![]() |
Bản đồ biển đông |
Các nhà bình luận và phân tích nhận định rằng nếu thực sự Việt Nam đã
yêu cầu công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí ở vùng biển
tranh chấp trên Biển Đông sau khi nhận lời đe dọa từ Bắc Kinh, thì điều
này vô cùng bất lợi đối với Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã ‘lùi bước’ và
tỏ thái độ ‘hèn nhát’ trong vụ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Từ Melbourne, Australia, bà Ann Đỗ, một người theo dõi sát vấn đề
Biển Đông từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nói với VOA-Việt ngữ:
“Nếu Việt Nam lùi hay rút lui dự án này do sợ sự đe dọa vũ lực của
Trung Quốc thì có nghĩa là Việt Nam đã thua hoàn toàn về mặt xác lập chủ
quyền của mình.”
Talisman-Vietnam là công ty con thuộc tập đoàn năng lượng Repsol của
Tây Ban Nha. Trước đây trong tháng này, công ty đã bắt đầu khoan thăm dò
ở một vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilomet.
Hôm 24/7 BBC dẫn một nguồn giấu tên nói rằng Hà Nội mới đây đã ‘ra
lệnh’ cho công ty rời khỏi lô Lô 136-03, theo cách đặt tên của Việt Nam,
phía Trung Quốc gọi lô này Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei 21). Đây là khu
vực nằm trong đường “chín đoạn” do Trung Quốc vạch ra và tuyên bố chủ
quyền.
Theo nguồn tin của BBC, hồi tuần trước Bắc Kinh đã cảnh báo Hà Nội
rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu
hoạt động khoan vẫn tiếp tục tại địa điểm này.
Bà Ann cho biết dự án khai thác tại lô 136-03 đã trì hoãn trong ba
năm qua và vừa rồi được Repsol tái khởi động, thuê tàu khoan nước ngoài
và triển khai dự án vào tháng trước.
“Dự trù Repsol đã bỏ ra 300 triệu đôla cho mỏ này. Nếu khai thác
không thành công thì buộc phía Việt Nam đền bù hợp đồng và uy tín hợp
tác sẽ suy giảm. Phía Việt Nam cũng muốn đẩy tốc độ khai thác dầu khí để
tăng nguồn thu ngân sách. Thu thì chưa thấy, bây giờ thấy thiệt hại
trước mắt – vì khả năng đền hợp đồng rất là cao.”
Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận tin của BBC.
Hôm 25/7 giáo sư Carl Thayer nói với VOA rằng vào ngày 15/7 ông được
một nguồn tin đáng tin cậy từ Hà Nội cho biết Việt Nam đã chỉ đạo một
công ty con của Repsol ngừng khoan dầu tại lô 136-03 trên Biển Đông.
Hôm 23/7, nhà báo độc lập Trương Huy San ở thành phố Hồ Chí Minh đã
dự báo “có thể Repsol sẽ phải ngưng mọi hoạt động ở đây vì các sức ép
đến từ Trung Quốc,” và ông nhận định rằng “nhưng lần này thì có vẻ như
Hà Nội đang đơn độc.” Tuy nhiên, ông không cho biết nguồn đưa tin dự báo
này.
Nhà báo độc lập có bút danh Huy Đức viết: “việc Hà Nội cho Repsol
khoan thăm dò ở lô 136-03 không chỉ như một dự án khai thác dầu-khí đơn
thuần mà còn để khẳng định chủ quyền của VN ở vùng biển này.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng nên chờ một thời gian nữa
để đánh giá xác thực thông tin do tác giả BBC Bill Hayton đưa. Tuy
nhiên, ông nói nếu đúng như thế thì việc này cho thấy sự hèn nhát của
Việt Nam:
“Nếu đúng như thế thì đây là một hành động hèn nhát. Nhưng vì thiếu
thông tin, nên chúng ta không nên đánh giá một cách vội vã như vậy. Cũng
có những tin nói rằng việc thăm dò đã kết thúc, đã thu thập được đầy đủ
dữ liệu, xong việc rồi thì rút. Nếu đúng như vậy thì chúng ta lại đánh
giá khác đi.”
Trao đổi với VOA, Facebooker Quốc Võ nói: “không phải do việc Việt
Nam cho dự án của Repsol rút lui, mà là bị áp lực từ phía nào đó, có thể
từ phía Tây Ban Nha và Repsol, dù rằng trên danh nghĩa là Việt Nam bỏ
theo như báo chí loan.”
Ông cho biết thêm rằng Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy
Trung Ương Trung Quốc, vào tháng trước đã đột ngột cắt ngắn chuyến thăm
Hà Nội sau khi thăm Madrid, nơi đặt trụ sở của tập đoàn Repsol
Exploitation. Tướng Long là người đã nói với phía Việt Nam rằng “các đảo
trên biển Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa.”
Ông Quốc Võ nói: “Ai là người chủ động đã gây ra vụ này, trong khi
báo chí nước ngoài loan tin này trước, chứ không phải báo chí lề phải
trong nước?”
Nhà quan sát Ann Đỗ, người thường xuyên trao đổi thông tin với nhà
báo Bill Hayton của hãng tin BBC, nhận định rằng việc Việt Nam rút dự án
này cho thấy sự bất lực của chính quyền do Đảng lãnh đạo trước sự hung
hăng bá quyền của Trung Quốc:
“Dân chúng sẽ thấy Đảng và Chính phủ không còn khả năng bảo vệ quốc
gia và lãnh thổ được nữa. Chính họ cũng cảm thấy bất lực trước sự hung
hăng của Trung Quốc.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói các nhà bình luận cũng nên thận trọng
trong việc đánh giá hành động của Việt Nam khi thông tin chưa thật sự rõ
ràng, đặc biệt trong tình cảnh khó lường ở Biển Đông:
“Trong tình hình thông tin chưa thật rõ ràng và đầy nhạy cảm, khó
lường giữa các cường quốc trên Biển Đông, nhất là với sự hung hăng của
Trung Quốc và khả năng có thể xảy ra các cuộc đụng độ, thì chúng ta nên
thận trọng trong việc đánh giá.”
Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook: “Việc khẳng định chủ quyền
vùng thềm lục địa cho đến nay được Việt Nam thực hiện khéo léo qua ký
kết và thực hiện các hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty khai
thác dầu phương Tây.”
Nay trước áp lực và đe dọa tấn công từ Bắc Kinh, nhà nước Việt Nam
đành yêu cầu tập đoàn Repsol dừng khai thác mỏ dầu nhiều tiềm năng mà có
người cho là nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, khả năng bảo vệ
chủ quyền trong chính sách Biển Đông hiện tại có vẻ như khó có thể thực
hiện, theo kết luận của luật sư Lê Công Định.
VOA
No comments :
Post a Comment