởng về thọ mạng, tức là tưởng có sống, có chết. Hiện tượng ta gọi là sống chết đó, kỳ thực là vận hành của vũ trụ. Vì huyễn ngã cố chấp ta vốn độc lập với vũ trụ nên tham sống sợ chết mà có ý niệm thọ mạng . Hiện tượng này chẳng khác gì bánh in sợ tan rã thành bột như lúc còn ở thúng. Cái thúng đây là vũ trụ. Giá trị gì hơn khi là bánh in mà chê bột ở thúng? Ta xem lại lời Chúa phán trong kinh Cựu Ước để hiểu thêm vì sao cái tướng, cái tưởng về thọ mạng của chúng ta là không thật: “...cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” Chúa phán rõ ràng như thế, ấy mà huyễn ngã cứ chống lại bằng cách lập ra các tôn giáo để xin xỏ chứng minh “tôi không phải là bụi”. Rõ khổ!
Để minh họa cho hình ảnh thúng bột do nhân duyên hình thành đủ loại bánh; tức là đủ thứ hiện tượng trên thế gian này, ta nghe câu kệ trong kinh Hoa Nghiêm: ”Nhược nhơn dục liểu tri tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo.” - Nếu con người muốn biết rõ ba đời hết thảy chư Phật, thì nên biết cái tánh của mọi hiện tượng trong vũ trụ, hết thảy hình thành nên từ tâm.
Như vậy ba đời chư Phật và mọi hiện tượng trong vũ trụ này đều mang tố chất ‘tâm’ này. Phật và mọi hiện tượng trong vũ trụ này là nhất thể. Bánh in, bánh ít, bánh gì gì cũng là nhất thể, không sai khác; nên không thể có cái quan trọng hay không quan trọng. ‘Tâm’ là ‘tự tịnh kỳ ý’, là Phật tánh, là từ bi-trí tuệ vốn có sẵn trong ‘thúng bột’ vũ trụ.
Như vậy, khi nào con người còn phân biệt và hệ lụy trong khái niệm: ta là người, là chúng sanh khác với Phật, Thượng Đế, có thọ mạng sống chết; thì vòng xoáy cuộc đời nêu trên còn vận hành và sản xuất khổ đau.
Nếu ta thấy bánh in và bánh ít tranh nhau ai quan trọng hơn ai, để rồi tạo khổ đau thì ta buồn cười. Cũng vậy, Đức Phật giác ngộ bản thể cái tạo nên mọi hiện tượng trong vũ trụ này giống như ta thấy thúng bột vậy. Bánh in, bánh ít tranh nhau ai quan trọng hơn ai là chúng ta hiện tại đây. Chúng ta luôn cố chiếm hữu thế giới bên ngoài; chiếm hữu luôn Đức Phật, Thượng Đế, Thần Thánh...bằng cách lạy lục van xin những gì huyễn ngã muốn để thỏa mãn thị dục huyễn ngã. Điều này chẳng khác gì bánh ít lấy lá gói bên ngoài rồi chê bánh in ở truồng vậy.
Ta cười bánh in bánh ít ngu si vô minh, nhưng nào ta dám nhận sự ngu si, vô minh của ta hằng ngày.
Tóm lại, qua cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và giáo lý Ngài để lại, ta có thể nhận chân ra mọi hiện tượng trong vũ trụ đều mang một thể tánh bất sanh bất diệt. Thể tánh ấy vốn thanh tịnh, gọi là ‘tự tịnh kỳ ý’. Thể tánh ấy có tính yêu thương-hiểu biết (từ bi-trí tuệ) gọi là Phật tánh. Mọi hiện tượng có khác nhau, có biến đổi, nhưng thể tánh ấy không bao giờ thay đổi.
Nếu chúng ta không biết tự trọng và tôn trọng bất cứ mọi hiện thể khác một cách tuyệt đối, thì chúng ta vận hành vòng xoáy cuộc đời nêu trên. Khổ đau tất yếu xãy ra.
Nếu chúng ta nhận chân ra giá trị tuyệt đối của chúng ta và giá trị tuyệt đối mọi hiện thể trong vũ trụ, thì chúng ta sẽ tôn trọng, yêu thương-hiểu biết và có thái độ đúng đắn không cần ý thức- ý thức hệ nào lãnh đạo, hay sai khiến cả. Huyễn ngã-thị dục huyễn ngã sẽ không tồn tại.
Cuộc sống trở về đúng lời nguyền của Chúa: “loài người phải đổ mồ hôi trán để có cái mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là tro bụi, ngươi sẽ trở về bụi”. Đó là con đường tự do tuyệt đối, giá trị tuyệt đối của con người. Chúa ưu ái dành cho con người, ấy thế mà thân này cõng cái ta chống lại, lập ra muôn cái rắc rối phức tạp gây rối cuộc đời này.
“Giá trị thật sự của con người phải được xác định theo chiều hướng được tự do và không tùy thuộc bất cứ ai”- Albert Einstein.
Con người ai ai cũng lao động chân tay hoặc trí óc để có cái mà tồn tại và sống. Khi nào trở về đất, như bánh in trở về thúng bột, không có gì để tham lam-sợ hãi. Ai ai cũng tự trọng và trọng mọi hiện hữu xung quanh, sống với lương tâm vốn có của mình, không chạy theo cái huyễn ngã xúi dục sai khiến thân này hành động hoạt động chinh phục chiếm hữu, thì thế giới sẽ hòa bình, chúng sanh sẽ an lạc. Lúc ấy, chính quyền, triết gia, triết học, tôn giáo...những thành phần mang tính vốn ‘không thể hiện hữu’ đã hết nhiệm vụ trấn an, an ủi, ổn định đống bùi nhùi do huyễn ngã gây ra. Khung trời tự do lồng lộng đến tận ‘Thiên đình’.
Bánh Ít, bánh In nhận ra giá trị thực của mình không ở khuôn hình hay vỏ bọc, thì vấn đề ai quan trọng hơn ai chỉ là kỉ niệm được kể khi trà dư tửu hậu.
Trường Dũng-2016
No comments :
Post a Comment