HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam triển hạn giấy phép
dò tìm dầu khí cho một công ty Ấn Độ ở khu vực thềm lục địa của Việt
Nam nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền theo cái gọi là đường “Lưỡi
Bò.”
Hành động vừa kể cộng với những tin tức gần đây nói Việt Nam chuẩn bị
khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh (lô 118) ngoài khơi Quảng Nam và dò
tìm dầu khí tại lô 136-03 khu vực bãi Tư Chính, đã làm Bắc Kinh tức
giận.
Hôm 20 Tháng Sáu vừa qua, Thượng Tướng Phạm Trường Long,
phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đã cùng phái đoàn đột ngột
rời Hà Nội bỏ về nước sau khi đã gặp một loạt bốn nhân vật đứng đầu hệ
thống chính trị và quân sự của Việt Nam, mà không tham dự chương trình
“Giao lưu biên giới” giữa quân đội hai nước từng được chuẩn bị cẩn thận
từ nhiều tháng trước. Ông áp lực Hà Nội bỏ kế hoạch khai thác dầu khí
tại lô 118 và 136 vì vướng tranh chấp “Lưỡi Bò,” theo một số nguồn tin
quốc tế.
Việc Việt Nam triển hạn dò tìm dầu khí cho công ty Ấn Độ vào lúc đang
có sự khó chịu của Bắc Kinh với Việt Nam được nhiều nhà phân tích thời
sự dự báo có thể gia tăng căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc và khu
vực Biển Đông sẽ bất an hơn.
Theo tin tức, Việt Nam triển hạn thêm hai năm cho công ty dầu khí
ONGC Videsh của Ấn dò tìm tại lô 128 trong một lá thư gửi đến cho chính
phủ Ấn hồi tuần qua. Cũng tương tự như lô 118 mà công ty Mỹ Exxon-Mobil
đổ ra $10 tỷ chuẩn bị khai thác khí đốt, lô 128 cũng có một phần bị
vướng cái vạch “Lưỡi Bò” của Trung Quốc vắt qua.
Tháng Bảy năm ngoái, Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague, Hòa Lan,
phán quyết đường chín đoạn nối lại giống hình “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc
ngang nhiên tuyên bố chủ quyền là vô giá trị. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên
bố không chấp nhận phán quyết và vẫn ngang nhiên coi hơn 80% Biển Đông
trong phạm vi “Lưỡi Bò” là của mình. Thậm chí, lãnh đạo của Bắc Kinh còn
ngang ngược tuyên bố vùng biển này là của họ “từ thời cổ xưa.”
Một viên chức cao cấp của công ty ONGC Videsh giấu tên nói với hãng
thông tấn Reuters rằng lợi ích của lô 128 có giá trị chiến lược nhiều
hơn là thương mại. Họ cho rằng khai thác dầu khí chỗ này được đánh giá
là có nguy cơ cao trong khi tiềm năng cũng chỉ trung bình.
Viên chức giấu tên tiết lộ rằng “Việt Nam muốn chúng tôi đến đó vì Trung Quốc lấn chiếm trên Biển Đông.”
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông vốn đã kéo dài nhiều
thập niên nhưng gần đây càng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn từ khi Bắc
Kinh bồi đắp bảy bãi đá ngầm cướp của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa
thành bảy căn cứ quân sự khổng lồ, quy mô tối tân trên Biển Đông. Nhiều
nhà phân tích tin rằng các căn cứ này phối hợp với các căn cứ tại quần
đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam sẽ giúp Bắc Kinh khống chế toàn bộ khu vực
Biển Đông.
![]() |
Hệ thống ống dẫn khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh sẽ được đưa vào trực tiếp khu kinh tế Chu Lai, Quảng Nam. (Hình: Báo điện tử Zing) |
Hồi tuần qua, khi đến New Delhi cùng với đại diện các nước ASEAN khác
tham dự cuộc họp do Ấn Độ mời, ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm
ngoại trưởng CSVN, nói rằng Việt Nam hoan nghênh Ấn Độ đóng vai trò lớn
hơn tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Biển Đông. Mối quan hệ nhiều
mặt giữa Hà Nội và New Delhi gồm cả quân sự và chính trị ngày một phát
triển hiển nhiên làm Bắc Kinh khó chịu.
Ấn đã cấp $500 triệu tín dụng cho Việt Nam đóng một số tàu tuần tra,
huấn luyện giúp Việt Nam phi công khu trục, lính và sĩ quan tàu ngầm.
Không có nước Đông Nam Á nào khác được Ấn ưu đãi như vậy.
Trong tuần qua, theo báo Thanh Niên, tàu tác chiến cận duyên của Mỹ
USS Coronado đến Cam Ranh huấn luyện cho Hải Quân Việt Nam một số kỹ
năng về quân y, cứu hộ trên biển, an ninh hàng hải và thực hành Bộ Quy
Tắc Ứng Xử cho những cuộc đụng độ ngoài ý muốn trên biển.
Chương trình kéo dài năm ngày từ ngày 5 đến 10 Tháng Bảy chỉ ít ngày
sau khi một khu trục hạm trang bị hỏa tiễn dẫn đường đi vào bên trong
phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. (TN)
No comments :
Post a Comment